Phỏng vấn TS Nguyễn Thanh Giang về phong trào dân chủ VN

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là một trong những nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu được các nhà quan sát tình hình Việt Nam biết tiếng từ hơn hai mươi năm qua. Hiện nay ông cư ngụ ở Hà Nội và làm chủ biên Bán nguyệt san Tổ Quốc, một trong những tờ báo hiếm hoi ở Việt Nam tới tay người đọc mà không có sự cho phép của chính quyền. Mới đây Ban Việt Ngữ VOA đã hân hạnh được nhân vật tranh đấu cho dân chủ này dành cho cuộc phỏng vấn sau đây về tình hình của phong trào dân chủ ở Việt Nam.

VOA: Chúng tôi xin thay mặt cho thính giả VOA cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã có nhã ý dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này trong lúc ông đang hồi phục sau cuộc giải phẫu u xơ tuyến tiền liệt. Trước hết, xin ông vui lòng cho biết nhận xét về tình hình chung của phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Thanh Giang: Phong trào dân chủ Việt Nam không biểu hiện như một đại khối thống nhất mà gồm nhiều khối cận kề nhau: khối các trí thức trẻ Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định …, khối bloggers, khối IDS, khối Bauxite, khối đảng viên Cộng sản kỳ cựu hoài niệm lý tưởng ban đầu, khối Công giáo, khối Phật giáo vv … Nhận thức, trình độ, phẩm chất, phương pháp đấu tranh của các khối không giống nhau, có khối óng ánh như kim cương, có khối lóng lánh sáng như bạch kim, có khối mềm mỏng dẻo dai như vàng, có khối lẫn khá nhiều tạp chất. Tất cả đều đang cùng tồn tại dưới những hình thức khác nhau, đều đã và đang đóng góp cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

VOA: Thưa ông, vì sao mà cho đến nay phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa biểu hiện được như một đại khối thống nhất để trở thành một tổ chức đủ mạnh có thể đối trọng với Đảng Cộng Sản Việt Nam?

TS Nguyễn Thanh Giang: Câu hỏi đã nêu một đòi hỏi lịch sử, một mong ước chính đáng, một khao khát cháy lòng. Tiếc rằng điều đó chưa hiện thực hóa được! Có người giải thích là do thói kèn cựa đố kỵ của người Việt Nam, có người quy cho văn hóa tổ chức kém, có người bảo vì chưa có người tài trí cầm cờ …. Tất cả đều có phần đúng nhưng không hẳn đúng. Văn hóa tổ chức của ta không kém bất cứ dân tộc nào. Dẫn chứng là chúng ta đã ba lần đánh thắng Nguyên- Mông, đã đánh được Pháp, đuổi được Nhật …; thói kèn cựa đố kỵ thì đã và đang tồn tại trong mọi dân tộc, mọi thời đại, con người Việt Nam không phải là dị biệt.

Vâng, phải chi ta có người tài trí biết thuyết phục, biết giáo dưỡng để hình thành, phát triển và tổ chức lực lượng một cách thông minh cùng với đức kiên trì một cách nhẫn nại thì cơ ngơi có thể đã khác, thế trận có thể đã khác…

Dẫu sao cũng không nên đánh giá quá thấp, thậm chí quá xấu về những nhà dân chủ, những chiến sỹ dân chủ hiện nay để cho rằng vì họ mà các khối cứ rời rạc, thậm chí đối chọi nhau. Phong trào Cộng sản ngày xưa cũng đã từng có 3 Đảng Cộng sản ở 3 Kỳ bất hợp tác trong thời gian dài, có Hà Huy Tập không ưa Nguyễn Ái Quốc, có những người cộng sản này nộp người cộng sản kia cho địch …

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là những người hoạt động dân chủ trước hết phải tự giáo dưỡng cho mình có tinh thần dân chủ, có tư chất dân chủ, phải biết chấp nhận đa nguyên, đừng bao giờ cho mình là duy nhất đúng, khác mình là kẻ thù; để rồi không chỉ nghi kỵ mà còn cố tình tố cáo nhau là “dân chủ cuội”, là “công an cài cắm” ….; trong phải biết lắng nghe ngoài, ngoài phải tôn trọng trong, trẻ phải biết nghe già, già phải tôn trọng trẻ...Bức xúc thì quá bức xúc rồi, nhưng không thể nôn nóng; oan khuất thì đã ngất trời rồi, nhưng đừng để cho lòng thù hận chỉ đạo.

VOA: Ông có cảm thấy bi quan hay không trước tình hình đàn áp dữ dội của nhà cầm quyền: nhiều nhà hoạt động dân chủ bị hãm hại, bị cầm tù, nhiều nhóm tôn giáo bị sách nhiễu?

TS Nguyễn Thanh Giang: Để chuẩn bị Đại hội XI ĐCSVN, nhà cầm quyền Việt Nam đang mở chiến dịch đàn áp quyết liệt. Đây là một sai lầm. Mà, cũng có thể đây là tiền đề may mắn để xã hội vận động nhanh tới trạng thái “cùng tắc biến, biến tắc thông”.

Khám xét, tra vấn, bắt bớ, tù đầy … nhiều khi rất tùy tiện, bất chấp luật pháp, chẳng kể đạo lý là di họa của chuyên chính vô sản tàn bạo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng do ta chưa chín trong suy tư, chưa khôn trong biểu hiện. Lẽ ra phải trường kỳ mai phục để chiêu binh mãi mã, đắp lũy xây thành trong lòng dân đã thì vì do quá bồng bột, do bị kích động dại dột, một số người dù biết sau lưng mình chưa có được mấy người để có thể “nhất hô bá ứng” đã vội mũ mãng cân đai, đánh trống phất cờ làm mục tiêu triệt hạ cho đối phương.

Trong trường hợp của những chế độ hà khắc và rất lão luyện trong đàn áp, nhẽ ra khi đã có tổ chức vẫn phải tỏ ra như không có tổ chức. Chỉ đứng lên đương đầu công khai khi có tổ chức đủ mạnh, có quần chúng hậu thuẫn đủ lớn. Trường đấu tranh dân chủ cũng nên vô minh như cõi Phật, “ sắc sắc, không không”, có mà như không, không mà có.

Dẫu thế nào đi nữa, tôi không bi quan. Luật sư Trần Lâm nói “ Sự thay đổi đã đến gần ”; để bảo đảm chính xác, tôi nói: “ Không thể không thay đổi ”.

VOA: Chúng tôi nghĩ rằng lạc quan lúc nào cũng tốt hơn bi quan. Nhưng bây giờ ông đặt niềm tin vào đâu để lạc quan?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi quý trọng những con người dám đương đầu với gian nguy dấn thân vào công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước và tôi tin ở nhân dân tôi, tin ở tinh thần và phẩm chất dân tộc tôi.

Trả lời câu hỏi đầu tôi đã nói đến nhiều khối dân chủ cận kề nhau. Thực ra, các khối ấy chỉ như những “hạt” tồn tại trong “trường sóng lượng tử dân chủ”. Đòi hỏi dân chủ đang cuộn sóng trong lòng dân tộc -- sôi trào hơn lúc nào hết.

Dân chủ hay tham những cứ ngày càng hoành hành dữ dội hơn? Dân chủ hay tư bản đỏ cứ được tạo quyền thế cướp đoạt, bóc lột công nhân, nông dân vừa tinh vi vừa trắng trợn hơn thời Pháp thuộc? Dân chủ hay kẻ ăn trên ngồi chốc vì không đủ trí lực nên phải dùng vũ lực tàn bạo để duy trì ách thống trị? Dân chủ hay người ta lại đang ngang nhiên đưa đất nước vào vòng đô hộ (cứng hay mềm) của Bắc triều?

VOA: Mới đây, tờ Thông Luận ở Paris có đăng một bài viết của luật sư Trần Lâm, với nhan đề “Sự thay đổi đã đến gần”. Trong bài viết này ông Lâm có nói tới một đề nghị, tương tự như đề nghị mà ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập báo Người Lao Động, đã đưa ra hồi tháng 9; đó là tách đảng Cộng Sản ra làm hai để chỉnh đốn đảng Cộng Sản và tiến tới dân chủ đa đảng. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

TS Nguyễn Thanh Giang: Muốn dân chủ phải có đa nguyên đa đảng. Đa đảng bây giờ không chỉ là mong muốn của người ngoài Đảng mà của ngay cả nhiều đảng viên kỳ cựu, đảng viên đương chức.

Tôi tán thành phương án tách đôi ĐCSVN của luật sư Trần Lâm. Trong tình hình thực tế như hiện nay không nên nghĩ đến chuyện lập một đảng hoàn toàn mới bởi hai lẽ: một là rất dễ bị đàn áp, hai là rất khó tập hợp quần chúng bởi chưa có điều kiện làm cho quảng đại hiểu mình và tin mình. Tách đôi Đảng hay phục hoạt các đảng Dân chủ và đảng Xã hội lẽ ra đã có thể làm được nếu chúng ta không phạm sai lầm. Đừng công khai yếu tố bên ngoài vội. Nếu đảng Dân chủ làm như đề nghị của tôi: Chủ tịch hay Tổng Bí thư phải là người trong nước và trước mắt nên là cựu đảng viên ĐCSVN thì nhà cầm quyền khó đàn áp hơn nhiều và việc chiêu mộ đảng viên cũng dễ dàng hơn, chất lượng hơn. Đừng nên nghĩ nhà cầm quyền chỉ sợ sự can thiệp từ bên ngoài. Dư luận trong nước và ý kiến các lão thành cách mạng, các đảng viên kỳ cựu rất quan trọng.

VOA: Theo ông, tiến trình đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam nên tiến hành thế nào ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Ý kiến cho rằng “đảng con” hay “đảng em” của ĐCSVN không thể trở thành dân chủ chân chính mà chỉ sẽ là những “chân gỗ” cũng không đúng. Các “ Đảng Dân chủ mới ”, “Đảng Xã hội mới ” ngày nay sẽ khác các đảng cũ vì mục tiêu cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ rất khác nhau. Mục tiêu cách mạng dân chủ không đơn nhất như cách mạng dân tộc …. Các đảng mới này không trở thành đối kháng cũng rất nhanh chóng trở thành đối trọng của nhau.

Cạnh tranh hòa bình, diễn biến hòa bình là con đường nên đi vì con đường ấy là con đường sáng, con đường nhân ái. Làm diễn biến hòa bình tốt thì không cần có bạo loạn lật đổ, và, dứt khoát nên tránh để xẩy ra bạo loạn lật đổ. Diễn biến hòa bình là vương đạo, là “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, bạo loạn lật đổ là tà đạo, là lấy hung tàn kích thích hung tàn để rồi máu lại đổ, xương lại phơi; để rồi bọn cơ hội, bọn lưu manh lại đua nhau nhẩy lên vũ đài làm nát đất nước, khổ dân lành.

Khác với cách mạng dân tộc, người muốn dấn thân cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước không chỉ cần cái dũng mà trước hết, trên hết phải có cái tâm và cái tầm. Tôi hy vọng và trông mong anh em trẻ với lòng nhiệt huyết với đất nước, với ý thức trách nhiệm trước lịch sử hãy rèn tài, đúc trí, luyện tâm và hành động đúng để đưa công cuộc đấu tranh dân chủ hóa theo con đường vương đạo, từ đấy không chỉ tránh được những hy sinh vô ích mà nhanh chóng đem lại được dân chủ, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

VOA: Cám ơn Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang đã chia sẻ với chúng tôi những ý kiến quí báu này.

Duy Ái

21/12/2009