Hội luận cùng giáo sư Đoàn Viết Hoạt về sự hội nhập của Việt Nam (RFA 09-7-2006)

Giới Thiệu: Trong những nỗ lực ra nhập WTO, Việt Nam đã và đang bước vào những thay đổi hay nói đúng hơn là những cải tổ nhằm rút ngắn con đường tiến tới hội nhập.

Thế nhưng, ngoài những cải tổ về Luật pháp, những cải tổ về kinh tế theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa liệu có làm cho Việt Nam thay da đổi thịt hay không.

Trong khi Hội Nghị 12 Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN đang nhóm họp sẽ phải đứng trước những thử thách nên hay không nên theo đuổi học thuyết Mác-Lê làm kim chỉ nan tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, đó là những vấn đề sẽ được đưa ra trong cuộc Hội Luận do Việt Hùng điều hợp.

Từ hai vị thế khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau, khách mời hôm nay là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, nhà dân chủ từ Hà Nội và Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân chính trị hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi:

Việt Hùng: Hiện nay thì Hội Nghị 12 Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN đã bắt đầu nhóm họp vào ngày mùng 4 vừa qua. Dư luận cả trong và ngoài nước đều quan tâm đến một điểm, đó là định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, tiến sĩ đánh giá như thế nào về bản dự thảo báo cáo chính trị cho đại hội 10?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi hy vọng rằng hội nghị 12 này các ủy viên Trung ương, các cán bộ tổ chức của nhà nước phải tiếp thu ý kiến của đông đảo đảng viên, của các lão thành cách mạng là phải có sửa chữa. Mà nếu  sửa chữa được càng nhiều càng tốt. Vì phần dự thảo vừa qua tung ra, nhiều lão thành cách mạng, nhiều đảng viên, nhiều chi bộ đã góp ý kiến rằng đây là một bản báo cáo mà không theo xát được tình hình trước mắt. Không thức thời, không theo kịp được xu thế của thời đại cũng như ước nguyện của nhân dân.

Ba mươi năm qua, chủ nghĩa Mác Lênin đã tàn phá đất nước này về mặt kinh tế, và tàn phá cả về mặt văn hóa và tư tưởng.

Việt Hùng: Đó là cái nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nôi. Thưa Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, vẫn là định hướng Xã Hội Chũ Nghĩa...

GS Đoàn Viết Họat: Vâng, Chủ Nghĩa Xã Hội thực ra không phải là cái gì mới lạ. Nó không phải là độc quyền của những người Marxist. Bắc Âu chẳng hạn thì họ có theo Chủ Nghĩa Xã Hội. Nhưng là một Chủ Nghĩa Xã Hội tự do và dân chủ, trên mặt chính trị là có đa đảng, trên mặt kinh tế là kinh tế thị trường, trên mặt xã hội thì chính quyền lo cho người dân rất nhiều vấn đề. Thành ra nếu mà chúng ta nói về Chủ Nghĩa Xã Hội thì nó cũng không nhất thiết phải đi liền với chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mác-Lênin. Nhưng nếu gắn liền công bằng xã hội với định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa theo nghĩa là chủ nghĩa Mác-Lênin, thì tôi nghĩ đấy là điều không thực tế. Chứng tỏ rằng là Ban Tư tưởng của đảng Cộng Sản hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa phát biểu là không theo đúng những ý kiến của các đảng viên lão thành, mà cũng không theo xát diễn biến của đất nước và đặc biệt là của thế giới.

Việt Hùng: Qua sự trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người nghe có cảm tưởng là cần phải thay đổi. Thế nhưng thay đổi như thế nào?

TS Nguyễn Thanh Giang: Trước hết là về mặt lý luận. Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đảng thay đổi những nhận thức quá xơ cứng, quá bảo thủ, quá trì trệ lạc hậu. Phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin. Và phải rút ra được những nhận định một cách khách quan, thẳng thắn về sự tàn hại của cái ứng dụng sai lầm chủ nghĩa Mác-Lênin, cái Chủ Nghĩa Xã Hội xơ cứng cũ và xã hội Việt Nam. Và xây dựng một nền kinh tế thị trường thực thụ, không có cái đuôi định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa vào đấy nữa. Và muốn như vậy, trước hết là phải xây dựng được một chính quyền có tam quyền phân lập. Mà bản hiến pháp thì hiện bây giờ nhiều nhà lão thành cách mạng, nhiều đảng viên tích cực cũng như nhân dân Việt Nam muốn rằng ít nhất là quay lại hiến pháp năm 1946. Chứ không thể để cái hiến pháp rất là lỗi thời, rất là lạc hậu, thậm chí phản động.

Việt Hùng: Từ bên ngoài thì Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo sư có...

GS Đoàn Viết Hoạt: Trước khi nói về sự cần phải có sự thay đổi căn bản như thế nào thì chúng tôi thấy có điểm căn bản trước hết, một cái tiền đề cho mọi sự thay đổi ở Việt Nam hiện nay. Cái mà chúng tôi gọi là phải có cái nhìn về một nước Việt Nam mới ở trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã nói thì cần phải có nhiều thay đổi căn bản nó đi liền với cái mà chúng tôi gọi là viễn kiến mới đó. Cái thứ hai nữa là phải thật sự chấp nhận quyền tự do của người dân và phải mở đường cho người dân được tự do quyết định, không những là đời sống cá nhân của họ về mặt kinh tế mà cả về các mặt văn hóa, tư tưởng. Chỉ có nền tự do thật sự như vậy thì toàn dân mới có thể nức lòng để xây dựng đất nước được. Thứ ba nữa là phải thật sự dân chủ, ở đất nước là không có cái dân chủ pháp trị đó. Chữ mà Đảng Cộng Sản đang dùng là dân chủ pháp quyền, chữ pháp quyền này đúng nghĩa của nó tức là "rule by law",  thì tức là nhà cầm quyền dùng pháp luật để cai trị đất nước. Do đó mới có tình trạng Tổng bí thư Đảng Cộng Sản là người không có ở trong hiến pháp, chúng ta đọc bản hiến pháp từ trước đến nay, kể cả bản hiến pháp hiện nay là 1992, không có một chức vụ nào gọi là Tổng bí thư đảng hết. Nhưng vị đó lại là cao nhất nước và quyền lực nhất nước, trên cả chủ tịch nước. Tổng bí thư đảng không thể có quyền cao hơn bất cứ một người nào trong chính quyền cả.

Tôi nghĩ là những thay đổi đó cần phải được thể hiện bằng bản hiến pháp mới. Có nhiều người cho rằng có thể lấy lại bản hiến pháp 1946 làm khởi điểm. Tôi cũng có thể đồng ý một phần nào về điểm đó. Nhưng thật sự cái chính ở đây bây giờ là phải có thực tâm chấp nhận một nền dân chủ pháp trị thật sự, và tách đảng ra khỏi chính quyền. Và Đảng Cộng Sản cũng chỉ là một trong những đảng mà sẽ được quốc dân chọn lựa để lãnh đạo đất nước, chứ không thể như hiện nay được. Tôi nghĩ những điểm căn bản đó tôi chưa nhìn thấy ở trong chuẩn bị của đại hội 10 sắp tới.

Việt Hùng: Với cái nhìn của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là cần phải có thay đổi trong bản hiến pháp. Trở lại với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì qua phần trình bày của Tiến sĩ thì có vẻ Tiến sĩ muốn đề cập đến cái thay đổi cần thiết nhất của Việt Nam bây giờ là cần phải xây dựng hệ thống luật pháp?

TS Nguyễn Thanh Giang: Vâng, tôi mong ước là xã hội Việt Nam ít nhất phải được điều hành bằng pháp luật, chứ không phải bằng quyền uy của bất cứ một tập đoàn nào kể cả quyền uy của đảng. Lâu nay là đảng trèo lên ngồi trên đầu dân tộc và đảng quyết định mọi thứ, bất chấp nguyện vọng của nhân dân, bất chấp pháp luật. Tôi tin rằng nếu có tự do ngôn luận, có dân chủ thật sự trong bầu cử quốc hội thì rồi chúng ta sẽ có một xã hội dân sự. Người dân họ sẽ phát huy được trí tuệ của họ để họ đóng góp trong việc quốc gia đại sự. Từ tự do dân chủ nó sẽ tìm ra được định hướng, tìm ra được thiết kế xã hội mới, và làm cho xã hội chúng ta dứt khoát là sẽ tiến bộ vượt bực so với giai đoạn lịch sử đằng đẳng mà trì trệ vừa qua.

Việt Hùng: Vì thời hạn của buổi nói chuyện, vì vậy xin được đặt một câu hỏi cuối cùng với cả Giáo sư Đoàn Viết Hoạt và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Có thể là còn quá sớm để tiên liệu điều gì trong năm sắp tới...

TS Nguyễn Thanh Giang: Mời GS Ðoàn Viết Hoạt.

GS Đoàn Viết Họat: Cám ơn TS Nguyễn Thanh Giang. Nếu mà nói về tiên đoán thì chúng tôi có mấy nhận định như thế này. Thứ nhất nếu nói riêng về đại hội 10 thì chúng tôi chưa có kỳ vọng là đại hội 10 sẽ có những thay đổi căn bản. Thứ hai là về xã hội và người dân trong nước thì chúng tôi tiên liệu thấy rằng càng ngày người dân sẽ tự tìm lấy con đường tự do cho mình. Chúng tôi tiên liệu rằng sự phát triển của xã hội công dân và xã hội dân sự nó sẽ phát triển mạnh lên, dù ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản có muốn hay không thì người dân cũng có nhiều  cơ hội và sẽ tìm lấy cơ hội đó để phát triển mạnh hơn. Điểm thứ ba mà chúng tôi tiên liệu là những người đối kháng sẽ càng ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn, công khai hơn, trực diện hơn ở ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản cũng như ở ngoài xã hội.

Cuối cùng, thứ tư là tình hình khu vực của thế giới thì chúng tôi tiên liệu thấy trong 5 năm tới những biến chuyển dồn dập của thế giới và khu vực sẽ tác động lên ban lãnh đạo của Đảng Cộng Sản khiến cho tất cả những dự tính của họ muốn trì hoãn và làm chậm lại sự thay đổi của đất nước và dân tộc sẽ bị thất bại. Và chúng tôi hy vọng rằng ban lãnh đạo họ sẽ sớm nhìn ra vấn đề đó trong vòng 2, 3 năm tới để kịp thời thay đổi. Nếu không thì chúng tôi thấy rằng là tình hình đất nước sẽ tự phải tìm đường thoát để mà bung lên cho kịp với thời đại.

Việt Hùng: Bằng kinh nghiệm và thực tế từ Việt Nam thì Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang có lời bàn gì?

TS Nguyễn Thanh Giang: Tôi cũng nghĩ như là Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Trông vào gương mặt của các nhà lãnh đạo bây giờ, và cách điều hành của họ thì thấy rằng là sự chuyển động ngay trong đại hội 10 này thì cũng khó tiên liệu được. Ngay cả vấn đề nhân sự, gần đây khi tôi trao đổi với nhiều đảng viên, nhiều lão thành cách mạng thì nhiều người thấy băn khoăn lắm, không nghĩ ra được một ban nhân sự mới nào để cho có thể đủ  lòng ngưỡng vọng của nhân dân và của đảng viên. Thế nhưng mà tôi thì tôi cho rằng là gần đây, đặc biệt là trong vòng nữa năm trở lại đây thì tình hình xã hội Việt Nam nó đang chuyển động khá là mạnh mẽ. Sự chia tách thành hai trào lưu là bảo thủ, trì trệ, giáo điều và một phía thức thời, tiến bộ. Hai cái đó đã hình thành. Nhưng mà lâu nay phái bảo thủ, trì trệ, cực đoan, giáo điều thì nó mạnh mẽ và nó có uy lực quá lớn. Không những về số lượng trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, mà được cầm đầu phủ võng lên bởi hai bóng đen, một là ông Đỗ Mười, hai là ông Lê Đức Anh. Gần đây, hai bóng đen đó đã dần dần cũng bị tan loãng ra. Ông Lê Đức Anh thì mấy năm nay đã bao nhiêu điều tai tiếng về việc man khai lý lịch để vào đảng, rồi bày ra chủ trì cho vụ T4 để vu oan giá họa cho hàng loạt cán bộ cao cấp của đảng. Còn cái ông Đỗ Mười thì bị điều tiếng ở trong việc đi nhận hối lộ của tư bản hơn 1 triệu đô la. Thế nay, qua hồi ký của ông Đoàn Duy Thành còn thấy rằng ông này về phẩm chất đạo đức cũng là một con người lá mặt lá trái, trù dập anh em cán bộ.

Thế thì hai bóng đen đó nó bị tan loãng ra. Và sự chi phối đảng nó cũng bị yếu đi. Cho nên là một trào lưu tiến bộ, một trào lưu thức thời mà gần với cánh anh em dân chủ chúng tôi đang mạnh lên, thì tôi hy vọng từ nay cho đến đại hội 10 cũng sẽ có một chuyển biến đáng kể trong Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Còn tôi thì tôi luôn luôn lạc quan. Tôi cho rằng dù bất cứ thành quả nào của đại hội 10 này thì xã hội Việt Nam cũng đang vận động mạnh và chỉ trong vòng 5, 10 năm tới nó phải thay đổi. Nếu mà trong đại hội này về nhân sự, về chủ trương đường lối mà đi  cái mà giáo điều, bảo thủ, trì trệ, cực đoan mà chi phối mạnh thì sau đại hội đảng sẽ nhanh chống đi đến chỗ sụp đổ. Còn nếu phái tiến bộ, nghiêng về phía anh em dân chủ chúng tôi mà chi phối được nhiều thì đảng còn có thể trụ thêm được một số năm nữa. Nhưng rồi sau đó cũng phải biến chuyển theo con đường đa nguyên đa đảng, và theo con đường dân chủ hóa để đưa đất nước tiến lên.

Tóm lại, tôi không tin và tài năng và đức độ của những người lãnh đạo hiện nay nói chung. Nhưng tôi hoàn toàn tin vào trí tuệ và năng lực của nhân dân Việt Nam.

Việt Hùng: Vâng, xin thay mặt quý thính giả của đài, xin cám ơn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt và Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cùng chia xẻ với quý thính giả và chúng tôi trong cuộc hội luận ngày hôm nay.