Hội luận cùng tiến sỹ Âu Dương Thệ về Hội nghị TƯ ĐCSVN 13

 RFA 13-1-2006

 

Thưa quý vị, trong mấy ngày qua hội nghị 13 ban chấp hành trung ương đảng CSVN đã và đang nhóm họp, vào khi tiếng nói trong và ngoài đảng đóng góp cho đại hội ngày càng mạnh mẽ hơn.

Nói chung những bức xúc ngày càng nhiều của công luận xem chừng như trở thành một thách thức đáng ngại cho giới lãnh đạo mệnh danh là "đầy tớ trung thành của nhân dân". Vấn đề được nêu lên là liệu hội nghị lần này có mang lại triễn vọng gì cho đất nước hay không?

Mời quý vị theo dõi cuộc hội luận chính trị sau đây do Việt Hùng điều họp với sự tham dự của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở trong nước và tiến sĩ Âu Dương Thệ tại Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Trước hết tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận xét:

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Mấy hội nghị chuẩn bị cho đại hội X rồi nhưng tất cả đều im lặng. Báo cáo chính trị đưa ra có lấy ý kiến nữa thì tôi nghĩ rằng họ cũng im lặng vì thực ra chưa đụng đến vấn đề nhân sự thì tất cả đều còn nín thở, chưa ai bóp cò cả. Chỉ bóp cò khi nào nếu người ta đã thấy đụng đến mong muốn về cái ghế của người ta, người nào sẽ được ở lại, người nào sẽ ra đi... lúc bấy giờ người ta mới có ý kiến.

Cho nên tôi tin rằng sau hội nghị 13 này thì vấn đề của đại hội mới trở nên sôi động.

 

Việt Hùng: Với cái nhìn của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì cho rằng là hội nghị trung ương 13 này sẽ là hội nghị tối quan trọng, từ đây sẽ mở ra nhiều dấu hiệu mới, tiến sĩ Âu Dương Thệ từ bên ngoài...

 

TS Âu Dương Thệ: Theo dõi bối cảnh diễn ra ở hội nghị trung ương 13 thì chúng ta thấy thế này. Trước đây những hội nghị trung ương, diễn biến nhân sự ở trung ương và bộ chính trị có thể coi như rất âm thầm, mà chỉ coi trong nội bộ một số người trong trung ương và trong bộ chính trị mới biết được thôi. Nhưng hiện nay những vấn đề đó đã trở thành gần như công khai hóa bởi vì chuyện đó không phải là ý muốn của một số người trong bộ chính trị mà là qua những sự can đảm tranh đấu của nhiều cách mạng lão thành. Đấy là bối cảnh thay đổi từ trước so với hiện nay, là do sự can đảm đấu tranh của nhiều nhân sĩ và cách mạng lão thành ở trong nước.

 

Việt Hùng: Bên cạnh đó thì trong buổi lễ khai mạc người ta ghi nhận không thấy sự tham dự của một số những gương mặt, mặc dù đã lui vào hậu trường nhưng mà đâu đó họ vẫn còn ảnh hưởng, những dấu hiệu này sẽ được hiểu như thế nào ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cho rằng sự vắng mặt của mấy ông "thái thượng hoàng" đấy là việc rất may cho đại hội, rất may cho đảng CSVN. Đáng lẽ các nhân vật bảo thủ, trì trệ, già nua rồi, không nắm bắt được thực tế nữa phải thực sự về vườn từ lâu rồi. Bản thân các vị không tin vào đảng của các vị. Đảng của các vị là gì? Hơn 2 triệu đảng viên mà bây giở người ta trẻ trung, người ta có năng lực của người ta, việc gì cần các ông ấy phải dạy bảo. Đáng lẽ phải xếp các ổng lại một nơi để các ông yên nghỉ tuổi già. Ra đây nói năng lăng nhăng chỉ gây nên điều hại, điều xấu cho đảng các ông và cho xã hội. Tôi cho rằng bây giờ dẹp các ổng đi. Đã đến lúc là không thể không dẹp được nữa vì nhiều điều tiếng về các ông ấy bây giờ nó xấu xa, tệ hại quá rồi.

Đặc biệt là ông Lê Đức Anh người ta tố cáo man khai lý lịch, đối xử tàn tệ với vợ, vợ là tỉnh ủy viên, vợ tốt như vậy mà vu cho vợ là địa chủ rồi giuồng bỏ vợ. Rồi là cai phu đồn điền mà cứ khai là công nhân. Những việc ấy xấu quá cho nên cũng phải dẹp. Mà nếu dẹp đi là may cho đảng.

 

TS Âu Dương Thệ: Để bổ túc ý kiến của ông Giang thì tôi thấy hội nghị trung ương 13 hiện giờ với hai dấu hiệu đặc biệt. Thứ nhất là không bình thường và thứ hai là có nhiều dấu hiệu mập mờ không rõ ràng ở trong đó.

Nếu sự vắng mặt của ông Đỗ Mười hay Lê Đức Anh mà ông Kiệt thường gọi là những người có quyền uy, trong thời gian qua đang tìm cách lộng quyền để chỉ huy cả bộ chính trị thì có phải đấy là nhóm bảo thủ nhượng bộ những đòi hỏi của phe cấp tiến và nhiều cách mạng lão thành hay không? Có phải là nhượng bộ thật hay nhượng bộ giả vờ để mua thời gian của phe bảo thủ.

 

Việt Hùng: Thời gian qua thì một số ý kiến trong và ngoài đảng được dư luận cả trong và ngoài chú ý đến, đó là những ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, của những lão thành cách mạng thời tiền khởi nghĩa ở Nam bộ như cụ Nguyễn Văn Thi, ông Nguyễn Văn Bé yêu cầu đối chất, chất vấn ông Lê Đức Anh. Từ ngoài Bắc, trí thức trong và ngoài đảng vẫn tiếp tục lên tiếng, trong lần trao đổi với chúng tôi gần đây thì ông Lê Hồng Hà còn nói thẳng rằng hiện nay trong nước phần nào các trí thức đã có dũng khí.

Với bối cảnh như vậy thì phải hiểu như thế nào ạ?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề là bây giờ nước đã sôi lên rồi và lửa đã bỏng rồi, đã rát mặt tất cả những người còn có chút lương tri và có chút trách nhiệm với nhân dân với đất nước, và kể cả với đảng CSVN. Đã thấy bỏng rát mặt lên bởi rất nhiều biểu hiện xấu xa và có thể nói là tồi tệ của xã hội gây nên bởi những chủ trương, đường lối đã quá chừng lạc hậu, quá chừng trì trệ. Những  cái chéo que như kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, rồi những cái phi dân chủ như vấn đề tập trung dân chủ, rồi những cái phi kinh tế như vẫn cứ ôm lấy cái gọi là kinh tế quốc doanh làm chủ đạo một cách không hợp lý v.v... Những cái đó đã là những cái rất sai, rất nghịch lý đối với tầm nhận thức về lý luận của thời đại hiện nay.

Trong thực tế xã hội thì nhất là thời gian gần đây người ta mới thấy hậu quả của những đường lối sai lầm đã dẫn đến một xã hội có thể nói rằng là tan nát. Nhìn vào chỗ nào cũng thấy dối trá, nhìn vào chỗ nào cũng thấy hư hỏng. Giáo dục hư hỏng, giao thông hư hỏng. Chỗ nào cũng thấy giả tạo cả. Sách giả, tiến sĩ giả, bằng đại học giả, bằng trung cấp giả, mồ liệt sĩ giả ( mồ liệt sĩ đào lên chỉ thấy xương lợn ). Rồi đến đá bóng giả, ca khúc giả, tác phẩm hội hoạ giả ….

Về vấn đề kinh tế thì lâu nay đã nói rằng đổi mới, đã cố gắng để không thể không hội nhập được, nhưng vì chính trị kéo theo kinh tế lạc hậu cho nên bây giờ kế hoạch vào WTO năm 2005 cũng không đạt được. Và bây giờ người ta không dám định thời gian nữa, mà nói như là giận dỗi, là thôi sẽ không vào bằng bất cứ giá nào. Chừng nào chưa vào được WTO thì thực tế tính ra một ngày ta thất thiệt khoảng 1 triệu đô la. Việc đó là ai chịu? Nhân dân chịu, đất nước chịu. Cứ thế mà vẫn tiếp tục nghèo, tiếp tục lạc hậu so với thế giới.

Về nội bộ thì những vụ T4, Sáu Sứ nó vẫn cứ chọc vào gan vào ruột của tất cả những cán bộ lão thành, những trí thức …. Cho nên trong tình cảnh bức bối thế người có lương tâm, có trách nhiệm không thể không lên tiếng được.

 

TS Âu Dương Thệ: Chúng ta thấy rằng trong nhiều năm qua một số các cách mạng lão thành trong đó có cả ông Võ Văn Kiệt cũng đã lên tiếng một cách công khai chỉ trích những cái sai lầm hay lạm quyền của một số người trong bộ chính trị.

Phân tích thì, thứ nhất cho tới hiện nay là những giói này họ đã không còn tin vào việc làm của một số người bảo thủ trong bộ chính trị. Thứ hai nữa là những vị này đã cho rằng sự chuyên quyền của một số người trong bộ chính trị đã quá lộng quyền, không thể ngừng lại đựơc nữa. Thứ ba nữa là ngoài sự chuyên quyền ra người ta còn thấy có sự lộng quyền của một số nhân vật như ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh. Trong cả những vụ rất quan trọng như vụ tổng cục 2, T4, hay chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc việc vào WTO như ông Giang vừa mới nói, hoặc nữa là việc quan hệ với Bắc Kinh. Tất cả những việc đó làm cho những cách mạng lão thành rất quan tâm và người ta thấy rằng không thể tin tưởng được vào giới lãnh đạo hiện nay ở trong bộ chính trị nữa.

 

Việt Hùng: Thưa các ông, trước khi đóng lại phần 1 của cuộc hội luận, một câu hỏi được đặt ra là phải chăng qua những sự trình bày của các ông và những dấu hiệu như vậy, dư luận có thể hiểu rằng nó có ảnh hưởng tới hội nghị trung ương đảng 13 diễn ra phần nào hay không?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cho rằng tình hình này nếu không dội được vào tai các vị ngồi họp trong hội nghị trung ương thì như vậy tức là đã tê liệt rất nguy hiểm. Tê liệt tất dẫn đến sụp đổ. Nó phải dội được vào tai họ. Bây giờ, trong hội nghị 13 này, nếu họ đã thấy là đã có sự sắp xếp nhân sự rồi thì họ hãy bừng tỉnh lên, thấy rằng anh nào mà còn ngồi lại được đấy thì ngồi, anh nào không được ngồi lại đấy thì hãy đem lấy tinh thần trách nhiệm cuối cùng của mình ra để đóng góp cho những vấn đề chủ trương, đường lối phải được thay đổi để cứu thóat ra khỏi tình trạng đang dẫn đến … tôi cho là sắp dẫn đến tổng khủng hoảng về mọi mặt: kinh tế, chính trị, xã hội.

 

TS Âu Dương Thệ: Về điểm đó chúng tôi thấy như thế này, hội nghị trung ương 13 có nhiều dấu hiệu không bình thường trong đó. Những vấn đề đó chúng ta thấy đã diễn ra ngay trong hội nghị đảng bộ. Chẳng hạn như điều lệ qui định là các đại hội đảng bộ phải được thực hiện dân chủ và vấn đề chương trình cho vấn đề nhân sự. Thế nhưng tất cả những hội nghị đảng bộ ở các tỉnh và thành phố diễn ra hoàn toàn có tính cách hình thức. Ngay cả trong những tài liệu tổng kết đại hội này, một mặt họ đánh bóng nhưng mặt khác họ cũng nhìn thấy là nó không có những thay đổi lớn để chấn chỉnh vấn đề dân chủ hóa trong chế độ cả.

Đấy là những cái nguy cho chế độ hiện nay.

 

Việt Hùng: Theo tiến sĩ chính trị học Âu Dương Thệ thì hội nghị trung ương 13 diễn ra với nhiều dấu hiệu không bình thường. Trong khi đó theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tình hình này nếu không dội vào tai các vị ngồi họp trong hội nghị trung ương thì như vậy tức là đã tê liệt.

 

Những luận điểm đó có thực tế hay không? Và liệu hiện tượng xé rào cùng một số báo tại Việt Nam khi cho đăng tãi một số ý kiến của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ cho dư luận thấy điều gì?

Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần hai cuộc hội luận chính trị trong - ngoài vào một buổi phát thanh tới.

 

Việt Hùng: Để tiếp tục phần 2 của cuộc hội luận trong-ngoài nước liên quan đến hội nghị trung ương lần 13 hiện đang diễn ra tại Hà Nội, thưa tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và thưa tiến sĩ Âu Dương Thệ, những phát biểu gần đây của ông Võ Văn Kiệt đã được một số báo tại Việt Nam bắt đầu loan tin. Phải chăng là có sự xé rào trong làng báo thay vì thông lệ thường thấy?

 

TS Âu Dương Thệ: Nếu chúng ta theo dõi những văn kiện dự thảo của Bộ chính trị và những lời phát biểu của ông Đỗ Mười thì chúng tôi thấy là có hai khác biệt rất căn bản. Những văn kiện của Bộ chính trị soạn thảo ra thì đưa ra những thành quả của 20 năm đổi mới thôi. Nhưng những đòi hỏi của ông Kiệt là phải nhìn vấn đề Việt Nam từ 30 năm, tức là từ 1975 trở lại đây. Ông Kiệt chủ trương rằng phải nhìn thấy thời gian đói kém và những thiếu sót của 10 năm từ năm 1975 tới Đại hội 6 thì mới hiểu được nhu cầu phải đổi mới ra sao. Trong khi đó phe bảo thủ lại chỉ muốn nhìn và muốn tô hồng những thành quả của vấn đề đổi mới thôi.

Như vậy chúng ta thấy rằng có hai cái nhìn rất khác biệt giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến trong nội bộ đảng CSVN hiện nay. Chúng ta thấy quan điểm của ông Kiệt cũng đã được Thành ủy thành phố HCM, tức là một trong những thành ủy rất quan trọng ở miền Nam đã ủng hộ quan điểm đó.

Cái thứ hai nữa như ông Việt Hùng vừa mới nói là chúng ta thấy một số báo chí cũng đã hưởng ứng những lời đề nghị, kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt.

 

Việt Hùng: Phải chăng đó là báo tuổi trẻ

 

TS Âu Dương Thệ:  Đó là báo Tuổi Trẻ.

 

Việt Hùng: Sau tờ Tuổi Trẻ, tờ Thanh Niên, và VietnamNet có đăng một vài ý kiến của ông Võ Văn Kiệt đóng góp trên nhiều phương diện, từ mặt giáo dục, ngay cả thậm chí đến vấn đề bóng đá ông cũng có lên tiếng những chuyện như vậy thì được một số báo chí ở Việt Nam đăng tãi. Trở lạI câu hỏi chúng tôi muốn hỏi là phải chăng đang có hiện tượng xé rào trong làng báo?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi nghĩ không hẳn đây là sự xé rào, là công đầu của làng báo mà công đầu phải là của nhân dân và của các đảng viên thức thời bị thúc ép bởi một thực trạng không thể nào không lên tiếng được. Mọi người đều phải thức tỉnh, từ người dân cho đến đảng viên cũng phải thức tỉnh, phải mở to mắt ra mà nhìn thẳng vào thực tế, đang là một thực tế rất nguy hiểm. Những người đảng viên, những người lãnh đạo đảng nếu vẫn cứ nhắm mắt quay lưng lại với thực tế để rồi chỉ thích đón nhận những lời ca tụng không đúng thì nguy cơ của tổng khủng hoảng xã hội đang xảy ra trước mắt và kể cả nguy cơ mất nước cũng đang nhãn tiền.

Rất nhiều người băn khoăn rằng nếu vấn đề Tổng Cục II mà không giải quyết được thì nguy của sự cõng rắn về cắn gà nhà của TCII là có thật.

 

Việt Hùng: Vẫn liên quan đến dư luận của cả trong và ngoài được biết thêm những ý kiến của những người trí thức yêu nước trong và ngoài đảng, câu hỏi được đặt ra là dường như hiện nay ngay từ trong lòng đảng đã có một xu hướng chính trị, và xu hướng này công khai tán phát bài vỡ trên internet, phổ biến rộng trong dư luận xã hội. Với cái nhìn của các ông, đó có phải là sức ép nếu không muốn nói là đồng loạt xuất hiện ở nhiều nơi?

 

TS Âu Dương Thệ: Nếu chúng ta quan sát nội tình của Trung ương đảng CSVN trong những tháng gần đây, chúng ta thấy có một hiện tượng như thế này. Trước đây ông Võ Văn Kiệt chỉ viết thư trực tiếp tới Trung ương đảng và Bộ chính trị yêu cầu, nêu ra một số thay đổi hay cải cách ở trong nội bộ thôi. Thế nhưng gần đây ông Võ Văn Kiệt không dừng lại ở việc đó nữa mà đã  chuyển những đòi hỏi của mình ra bên ngoài qua một số những báo chí, chẳng hạn như tờ Tuổi Trẻ, VietnamNet, hay một số những tờ báo khác ở trong nước. Nếu nhìn cái đó thì chúng ta thấy là có một số những thay đổi trong cách nhìn của ông Kiệt nói riêng và của những nhân sĩ và của những cách mạng lão thành nói chung trong vấn đề vận động quần chúng, vận động đảng viên để chuẩn bị tốt cho đại hội 10 sắp tới.

Có lẽ là những giải pháp gởi thơ cho Bộ chính trị hay Trung ương đảng không được kiến hiệu lắm, hoặc đã bị im lặng thành ra bây giờ ông ta thấy rằng gần tới Đại hội 10 rồi thì không thể im lặng được nữa. Bây giờ phải đưa tiếng nói ra công khai trên báo chí, truyền thanh v.v...

Đấy là những cách làm mà chúng tôi thấy đây là cách vận động mới của những người cấp tiến ở trong đảng CSVN.

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi muốn mở rộng thêm phần của tiến sĩ Âu Dương Thệ vừa mới nói. Việc gần đây cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tiếng rất nhiều, rất mạnh mẽ. Đấy là kết quả của sự bức xúc của tình hình, đồng thời cũng do tình hình bây giờ cho phép ông Kiệt vùng lên trở lại. .. Dẫu sao, trước tình hình bức xúc cho quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam bây giờ chúng tôi vẫn trông chờ nhiều vào sự diễn biến hòa bình, tự diễn biến hòa bình của nội bộ đảng và đặc biệt là của đầu não đảng.

Còn anh em gọI là dân chủ chúng tôi chỉ là những cánh tay, những xúc tác thêm để cho các hóa trình dân chủ hóa được vận động, được diễn tiến nhanh. Tôi vẫn tin rằng, và tôi mong rằng với sự hỗ trợ ở bên ngoài cũng như của chúng tôi, trong nội bộ, đầu não đảng phải thực sự diễn biến hòa bình.

Diễn biến hòa bình có nghĩa là nó diễn biến theo những xu thế đúng của thời đại và nó thật sự đổi mới triệt để như mong muốn của những vị cấp tiến ngay trong đảng như ông Trần Xuân Bách, ông Trần Độ, và kể ngay cả cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước đây.

 

Việt Hùng: Trở lại vấn đề hội nghị trung ương 13, vấn đề nhân sự. Trong bài phát biểu lễ khai mạc, ông Nông Đức Mạnh thì cho rằng trước nhân dân, Ban chấp hành Trung ương cần thể hiện tinh thần trách nhiệm để chọn người xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, có đức, có tài vào Ban chấp hành. Nhưng ngược lại cách đây không lâu thì ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng, chỉ cần tham dự 2 hội nghị đảng bộ là có thể biết được mọi việc vẫn như cũ và dường như có sự sắp đặt hết rồi. Như vậy thì người dân sẽ phải hiểu như thế nào? là những người đầy tớ trung thành của dân sẽ chọn lựa nhân sự ra sao nếu nhân dân không được biết, không được bàn và không được kiểm tra?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Bao giờ họ cũng tuyên truyền, nói rằng dân chủ XHCN của họ là gấp triệu lần, bao giờ họ cũng nói bầu cho ra được những người xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất cho đất nước, cho dân tộc.

 

TS Âu Dương Thệ: Về vấn đề đó thì chúng tôi thấy như thế này. Nếu chỉ nói một cách chung chung về tài và đức không thôi thì không thể quyết định được trong vấn đề nhân sự. Chúng ta đã thấy trong quá khứ trong các đại hội trước đây đều đưa những vấn đề đó ra làm tiêu chuẩn để chọn lựa, nhưng cuối cùng thì chúng ta đã biết là hầu hết đa số những ủy viên Bộ chính trị hay rất nhiều ủy viên Trung ương đảng là những người không có tài và đức lại càng là một dấu hỏi lớn. Bởi vì rất nhiều người đã tham nhũng và đã lạm quyền, đấy là những chuyện không phải là những anh em bên ngoài nước nói xấu mà đấy là những chuyện chẳng hạn như những cách mạng lão thành hay những nhân sĩ, những chuyên viên cao cấp ở trong đảng đã nói chuyện đó.

Chúng ta nhớ lại bài nói của ông Đặng Quốc Bảo trước đây, ổng đã nhận xét rằng là vấn đề nhân sự, vấn đề chọn lọc nhân tài bây giờ không có tiêu chuẩn tài đức mà mà chỉ có tiêu chuẩn, theo ý của ông ta là nịnh bợ và phe cánh mà thôi.

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi thấy là họ không thể nào tìm ra được người thật sự xứng đáng. Vấn đề tiêu chuẩn tài và đức là lấy ở tiêu chuẩn nào? Phải có dân chủ thật sự thì mới chọn được người tài đức thật sự. Còn nếu mà không có dân chủ thật sự, vẫn là chuyên quyền của một độc đảng như thế này thì tiêu chuẩn tài của họ là gì? Tiêu chuẩn tài của họ là làm sao minh họa, tô vẽ cho thật đẹp những lý thuyết đã trở thành lỗi thời lạc hậu của chủ nghĩa Mác - Lênin. Còn đức là gì? Đức là phải biết phục tùng cái gọi là đảng, phải là những người nô lệ tốt. Họ đánh giá đấy là đức, họ cho như thế là người có ý thức tổ chức cao. Đấy là tiêu chuẩn tài đức của họ.

 

Cho nên tôi nói là chừng nào phải thực hiện được dân chủ hóa, phải là đảm bảo cho toàn dân có trách nhiệm và được làm chủ đất nước thật sự chứ không phải chỉ mấy người đảng viên làm chủ đất nước. Càng không phải là chỉ mấy ông lãnh đạo ở bộ chính trị làm chủ đất nước.

 

Việt Hùng: Có thể còn quá sớm khi đề cập đến vấn đề nhân sự, nhưng vấn đề này sẽ được hiểu theo chiều hướng như thế nào?

 

TS Nguyễn Thanh Giang: Vấn đề nhân sự thì bây giờ tôi cho rằng tình hình này nó đã nứt vỡ rồi vì những thực tế đó nó dội vào một cách gây gắt rồi thì việc điều khiển của ban tổ chức trung ương đảng sẽ không được như những đại hội trước đâu . Rồi sẽ như các đại hội của các hội nhà báo và hội nhà văn, những dự kiến bên trên là một đàng nhưng cuối cùng kết quả thực tế nó sẽ ra một nẽo.

 

TS Âu Dương Thệ: Trọng tâm của Hội nghị trung ương 13 kỳ này là vấn đề nhân sự, thế nhưng nếu chúng ta căn cứ  vào những kinh nghiệm của các đại hội trước đây thì chúng ta thấy trong thời điểm này không ai có thể biết trước là nhân vật nào hay phe nào, bảo thủ hay cấp tiến sẽ thắng trong Đại hội 10. Bởi vì nếu chúng ta nhới lại Đại hội 9 vào năm 2001 trước đây, phải đợi vài ngày cuối trước khi Đại hội 9 mở màn thì chúng ta mới biết được người nào.

 

Việt Hùng: Như vậy là phải chăng ông cũng đồng ý với cái nhìn của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Việt Nam, tức là kể từ khi bắt đầu bàn đến vấn đề nhân sự thì tất cả mọi chuyện mới được bạch hóa và đây mới là thời điểm bắt đầu của đại hội 10 hay sao ạ?

 

TS Âu Dương Thệ: Vâng, tôi nghĩ đấy có lẽ sẽ là vấn đề quan trọng nhất mà từ nay trở đi sẽ là trọng điểm theo dõi của những người ở trong đảng cũng như ở ngoài đảng, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại.

 

Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của đài, xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và tiến sĩ Âu Dương Thệ đã tham dự cuộc hội luận ngày hôm nay.