Trả lời p/v RFI về Hội nghị TƯ 13 cuả ĐCSVN

 

 

Giới Thiệu:

Đại hội đảng CSVN lần thứ 10 theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4, nhưng ai cũng biết đại hội đảng chỉ là một sự kiện mang tính chất hình thức chứ còn mọi chuyện đã được quyết định từ trước thông qua các Hội nghị BCH TƯ. Hội nghị ban chấp hành Trung ương khóa 10 lần thứ 13 đã kết thúc và thứ Tư tuần trước. Thế nhưng sau 8 ngày hợp việc chọn nhân sự lãnh đạo mới vẫn chưa được giải quyết mặc dầu vấn đề này đã chiếm phần lớn chương trình nghị sự.

Sau khi theo dõi sát hội nghị và thâu thập một số thông tin, ông Nguyễn Thanh Giang, một trong những nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam đưa ra một số phân tích về kết quả hội nghị vừa qua.

 

 

Tòa Soạn Đối Thoại (doi-thoai.com): Đối Thoại đã sao chép bài phỏng vấn từ các chương trình phát thanh cuả RFI. Trong mục đích gởi đến độc giả các bài phỏng vấn bằng dạng viết thật nhanh, nếu có sự sơ sót , xin tác giả , độc giả và đài RFI thông cảm. Mời độc giả nghe lại buổi phát thanh để hiệu đính các chỗ sai trước khi xử dụng.

 

Thanh Phương: Kính thưa ông Nguyễn Thanh Giang, trước hết cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn ngày hôm nay. Đầu tiên thì xin ông cho biết sơ qua về phản ứng của dư luận ở Việt Nam về kết quả Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 13 vừa qua. Về nội dung thảo luận thì hội nghị này, theo ông, họ đã nêu lên những vấn đề nào cụ thể hay không ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Chúng tôi, tôi cũng như nhiều vị lão thành cách mạng, nhiều vị trí thức khác có cảm nhận rằng Hội nghị trung ương lần thứ 13 này không thành công, không đạt được những kết quả như mong muốn. Điều nhận xét đó của chúng tôi căn cứ trên hai sự kiện.

Thứ nhất, qua tivi tường thuật buổi kết thúc hội nghị thì nhìn vào tất cả gương mặt các vị đều không thấy một nét tươi vui, cũng như không thấy sự hào hứng nào. Tất cả đều hoặc buồn hoặc đăm chiêu.

Thứ hai là căn cứ vào báo cáo kết thúc hội nghị của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thì thấy rõ rằng không có điều gì giải quyết được cả. Mặc dù với những lời lẽ rất kêu, rất đanh thép, nhưng khi TBT Nông Đức Mạnh báo cáo kết quả của Hội nghị trung ương thứ 13 thì nói rằng là đã nhất trí cao. Nhưng nhất trí cao cái gì? “ Nhất trí cao về tất cả các vấn đề đã được đưa ra thảo luận và quyết định ”. Thế thì, tôi tưởng là nhất trí cao về những vấn đề gì mà hội nghị 13 này đã thảo luận được về vấn đề đường lối, về vấn đề nhân sự hoặc khẳng định dự thảo báo cáo đã được nhất trí đến đâu. Sau khi sửa đổi rồi nhất trí bao nhiêu phần trăm, hoặc là nhất trí cao là phải sửa vấn đề này, vấn đề nọ. Chứ bây giờ mà nhất trí cao về tất cả các vấn đề được đưa ra thảo luận và quyết định, tức là việc nhất trí cao này nó chỉ xảy ra ngay ở hôm khai mạc, làm sao mà đến cuối cùng rồi mới nhất trí cao tất cả các vấn đề đưa ra thảo luận. Tức là sau 8 ngày thảo luận hội nghị vẫn như chưa đạt được gì hơn so với lúc khai mạc.

 

Thanh Phương: Riêng về mặt nhân sự lãnh đạo, cụ thể là về thành phần Bộ Chính Trị tương lai thì hội nghị cũng chẳng giải quyết được gì, bởi vì trong bản báo cáo kết thúc hội nghị TBT Nông Đức Mạnh cho biết là vấn đề này sẽ được tiếp tục thảo luận ở Hội nghị 14. Nhưng theo những thông tin mà ông nắm được thì phương án có thể thực hiện được là phương án nào ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Qua những thông tin mà chúng tôi nắm được từ những nguồn rò  rỉ ra ngoài thì … ( tất nhiên đây chỉ là những nguồn thông tin không chính thức và chúng tôi cũng chỉ nêu lên để tham khảo, chứ không chịu trách nhiệm hoàn toàn chính xác về những thông tin này ). Tuy nhiên khi nói thì chúng tôi đã cân nhắc và chúng tôi cho rằng những thông tin ấy khả dĩ có thể tin được bởi nó có tính logic của nó.

Ví dụ là có những thông tin nói rằng sau khi bàn bạc thì riêng ở  Bộ chính trị đã thấy một phương án có lẽ là 8 người sẽ ra đi, sẽ nghỉ và có 6 người ở lại. Trong danh sách 6 người ở lại chúng ta thấy có các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh, và ông Trương Tấn Sang. Sáu gương mặt này đều tương đối trẻ so với 14 vị trong Bộ chính trị. Có lẽ sau cuộc cọ sát cuối cùng không ai chịu ai nên đành phải đem phương án tuổi tác ra, tức là nếu cắt từ 65 tuổi trở xuống thì đây chính là 6 vị từ 65 tuổi trở xuống. Nếu như vậy thì tôi cho rằng đây là một  phương án có thể chấp nhận được. Vì nói chung phương án này có thể gạt ra được một số người mắc tai tiếng này khác, hoặc tả khuynh hoặc hửu khuynh. Trong tình hình này, ai cũng thấy, tả khuynh cũng không tốt mà hữu khuynh cũng không tốt. Phải là những người tương đối còn trẻ thì mới có thể nhận thức được tình hình. Nếu nhận thức được tình hình thì tôi cho rằng dứt khoát là họ sẽ đi vào con đường nghiêng về phía cấp tiến.

Ngoài 6 vị này cũng có những luồng dư luận nói rằng nên để cho một người thứ 7 ở lại. Nếu du di tuổi tác thì có thể để thêm ông Trần Đình Hoan ở lại vì ông này chỉ mới có 67 tuổi. Nhưng ý kiến của những thức giả và kể cả của chúng tôi, nếu du di về tuổi tác thì không nên để Trần Đình Hoan mà nên đưa ông Vũ Khoan vào Bộ chính trị.

 

Thanh Phương: Ngoài những nhân vật nói trên thì theo ông biết có những nhân vật nào khác có khả năng được tín nhiệm và được đề cử vào Bộ chính trị lần này không ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Ngoài ra có những dư luận từ bên trong phát ra cũng thích hợp với những dư luận bên ngoài, tôi thấy rằng khả dĩ có thể chấp nhận được là chuyến này có thể đưa mấy gương mặt mới vào Bộ chính trị như : ông Mai Ái Trực, hiện giờ là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm là gương mặt mới và trẻ trung,có trí tuệ và tín nhiệm ở cơ sở về cả phương diện tư cách, đạo đức lẫn trình độ.

Còn một số khá nhiều người nghĩ đến ông Nguyễn Bá Thanh, hiện giờ là Bí thư Quảng Nam Đà Nẵng. Ông này là một người có học vị tiến sĩ, lại năng nổ, dám tiếp xúc và đối thoại với cán bộ cấp dưới cũng như với nhân dân, nhưng hình như ông không được lòng các cấp bề trên lắm.

 

Thanh Phương: Thưa ông Nguyễn Thanh Giang, ở trên ông có nói về những nhân vật có thể ở lại Bộ chính trị hoặc sẽ được đưa vào Bộ chính trị. Còn thành phần của Ban chấp hành Trung ương đảng, theo ông biết thì sẽ có những thay đổi như thế nào ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Đối với Ban chấp hành Trung ương thì tôi nghe nói rằng dự kiến trong số 152 ủy viên cũ thì còn 100 người ở lại, có người nói là còn khoảng 90 người ở lại. Số được đề cử là 187 vị, và sẽ bầu 165 vị.

 

Thanh Phương: Đó là nói về những người trong Ban chấp hành Trung ương, như vậy thì việc tranh giành, đấu đá của cục diện vẫn tiếp diễn. Theo ông thì có những nhân vật nào đang bị mất uy tín đến mức mà họ khó giữ được chiếc ghế sau kỳ Đại hội đảng lần thứ 10 này không.

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Những người mà người ta thấy dứt khoát cần phải cho nghỉ dù tuổi tác còn trẻ như ông Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà. Qua bản báo cáo mà ông trình bày ở hội nghị đảng ủy quân sự trung ương mở rộng cho thấy rằng trình độ của ổng này kém quá. Trong những năm ổng làm thì các vấn đề sơ hở về quân sự, bao che cho Tổng cục II, rồi nhiều dư luận khác như 5 nhà, 3 vợ v.v... thì ta thấy những nhân vật như vậy dứt khoát phải ra đi, dù có trẻ. Hay như ông Nguyễn Khoa Điềm thì người ta cũng nghĩ rằng ông này không thể được chọn ở lại được. Nghe đâu ổng cũng biết thân biết phận đã viết đơn xin nghỉ, bảo là do lý do sức khỏe.

Tình hình nhân sự sẽ còn tiến triển. Tôi nghĩ là đến Hội nghị 14 không biết là sẽ kết thúc được chưa. Nhưng cái rất đáng phàn nàn là cái người ta chỉ lo chăm chăm đến chuyện còn ở hay ra về, lo đến chuyện cái ghế của mình. Người ta không quan tâm gì đến việc củng cố uy tín cho đảng, cho đảng vững mạnh lên đâu mà đúng như ông Tố Hữu sau khi về hưu một số năm thì ổng nói rằng thường thường trong những buổi đại hội như vầy người ta thường suy nghĩ bằng cái mông đít chứ người ta không suy nghĩ bằng cái đầu!

 

Thanh Phương: Chúng tôi xin cám ơn ông Nguyễn Thanh Giang.