Mừng chăng cho nhân dân Việt Nam

 

Hoà thượng Thích Huyền Quang, lãnh đạo Giáo hội [Phật Giáo] Việt Nam Thống nhất, bị quản chế ở Quảng Ngãi, sau thời gian ra Hà Nội chữa bệnh, chiều 2 tháng 4 năm 2003 đã được thủ tướng Phan văn Khải tiếp thân mật và ân cần thăm hỏi tại văn phòng Chính phủ. Tin này được đưa lên đầu buổi Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, được đăng trên trang nhất báo Nhân Dân và một số báo khác. Sự kiện đột biến ấy làm xôn xao dư luận trong nước và quốc tế. Một số người quan tâm thời cuộc đã vượt qua nỗi sợ bị dò xét hay ngăn trở, đến chia sẻ và tham vấn ý kiến bình luận của tôi.

Phải chăng đây là sự khởi động tích cực của nghị quyêt "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" " (*) do Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ban bố ? Phải chăng chúng ta đang bắt đầu thực hiện lời kêu gọi của tổng bí thư Nông Đức Mạnh: "... chúng ta cần làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau ngày càng được giảm thiểu" (trích Bài nói của TBT Nông Đức Mạnh tại Hội nghị Trung ương 7) (**). Làm rất nhiều, theo Tổng Bí thư, trên cơ sở "tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung, xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau" (**). Làm rất nhiều, trên cơ sở nhận thức rằng: "Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc ..., được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu" (*).

Tiếc rằng thời gian qua, đặc biệt là gần đây, sự nghiệp đại đoàn kết của cả dân tộc không những không được củng cố mà còn bị gây sứt mẻ, thậm chí bị phá hoại nghiêm trọng. Cho nên "khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới" (*). Có tình trạng đó vì "Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất bình trước những bất công xã hội và tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng ..." (*). Có tình trạng đó căn bản còn vì các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước không những không được xem là có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà còn bị ngang nhiên xâm phạm.

Điều 53 của Hiến pháp quy định "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân". Nghị quyết Đảng cũng nêu rằng: "Đối với những vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng của đất nước, cần có những hình thức thích hợp để nhân dân tham gia ý kiến ... bảo đảm để nhân dân có thể thẳng thắn bầy tỏ được ý kiến đóng góp. Khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau, tránh chụp mũ, áp đặt" (*).

Nhưng, Hiến pháp cứ một đằng, Nghị quyết Đảng cứ một đằng mà thực tế cứ làm một nẻo. Khi có ý kiến trái ngược (Trong cuộc sống, việc nẩy sinh ý kiến trái ngược là chuyện thường tình. Cái mới tích cực nẩy sinh được, chân lý muốn được tiếp cận nhanh chóng thường phải qua sự cọ sát của các ý kiến trái ngược) , thậm chí chỉ mới khác ý cấp trên là đã bị chụp mũ, áp đặt rất nguy hiểm. Người ta sẵn sàng chụp cho người này, người kia (kể cả tướng Trần Độ, nguyên trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chính uỷ Quân Giải phóng Miền Nam, huân chương Hồ Chí Minh) đủ các loại mũ "phản" và "chống": "phản bội", "phản Đảng", "phản động" ; "chống chủ nghĩa xã hội", "chống nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" vân vân và vân vân. Bộ luật Hình sự nước ta trước đây có quy định tội "tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội". Sau những phản ứng rất có lý lẽ của tôi qua bài "12 ngày tuyệt thực trong trại giam B14", điều quy định đó được đổi thành điều 88 trong Bộ luật Hình sự mới: "Tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN".

Tuy nhiên, để gán ghép được một người vào tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN đôi khi rất phức tạp, đặc biệt là với những người đã phát biểu chính kiến một cách rõ rành, công khai bằng văn bản trong công luận. Thế là ai đó đã đưa ra "sáng kiến" gán ghép tội gián điệp theo điều 80 Bộ Luật Hình sự cho tất cả những ai thấy cần phải gán ghép. Vì cứng đầu. Vì không trị được về mặt lý luận. "Sáng kiến" này liền được áp dụng tràn lan vì nó dễ lợi dụng quá, nó mù mờ quá. Cứ nói gián điệp thì ai cũng ghét, cũng sợ, cũng có thể tin vì làm sao mà biết được những gì bí mật trong đó. Cựu chiến binh chống Mỹ Nguyễn Khắc Toàn đưa giúp thư kháng cáo của người dân (trong đó có cả gia đình thương binh liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng) lên intơnet bị kết tội gián điệp. Thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn dịch tài liệu "Thế nào là dân chủ" lấy từ trên mạng của Đại sứ quán Mỹ ... cũng có thể bị quy là gián điệp. Rồi Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Vũ Bình (có thể cả Trần Dũng Tiến nữa chăng ?), người từng là phóng viên Tạp chí Cộng sản, người từng vào sinh ra tử, từng làm chính uỷ kỳ cựu, từng đảm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, được phong đại tá từ rất sớm ... đều là gián điệp. Họ làm gián điệp nhưng chẳng ai giữ bí mật. Chẳng những thế lại còn viết bài ký tên thật, công khai tán phát, phổ biến ý kiến của mình, thậm chí thẳng thừng công kích lãnh đạo một cách có phần hơi quá nặng lời. Họ làm gián điệp mà không ai hề nhận được nhiệm vụ giao từ chính quyền nước ngoài nào cả. Họ bị la lối om xòm nhận tiền nước ngoài nhưng trong khoản 200 triệu (tiền Việt Nam) của đại tá Phạm Quế Dương có hơn trăm triệu là tiền thưởng của một tổ chức quốc tế, ngoài ra có thể là tiền nhuận bút ... Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn chỉ mới mở tài khoản, chưa hề nhận tiền từ đâu cũng bị suy diễn, áp đặt ...

Người nào đưa ra cái "sáng kiến" gán ghép tội gián điệp theo điều 80 Bộ luật Hình sự để nhanh chóng được áp dụng bừa bãi như thế không biết có được khen thưởng, được thăng quan tiến chức không nhưng chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét, bị lương tâm đầy đoạ, bị lớp người sau phỉ nhổ . Bởi vì nó tàn nhẫn quá, dã man quá !

Trong một đoạn trích Nghị quyết trên kia tôi đã tự ý cố tình gạch chân mấy chữ pháp luật của Nhà nước nhằm lưu ý độc giả về tình trạng chúng ta, đặc biệt là các cơ quan công quyền, vi phạm pháp luật nhiều quá. Nhất là thời gian gần đây:

Các phiên toà xử cử nhân luật Lê Chí Quang, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn ... đều là án hình sự. Tuyên bố xử công khai, nhưng hàng xóm, người thân, họ hàng, kể cả em gái ruột, không một ai được vào dự.

Hiến pháp ghi rõ: "Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật" (trích điều 73, Hiến pháp 1992). Nhưng nhiều người, trong đó có chúng tôi, nếu không được xem là công dân tốt thì ít nhất vẫn là công dân bình thường như mọi người nhưng điện thoại đã bị cắt hàng năm trời. Điện thoại cá nhân bị cắt, điện thoại gia đình cũng bị cắt. Hỏi bưu điện, hỏi công an nhiều lần, tuyệt nhiên không ai giải thích lý do. Báo cáo thắc mắc lên nhiều cấp lãnh đạo, kể cả cấp lãnh đạo cao nhất, tuyệt nhiên không ai trả lời !

Bà vợ đại tá Phạm Quế Dương đi cùng chồng vào thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt khi chồng bị bắt. Bà liền bị giam vào phòng kín chỉ có 3 lỗ thông hơi qua 2 cửa sắt. Mặc quần áo tù, nằm sàn xi măng, ăn ngủ, đại tiện, tiểu tiện đêu một chỗ. Trước lúc bị giam, sau khi được thả và đến nay bà vẫn là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, chưa hề phạm tội. Hiến pháp nước ta thì quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật" (Điều 72).

Nhiều người có công với nước, trong đó có chúng tôi, chưa hề bị ra toà nhưng vẫn bị một vài tờ báo rêu rao là phản động. Trong khi ông Nguyễn văn Đàn (trú tại phường 5, Đông Hà, Quảng Trị) bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích, bị cơ quan công an ra lệnh truy nã nhưng chỉ vì báo Quảng Trị sơ suất gọi bị can Nguyễn văn Đàn là tội phạm nên đã bị toà án Nhân dân Thị xã Đông Hà tuyên buộc báo Quảng Trị và tác giả Nguyễn Hùng (sỹ quan phòng Công tác Chính trị Công an Quảng Trị) phải bồi thường danh dự cho ông Nguyễn văn Đàn 3 triệu đồng; thì ở đây, mặc cho chúng tôi phẫn uất kháng nghị lên mọi cấp chính quyền, tất cả đều làm ngơ. Thực ra, về thực chất, các tờ báo kia chỉ là loại báo lá cải, Tuy nhiên, vì chúng chính thức nằm trong hệ thống báo chí của Đảng nên mọi người đều hiểu có sự chỉ đạo từ đâu đó nhằm hạ nhục đối tượng, răn đe mọi người, cô lập chúng tôi.

Cho nên trong cuộc trả lời phỏng vấn, phóng viên một tờ báo nước ngoài hỏi tôi: "Nếu cần nói một câu thôi, thì ông nói gì ?" . Tôi trả lời: "Tôi chỉ mong ở nước tôi pháp luật được thực sự tôn trọng và bảo đảm thực thi đúng. Người dân cũng như Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan công quyền". Chúng ta thường viện dẫn dân chủ kiểu này, dân chủ kiểu kia, nhân quyền Phương Đông, nhân quyền Phương Tây ... Bất luận thế nào, hành động đạp lên pháp luật để chụp mũ, áp đặt, trấn áp, đầy đoạ dân chúng đều bị xem là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và thô bạo không thể không bị lên án quyết liệt. Kẻ ỷ quyền, cậy thế đàn áp lương dân sẽ bị người mạnh hơn trừng trị mà không ai đoái hoài. Đấy là luật quả báo, không thể tránh.

Điểm qua mấy sự việc trớ trêu, đau lòng để thấy nhiều sai lầm tồn tại quá lâu nhất thiết phải được chỉnh sửa; nhiều điều quá bức bối nhất định phải được cởi bỏ sớm. Sự kiện tiếp đón thân mật của thủ tướng Phan văn Khải đối với hoà thượng Thích Huyền Quang phải chăng nhằm đáp ứng điều này. Phải chăng một thời kỳ mới đang bắt đầu được mở ra ?

Sau buổi gặp giữa Thủ tướng Phan văn Khải và hoà thượng Thích Huyền Quang sẽ là những gì ?. Nói như tổng bí thư Nông Đức Mạnh "Chúng ta cần làm rất nhiều". Trước hết hãy giải quản cho hoà thượng Thích Quảng Độ, hãy xét lại các vụ án Lê Chí Quang và Nguyễn Khắc Toàn, hãy trả tự do cho đại tá Phạm Quế Dương, học giả Trần Khuê, bác sỹ Nguyễn Đan Quế, cựu quyết tử quân Trần Dũng Tiến, thạc sỹ-bác sỹ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình.

Một lần nữa, người viết bài này xin được nhắc lại Nghị quyết Đảng và lời Tổng bí thư:

"Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung, xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau" (**).

"Đối với những vấn đề lớn và đặc biệt quan trọng của đất nước, cần có những hình thức thích hợp để nhân dân tham gia ý kiến ... bảo đảm để nhân dân có thể thẳng thắn bầy tỏ được ý kiến đóng góp. Khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau, tránh chụp mũ, áp đặt" (*).

"Chúng ta cần làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau ngày càng được giảm thiểu" (**).

Hà Nội ngày 6 thỏng 4 năm 2003

Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 – Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu Giấy