Thanh Phương -  Đài RFI -  phỏng vấn tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang

Thanh Phương: Kính chào tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, trước hết xin ông cho biết cảm tưởng về việc Trung tâm văn bút Mỹ trao tặng giải thưởng Quyền tự do được viết cho Lê Chí Quang cũng như cho biết về tình trạng sức khỏe hiện nay của anh?

T.S Nguyễn Thanh Giang: Tuy chưa trao đổi với Lê Chí Quang, nhưng tôi có thể thay mặt Lê Chí Quang, cũng như thay mặt cho những người yêu tự do dân chủ ở Việt Nam, cảm ơn Trung tâm văn bút đã dành giải thưởng này cho Lê Chí Quang. Tôi thấy đây là một điều rất xứng đáng. Tôi chưa nói đến chuyện là viết hay dở thế nào, nhưng điều hết sức đáng quý, hết sức đáng tôn trọng, đó là Lê Chí Quang đã viết thật, đã nói lên cái ước nguyện của giới trẻ cũng như là của dân tộc đót với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, càng ngày vấn đề biên giới Việt-Trung càng nổi lên, tôi thấy nhân dân, đảng viên, các nhà lão thành cách mạng càng nghĩ lại và hết sức quý mến các bài viết của Lê Chí Quang, nhất là bài ''Hãy cảnh giác với Bắc Triều''. Cho nên Lê Chí Quang được đánh giá rất cao bởi những nhà trí thức, những người yêu nước, yêu tự do dân chủ ở Việt Nam. Tiếc rằng Lê Chí Quang hiện đang bị giam ở trại giam Sao Đỏ, gần Hà Nội. Hôm chủ nhật vừa qua, tôi có dịp ngồi trò chuyện với bố mẹ Lê Chí Quang và gia đình hết sức lo lắng về tình trạng sức khỏe của anh. Đành rằng là do tình trạng sức khỏe, Lê Chí Quang không phải đi lao động, nhưng anh phải sống trong điều kiện sinh hoạt lạnh lẽo và không được chăm sóc kỹ. Mẹ của Lê Chí Quang thấy vẻ mặt của con hết sức là không bình thường và bà rất lo lắng cho con

Thanh Phương: Ngoài trường hợp của Lê Chí Quang, xin ông cho biết sơ qua về tình trạng sức khỏe của những nhà ly khai khác đang bị giam cầm, chẳng hạn như tình trạng của đại tá Phạm Quế Dương hoặc của nhà báo Nguyễn Vũ Bình?

T.S Nguyễn Thanh Giang: Những người đang bị giam cầm như đại tá Phạm Quế Dương thì mới hôm kia tôi mới gặp bà vợ của ông. Bà nói tình trạng sức khỏe của ông Phạm Quế Dương hiện đang xuống, rất đáng lo ngại so với lúc đi thăm ông lần trước. Nhưng bà nói là tinh thần của ông vẫn tỉnh táo và ông có yêu cầu là trước nhất được gặp ba luật sư của ông cùng một lúc để thảo luận với nhau, thứ hai là ông phàn nàn rằng khi đọc cáo trạng, ông thấy nhiều điều không đúng sự thật, nhưng do không có bút nên ông không thể ghi lại được. Ông vẫn nói là ông có bất cứ tội gì liên quan đến gián điệp cả. Về tình trạng của Nguyễn Vũ Bình thì ông trẻ trung hơn, vẫn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Các luật sư cho biết là trước đây toà định xử phúc thẩm Nguyễn Vũ Bình ngày 26 tháng 4, nhưng nay chuyển sang ngày 5 tháng 5, không biết có chính xác hay không. Khi nói chuyện với luật sư, anh có ý phê phán hôm xử sơ thẩm, anh không đồng ý việc luật sư chuyển từ tội này sang tội khác. Anh bảo rằng không có tội thì luật sư phải cãi là không có tội. Nhưng điều làm vợ Nguyễn Vũ Bình khổ tâm nhất là khi đưa các con nhỏ vào thăm Nguyễn Vũ Bình, do bị ngăn cách bởi lớp kính, nên các con không được sờ vào người bố, nắm lấy tay bố, bố không được vuốt ve con, thành ra khi ra về chúng nó rất khổ tâm. Nhưng còn cái điều khổ tâm nữa là tôi dặn vợ Nguyễn Vũ Bình cũng như vợ Phạm Hồng Sơn là phải tạo điều kiện cho anh em tận dụng những ngày ở trong tù để làm một cái gì đó. Nếu không làm được luận án thạc sĩ, tiến sĩ, thì ít nhất cũng phải dành thời giờ đó để học tiếng Anh. Nhưng tôi hết sức phản đối việc họ ngăn không cho gởi tài liệu học tiếng Anh do chính tay tôi mua tặng các bà vợ để cho chồng học. Tại sao không cho anh em người ta học ? Sau này, hết hạn tù, người ta cũng trở thành những công dân có ích cho xã hội chứ, tại sao lại ngăn cấm họ như vậy. Ngày xưa, nhà tù đế quốc cũng không đến nỗi như thế!

Thanh Phương: Đó là nói về tình trạng của những nhà ly khai đang bị giam cầm. Riêng bản thân ông thì tuy được tự do nhưng có gặp khó khăn gì trong cuộc sống thường ngày không?

T.S Nguyễn Thanh Giang: Vừa rồi, tôi có được các được các cụ lão thành cách mạng mời tham gia một đoàn đi xuyên Việt, lấy tên là ''Đoàn đại biểu lão thành cách mạng, cựu chiến binh quyết tử quân Hà Nội và gia đình thương binh liệt sĩ'' đi thăm lại các chiến trường xưa: khu 5, khu 7, khu 9. Các cụ mời tôi đi với danh nghĩa, thứ nhất tôi cũng là một cựu chiến binh chống Pháp, thứ hai, tôi là con rễ của một người từng là thành ủy viên của thành ủy Hà Nội từ thời bí mật. Tôi tham gia đoàn một cách đàng hoàng, đứng đắn. Trong đoàn cũng quý mến tôi và tôi được cử làm thư ký của đoàn. Thế nhưng, khi ở trên, tôi không biết là Bộ Công an, Bộ Văn hóa tư tưởng hay Tổng cục chính trị, phát hiện có tôi trong đoàn, họ liền gây một sức ép hết sức căng thẳng đối với đoàn. Mặc dù trưởng đoàn là đại tá Nguyễn Trọng Hàm hết sức quý mến tôi cũng như toàn thể 30 người trong đoàn, nhưng dưới sức ép như vậy, họ cũng đành đuổi tôi ra khỏi đoàn. Nhưng sau đó, tôi có ghé qua thành phố Hồ chí Minh. Tôi có gọi con trai của ông Trần Khuê đến. Anh ta có phàn nàn với tôi là suốt 28 Tết đến nay, con cái cũng như vợ không được phép vào thăm ông. Lúc đầu con cái xin gặp bố và gần đây cả vợ cũng xin gặp chồng thì ở trên trả lời rằng ông Trần Khuê bướng bỉnh, không chịu cải tạo tốt nên không được gặp vợ con chồng. Thế thì tôi hỏi: người ta chưa bị quy tội, giam cầm như vậy đã là tàn bạo rồi, thế mà bây giờ gặp vợ con ít nhất một tháng một lần, cũng không cho gặp, nghĩa là làm sao?

Thanh Phương: Xin cám ơn tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang