Thế nào là định hướng đúng?

 

 

Trong 5 thành tựu lớn ghi trong dự thảo báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa VII, thì hai thành tựu nổi bật có thể biểu diễn bằng những số liệu cụ thể.

Một là:

"Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội, lần đầu tiên hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm". (1)

 

Hai là:

"Phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây, cô lập, tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng quốc tế". (1)

Chưa bao giờ trên đất nước ta niềm mơ ước "tứ hải giai huynh đệ" lại được hiện thực hóa tích cực như những ngày gần đây. Trước kia, dưới khẩu lệnh "Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại", vòng tay hữu ái giai cấp của ta dẫu giang rộng đến mấy cũng không vượt nổi kích cỡ của con số 81. Vậy mà,

"Đến nay nước ta có quan hệ ngoại giao với 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào nước ta. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho ta viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển...". (1)

Nhờ vậy, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tăng khá nhanh. Vốn đăng ký của các dự án được cấp giấy phép đã ở con số 18 tỷ USD.

Cho đến 1986, nếu kim ngạch xuất khẩu mới ở mức 439 triệu rúp + 350 triệu USD, thì năm 1995 đã tăng lên 4,7 tỷ USD, làm cho tổng kim ngạch 5 năm (1991-1995) đạt trên 16 tỷ USD, vượt chừng 20% so với kế hoạch.

Đúng như lời thủ tướng Võ Văn Kiệt:

"Việt Nam đơm hoa kết trái trên mặt trận đối ngoại tích tụ từ sự phát triển kinh tế năng động và sự ổn định của đất nước...". (2)

 

Được vậy là nhờ đổi mới đường lối đối ngoại của đảng, từ:

"tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc...", (3)

sang:

"đa dạng hóa và đa phương hóa, tranh thủ tối đa mặt đồng, hạn chế mặt bất đồng.... Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi...", (4)

và:

"Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". (4)

Thế giới quan của chúng ta đã được cải tạo để không chỉ nhìn thấy đen trắng, mà vươn tới khả năng nhìn được bảy màu của quang phổ chính trị quốc tế.

Khối lượng và mật độ thành tựu trên lĩnh vực ngoại giao của ta trong mấy năm gần đây lớn hơn toàn bộ các thi kỳ trước của đảng CSVN. Chỉ riêng việc liệt kê các thành tựu chính trong lãnh vực này đã thấy ngổn ngang:

"khôi phục quan hệ bình thường và phát triển sự hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; tăng cường quan hệ và đoàn kết hữu nghị đặc biệt với Lào; phát triển quan hệ với các nước láng giềng khác, các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước, từng bước đổi mới quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Đông Âu; mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực; bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ; thiết lập và mở rộng quan hệ với nhiều nước Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La Tinh". (1)

Phải chăng vì ngổn ngang như vậy mà cách sắp xếp của phần này trong Dự thảo chưa hợp lý và có chỗ hơi ngược.

Tuy còn phải bàn thêm, nhưng ít ra cách sắp xếp của thủ tướng Võ Văn Kiệt có phần hợp lý hơn khi ông nói:

"Các sự kiện mới là Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, ký kết hiệp định khung với Liên minh châu Âu (EU), bình thường hóa quan hệ với Mỹ...". (2)

Dẫu vậy, ngoại giao trong thời kỳ này có hạn chế rất cơ bản là chúng ta mới chỉ chủ yếu mở ra mối quan hệ về kinh tế, trong khi những đòi hỏi hội nhập với cộng đồng quốc tế lại bao gồm rất nhiều lãnh vực khác rất quan trọng như: thông tin, khoa học-công nghệ, chính trị, tư tưởng, giáo dục và đào tạo....

Để có thể hội nhập tốt hơn vào cộng đồng thế giới đặng

"tiếp tục tiến lên trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố khó lường hết được", (1)

 

ta cần nhìn các vấn đề quốc tế xác thực.

Không được minh bạch lắm khi Dự thảo viết:

"Các nước xã hội chủ nghĩa, các đảng cộng sản và công nhân, các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới kiên trì đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội". (1)

Các nước gọi là xã hội chủ nghĩa hiện nay đếm không hết mấy ngón tay trên một bàn tay. Lực lượng đã nhỏ nhoi vậy lại không thống nhất được như một lực lượng chính trị-kinh tế. Mấy thập kỷ gần đây, chính các lực lượng này lại thường gây chiến tranh, quấy động hòa bình thế giới: chiến tranh Trung-Xô, chiến tranh Trung-Việt, chiến tranh Việt Nam-Campuchia, chiến tranh Nga-Tsesnưi, nội chiến giữa các cộng đồng trong Liên bang Nam Tư cũ.... Hiện giờ là eo biển Trung Quốc-Đài Loan, biên giới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (Bắc) Triều Tiên, đảo nhỏ Cuba... đều là những điểm nóng nhức nhối của địa cầu.

Có thể cái điệp khúc "hoàn thành và hoàn thành vượt mức" đã từng được tung hô nhiều lần trong các báo cáo rất quan trọng của ta, nhưng lần này lời tuyên bố:

"lần đầu tiên hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu (về kinh tế) của kế hoạch năm năm"

trong báo cáo chính trị của ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa VII là một thực tế có tiếng reo vang của những con số chứng minh.

Trước đây, trong sự đùm bọc yêu thương và giúp đỡ tận tình của cả phe XHCN, đứng đầu là Liên Xô vĩ đại, tốc độ tăng trưởng bình quân của các kế hoạch năm năm trong điều kiện xây dựng hòa bình cũng chỉ đạt cao nhất là 6,4% ở thời kỳ 1981-1985. Thời kỳ 1986-1990 là 3,9%. Thời kỳ 1976-1980 chỉ có 0,4%.

Với kinh nghiệm truyền thống ấy, việc đặt chỉ tiêu 5,5 đến 6,5% cho mức tăng bình quân hàng năm về sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm năm 1991-1995 đã là táo bạo. Vậy mà năm năm liền, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ ngày càng cao để đạt được con số bình quân kỳ diệu: 8,2%.

Chính ông Risơt Enso, giám đốc điều hành của Tổ chức tiền tệ châu Âu cũng từng xác nhận

"Việt Nam đã đạt được thành tựu kinh tế ngoạn mục với mức tăng trưởng kinh tế cao và hạ thấp tỷ lệ lạm phát ở con số mà nhiều nước đang phát triển mơ ước",

và ông đã trao tặng chúng ta danh hiệu

"Nước quản lý kinh tế tốt nhất châu Á năm 1992".

Sau khi nêu thành tựu cùng các khuyết điểm yếu kém, bản báo cáo đánh giá tổng quát tình hình bằng hàng chữ đậm:

"Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng XHCN, tuy trong quá trình thực hiện có một số khuyết điểm, lệch lạc lớn và kéo dài dẫn đến chệch hướng ở mức độ này hay mức độ khác, ở nơi này hay nơi khác". (1)

Những mệnh đề này rất quan trọng vì không chỉ được sử dụng để biểu dương những con người, những hành động đúng, mà còn nhằm điều chỉnh các hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ tới.

Đáng tiếc rằng chính tại đây lại biểu hiện sự mập mờ rất lộ liễu. Điều này nguy hiểm ở chỗ nó sẽ tạo thời cơ cho những kẻ cơ hội, bọn gian hùng lợi dụng để khuynh đảo. Chúng thả sức truy chụp trù diệt hay tâng bốc bất cứ một việc làm nào, bất cứ một con người nào một cách hoàn toàn vô căn cứ. Bằng lòng, cùng phe cùng cánh thì chúng bảo "đúng định hướng xã hội chủ nghĩa". Trái ý, chúng quy kết ngay là tư bản, là kẻ thù. Thực tế đau lòng này đã từng dẫn đến cái chết của hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn không chỉ đồng bào mà cả đồng chí của chính những người Cộng sản ở nhiều nước XHCN, trong đó có nước ta.

Thật vậy, bản dự thảo báo cáo chưa nêu lên được, dù rất khái quát, những gì là đúng "định hướng xã hội chủ nghĩaở; những nơi nào, như thế nào là lệch lạc hay chệch hướng đến mức độ nào?

Phải chăng những thành tựu là kết quả của việc thực hiện "đúng định hướng xã hội chủ nghĩa"?

Vậy thì tại sao trước kia chúng ta không những chỉ định hướng mà đã từng giương cao ngọn cờ Mác-Lênin để "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" mà chưa bao giờ có được những thành tựu lớn lao đến thế. Trong khi đó, nhiều nước khác, cụ thể là các con rồng châu Á, thì định hướng khác hoàn toàn nhưng lại đã đạt được những thành tích tích rực rỡ hơn thế từ lâu rồi!

Trong các "Khuyết điểm và yếu kém" , có lẽ khuyết điểm

"Trong phát triển kinh tế nhiều thành phần, việc lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng vừa buông lỏng" (1)

dễ liên hệ hơn cả với sự quy kết về chệch hướng XHCN.

Ở đây, đối với kinh tế tư nhân, dự thảo báo cáo nêu lên hai mặt. Một mặt là chưa giải quyết tốt một số chính sách để khuyến khích kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng. Mặt khác, chưa quản lý tốt thành phần kinh tế này.

 

Đối với quốc doanh, chỉ thấy kiểm điểm

"Chậm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân". (1)

Kiểm điểm như vậy rõ ràng thiên lệch và từ đây không định ra được phương thức chỉ đạo nền kinh tế quốc dân phát triển tốt hơn.

Đúng là trong thời gian qua, do luật pháp chưa hình thành đầy đủ và chưa được thực thi nghiêm túc nên kinh tế tư nhân lợi dụng luồn lách buôn lậu, trốn thuế..., làm cho có lúc, có nơi, thị trường bị quấy đảo. Tuy nhiên, vừa mới được vực dậy sau những trận càn quyết liệt của các chiến dịch hợp tác hóa, cải tạo công thương..., lại bị đối xử chưa được bình đẳng lắm mà các doanh nghiệp tư nhân vẫn mọc lên như nấm. Dẫu còn sơ khai, manh mún, nhưng cho đến nay, trong nông nghiệp, kinh tế hộ giữ vai trò chủ yếu, và lực lượng kinh tế các thành phần ngoài quốc doanh đã chiếm tới 60% sản phẩm quốc nội (GDP).

Điều đó chứng tỏ sức sống của kinh tế tư nhân mãnh liệt chừng nào, tiềm năng kinh tế tư nhân lớn lao biết bao nhiêu!

Buôn lậu, trốn thuế... đâu chỉ là khuyết tật của kinh tế tư nhân. Nhiều lúc, nhiều nơi, các thành phần kinh tế nhà nước còn phạm các tội này lớn hơn, nguy hiểm hơn.

Trong khi các mặt hàng khác được thị trường điều tiết thích ứng với yêu cầu của xã hội, thì bảy mặt hàng (sắt, thép, xi măng, lương thực, xăng dầu, phân bón, điện) do nhà nhà nước độc quyền quản lý thông qua các doanh nghiệp nhà nước lại chập chờn ngấp nghé khủng hoảng và liên tục "sốt".

Tháng 3/1995, miền Bắc chịu áp lực cơn sốt gạo. Giá gạo tăng vọt từ 2.800đ/kg lên 3.800đ/kg trong vài ngày. Chính phủ đã khẩn cấp điều động 700.000 tấn gạo từ miền Nam ra. Cuối tháng 4/1995, giá xi măng tăng đột biến từ 900.000đ/tấn lên 1.400.000đ/tấn. Lúc ấy là sốt nóng. Hiện nay xi măng đang sốt rét do nhập ngoại quá nhiều. Điện tăng giá liên tục. Giấy cũng đã từng sốt cao vào cuối năm 1994.

Để xác định hiệu quả kinh tế, xin hãy nghe Phó tiến sỹ Nguyễn Văn Tri, trưởng ban kinh tế tỉnh ủy Thanh Hóa, phát biểu:

"Luật doanh nghiệp nhà nước qui định: 'Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý...'. Đúng ra, khi mới thành lập trước đây, nhà nước đã cấp 100% vốn cố định, 30% vốn lưu động cho mức vốn điều lệ doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, nói chung doanh nghiệp không được cấp vốn bổ sung (trừ một vài ngoại lệ vì lý do đặc biệt). Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước không những không bổ sung được vốn kinh doanh mà vốn ban đầu bị cạn kiệt dần do kinh doanh thua lỗ. Doanh nghiệp vẫn hoạt động, doanh số vẫn tăng, nhưng tỷ trọng vốn của nhà nước tham gia ngày càng thấp, vốn vay ngày càng nhiều. Khi ngân hàng chuyển đổi phương thức tín dụng, yêu cầu cho vay có phương án khả thi, có thế chấp, nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay tư nhân, tất nhiên với lãi suất cao hơn nhiều. `Phi vụ' nào thành công thì hiệu quả thuộc về `chủ vay' và `chủ nợ'. Trường hợp thất bại thì chủ sở hữu, tức nhà nước, phải gánh chịu. Tình trạng đó đang là nguy cơ làm cho năng lực tài chính của nhà nước vốn dĩ nghèo nàn càng trở nên cạn kiệt". (5)

Tại các doanh nghiệp nhà nước, người ta đem tài sản quốc gia và của cải nhân dân ra bán đi hoặc cho vay lòng vòng, thậm chí vay của nước ngoài để chia chác, làm giàu cá nhân hoặc tiêu xài phung phí.

Bộ trưởng Hồ Tế đã phải giải trình trước kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 1995 như sau:

"Nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, mất khả năng thanh toán với số tiền là 1476 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán tan rã không có khả năng thanh toán lên đến 1245 tỷ đồng. Những người gây ra nợ hầu như không còn làm việc nữa hoặc đã nghỉ hưu".

Năm 1995, Chính phủ phải è cổ ra để trả khoản nợ lớn đến 600 triệu USD do các doanh nghiệp vay của nước ngoài nhưng làm ăn thua lỗ, phá sản.

Nho nhỏ như công ty Sản xuất Dịch vụ Thương mại Quận 3 Sài Gòn (GESELCO), sau vài năm hoạt động, cũng làm lỗ 18 tỷ đồng, và ông quyền giám đốc 36 tuổi ở đây đã chiếm công vi tư khoảng 100 triệu đồng.

Tính đến 31/5/1995, công ty IMEXCO Sài Gòn đã tạo ra món nợ phải trả nước ngoài là 59 triệu 328 ngàn 219 USD. Trong đó, nợ gốc là 48,7 triệu USD, nợ lãi là 10,5 triệu USD, nợ quá hạn trên 37 triệu USD.

Cũng đến ngày đó, Công ty Lương thực Thành phố nợ 31 trệu 584 ngàn 317 USD. Trong đó, nợ gốc là 27,3 triệu USD, nợ lãi trên 4 triệu USD.

Sau khi tốn hàng trăm tỷ đồng của nhà nước, ngành dệt may vẫn phải bồi thêm 70 tỷ đồng nữa để cứu Liên hiệp dệt Nam Định khỏi sụp đổ thảm hại trong năm 1995. Hơn 300 hộ công nhân viên chức ở đây thường xuyên cơm cháo dứt bữa, làm cho cái thành phố "có bến đò Chè, có nhà máy dệt, có nghề ươm tơ" ấy cũng trở nên tiêu điều, buồn bã.

Trong khi lực lượng kinh tế các thành phần ngoài quốc doanh tạo ra tới 60% GDP, thì kinh tế quốc doanh chỉ đóng góp được khoảng hơn một nửa con số đó. Đã vậy, các con số thống kê doanh nghiệp nhà nước lại rất khó xác định là đúng đắn. Tình trạng lãi giả, lỗ thật rất phổ biến. Một công ty thuốc lá địa phương có năm nộp ngân sách được 52 tỷ đồng nhưng chính năm đó lại lỗ 3,5 tỷ và lỗ lũy kế là 7,7 tỷ đồng. Một nhà máy Bia nộp ngân sách 18,8 tỷ đồng nhưng lỗ trong năm là 3,1 tỷ đồng....

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là các bầu sữa tong teo của của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản.

Giám đốc một công ty Khách sạn-Du lịch hạng xoàng, doanh thu chỉ 1,8 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ riêng tiền chi cho hắn tiếp khách mỗi tháng mất khoảng 17 triệu đồng, trong khi lương bình quân của cán bộ công nhân viên làm việc cho hắn chỉ được 166 ngàn đồng/tháng.

Thu nhập của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung vừa thấp, vừa không công bằng giữa các đơn vị, giữa các lĩnh vực. Ngay trong từng đơn vị, việc phân phối cũng chưa gắn bó với năng suất lao động, nhất là ở các đơn vị gặp khó khăn. Trong khi công nhân phải nghỉ việc không có lương hoặc chỉ nhận được đồng lương chết đói, thì người có chức, có quyền vẫn chi tiêu xa hoa, lãng phí.

Vậy mà, sao vẫn phải "tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước" và gán ghép cho nó cái chỉ tiêu chiếm tỷ trọng 60% GDP?

Liệu có làm thế nào trong dăm năm tới đạt được chỉ tiêu đó không? Hay là, nó chỉ đạt được tỷ trọng đó khi GDP phải teo lại?

Liệu có ai thích cái cơ chế đó chỉ vì còn muốn lợi dụng nó để biến một số phần tử trong "giai cấp mình" thành những tên tư bản đỏ – những tên tư bản được đề bạt, được chỉ định, được bao cấp, được bảo vệ bằng chuyên chính vô sản? Chính những tên này không chỉ bóc lột dã man hơn mà còn đục ruỗng nền kinh tế tàn tệ hơn bất cứ loại tư sản nào!

Phải chăng chính vì vậy mà người ta ngụy tạo ra đủ thứ: kinh tế dân sự, kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế lực lượng vũ trang... nhằm khuấy đục cả xã hội lên để nuôi béo những con cò?

Không hiểu vì sao chúng ta lại cứ phải luẩn quẩn, tơ vương mãi với cái định đề rất mập mờ chất chứa trong bản thân nó đầy những mâu thuẫn không giải quyết được:

"Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng XHCN".

Nhiều người khuyên can rằng không nên duy danh định nghĩa làm gì. Các cụ nói "dzậy" mà không phải "dzậy" đâu. Thấy thế nào đúng thì cứ tự ý mà làm, đừng có bàn cãi rồi mang vạ vào thân.

Không thể như vậy được, vì đã danh không chính thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì hành không thể thông được.

Nhỡn tiền đã rõ đấy. Sở dĩ ta cứ phải ép buộc phát triển kinh tế quốc doanh chỉ vì phải định hướng XHCN. Mặc dù để cứu vớt sự sống còn, tình hình quá bức bách buộc phải thay đổi rất nhiều điều cơ bản và phải biến hóa gần như hoàn toàn khác rồi, nhưng ai đó vẫn ngoan cố không dám phủ định chính mình khi hơn một lần đã khẳng định:

"Công cuộc Cách mạng XHCN phải là một quá trình cải biến Cách mạng về mọi mặt nhằm đưa nền kinh tế chủ yếu dựa trên sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất tiến lên nền kinh tế XHCN dựa trên sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể". (6)

Thế vậy rồi cứ phải quanh quanh co co. Từ chỗ coi đặc trưng cơ bản của nhà nước XHCN là thủ tiêu phát triển kinh tế hàng hóa, đến chỗ phải thừa nhận kinh tế thị trường. (Mà, kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa phát triển ở trình độ cao). Buộc phải thừa nhận sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa nhưng lại vẫn cứ rào trước đón sau rằng: đất đai, nhà xưởng, hầm mỏ, cầu cống, sức lao động, chất xám không phải là hàng hóa, chúng không thể được sử dụng làm đối tượng mua bán tự do!

Sự lập lờ không rõ trắng đen, không ra tiến chẳng ra thoái đã trở nên rất nguy hiểm.

Nào phải chỉ trong lãnh vực đấu tranh chính trị, tư tưởng văn hóa, mà ngay trong lãnh vực kinh tế cũng có bao nhiêu bậc tài trí đã chết một cách oan uổng, tức tưởi. Điển hình là bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú: Kim Ngọc!

Đã nói rằng

"kinh tế thị trường có nhiều mặt mâu thuẫn với bản chất của XHCN", (1)

mà mâu thuẫn về bản chất tức là mâu thuẫn đối kháng rồi, thì làm sao có thể hợp sức để xây dựng nên một cái gì lành mạnh, tốt đẹp.

Sự lập lờ phải chăng là cần thiết để tạo cơ sở cho thói ngụy biện; cứ hễ những gì xấu, những gì sai thì đổ tội cho kinh tế thị trường; những gì làm đẹp lòng mọi người thì bảo là do định hướng đúng XHCN? Phép bùa này đã từng đi vào dân ca: "mất mùa là tại thiên tai, được mùa bởi có thiên tài đảng ta"!

Ông Đặng Tiểu Bình đã cứu cả xã hội Trung Quốc khổng lồ đang ì ạch suy thoái ra khỏi khủng hoảng với nguy cơ sụp đổ nhờ câu thần chú "mèo trắng, mèo đen miễn bắt được chuột". Ta vốn "sính" học tập Trung Quốc, nhưng ý chừng lần này lại muốn cải biến thành "bắt được chuột phải gọi là mèo trắng, vô dụng thì trắng, vàng, tam thể đều phải gọi là mèo đen".

Như vậy thì thật là nguy hiểm. Có thể sau một vài thành quả ban đầu, "kinh tế ngầm" sẽ nổi lên, Ma-fia đủ loại sẽ khống chế nền kinh tế và nguy hiểm hơn, xã hội mắc chứng loạn thị, trắng đen, phải trái bị lộn xòng, nền văn hóa cũng không còn là văn hóa.

Hãy nghe Khổng Tử nói: "Chính giả chính dã, tử suất dĩ chính, thực cảm bất chính?... Kỳ thân chính, bất lệnh như hành; kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tòng" (Chính trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, lấy ngay thẳng mà khiến người thì ai dám không ngay thẳng?... Mình ngay thẳng thì không sai khiến người ta cũng làm; mình không ngay thẳng thì có sai khiến cũng không ai làm theo).

*

 

Nên chăng, chỉ cần xác định đơn giản, rõ ràng, hợp lý hơn:  "Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước" với những định hướng cụ thể, thiết thực như sau:

- Dân giàu, nước mạnh, bảo đảm công bằng xã hội, tôn trọng tự do, dân chủ.

- Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, bảo đảm chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.

- Chấp nhận và phát huy những giá trị của thế giới văn minh trên cơ sở bảo vệ độc lập chủ quyền và bản sắc văn hóa của dân tộc....

- Văn minh hiện đại gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên và cảnh quan lịch sử của đất nước.

Ngày 1 tháng 5 năm 1996.

Nguyễn Thanh Giang

(Trích tạp chí Thế Kỷ 21. California, Hoa Kỳ, số 86, tháng 6-96)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Chú thích của tác giả:

(1)     Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH/TƯĐ khóa VII trình đại hội lần thứ VIII của Đảng CSVN.

(2)     Báo cáo của Chính phủ do thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa IX.

(3)     Báo cáo chính trị trình bày tại đại hội lần thứ VI đảng CSVN.

(4)     Báo cáo Chính trị trình bày tại hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII Đảng CSVN. (5) Nguyễn Văn Tri, tạp chí Thông Tin Lý Luận, tháng 1-96.

(5)     Nghị quyết của đại hội lần thứ III Đảng CSVN.