RFA phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn  Thanh Giang

vê “Một tấm lòng thiết tha vì dân chủ”

 

Ở đây tôi muốn tập trung giải quyết vấn đề liên quan chủ yếu tới bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Như tôi đã nói, đây không chỉ là vấn đề liên quan đến một con người mà là vấn đề liên quan đến dư luận xã hội, lương tri, và có thể ảnh hưởng đến cả quyền lợi của đất nước và dân tộc. Cho nên tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề này.

Việt Hùng: Thưa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, trước thềm Đại hội 10 thì hầu hết các ý kiến đóng góp cho Đại hội tập trung chủ yếu vào dự thảo báo cáo chính trị, tham nhũng, nhân sự... Trong khi tiến sĩ lại gởi về các đại biểu tham dự Đại hội một bài viết mang tựa đề là "Một tấm lòng thiết tha vì dân chủ". Tiến sĩ muốn nói điều gì?

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề là hôm 5/4/2006 vừa qua hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết một nghị quyết với tỷ số gần tuyệt đối : 421/1. Nghị quyết này đòi trả tự do cho bác sĩ Phạm Hồng Sơn và các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Điều kiện ràng buộc với nghị quyết này đã được thứ trưởng ngoại giao Barry Lowenkon điều trần trước Ủy ban nhân quyền của hạ viện Hoa Kỳ, nói rằng điều kiện thực hiện nhân quyền thả bác sĩ Phạm Hồng Sơn và những tù nhân lương tâm có thể tạo điều kiện để mở đường cho chuyến viếng thăm của tổng thống Bush vào tháng 11 tới, kể cả vấn đề Việt Nam có được vào WTO hay không.

Cho nên tôi thấy đây là một vấn đề rất bức thiết đối với quyền lợi của đất nước, quyền lợi của dân tộc. Việc đấy không chỉ dính dáng với một con người, không phải là tôi hốt hoảng vì chúng ta phải nể sợ Mỹ, cũng không phải vì chúng ta chỉ vì thương cảm một đôi vợ chồng trẻ bị ly gián, hay vì các cháu nhỏ ngơ ngác mà vì lương tri và vì quyền lợi dân tộc mà tôi đề xuất việc phải xem xét lại vấn đề vụ án Phạm Hồng Sơn.

Việt Hùng: Tiến sĩ kỳ vọng gì ở các đại biểu về dự Đại hội để đặt vấn đề người tù chính trị này ạ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề là tôi gởi khẩn cấp bởi vì tôi muốn thiết tha mong nhờ tất cả các vị lão thành cách mạng, tất cả các nhà báo, tất cả những ai có điều kiện hãy giúp đỡ chuyển đến tận tay các đại biểu Đại hội 10 sắp tới. Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất hệ trọng. Không phải vấn đề là chúng ta sợ Mỹ mà là hệ trọng đối với lương tâm, chúng ta làm sao để các vị đại biểu đến dự Đại hội này được xem, được nắm lại vấn đề này, rồi hỏi lại những người tiền nhiệm xem họ làm việc này có thật và chính xác không?

Việt Hùng: Nhưng tiến sĩ đang ở tại Việt Nam thì tiến sĩ cũng biết rất rõ điều mà mới đây người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của hạ viện Hoa Kỳ về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, tôn giáo - trong đó có trường hợp của bác sĩ Phạm Hồng Sơn.

Người phát ngôn của Bộ ngoại giao thì nói rằng bác sĩ Phạm Hồng Sơn chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và điều kiện đặc xá nên chưa được đặc xá trong thời gian qua. Phải chăng là vì bác sĩ Phạm Hồng Sơn không nhận tội nên vẫn tiếp tục chịu cảnh ngục tù như vậy hay sao ạ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi rất ngạc nhiên là tại sao Việt Nam lại phản ứng quá hấp tấp và quá dữ dội trước một nghị quyết như vậy. Nghị quyết thì phải nói rằng người ta cũng có thông tin và người ta biểu quyết đến mức là có 422 người thì 421 người đã biểu quyết dương, chỉ có một người biểu quyết âm thôi. Phải thấy rằng người ta cũng có cái lý của người ta, có lương tri của người ta. Phản đối họ như vậy tôi cho là không đúng.

Việt Hùng: Trong lúc dư luận xã hội đang theo dõi diễn tiến việc ông Nông Đức Mạnh sẽ đi hay ở lại cương vị Tổng bí thư. Trong thư của ông thì ông viết gởi các đại biểu tham dự Đại hội thì ông cũng đưa ra các dữ kiện liên quan đến nội dung thư trao đổi của bác sĩ Phạm Hồng Sơn với ông Nông Đức Mạnh trước đây.

Phải chăng rằng ông muốn các đại biểu lưu tâm đến trường hợp của người tù lương tâm Phạm Hồng Sơn hay ông muốn nói điều gì liên quan đến ông Nông Đức Mạnh ạ?

TS Nguyễn Thanh Giang: Ở đây tôi muốn tập trung giải quyết (vấn đề) liên quan chủ yếu tới bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Như tôi đã nói, đây không chỉ là vấn đề liên quan đến một con người mà là vấn đề liên quan đến dư luận xã hội, lương tri, và có thể ảnh hưởng đến cả quyền lợi của đất nước và dân tộc. Cho nên tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề này.

Và tôi sẽ rất phàn nàn nếu mà ông Nông Đức Mạnh, dù ông ấy còn trong khóa tới hay sẽ không còn nữa thì ông cũng phải nhận thức trở lại, ông phải hỏi chứ ông đừng có quan liêu. Cứ thấy người ta kết luận như thế rồi bây giờ ông cứ cho rằng đã làm cái gì là đúng, là không thể sửa được. Việc đó rất đáng chê trách.

Nếu ngoài những khuyết điểm người ta nói, gần đây các lão thành cách mạng nhiều người phàn nàn về ông về khả năng yếu kém, không dám quyết vấn đề Tổng cục 2, không dám quyết vấn đề T4, rồi dính dáng đến việc đề bạt sai trái những người trong vụ PMU18 vừa rồi, v.v...

Còn một việc rất đáng phàn nàn, tức là ngày ông vừa mới lên thì ông cho bắt hàng loạt người, vu oan rất tàn tệ hàng loạt con người, kể cả những anh em trẻ như Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang... cho đến những người có thành tích cách mạng đáng nể như ông Phạm Quế Dương. Quy tội cho người ta một cách bừa bãi làm gián điệp. Đấy là một sự vô lương tâm - không xứng đáng làm bất cứ một cái gì cả.

Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.