Đổi Mới Và Tăng Cường

Công Tác Dân Vận Của Đảng

 Thật Sự Phát Huy Quyền Làm Chủ Của Nhân Dân

 DÂN ĐỰƠC BIẾT, ĐƯỢC BÀN, ĐƯỢC LÀM, ĐƯỢC KIỂM TRA CÔNG VIỆC CỦA ĐẢNG

 

Một trong những điều rất đáng ghi nhận khi đọc đề cương Hội nghị lần thứ tám BCH/TƯ Đảng là bản đề cương này đã vạch ra nhiệm vụ lớn hàng đầu của công tác dân vận trong những năm tới bao gồm việc

"tổ chức cuộc vận động nhân dân góp ý kiến vào bản dự thảo cương lĩnh quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bản dự thảo chiến lược kinh tế-xã hội dài hạn của nước ta".

Phải chăng Đảng muốn tạo ra khí thế Diên Hồng ở quy mô toàn quốc? Đây thật sự là một chủ trương rất đúng. Nó xuất phát từ yêu cầu thực tế khách quan và hết sức cần thiết.

Thành khẩn tìm mọi biện pháp để có thể sử dụng có hiệu quả nhất mọi hình thức của nền dân chủ trực tiếp, của việc quần chúng nhân dân trực tiếp tham gia soạn thảo, thông qua và thực hiện các chủ trương lớn, các nghị quyết quan trọng là việc làm của một đảng chân chính. Một đảng như thế sẽ đề ra được nhiệm vụ đưa vào hoạt động tất cả các công cụ bảo đảm cho mỗi công dân đều có khả năng thực tế ảnh hưởng một cách tích cực tới việc thảo ra các quyết định chi phối vận mệnh của cả dân tộc. Trong hoàn cảnh hiện nay, không thể xem việc quản lý là sứ mệnh, là đặc quyền của riêng một số người nào. Chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phát triển có kết quả khi động viên được hàng triệu người tham gia đời sống chính trị.

Dân sẽ được bàn việc của Đảng, cùng Đảng phát huy trí tuệ, tìm ra phương án tối ưu phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của đất nước, đưa nước ta trở thành giàu mạnh, nhân dân ta được tự do, ấm no, hạnh phúc.

Bàn cho ra được những ý kiến, những tư tưởng lớn đó tất không đơn giản. Bởi vậy, công tác dân vận trong phạm trù này đòi hỏi phải có tính chiến đấu cao. Không thể trông chờ những ý kiến chỉ để mà phụ họa. Cần khuyến khích tất cả các ý kiến được phát biểu mạnh bạo, thẳng thắn, cho dù nghe còn rất lạ tai. Cần xóa bỏ bớt đi những "vùng cấm", những điều "húy", những cái mà ta cứ cho rằng đã là nguyên tắc rồi.

Chủ nghĩa xã hội đang trong cuộc khủng hoảng trầm trọng. Tình hình thế giới đang biến chuyển hết sức phức tạp với tốc độ nhanh ở nhiều quy mô khác nhau. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải hết sức nhạy cảm với thời cuộc, với nhịp đập của cuộc sống, luôn luôn hoạt động trong đông đảo quần chúng. Hơn bao giờ hết, thực tế cuộc sống đang kiểm nghiệm gay gắt khả năng lãnh đạo, khả năng tập họp quần chúng của Đảng, thông qua việc đổi mới trong nhận thức, trong chủ trương và trong hành động.

Muốn bàn thì phải được biết. Dân hẳn yêu Đảng hơn, gần gũi Đảng hơn, khi thấy đề cương của một hội nghị lớn của Đảng được đăng công khai trên báo và kèm theo là bài xã luận có cái tên rất tha thiết:

"Vì sự nghiệp đổi mới đất nước, để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, hãy đóng góp thật nhiều ý kiến cho Đảng".

Lời khẩn cầu này đưa ra không ở thời điểm nào khác mà ngay sau một cái Tết khá sung túc – một cái Tết mà đến một ký giả phương Tây cũng nhìn được qua đó dấu hiệu thịnh vượng của đất nước này. Cái Tết đó có được nhờ ba năm thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Tôi không nghĩ về thủ thuật chọn thời điểm nhằm tìm kiếm những lời tán tụng, những ý kiến xuôi chiều chung chung. Tôi tin rằng Đảng đang thật sự cần cầu thị.

Phải vậy chứ. Bởi vì, mặc dù đúng là Nghị quyết VI đã đem lại cho đất nước một bộ mặt bắt đầu khởi sắc trở lại, phố phường nhộn nhịp hẳn lên, hàng hóa đủ màu đủ vẻ bày la liệt, lương thực thừa đến mức bỗng nhiên Việt Nam đứng được vào hàng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, phải chăng xã hội có cái gì khá là nhốn nháo, phải chăng hàng hóa tưởng như thừa chỉ vì sức mua của dân khá thấp, phải chăng những cơ sở quy mô đang lụi tàn, và nhất là, lực lượng trí thức cần thiết bảo đảm cho những tiến bộ khoa học-kỹ thuật của nền kinh tế-xã hội đang bị tan rã rất đau lòng...

Chắc là Đảng biết, Đảng không chủ quan. Chính vì vậy mới có đề cương này.

Thái độ chân thành như vậy không phải bao giờ cũng có đến đúng mức cần thiết của nó. Còn nhớ sau chiến thắng 1975. Lúc ấy uy tín Đảng cực kỳ chói lọi, vận nước hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, đâu đó hình như có sự tự mãn hợm hĩnh, muốn thần thánh hóa Đảng mình, muốn đặt Đảng ở trên nhân dân. Phải chi bài học "lấy nhân dân làm gốcở ở Đại hội VI đã được nhấn mạnh ngay từ hồi ấy, những tinh thần của Đại hội VI đã được thấm nhuần ngay từ thời ấy.

Mong và tin rằng vấn đề mở rộng tính công khai sẽ ngày càng trở thành nguyên tắc đối với chúng ta và Đảng sẽ có nhiều biện pháp tốt để tính công khai trở thành một chế độ hoạt động đều đặn không chỉ ở trung ương mà ở cả các địa phương, các bộ, các ngành; cả những nơi mà lâu nay người ta cứ bí ẩn hóa, thâm nghiêm hóa quá mức cần có. Bởi vì, nếu không có tính công khai thì không thể có chế độ dân chủ, không thể có sự sáng tạo chính trị của quần chúng và sự tham gia của họ vào quản lý, vào sự kiểm tra, giám sát những gì đang làm trong xã hội, trong các bộ này, cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Quần chúng rất mừng khi thấy ở Đại hội VI cái khẩu lệnh "nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật" đã vang lên với sức rung động rất sâu xa. Nhưng tại sao, hình như nó có vẻ như lại lắng dịu dần, hoặc ít ra, không còn được nhắc đến với sự thôi thúc nữa.

Đừng vội sợ công khai thì sẽ dễ bị bới móc những khuyết điểm, những thiếu sót, dễ bị lợi dụng để khuấy đảo. Quần chúng được phê phán công khai, được đánh giá công khai, được đòi hỏi công khai thì nhất định sẽ công khai đấu tranh quyết liệt để bảo vệ những gì xứng đáng của Đảng.

Bản đề cương Hội nghị 8 viết:

"Những thành tựu đã giành được là công lao to lớn của công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang và của mọi tầng lớp nhân dân...".

và quy trách nhiệm những khuyết điểm tồn tại

"có nguyên nhân chủ yếu là do Đảng chậm đổi mới và tăng cường công tác vận động nhân dân để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới".

Cách xác định đúng đắn như thế không hẳn từng là thông lệ. Có một thời người ta đã muốn quy công lao chủ yếu của thắng lợi cách mạng cho sự lãnh đạo của Đảng.

Một số mệnh đề thường được nêu lên như chân lý sự nghiệp cách mạng là do quần chúng làm nên; Đảng chỉ thật sự có sức mạnh khi biết dựa vào dân, hòa vào trong dân. Thế mà, do chiến tranh kéo dài buộc ta phải giữ quá lâu quyền chỉ huy tập trung, từ đó cơ chế quan liêu đã tồn tại dai dẳng. Hầu hết các hoạt động phức tạp đa dạng của xã hội đều bị "nhà nước hóaở, đại diện các tổ chức trong hệ thống chính trị thì dần dần quan liêu hóa, ngại tiếp xúc và đối thoại trước công chúng. Chủ nghĩa quan liêu đã trở thành phổ biến và là nguyên nhân của sự thoát ly thực tế và quần chúng. Nó tạo nên sự thiếu gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Khe nứt này ngày càng lớn còn do những đặc quyền đặc lợi đã được sử dụng một cách hiển nhiên và phổ biến. Đảng viên thì được hưởng đặc quyền đặc lợi hơn quần chúng, cán bộ cấp trên thì có nhiều bổng lộc hơn cán bộ cấp dưới. Tình trạng đó tồn tại quá lâu dài, thường xuyên và ngày càng phát triển theo chiều hướng xấu. Đến nỗi, Đảng đã trở thành như một đẳng cấp ở bên trên xã hội.

Lâu nay ta chỉ cho rằng nguyên nhân của tình trạng hết sức không bình thường đó là do sự tha hóa, biến chất của cá nhân đảng viên. Sao không nghiêm túc nhìn nhận đúng đắn hơn cả vào những chủ trương, chính sách của Đảng?

Củng cố và phát triển mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng phù hợp với yêu cầu và khả năng của giai đoạn cách mạng mới sẽ thật sự tạo ra nguồn động lực mới vô cùng to lớn. Bởi vì, trong quần chúng còn chứa đựng những tài năng, sức mạnh ẩn tàng chưa được khai thác đúng mức.

Trong giai đoạn mới phải có nhiều hình thức linh hoạt tập họp quần chúng. Quần chúng bao gồm những nhóm xã hội và những con người có những lợi ích và nhu cầu chính đáng khác nhau, cho nên muốn tập họp được họ, Đảng phải thấu hiểu và tìm cách thỏa mãn tối đa trong điều kiện cho phép.

Bản đề cương đã nêu

"Đảng ủng hộ và tích cực giúp đỡ nhân dân tự tập họp trong các tổ chức xã hội hoạt động đáp ứng các nhu cầu nghề nghiệp và sở thích đa dạng của nhân dân theo hướng ích nước, lợi nhà và theo đúng pháp luật. Đảng và nhà nước tôn trọng tính độc lập về mặt tổ chức, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức xã hội của nhân dân...".

Như vậy đã là thấu đáo. Thiết nghĩ, không cần đặt thêm vấn đề

"Đảng tích cực hướng dẫn và giúp đỡ các đoàn thể chính trị-xã hội đổi mới tổ chức, nội dung và phong cách hoạt động..."

Quan hệ giữa tổ chức đảng và các tổ chức xã hội khác, giữa đảng viên và người ngoài đảng phải là quan hệ dân chủ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng chịu trách nhiệm. Cần tránh thói quen bao biện, sẵn sàng muốn làm thay.

Nhân dân trông mong và hy vọng Hội nghị lần thứ tám BCH/TƯ Đảng sẽ hoàn thiện hơn bản đề cương này và công tác dân vận của Đảng sẽ thật sự được đổi mới và tăng cường nhằm phát huy cao độ quyền dân chủ và khí thế cách mạng của nhân dân ta.

 

Nguyễn Thanh Giang

 (Trích mục Góp Ý Kiến Với Đảng, báo Nhân Dân 16/02/1990)