Thư gởi Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN ngày 20-11-1993

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1993

Kính gửi:

Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam

 

 

Sắp tới các đồng chí sẽ tiến hành Hội Nghị Đại Biểu toàn quốc. Dù chỉ là phiên họp giữa kỳ, nhưng do những đòi hỏi rất bức xúc của xã hội, nên đồng bào trông chờ Hội nghị này sẽ phải tạo một bước đổi mới quan trọng và cần thiết nữa như Đại Hội VI đã từng ghi được trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN).

Với sự trông chờ đó, tôi xin mạnh dạn trình bày mấy ý kiến để các đồng chí tham khảo:

I. Đánh Giá Tình Hình Xã Hội Việt Nam Hiện Nay:

 

Quá trình đổi mới vừa qua đã cho phép chúng ta gặt hái những thành tựu đáng khích lệ về mặt kinh tế. Do bước đầu hình thành được nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, đời sống kinh tế nước ta đã bắt đầu khởi sắc, đã tạo được mức độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh, có sự nhảy vọt trong kim ngạch xuất khẩu cùng với những tiến bộ kiềm chế lạm phát và những triển vọng về tín dụng, viện trợ và đầu tư nước ngoài.

Từ chỗ phải xếp hàng để mua một mớ rau đến chỗ có thể mua thịt, cá mà không cần tem phiếu; từ chỗ phải đăng ký mới được cho mua phân phối một chiếc chậu rửa mặt đến chỗ có thể tự do xây nhà, mở quán... ai cũng thấy rõ ràng đã có đổi mới về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, đời sống xã hội nói chung không được tốt đẹp. Xã hội tồn tại không dựa trên sự công khai và trung thực nên lòng tin bị hủy hoại ghê gớm. Sự ngụy tạo, dối trá lan tràn từ hoạt động thương mại sang hoạt động khoa học và giáo dục, từ cơ quan hành pháp đến cơ quan tư pháp....

Không biết có hoàn toàn sai hay không khi ai đó bi quan cho rằng thực trạng xã hội ta ngày nay chứa chất nhiều yếu tố xấu xa của các xã hội tư bản mà ta từng lên án?

 

So với các nước tư bản, nạn thất nghiệp ở ta không những vượt xa về số lượng và tỷ lệ, mà còn hết sức đáng phàn nàn về cơ cấu thất nghiệp. Không chỉ có người lười biếng, kém cỏi, mà cả thanh niên trai tráng, những người cần cù, thông minh và rất ham lao động, những tài năng thực sự, những trí tuệ rất đáng tôn trọng v.v... cũng bị thất nghiệp (1). Người lao động, kể cả chân tay và trí óc, bị rẻ rúng đến mức các ông chủ cứ mặc nhiên sa thải không cần tuyên bố, không cần bảo đảm những quyền lợi tối thiểu mà nhà nước tư bản thường buộc phải dành cho người thất nghiệp.

Những chỉ số về nạn mãi dâm, xì ke ma túy, cướp của giết người, tự tử, bắt bớ giam cầm trái pháp luật, trẻ em thất học và suy dinh dưỡng... đều thật đáng sợ.

 

Buôn lậu, tham nhũng đã thành quốc nạn ngày càng phát triển mà chưa thấy có khả năng kiểm soát. Người lao động bị bóc lột, hà hiếp mà không tìm được sự che chở của luật pháp, không có sự bảo trợ của chính sách xã hội v.v....

Dường như chúng ta chỉ mới tạo được một lớp váng kinh tế nhấp nhoáng trong khi đại bộ phận nhân dân vẫn bị ngụp lặn trong một môi trường ô nhiễm nặng.

Tình hình trên đòi hỏi một số chủ trương chính sách lớn phải được xem xét, bàn bạc với tinh thần nghiêm túc và thái độ thực sự cầu thị.

II. Về Sự Phân Chia Giai Cấp Và Phân Tầng Xã Hội:

 

Nghị quyết Đại hội VII và cương lĩnh năm 1991 vẫn tiếp tục khẳng định đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân; chủ trương phát triển giai cấp công nhân về số lượng và chất lượng để xứng đáng là giai cấp tiền phong; xây dựng giai cấp nông dân về mọi mặt để xứng đáng là một lực lượng cơ bản trong khối liên minh công nông....

Sự thực, trong nhiều năm qua, cơ cấu xã hội ở nước ta đã biến đổi rất phức tạp, nhưng ta vẫn phải kiên định khiên cưỡng bằng những mệnh lệnh hành chính, hoặc cố nén vào khuôn mẫu có sẵn của một cơ cấu xã hội giai cấp với những nhận thức đơn giản về chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Nếu theo vế thứ nhất của định nghĩa định kiến về giai cấp:

(giai cấp là những tập đoàn to lớn của những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định, khác nhau về quan hệ của họ đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội mà họ được phép hưởng),

thì ở ta bây giờ công nhân và nông dân không còn là giai cấp nữa. Do làm ăn thua lỗ, do biến động khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường chưa định hình, nhiều xí nghiệp kể cả tư doanh lẫn quốc doanh phải đóng cửa hoặc dở sống dở chết, nhiều công nhân bị sa thải, biến thành lao động bần cố hoặc lưu manh hóa. Một số, nhờ có trình độ tay nghề và kỹ năng, hoặc nhờ gặp may, được làm ở những xí nghiệp liên doanh có thu nhập cao hơn hẳn. Nói chung, họ không còn gắn bó với địa vị và quyền lợi của "giai cấp mình".

Nông dân ngày nay cũng tồn tại ở nhiều thành phần kinh tế khác nhau, có chế độ sở hữu và phương thức hưởng thụ khác nhau: hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, sản xuất cá thể, sản xuất tự cấp tự túc....

Trong khi đó, theo vế thứ hai của định nghĩa giai cấp:

(giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn nào có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ những tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định),

thì xã hội ta đang hình thành hai giai tầng (straite – một hình thái manh nha của giai cấp) chính. Rõ ràng đang có sự manh nha một giai cấp tư sản mới chủ yếu dựa vào các hoạt động buôn lậu và tham nhũng. Giai tầng này bao gồm các quan chức có quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành (chủ yếu ở hải quan, thuế vụ, ngân hàng, ngoại giao, hàng không) cấu kết chặt chẽ với bọn gian thương, lưu manh và với bè lũ bộ hạ cò mồi. Sau hơn sáu năm tung hoành ở các khâu mua bán hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, trốn thuế và vô hiệu hóa các cơ quan pháp luật, tầng lớp này đang phát triển và giàu có lên rất nhanh. Một tài liệu trong thống kê cho biết vốn lưu hành trong buôn lậu đã lên tới 24 triệu đôla Mỹ. Vậy là ở Việt Nam đang diễn ra một quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy rất tàn khốc. Phải chăng như thế có nghĩa nước ta đang đi vào chủ nghĩa tư bản hoang dại?

Quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và ngay trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, qui trình tích lũy tư bản ở các nước và ở Việt Nam trước đây, chủ yếu dựa vào tiến trình đầu tư sản xuất, từ đấy tạo nên tư bản, thông qua bóc lột giá trị lao động thặng dư. Trong khi đó, qui trình tích lũy tư bản nguyên thủy của tầng lớp tư sản mới ở Việt Nam hiện nay chủ yếu thông qua quyền lực và những thủ đoạn gian manh để cướp đoạt tài sản của nhân dân.

Giai cấp tư sản này sẽ chi phối đời sống chính trị và sẽ thống trị nhân dân ta. Điều đáng nói là nếu như giai cấp tư sản ở các nước và ở nước ta trước đây còn có chút tài năng về tổ chức sản xuất, kinh doanh, thì tầng lớp tư sản mới này chỉ có "tài" ăn cướp, móc ngoặc. Chúng sẽ tàn bạo hơn tư sản phương Tây rất nhiều. Thật là một tai họa cho dân tộc ta, hiện tại cũng như tương lai!

Ngay bây giờ, tầng lớp tư sản mới đã đang lũng đoạn ghê gớm nền kinh tế và góp phần tích cực phá hoại nền văn hóa dân tộc ta.

Do không thể kiên trì làm tư sản dân tộc, họ chạy đua trở thành tư sản mại bản. Họ không thể chỉ mua bán lòng vòng tài sản tập thể cho nhau mà còn bán cả tài sản quốc gia cho nước ngoài. Họ đào bới bừa bãi các vùng quặng mỏ. Họ chặt phá tan hoang các vùng cây xanh. Họ sẵn sàng nhập ồ ạt hàng ngoại vào chèn lấn và bóp chết tiểu thủ công và công nghệ trong nước. Tiền của phù du mà họ kiếm được một cách quá dễ dàng kích thích họ thả cửa ăn chơi làm lan truyền một lối sống trác táng, vô nhân bản, phi văn hóa trong xã hội.

Trong khi đó, những ai đang bị đẩy xuống tầng lớp nghèo khổ?

Không phải chỉ có những người lười biếng, vô nghề nghiệp. Trớ trêu thay là ở đây lại bao gồm những trí thức tài năng bị vô hiệu hóa, những cựu chiến binh từng rơi xương đổ máu, những người lao động chân chính không chức quyền hoặc không đảng, không cam chịu làm các trò ma giáo....

Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta là không tránh khỏi và đành chấp nhận. Đảng và Nhà nước chỉ nên có cơ chế kiểm soát và tiết chế nó. Nhưng, phân hóa giàu nghèo tạo nên do bất công và lại cùng góp sức tạo nên bất công thì không thể dung thứ.

Đáng tiếc là một số cán bộ ta rao giảng mập mờ rằng tham nhũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới, bất công là không thể tránh khỏi. Họ nói:

 

"Chúng ta phải lùi một bước về sự công bằng để tạo bước nhảy cho sự phát triển. Có phát triển mới có điều kiện để giải quyết công bằng xã hội".

Thì ra chỉ khi nào giàu lên rồi, thì mới thực hiện công bằng xã hội, mới sống có đạo lý được? Thế mà nhân dân ta thì đã từng bát cơm xẻ nửa hạt muối cắn đôi. Thế mà Hồ chủ tịch thì đã từng nói

"không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng".

Tham nhũng thì ở đâu cũng có nhưng có lẽ không đâu tràn lan, tai hại và bẩn thỉu như ở Việt Nam. Tham nhũng Việt Nam không chỉ là sản phẩm tiêu cực của kinh tế thị trường mà chủ yếu là do di sản của tệ nạn đặc quyền đặc lợi.

Phân hóa giàu nghèo và công bằng xã hội là hai phạm trù khác nhau. Hai phạm trù này có phần chồng lấn nhau nhưng có nguyên nhân tồn tại và cơ chế vận động rất khác nhau.

Ngay bây giờ phải ra sức đấu tranh chống lại một cách có hiệu quả những biểu hiện bất công trong xã hội và phải có biện pháp điều tiết tương đối hợp lý sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư.

 

 

III. Ổn Định Chính Trị Hay Ổn Định Xã Hội?

 

Nghị quyết Đại Hội VI nêu:

"Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế xã hội...".

Đại Hội VII xác định mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo trong năm nay là:

"Ổn định và phát triển kinh tế xã hội, tăng cường ổn định chính trị...".

Chính trị và kinh tế là hai hình thái biểu hiện của tồn tại xã hội. Kinh tế là nền tảng qui định kết cấu của các mối quan hệ qua lại giữa các giai tầng xã hội. Chính trị là sự tham gia vào các công việc của nhà nước, việc qui định những hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước. Những tư tưởng chính trị và những thể chế tương ứng với chúng là kiến trúc thượng tầng bên trên cơ sở hạ tầng kinh tế. Muốn cho chính trị có thể trở thành lực lượng cải tạo thì nó phải phản ảnh một cách đúng đắn những nhu cầu phát triển của đời sống vật chất của xã hội.

Quan hệ chính trị kinh tế là quan hệ hữu cơ, bởi thế không thể nào tách rời chúng mà không gây mất ổn định. Thật vậy, không thể hình dung tính đúng đắn của chủ trương tách rời hai bộ phận hữu cơ của một thực thể xã hội ra rồi một mặt đẩy mạnh phát triển kinh tế, một mặt tăng cường ổn định chính trị.

Thử xét với cơ cấu vi mô như trong một nguyên tử. Nếu qui ước thượng tầng là các vòng electron, hạ tầng kinh tế là các proton trong hạt nhân. Làm mất đi trạng thái vận động tương ứng của hạt nhân thì các electron hoặc sẽ nhảy bậc hỗn loạn trên các quĩ đạo hoặc sẽ bật ra ngoài nguyên tử.

Trong cơ cấu vĩ mô như hệ thống hành tinh của chúng ta cũng vậy. Giả thiết trái đất là hạ tầng kinh tế, bầu khí quyển là thượng tầng chính trị. Nếu bỗng dưng đẩy cho trái đất chuyển động nhanh lên và ghìm bầu không khí lại thì do hệ quả thuyết tương đối, cuồng phong sẽ nổi lên dữ dội, phá tan tành những gì tồn tại trên mặt địa cầu.

Trong cơ cấu xã hội con người cũng thế. Cải tạo, đổi mới kinh tế đòi hỏi phải cải tạo, đổi mới chính trị tương ứng thì mới giữ được ổn định xã hội. Chỉ tăng cường ổn định chính trị, tất sẽ dẫn đến phá vỡ ổn định xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, mỗi cơ sở kinh tế nhất thiết đòi hỏi một cấu trúc chính trị thích ứng. Mở rộng kinh tế thị trường tức là kết cấu lại các quan hệ giữa các giai tầng xã hội thì không thể nào không mở rộng những sinh hoạt chính trị phù hợp với cách kết cấu các giai tầng kinh tế mới.

 

Ghìm giữ chính trị ổn định mà chỉ thả cho kinh tế phát triển còn dẫn đến một thứ kinh tế chủ nghĩa.

Trong đảng vốn đã luôn luôn tồn tại bệnh ấu trĩ.

Trước đây ấu trĩ tả khuynh xui người ta giương cao khẩu hiệu

"Mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản".

Ngày nay ấu trĩ hữu khuynh lại giục người ta hô toáng lên:

"đảng viên phải biết làm giàu".

Tôi nghĩ rằng đảng viên có thể gồm người giàu, người nghèo, nhưng chủ yếu họ phải là những người có bản lĩnh là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà khoa học kinh tế, nhà khoa học công nghệ....

Đảng và Nhà nước cần tạo điều kiện cho bất cứ ai muứ ai muốn và ốn và có khả năng làm giàu đều có thể làm giàu. Nhưng, dứt khoát "làm giàu" không thể là mục tiêu đáng khích lệ nhất cho mọi người, đặc biệt là đối với đảng viên.

Chính kinh tế chủ nghĩa đang góp sức lại làm tha hóa xã hội Việt Nam một cách ghê gớm. Nó thúc đẩy sự nảy sinh các phản giá trị văn hóa với lối sống vật chất thấp hèn.

Ông Tổng Giám Đốc UNESCO, nhân thập kỷ thế giới phát triển văn hóa đã viết:

 

"Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời khỏi môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng, cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa, và tiềm năng sáng tạo của đất nước sẽ bị suy yếu đi rất nhiều".

Khổ tâm biết bao nhiêu khi các em nhỏ của ta ngày nay còn phải thay nhau học theo ca vào cả giờ trưa trong những lớp tối tăm, ẩm thấp mà gió bấc có thể lùa tứ phía, trong khi người ta ra sức đầu tư xây hết khách sạn sang trọng này đến khu vui chơi giải trí khác. Giáo dục không xuống cấp sao được khi nó chỉ được đầu tư vài đôla/ người/năm, trong khi chỉ ở các nước Đông Nam Á thôi, mức đầu tư đó cũng phải tới 100-200 đôla.

Khoa học thì không những chỉ xuống cấp mà còn lụi tàn. Một trong những niềm tự hào ít ỏi mà chúng ta gầy dựng được trong thời gian qua là đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật khá đông thì nay tan tác hết. Nếu trước đây các nhà khoa học muốn tiến thân phải lách vào đường quan lộ, thì nay, muốn nuôi thân họ phải "biết làm giàu".

Lực đẩy do sự rẻ rúng của các cấp lãnh đạo và lực hút của "mùi làm giàu nồng nặc"  đã buộc các nhà khoa học xếp sách, bỏ sự nghiệp để đi buôn. Nếu ai còn muốn "ở với lửa hương cho vẹn kiếp" thì chỉ có thể tồn tại bằng hai cách. Hoặc phải van nài bán chất xám rẻ mạt cho các ông chủ tư bản mới, hoặc phải xoay sở đăng ký cho được một đề tài, một chương trình nghiên cứu nào đó. Đề tài có được được chấp thuận hay không, không phụ thuộc vào tính thiết thực của nó và năng lực của nhà khoa học, mà phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất, anh có phải là người có quyền lực hoặc dính dáng đến quyền lực không; Thứ hai, anh có biết nịnh nọt, chịu luồn cúi hoặc móc ngoặc, lo lót cho các cấp quản lý không?

Trong khi có thể dựa vào tư chất thông minh ở hạng thượng đẳng của dân tộc Việt Nam để xây dựng trực tiếp xã hội hậu công nghiệp thông qua nền công nghệ trí tuệ (intelligent technology), để từ nền văn minh nông nghiệp ảm đạm, bỏ qua nền văn minh công nghiệp náo động, tiến thẳng tới nền văn minh trí tuệ trong sáng, thì trước mắt chúng ta đang xuất hiện một khoảng trống về khoa học và giáo dục thật đáng sợ.

Ổn định xã hội là việc nên làm, cần làm và có thể làm được. Chủ trương ổn định xã hội tức là muốn xây dựng một chính quyền vì nhân dân. Chủ trương ổn định chính trị tức là muốn xây dựng một chính quyền vì chính quyền. Điều đó không nên làm và sẽ không làm được.

Xin nêu một ví dụ. Vì muốn tăng cường ổn định chính trị, khi cải tiến chế độ tiền lương, người ta chủ trương ưu tiên bộ đội, công an bằng mức lương gần gấp đôi (1,8 lần) tất cả các loại cán cán bộ khác. (Lẽ ra chế độ này chỉ nên dành cho các chiến sĩ ở Trường Sa, ở các hải đảo và vùng biên giới).

Thế là bỗng dưng một sĩ quan bình thường được nhận lương cao hơn một chuyên viên kỳ cựu. Nhiều trong số các chuyên viên này từng là bộ đội lâu năm trong "thời kỳ xương máu" chứ không phải chỉ là lính thời bình như mấy sĩ quan kia. Các chiến binh này từng xông pha nhiều trận mạc, dù chỉ mới về hưu cách đây mấy tháng cũng không được hưởng chế độ ưu tiên hậu hĩnh đó.

Thế là rối loạn xã hội xảy ra, ít nhất là đã ở lĩnh vực tâm lý.

Một ví dụ khác. Để cưỡng bức ổn định chính trị bằng ngôn từ hình thức, người ta buộc phải ngụy tạo ta một loạt thuật ngữ vô lý:

Kinh tế Thị trường Xã hội Chủ nghĩa, tài sản XHCN, tổ quốc XHCN....

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì không thể để cho kinh tế thị trường phát triển. Buộc lòng phải bước vào kinh tế thị trường thì tạm thời chưa nói đến XHCN.

Dù muốn định hướng lên XHCN thì bây giờ cùng lắm ta cũng chỉ mới ở chặng đầu của thời kỳ quá độ. Thế thì đã làm gì có được tài sản XHCN. Chắc chắn không ai định nghĩa nổi tài sản XHCN là gì. Trong năm thành phần kinh tế, tài sản của thành phần nào là tài sản XHCN? "Bảo vệ tổ quốc XHCN" được ghi thành tiêu đề lớn của Chương V Hiến Pháp nước ta. Thế nhưng tổ quốc ta chưa phải là XHCN thì nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ không? (Vấn đề này tôi đã từng góp ý kiến chính thức khi thảo luận Hiến Pháp) (1).

 

Để bảo đảm tính khoa học, sự nghiêm túc và thái độ thực sự cầu thị, tôi đề nghị nên đổi tên nước ta là nước VIỆT NAM, thay cho tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Gán thêm cụm từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa vào hai chữ Việt Nam chỉ làm hổ thẹn lương tri những ai vốn tôn trọng thực tiễn và làm nản lòng mọi người.

Dù có là nòi rồng đi nữa thì trứng rồng cũng không thể mạo xưng là rồng.

Tiêu chí XHCN ngày nay không còn huyễn hoặc được ai. Bởi vì:

XHCN nguyên bản đã làm sụp đổ Liên Xô, Đông Âu.

XHCN ngoan cố làm cho Cuba, Bắc Triều Tiên điêu đứng.

XHCN lai ghép làm cho Angiêri lụn bại, Miến Điện bị vây bẩn vì nhân quyền.

Êthiopia, Libia, Môzambíc... mới mon men theo XHCN đã lâm cảnh nghèo đói.

Hãy trả lại cái tên VIỆT NAM tinh khôi cho đất nước này.

Chỉ cần đức cần cù, lòng dũng cảm, trí tuệ trác việt của con người Việt Nam đã làm nhân dân thế giới yêu mến và khâm phục; chỉ cần thiên nhiên giàu có, tươi đẹp, những phụ nữ đảm đang, duyên dáng đủ làm chúng ta tự hào với hai tiếng Việt Nam.

 

 

IV. Dân Chủ Để Phát Triển:

 

Người ta có thể phê phán Bác Hồ về khuyết điểm này, sai lầm kia, nhưng ý chí đấu tranh cho tự do, dân chủ và công bằng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc thì mãi mãi được nhân loại biểu dương và được tôn vinh trong lòng tôi. Tuyên ngôn về nhân quyền và công dân quyền của cách mạng Pháp 1789 được trích dẫn ngay trong dòng đầu Tuyên Ngôn Độc Lập của nước ta:

"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyề n lợi".

Từ đấy, trên đều mỗi trang giấy, bên dưới dòng chữ "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa", bao giờ chúng ta cũng viết "Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc". Chúng ta luôn luôn suy tôn tự do trước hạnh phúc bởi vì chúng ta hiểu rằng không thể có hạnh phúc khi thiếu tự do, và, có tự do là đã có một phần hạnh phúc rồi.

Khát vọng truyền thống này của nhân dân Việt Nam rất phù hợp với tinh thần đề cao quyền chính trị, dân sự và quyền tự do cá nhân trong Tuyên Bố Nhân Quyền ở Viên (Vienna) 1993.

Tại hội nghị nhân quyền này, đại biểu Việt Nam đã rất có lý khi xác định:

"Nhân quyền không tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội và không tách rời với sự phát triển của kinh tế văn hóa. Nhân quyền là một ý niệm toàn diện".

Trong khi đó, thật ngạc nhiên là một số người lại muốn phù họa cho một luận điệu lạc lõng:

"Đối với bất kỳ một nước đang phát triển nào, vấn đề phát triển kinh tế là quyền con người quan trọng nhất".

Phải chăng vì họ muốn ổn định chính trị bằng cái thứ chủ nghĩa kinh tế thấp hèn?

Không phải ngày nay thế giới mới nhấn mạnh về quyền chính trị, dân sự và đề cao quyền tự do cá nhân. Chính Các-Mác đã quan niệm:

"Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người".

Thực tế cho thấy, không có tự do chính trị, không có dân chủ thì đất nước không thể phát triển xét về tổng thể cũng như riêng kinh tế. Sự sụp đổ cơ bản toàn hệ thống XHCN có nguyên nhân là từ sự trì trệ của nền kinh tế mà nguồn gốc sâu xa của kinh tế trì trệ là tại cơ chế độc tài, mất dân chủ của hệ thống chính trị XHCN.

 

Ai cũng thấy rằng, vào đầu thế kỷ này, chủ nghĩa tư bản bộc lộ rất nhiều khuyết tật trong nó. Tuy nhiên, nhờ tinh thần dân chủ mà nó đã tự điều tiết được để không những "giẫy mãi không chết" mà còn phát triển không ngừng. Trong khi đó, phe XHCN đã từng có tuổi thanh xuân quyến rũ nhưng do duy trì quá lâu chế độ chỉ huy tập trung độc đoán của đảng nên xã hội ngày càng trì trệ, suy thoái.

Viện lý dân chủ tập trung, người ta buộc mọi đảng viên phải nói theo Ban chấp hành Trung ương (BCH/TƯ) và toàn bộ BCH/TƯ phải nói theo vài người trong Bộ chính trị. Người ta không chỉ nô lệ hóa tư tưởng đảng viên, mà toàn xã hội.

Dù là tự phê bình hay phê bình thì quần chúng và đảng viên nói chung chỉ được quanh quẩn với đơn vị mình, với địa phương mình; đụng chạm đến cấp trên là phải uốn lưỡi trăm lần. Có những điều mà toàn xã hội đều bị uy hiếp kinh khủng đến mức không ai được nghĩ, được bàn bạc đến. Bởi vì, chỉ cần đụng chạm đến một chút thì dù bất cứ trí tuệ nào, thiện ý nào, nếu không bị thủ tiêu thì cũng bị đày ải suốt đời. Trước đây là vấn đề chuyên chính vô sản, vấn đề vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, bây giờ là vấn đề đa nguyên đa đảng v.v....

Tại sao lại có một nền dân chủ hà khắc như vậy?

Còn gì tủi buồn cho con người hơn khi chỉ nghĩ theo cái đầu của người khác, chỉ được nói bằng giọng nói của người khác!

Tệ cửa quyền độc đoán về chính trị và tư tưởng xui người ta qui kết thành kẻ thù tất cả những ai khác mình và sẵn sàng dùng bạo lực triệt hạ những gì không giống mình.

Đảng hẳn đã có thể tránh được nhiều sai lầm tai hại trong việc vạch đường lối, chủ trương, chính sách nếu nới rộng dân chủ để các quan điểm, các chính kiến đều được phát biểu và lựa chọn nghiêm túc.

Muốn dân chủ phải có kỷ cương. Dân chủ xã hội chỉ có thể bảo đảm trên cơ sở luật pháp nghiêm minh. Tiếc rằng suốt thời kỳ lịch sử dài vừa qua, chúng ta chỉ nhấn mạnh đường lối giai cấp, chính quyền vô sản... và quan niệm nhà nước pháp quyền chỉ là một yêu cầu thể hiện bản chất xấu xa của nhà nước tư sản. Tôi còn nhớ, vào khoảng những năm 60, C.B. có viết một bài trên báo Nhân Dân chỉ trích Mỹ không có dân chủ. Để chứng minh, tác giả tố cáo Mỹ càng ngày càng ban hành nhiều đạo luật. Tính đến lúc ấy, Mỹ đã có hơn ba vạn điều luật!

Ngày nay, tuy đã nói đến nhà nước pháp quyền, nhưng Hiến pháp 1992 của ta vẫn qui định thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Muốn thực lòng xây dựng một chính quyền do dân và vì dân thì phải đặt pháp quyền là ý chí chung của nhân dân, không mang tính giai cấp và không dựa trên cơ sở kinh tế. Dù là đảng hay nhà nước cũng phải tuân theo hiến pháp và pháp luật. Phải bảo đảm sự độc lập, tự do của các cơ quan công quyền trong mối quan hệ với nhau trong khi thực thi quyền lực riêng được giao. Không có tổ chức quyền lực nào trong ba quyền được lấn át tổ chức quyền lực nào. Cụ thể là, để không ai có thể lạm dụng quyền lực thì phải phân lập ba quyền.

Làm sao mà xây dựng được nhà nước pháp quyền, làm gì có chuyện bình đẳng trước pháp luật khi nghị quyết 3 của BCH/TƯ khóa VII đã chỉ thị:

"Việc công bố và phê phán các vụ việc tiêu cực trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần có sự cân nhắc về hướng giải quyết và tác dụng giáo dục, tránh để địch lợi dụng xuyên tạc bôi nhọ Đảng và Nhà nước".

(Thế sao người Mỹ không sợ Đảng của họ, tổng thống của họ bị địch bôi nhọ khi báo chí cứ rùm beng về Watergate, Irangate, về chuyện ông Clinton cắt tóc...?).

Chẳng những thế, nghị quyết còn qui định

"đối với những vụ án lớn có ảnh hưởng chính trị rộng, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hoặc liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, cấp ủy cần có ý kiến về tư tưởng chỉ đạo xét xử...".

Thực tế là chúng ta vẫn cứ muốn lấy chuyên chính vô sản để thay cho pháp quyền. Mà, chuyên chính vô sản thì đã từng gây bao nhiêu thảm họa trong lịch sử. Lợi dụng chuyên chính vô sản, Stalin, Pônpốt đã mặc sức giết hại đồng bào mình mà không cần xét xử, bất chấp đạo lý. Có trong tay cái "bùa chuyên chính vô sản" thì một kẻ tiểu nhân cũng dễ dàng tạo được đòn hiểm để đánh bại một ông tướng chiến thắng ở Điện Biên Phủ.

Xã hội Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục bị nhiều bệnh dịch nguy hại hoành hành: nạn ô dù, nạn điều hành xã hội bằng những thế lực ngầm (Một bức thư tay có thể giao cả tài sản lớn của quốc gia cho một kẻ bán trời không văn tự. Một cú điện thoại có thể xóa hay giảm án cho một tội phạm lớn. Cùng một người với cùng những sự việc, nếu được cấp trên bật đèn xanh thì sẽ được phong anh hùng, nếu đèn đỏ thì có thể bị vào tù). Nạn Ma-phia ở Việt Nam ngày nay chưa đến mức ly kỳ như "Bạch Tuộc" (một phim truyện xã hội đen), nhưng lại rất phổ biến, rất nhầy nhụa và không kém phần nguy hiểm.

Cũng như nạn Ma-phia, nạn tham nhũng và buôn lậu không những không thể ngăn chận, mà sẽ càng ngày càng phát triển ở qui mô lớn hơn chừng nào chưa có dân chủ thực sự, chừng nào Đảng vẫn chưa thừa nhận tính công khai của xã hội, chừng nào báo chí còn bị "lãnh đạo" nghiêm ngặt.

Thực tế vừa qua cho thấy về cơ bản thì chỉ mới ngăn chận được dân thường đi buôn lậu, và nói chung, chỉ cán bộ cấp thấp tham nhũng bị trừng trị.

 

Rõ ràng dân chủ không chỉ là đòi hỏi của quần chúng. Dân chủ không chỉ là mục tiêu mà là chính là biện pháp cần thiết để chính quyền ngăn chận các "bệnh dịch" nguy hại đang hoành hành và đang dẫn xã hội đến những nguy cơ khủng hoảng rất trầm trọng. Có dân chủ mới phát triển được và chúng ta mới có cơ may thực hiện những tiêu chí đã vạch ra từ ngày đầu cách mạng.

 

V. Nhìn Lại Đường Lối Đối Ngoại Của Ta:

 

Từ Đại Hội VI, chúng ta đã đề ra yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật và đã bắt đầu dũng cảm nói rõ một phần sự thật. Nhờ đó, chúng ta đã dám nêu

"Đảng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm qui luật khách quan; nóng vội trong cải tạo XHCN, xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần; có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng; duy trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp; có nhiều chủ trương sai trong việc cải cách giá cả, tiền tệ, tiền lương. Công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ phạm nhiều khuyết điểm nghiêm trọng". (2)

Biểu hiện mới tuy đã từng được quần chúng và đảng viên hoan nghênh. Tuy nhiên, phải thấy rằng quá trình tự nhận thức này diễn ra chậm và mức độ thành khẩn tự kiểm điểm còn đầy dè dặt. Nhất định là các vấn đề "định hướng XHCN cho nền kinh tế thị trường", vấn đề "nắm vững chuyên chính vô sản" v.v... vẫn cứ còn là nghiệp chướng đối với các nhà chính trị cả lý luận lẫn thực hành ở nước ta.

Chưa kể rằng, cộng tất cả những vấn đề đó lại thì cũng chỉ mới ở chỗ chúng ta đang đặt vấn đề tự nhận thức chủ yếu là về đường lối đối nội.

Thế còn đường lối đối ngoại thì sao?

Làm sao hiểu nổi do đâu mà hơn 40 năm qua chúng ta lại phải đương đầu với quá nhiều lực lượng thù địch trên thế giới như vậy?

Chúng ta không những phải đánh nhau với cái mà chúng ta gọi là  "kẻ thù không đội trời chung"  mà cả với những người mà mới hôm qua chúng ta xác định "tình hữu nghị đời đời bền vững".

Chúng ta vừa lên án Mỹ rằng chỉ vì muốn bảo vệ đồng minh của họ ở miền Nam mà đã đem bom đạn trút xuống đất nước này, thì chúng ta lại kéo quân sang Cămpuchia tiêu diệt Pôn-pốt rồi đóng quân lại ở đấy.

Trong lịch sử hiện đại của nhân loại, Việt Nam là hiện tượng độc đáo nhất có lẽ là ở chỗ chúng ta đã phải chiến đấu chống lại hầu hết các cường quốc trên thế giới.

Chắc chắn không phải vì thiên nhiên của ta quá giàu đẹp. Cũng không phải vì nhân loại muốn ỷ lại nên giao tất cả sứ mệnh lịch sử nặng nề cho ta.

Sở dĩ chúng ta có quá nhiều kẻ thù chỉ vì chúng ta nhìn thế giới qua một lăng kính đối địch.

Nền chuyên chính vô sản và đường lối giai cấp đã thấm sâu vào các thế hệ chúng ta đến nỗi chính tôi mãi về sau này vẫn còn ghi trong ký ức lời của Juliut Fuxic: "Nhân loại hỡi, hãy cảnh giác".

Mười sáu năm sau khi "Đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược", chúng ta đặt vấn đề xây dựng một bản cương lĩnh mới cho Đảng CSVN. Sau 10 lần viết đi sửa lại, trong bản dự thảo được công bố để lấy ý kiến quần chúng, tên của Chương IV vẫn còn được ghi bằng hàng chữ đậm:

"Quốc phòng, An ninh và Chính sách Đối ngoại".

Khi đó, tôi là người đầu tiên công khai phản đối việc ghép vấn đề quốc phòng, an ninh với chính sách đối ngoại (1). Rất may ý kiến đó được tiếp thu. Ở bản cương lĩnh viết lại lần cuối, chính sách đối ngoại được tách thành mục riêng.

Song, kỳ lạ là đến "Dự thảo báo cáo chính trị tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII", người ta lại gắn đối ngoại với an ninh quốc phòng. (Tên của Mục III trong phần "Tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội VII" là "quốc phòng-an ninh, đối ngoại". Tên của Mục III trong phần "phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới" là "bảo đảm quốc phòng an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại").

Những nhận định về thế giới ghi trong mở đầu của bản báo cáo này cũng thật đen tối:

"Từ sau đại hội VII tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, gây nhiều bất lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.... Các thế lực thù nghịch trong và ngoài nước nhân cơ hội đó đã ráo riết tăng cường hoạt động `diễn biến hòa bình' đe dọa chủ quyền độc lập của nhân dân ta. Mỹ tiếp tục bao vây cấm vận đối với nước ta".

Vì sao mà thế giới cứ luôn luôn là đối tượng cảnh giác của ta như thế? Đâu phải thiên hạ đục cả, chỉ có ta trong thôi?

Rõ ràng là từ lâu ta đã thể hiện một nhãn quan không trong sáng, một thế giới quan không đứng đắn.

Do cực đoan, đường lối đối ngoại của ta lúc thì tả khuynh lúc hữu khuynh.

Phải chi chúng ta thực hiện được chính sách đối ngoại hòa hiếu và hòa hợp với tất cả dân tộc trên thế giới như George Washington. Cách đây 200 năm, vị tổng thống Mỹ đầu tiên đã nói:

"Một quốc gia nếu buông thả mình cho một tình cảm thù nghịch cố chấp hay một tinh thần hữu nghị thái quá đối với một quốc gia khác thì trong chừng mực nhất định sẽ trở thành kẻ nô lệ – Nô lệ của chính tình cảm thù nghịch cố chấp hay của chính tình hữu nghị thái quá đó. Và, một trong hai trường hợp đều có thể đưa đất nước đi chệch khỏi lợi ích và nghĩa vụ của mình".

Trong bản góp ý cho Cương lĩnh 1991, tôi đã kiến nghị cần nhấn mạnh:

"Việt Nam sẵn sàng thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội... Trong tình hình biến đổi và phát triển rất nhanh của thế giới ngày nay nên thận trọng khi nêu các đối sách riêng với từng nước, từng cộng đồng".

Tuy nhiên, Đại hội VII vẫn khẳng định

"trước sau như một, tăng cường đoàn kết và hợp tác với Liên Xô".

Thế mà, đến dự thảo báo chính trị tháng 10/1993, trong khi xác định nhiều chủ trương ưu tiên hàng đầu với Lào, Trung Quốc, Cămpuchia v.v..., thì "Liên Xô mới" không còn được nhắc nhở gì nữa!

Liên Xô từng chung lưng đấu cật, nhường cơm xẻ áo với ta trong suốt nhiều năm qua. Do chìm đắm trong sai lầm quá lâu mà lại rất cồng kềnh, nặng nề nên khi chuyển mình, đất nước này có thể phải vật vã và tỏ ra ậm ạch hơn ta. Điều đó là đương nhiên. Hoàn cảnh khác nhau, tư duy đổi mới khác nhau nên phương thức tiến hành cách mạng cũng khác nhau. Dầu thế nào đi nữa, nhờ tự do dân chủ đã được nới rộng thật sự, tin chắc rằng nhân dân Liên bang Nga sẽ lựa chọn được đúng người lãnh đạo và con đường phải đi cho mình. Chính sự mất ổn định tạm thời trước mắt sẽ tạo thế ổn định phát triển vững chắc cho đất nước này trong tương lai không xa.

Trong xu thế thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, lởn vởn trước mắt chúng ta vẫn là cái bóng ma "diễn biến hòa bình".

Làm sao xác định được tính chất phản động của "diễn biến hòa bình" với một tinh thần khách quan và chân thực!

Người dân Việt Nam sẽ mất gì, sẽ có gì nguy hiểm khi bị "diễn biến hòa bình" ?

Phải chăng chính chúng ta đang tự "diễn biến hòa bình"?

Chúng ta không chỉ luôn nhấn mạnh đề cao cảnh giác với nước ngoài mà cả với người Việt Nam sinh sống ở ngoài lãnh thổ. Giương cao khẩu hiệu đập tan chiến dịch chuyển lửa về quê hương, chúng ta khước từ mọi giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư tưởng; ngăn cấm mọi ý kiến bàn bạc về chính trị, xã hội của đồng bào ta ở nước ngoài.

Vì sao lại phải kỳ thị gay gắt với chính đồng bào mình như vậy?

Nhất định dòng máu Việt Nam vẫn còn chảy trong vi ti huyết quản, lương tâm Việt Nam vẫn còn được thắp sáng trong tinh thần đại đa số những người đồng chủng, đồng tộc của chúng ta đang lưu lạc xa tổ quốc.

 

Nhất định chúng ta không chỉ cần khả năng đóng góp về kinh tế, tài chính; không chỉ đáng trân trọng khối lượng kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến mà cả những nhận thức hiện đại về triết học, xã hội học, kinh tế-chính trị... của kiều bào ta đang sống ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Tôi không biết làm thế nào để có thể nói vừa khiêm tốn, để nghe vừa đủ sức thét lên gay gắt yêu cầu cách mạng bức thiết về thế giới quan, về đường lối đối ngoại của Đảng.

Thế giới như một tấm gương mà ta soi vào. Hãy mỉm cười với nó để ta nhận được chính nụ cười từ trong đó.

 

Việc trình bày các ý kiến về các vấn đề xã hội lớn qua một cán bộ khoa học kỹ thuật như chúng tôi có thể có thiếu sót. Dầu sao, tôi vẫn mong được các đồng chí lưu tâm xem xét và tạo điều kiện để các ý kiến trên được trao đổi rộng rãi, nhằm ngăn chận những phản ứng cá nhân cửa quyền, từ đó bảo đảm những phần đứng đắn được tiếp nhận với thái độ trân trọng cần dành cho những lời tâm huyết.

Nguyễn Thanh Giang