Thành khẩn mới tiến bộ - Bình luận cuốn sách trắng về nhân quyền Việt Nam

 

Sách trắng về nhân quyền do Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 18 tháng 8 năm 2005 dày 80 trang. Ngoài “ Lời nói đầu ”, sách gồm 4 chương : Chương I – Quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người; chương II – Những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người ; chương III – Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và phát triển quyền con người ; chưong IV – Về một số luận điệu vu cáo Việt Nam trong vấn đề quyền con người.

Dưới đây là đôi điều bình luận về cuốn sách này :

I - Về những quan điểm, chính sách của Việt Nam về Quyền Con Người

Dung lượng của phần trình bày về quan điểm, chính sách của Việt Nam về Quyền Con Người trong cuốn sách chỉ bằng chưa đầy một phần mười phần trình bày về những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và thúc đẩy Quyền Con Người. Phần này vừa sơ lược, vừa có rất nhiều bất cập.

1 - Về vấn đề quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người

Cuốn sách mở đầu bằng câu “ Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy những quyền cơ bản của con người …” (1). Mở đầu chương 1, sách lại viết : “ Bằng cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong dộc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình ” (1).

Vậy thì, quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người là gì ? Nhân quyền, hay chỉ là chủ quyền quốc gia ? Cái điều mà “ dân tộc Việt Nam đã khẳng định ” trên đây có phù hợp với nhận thức quốc tế, và do đó, có thể được chấp nhận mỗi khi bàn thảo hay giải quyết những tranh chấp về nhân quyền trên trường quốc tế hay không ?

Có lẽ vì quá phức tạp và tế nhị mà các tự điển thông thường của nhiều nước lớn như Mỹ, Nga … đều không có định nghĩa, riêng “ Từ điển Tiếng Việt ” do Nhà xuất bản Khoa hoc Xã hội của Việt Nam ấn hành thì giải thích ngắn gọn : “ Nhân quyền : những quyền lợi căn bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại … ”.

Định nghĩa này quá sơ giản nhưng hẳn là cơ bản đúng. Tiếc rằng, nó không được quán triệt trong các tuyên bố chính trị của Đảng và Nhà nước ta.

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền do Liên Hợp Quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 được mở đầu như sau : “ Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền dẫn đến các hành động dã man xúc phạm tới luơng tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người không còn phải chịu sự khủng bố và sự khốn cùng, được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng là khát vọng cao nhất của con người;
Nhân quyền phải được pháp luật bảo đảm, để mỗi người không còn bị buộc phải- khi không còn cách nào khác- nổi dậy đấu tranh chống lại sự tàn bạo và áp bức ”.

Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp cũng mở đầu tương tự : “ Những người đại diện của nhân dân Pháp, tổ chức thành Quốc hội, cho rằng sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi thường quyền con người là những nguyên nhân duy nhất của nỗi bất hạnh công cộng, của tệ hủ bại của các chính phủ, đã quyết định nêu trong một bản Tuyên ngôn long trọng về những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt và thiêng liêng của con người ”.

Dễ dàng nhận thấy cùng một mối tương đồng như trên trong lời nói đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ : “ Chúng tôi cho rằng những sự thật sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có Quyền được Sống, Quyền Tự do và Quyền Mưu cầu Hạnh phúc. Để bảo đảm cho các quyền này, con người thiết lập ra các chính phủ và chính sức mạnh của các chính phủ là xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Và khi một chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên thì nhân dân có quyền thay đổi hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy ”.

Rõ ràng nhận thức và quan điểm vể nhân quyền của Việt Nam thể hiện qua cuốn Sách trằng vừa xuất bản sai biệt và lạc hậu hơn hẳn nhận thức của nhân loại tiến bộ cách đây hàng mấy thế kỷ. Rõ ràng chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết dân tộc là phần tử cấu thành không nhỏ nhưng không phải là phần tử quán xuyến, là yếu tố quyết định của nhân quyền. Chủ quyền không phải là mục tiêu tối thượng mà có chăng chỉ là cứu cánh của nhân quyền. Khát vọng ngàn đời của nhân loại, mục tiêu tối thượng của cách mạng phải là nhân quyền chứ không phải chỉ là cái phần chủ quyền quốc gia nhiều khi vô nghĩa. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “ Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì ”. Thực tế lịch sử cũng đã và đang cho thấy quyền tự quyết dân tộc mà rơi vào tay những kẻ cầm dầu như Ponpot, Saddam Hussein, Kim Jong Il … thì nhân dân các nước đó còn khổ nghèo điêu đứng hơn cả sống dưới ách thống trị ngoại bang.

Nhận thức cho đúng được phần thiêng liêng cơ bản nhất của Quyền Con Người thì đảng Cộng sản Việt Nam mới sẽ bớt huênh hoang, tự mãn về chiến tích lãnh đạo mấy cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vùa qua. Còn gì kệch cỡm hơn khi cứ oang oang xưng tụng, nào là “ cực kỳ vĩ đại”, nào là ngôi sao “ sáng nhất trong muôn vì sao ”. Thật không tài nào hiểu nổi sao lại hợm hĩnh đến mức có thể tự coi mình quan trọng hơn Đất nước khi xác định “ Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân ” ; tự coi mình trên cả đất trời khi giăng giăng khắp hang cùng ngõ hẻm dòng biẻu ngữ : “ Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước ”.

Huênh hoang, tự mãn dẫn đến độc quyền độc đoán tước bỏ quyền tự quyết của nhân dân ( một trong những quyền cơ bản của nhân quyền ) khi Đảng ngang nhiên áp đặt vị trí độc tôn qua điều 4 của Hiến pháp : “ Đảng Cộng sản Việt Nam …. là lực lưọng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ”. Đảng cũng đã chà đạp trắng trợn nhân quyền của nhân dân Việt Nam khi tuyên bố : “ Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ”, và cưỡng bức con người yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội. Thật ra thì chẳng qua chỉ vì đã chót đổi tên từ đảng Lao động thành đảng Cộng sản và khăng khăng khẳng định là đội tiền phong cuả giai cấp công nhân, theo chủ nghĩa Mac-Lenin nên tất nhiên đảng Cộng sản Việt Nam phải tụng niệm “ Định hướng xã hội chủ nghĩa ” ( mặc dù trên thực té Đảng đang lãnh đạo đất nước vào chế đô tư bản hoang dã ) chứ xã hội chủ nghĩa đâu phải là “ con đường của Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã chọn ”.

2 - Nhân quyền Việt Nam không thể mãi đối địch với nhân quyền quốc tế

Không dứt được những ám ảnh đỏ ngầu về động lực đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác, về “chính quyền đẻ ra từ nòng súng “ của Lênin, Sách trắng không biểu lộ được những nhận thức nhân bản và phổ quát của nhân quyền. Nhân quyền phải được tạo ra, được bảo vệ, được phát triển căn bản bởi lương tri, bởi trí tuệ và bằng lao động sáng tạo chứ đâu phải bằng xương máu như lời tuyên bố của Sách trắng ( Sách trắng mở đầu: “ … nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy những quyền cơ bản của con người … ” ) (1).

Dẫu với quan niệm sai lệch rằng cốt lõi của nhân quyền là chủ quyền quốc gia thì việc “ giành lấy những quyền cơ bản của con người ” ấy cũng đâu cứ nhất thiết phải bằng xương máu. Đem núi xương, sông máu ra để giành độc lập chủ quyền là biện pháp hoàn toàn nên tránh, và nói chung đều có thể tránh. Trong thế kỷ qua, ngoài Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, đã có trên dưới 50 dân tộc trên thế giói giành được độc lập, thống nhất mà đâu phải rơi xương, đổ máu như Việt Nam.

Với tâm trạng bị ám ảnh đỏ ngầu, Việt Nam nhìn đâu cũng thấy đầy rẫy những dối thủ nhân quyền, cả trong và ngoài nước. Sách trắng chỗ này hoảng hốt răn dạy: “ Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác ” (1), chỗ kia dóng dả tuyên cáo : “ Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại … với các nước khác ” (1), chỗ nọ nguyền rủa : “ Nhân đây cũng phải nói rằng, những luận điệu, mô hình của những vị mệnh danh là “ chiến sỹ dấu tranh cho tự do, dân chủ ” muốn áp đặt ở Việt Nam chẳng qua cũng chỉ là những bản sao tồi mô hình xa lạ của những nước có hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, kinh tế hoàn toàn khác ” (1).

Sao lại ngạo mạn như vậy ! Chẳng nhẽ tất cả các mô hình nhân quyền khác đều tồi và xa lạ, đều không đáng quan tâm, không đáng tham khảo, học hỏi đối với Việt Nam sao ?

Tâm trạng bị ám ảnh đỏ ngầu còn giục Việt Nam với khí thế hừng hực tung nhiều đòn gió xua tan khá nhiều thiện cảm khi “ Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và phát triển quyền con người ” (1) “ Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hoá và thái độ “ tiêu chuẩn kép ” của một số nước trong vấn dề nhân quyền, chống việc sử dụng các nghị quyết về “ tình hình nhân quyền ” tại một số nước để gây sức ép và can thiệp vào cộng việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của các nước đang phát triển ” (1)

Điều 5 – Tuyên ngôn Vienna về Nhân quyền ( ngày 25 tháng 6 năm 1993 ) đã nhấn mạnh : “ Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và được coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo, các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá có nghĩa vụ đề cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản ”. Điều 8 của bản Tuyên ngôn này lại bổ sung thêm : “ … việc đề cao và bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên bình diện quốc gia và quốc tế cần mang tính phổ cập và được thực hiện vô điều kiện. Cộng đồng quốc tế cần ủng hộ việc tăng cường và đề cao dân chủ, phát triển và tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên toàn thế giới”.

Những điều khoản trên của Tuyên ngôn Vienna về nhân quyền là nhằm hành pháp hoá kết luận của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền. Điều 30, bản Tuyên ngôn này viết : “ Không điều nào trong bản Tuyên ngôn này có thể được lý giải theo lối để cho bất kỳ quốc gia, nhóm hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành một hoạt động hay thực hiện một hành vi nhằm phá hoại các quyền và các tự do đã được nêu lên trong Tuyên ngôn này ”.

Tinh thần nhân bản cao cả và tính phổ quát đã được quốc tế công nhận khiến cho nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia.

Thực thi và quản lý nhân quyền theo từng lãnh thổ là chủ quyền của mỗi quốc gia cần được tôn trọng. Tuy nhiên quyền này không phải là tuyệt đối bất khả xâm phạm.

Từ thế kỷ 13, Sheikh Musharrif ud-din Sadi – nhà thơ lớn vùng Ba Tư - đã tha thiết nhắn nhủ : “ Khi thế giới làm một kẻ đau khổ thì những kẻ khác cũng không yên. Những ai bàng quan trước đau khổ của kẻ khác đều không đáng được goi là người ”.

Ngày nay không chỉ vì bác ái, vì lý do nhân đạo mà còn vì yêu cầu bảo đảm nền an ninh chung mà quốc tế phải có trách nhiệm giám sát nhân quyền ở mỗi quốc gia. Những đàn áp nhân quyền tại một quốc gia có thể tạo nên làn sóng di tản lớn gây xáo động cả một vùng, một khu vưc địa cầu. Làn sóng di tản ào ạt khỏi Việt Nam trong các thập kỷ 80, 90 vùa qua đã gây bao nhiêu nan giải cho Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế. Từng đợt, từng đợt di tản liên tiép khỏi Bắc Triều Tiên và Cuba … đang gây biết bao phiền toái cho nhiều nước xung quanh.

Chẳng nhẽ nhân loại có thể cầm lòng bỏ qua thảm trạng tàn sát hàng nghìn sinh viên học sinh và nhân dân Trung Quốc không cầm vú khí, đứng lên đòi nhân quyền ở quảng trường Thiên An Môn. Chính chúng ta cũng dã từng phải kéo quân sang Campuchia một phần vì không thể dung thứ tệ diệt chủng của bọn Cộng sản đỏ Ponpot.

Cho nên ông Butros Butros Ghali khi đương nhiệm cương vi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong bài diễn văn đọc trước Hội nghị Nhân quyền Vienna 1993 đã phải thẳng thắn cảnh báo : “ Mỗi quốc gia phải là người đảm bảo tốt nhất cho các quyền con người ”, “ vấn đề hành động quốc tế cần phải được đặt ra khi các quốc gia tỏ ra không phù hợp với nhiệm vụ này, khi họ vi phạm những nguyên tắc cơ bản đã được đề ra trong Hiến chương Liên Hiêp Quốc ”

Ông Butros Butros Ghali đã thể hiện đúng Điều mục 1 của Dự án các điều mục về trách nhiệm của các quốc gia về những vi phạm luật quốc tế : “ Bất cứ hành động chống lại luật quốc tế nào của quốc gia cũng dẫn tới trách nhiệm quốc tế của quốc gia đó ” .

3 - Nhân quyền chính trị và nhân quyền kinh tế -

Sau biết bao nhiêu năm kìm hãm đất nước, đầy đoạ nhân dân trong đói nghèo, khổ cực vì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, vì kế hoạch hoá triệt để nền kinh tế … theo chủ nghĩ Mac-Lenin ; nhờ Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, đảng Cộng sản Việt Nam mới bùng tỉnh đổi mới. Do vậy, từ một cơ thể ốm o, ngắc ngoải, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi và loạng choạng bước đi.

Chỉ mới thế thôi, nhưng Việt Nam đã chủ quan tự đắc giáo huấn thiên hạ : “ Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt dối hoá các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng dồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người ” (1).

Thử hỏi, ai đã “ không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá ” ? (1). Chính là đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự tụt hậu mọi mặt so với thế giới của Việt Nam. Tụt hậu về chính trị, về kinh tế, về xã hội, về văn hoá ….

Vì sao một dân tộc với nhiều tư chất tốt đẹp được nhân loại thừa nhận, một đất nước với tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào, phong phú mà đến bây giờ vẫn là một trong vài chục nước nghèo khổ nhất thế giới cùng đầy rẫy những quốc nạn, quốc nhục về tham nhũng, bất công, đĩ điếm, thảm hoạ giao thông, gian lận thi cử … ?. Không, không thể mãi đổ tội cho chiến tranh. Việt Nam đã có hoà bình it nhất 30 năm rồi. Ba mươi năm sau chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn lên thành một Con Rồng. Ba mươi năm sau tàn hoang của mấy trái bom nguyên tử, Nhật Bản đã đủ sức vươn lên thành cường quốc đứng đầu Châu A, đứng thứ hai thế giới.

Dù là do chọn nhầm đường lối hay là do sự kém cỏi của những người lãnh đạo, hay là do cố ý hy sinh quyền lợi dân tộc cho một tầng lớp ăn trên ngồi chốc – những tư bản đỏ, những địa chủ cộng sản – thì cái thực tế đói nghèo cơ cực của quảng đại nhân dân cũng đã và đang là bằng chứng tố cáo sự tước đoạt nhân quyền của nhân dân Việt Nam do Đảng lãnh đạo gây ra.

Điều 10 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Nhân quyền Châu A tháng 4 năm 1993 đã từng “ Nhắc lại tính độc lập và không thể chia cắt được của các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá-dân sự và chính trị, và sự coi trọng ngang nhau tất cả các thể loại quyền con người ”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan trong diễn văn đọc tai Đại học Tổng hợp Teheran ngày 10 tháng 12 năm 1997 lại thêm một lần khẳng định “ Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người ”.

Việt Nam không chỉ ký Công ước về quyền Kinh tế, Văn hoá, Xã hội mà còn ký Công ước về quyền Dân sự, Chính trị nhưng Sách trắng không nghiêm túc kiểm điểm những điều còn rất bất cập trong việc thực thi các Công ước đó mà chỉ một mực phản ứng gay gắt : “ Họ thường vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền dân sự, chính trị và các quyền tự do cá nhân, trong đó có việc hạn chế và đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến, chỉ trích Việt Nam bắt giam và xét xử không theo chuẩn mực quốc tế những người mà họ gọi là “ đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”, xuyên tạc chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các tôn giáo, dân tôc ” (1).

Sự thực là tất cả những điều trên đây gọi là vu cáo, đều là những tố cáo đúng mà trong các mục sau sẽ có dịp xem xét. Có thể thừa nhận rằng, nhờ biết từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá dể xây dựng nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về nhân quyền kinh tế nhưng vẫn còn nhiều vi phạm rất nặng nề về nhân quyền chính trị.

Với tư tưởng coi con người – chủ thể của nhân quyền – là các cá nhân không nhất thiết phải bị ràng buộc bới những cơ cấu chính trị, xã hội, nhân loại đã đi từ xã hội thần dân, qua xã hội công dân, đến xã hội dân sự nhưng Việt Nam vẫn chỉ cố khuôn quyền con người vào quyền công dân. Điều 50, Hiến pháp 1992 ghi : “ Ơ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật ”.

Khuôn quyền con người vào quyền công dân để rồi cái quyền công dân ở quốc gia này cứ được nhào nặn cắt xén từng ngày, từng ngày..

Cách đây dăm năm, trong bài viết mang tiêu đề “ Nghĩ về hiến pháp nước ta ”, người viết bài này đã từng phân tích và nhận xét : “ Điều 1 – Hiến pháp 1946 ghi rõ : “ Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo ”. Điều này về sau cứ bị biến tướng dần dần. Hiến pháp 1959 khả dĩ còn ghi : “ Tất cả các quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Qua Hiến pháp 1980 đã bị biến hoá lắt léo thành : “ ở nước CHXHCN Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác, mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo ” ( Điều 3 ). Đến Hiến pháp 1992 thì : “ Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ” ( Điều 2 ) …

Thế đấy, từ Hiến pháp 1946, qua Hiến pháp 1959, 1980 đến Hiến pháp 1992, cái miếng da lừa quyền lực nhân dân cứ ngày một teo dần. Từ chỗ “Tất cả quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo” ( Hiến pháp 1946 ) đến chỗ có phân biệt giữa “nhân dân nòng cốt”, “nhân dân nền tảng” với “nhân dân bên ngoài ” … Hiến pháp 1946 rất chú trọng đến chế định công dân. Tại đây, Điều 10 công bố rất rõ ràng, dứt khoát : “ Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài ”. Đến Hiến pháp 1980, người ta đã ngoắc thêm điều kiện : “phù hợp với lợi ích của chủ nghã xã hội ”, đồng thời đính kèm lời răn đe : “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để …”(2) Qua Hiến pháp 1992, những quyền công dân trên được phân bổ trong các điều 68, 69, 70 nhưng bây giờ ở đâu cũng phải đeo thêm một cáci vòng kim cô hay một cái xiềng lỏng “ theo quy định của pháp luật ” (3) ”.

Vậy mà Sách trắng dõng dạc tuyên bố : “ Như vậy Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền con người cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên Hiệp Quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người ” (1).

II – Về những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người

Đây là nội dung chương II của Sách trắng. Dung lượng chương II chiếm 70% toàn bộ cuốn sách, gấp hơn 2 lần dung lượng tổng cộng cả 3 chương còn lại. Chương này nêu những thành tựu một cách tỷ mỉ, chi tiết. Từ những thống kê về “ Số máy điện thoại đã tăng gấp hơn 70 lần trong vòng 10 năm, tổng số máy điện thoại trong cả nước năm 2004 là trên 12,4 triệu chiếc ( so với 126. 433 chiếc năm 1991 ); điện thoại di động mới được sử dụng vào giữa thập niên 90 đến nay, đã đạt hơn 6,2 triệu thuê bao …” (1) đến số liệu về “ Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 1995 là 27, 33% ( thành thị 54,9%, nông thôn 17,3 % ), năm 2000 là 44,07% ( thành thị 81,77%, nông thôn 32,49% )” (1). Phong phú như muc “ Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân ”, nghèo nàn như mục “ Bảo đảm quyền của người cao tuổi ” chỉ với 2 thành tích : 1- Ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 ; 2 – Thành lập Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi và Hội người cao tuổi Việt Nam.

Hãy điểm qua một số trong những thành tích đó :

1 - Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội

Sách trắng viết : “ Nhà nước Việt Nam thực hiện phương châm “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ” ; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước, Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp …” (1)

Thực tế :

- Cho đến khi Hiệp định biên giới lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam- Trung Quốc đã được ký kết, không chỉ nhân dân mà ngay cả Quốc hội cũng không được biết cụ thể về nội dung Hiệp định. Hàng nghìn, hàng triệu câu hỏi được nêu ra chính thức và không chính thức nhưng những người lãnh đạo vẫn không chịu giải trình đủ rõ cho nhân dân biết ta dã để mất bao nhiêu nghìn kilomet vuông lãnh thổ, bao nhiêu vạn kilomet vuông lãnh hải. Và, vì sao lại phải nhượng bộ Trung Quốc như vậy ?

- Rất nhiều chuyên gia, trí thức trong và ngoài nước phản đối chủ trương chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên, tại sao không đưa ra bàn thảo công khai hoặc trưng cầu ý kiến rộng rãi. Luận chứng khu công nghiệp Dung Quất đã được thông qua năm 1996 với dự tính cuối thế kỷ XX sẽ có dầu thương phẩm. Cho dến nay dự tính ấy còn ở trong tương lai mờ mịt. Nhân dân có được quyết định để ngăn chăn sự lãng phí hàng nhiều nghìn tỷ này không ?

Sách trắng viết : “ Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu để tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân…. công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tin ngưỡng, tôn giáo … đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân ” ( 1 ).

Thực tế :

- Xin nêu một ví dụ bản thân được chiêm nghiệm :

Năm 1992, với tâm trạng mong muốn đưa tiếng nói của ngành địa chất vào Quốc hội, thấy tôi là một trí thức ngoài Đảng hiếm hoi thường có chính luận đăng trang nhất báo Nhân Dân, anh em trong cơ quan xui tôi ứng cử Quốc hội khoá IX.

Tại Hội nghị Cử tri Địa phương, tôi được 96% phiếu bầu. Năm ấy, trong khu vực dân cư tôi ở, có 4 ứng cử viên Quốc hội. Bà Phạm thi Trân Châu- giáo sư-tiến sỹ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được 100% phiếu ; ông Nguyễn Duy Quý- uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội được 82% phiếu, bà Trần thị Thanh Thanh – uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Uỷ ban Thiếu niên Nhi đồng được 71% phiếu.

Trước “nguy cơ” trúng cử Quốc hội rất cao của tôi, rầm rập những cán bộ Mặt trận Tổ Quốc, công an … xuống cơ quan tôi chỉ đạo quyết liệt.

Lẽ ra phải thông báo công khai cho anh chị em trong cơ quan đến dự Hội nghị Cử tri Cơ quan và bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng họ đã được lệnh dẫm lên Luật Bầu cử. Họ chỉ triệu tập đúng 16 người trong số hơn 400 người trong cơ quan ( 16 người này hầu hết là đảng viên và đều là cán bộ các tổ chức, phòng, ban và nói chung đều đã được dặn dò trước ) đến bỏ phiếu. Thế là, họ lấy lý do tại Hội nghị Cử tri cơ quan, tôi chỉ được 30% phiếu tin nhiệm nên nhẹ nhàng gạt tôi khỏi danh sách ứng cử viên Quốc hội.

- Luật Bầu cử quy định : “ Đại biểu Quốc hội phải là người trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ”; và quy định “ Hội nghị hiệp thương căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu quốc hội, cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến lần thứ ba và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu quốc hội ”. Cho nên Quốc hội Việt Nam chỉ là do Đảng cử dân bầu. Sách trắng viết : “ Thông qua bầu cử, người dân tự lựa chọn ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình ” (1), nhưng thực tế rất nhiều đại biểu quốc hội của một tỉnh không hề sinh ra, lớn lên, cũng không hề làm việc ở tỉnh đó. Có người sinh trưởng, công tác ở Hà Nội lại là đậi biểu quốc hội của nhân dân Đồng Nai. Có người sinh trưởng, công tác ở Thanh Hoá lại đại diện cho nhân dân Vũng Tàu.

2 - Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin

Sách trắng viết : “ Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân … Luật báo chí quy định : “ Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động …” ” (1).

Thực tế : Xin nêu làm ví dụ bằng trích đoạn thư của cựu thủ tướng Võ văn Kiệt gửi uỷ viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương Đảng : “ … Về thời gian, từ khi ngưng không cho đăng bài báo phỏng vấn tôi cho đến Tết và khi tôi có thư hỏi chắc đồng chí còn nhớ là thời gian đó không ngắn. Đồng chí có nhận khuyết điểm, tôi coi thái độ cầu thị đó là tốt. Tuy nhiên, những lý do mà đồng chí biện bạch trong thư về thời gian là không đủ thuyết phục … Về nội dung bài báo, các đồng chí lý giải rằng do việc xuất bản cuốn sách “ Hồi ký không tên ” của Lý Quý Chung và những phản ứng từ báo Quân đội Nhân dân và một số ý kiến khác, từ đó các đồng chí dánh giá sẽ bất lợi nếu đăng bài báo ấy … Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình các quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan, phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng ! ”.

Sách trắng viết : “ Luật báo chí còn quy định : “ Công dân được thông tin và phát biểu ý kiến qua báo chí về tình hình đất nước và thế giới ; quyền được tiếp xúc, cung cấp tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí và nhà báo mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào ” ” (1)

Thực tế : Bản án Hoàng Minh Chính xử ngày 8 tháng 11 năm 1995 ghi như sau : “ Ngày 26 tháng 11 năm 1993, Trần Ngọc Nghiêm ( tên khai sinh của Hoàng Minh Chính ) mang 12 loại tài liệu ( trong đó có tài liệu đòi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam –cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992 ) đi photo để tán phát, thì bị công an phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phát hiện, lập biên bản thu giữ.
Từ năm 1994 và trong những tháng đầu năm 1995, Trần Ngọc Nghiêm đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để trả lời phỏng vấn nước ngoài như Italia, Pháp, Hoa Kỳ, Ba Lan, đều được ( công an ) ghi lại trên băng caset ”.

Mang 12 loại tài liệu, trong đó đáng kể nhất là tài liệu đòi xoá bỏ Điều 4- Hiến pháp là bị bắt giữ. Trả lời phỏng vấn nước ngoài thì bị nghe trộm, bị ghi âm và bị cầm tù !

Sách trắng viết : “ Luật báo chí còn quy định : công dân được thông tin và phát biểu ý kiến qua báo chí về tình hình đất nước và thế giới; quyền được tiếp xúc, cung cấp tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí và nhà báo mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào …Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet. Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sủ dụng rộng rãi thông tin trên mạng Internet ” (1).

Thực tế : Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đối với luật sư Lê Chí Quang viết : “ Ngày 5-2-2002, Công ty phát triển đầu tư công nghệ FPT – Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có công văn số 30 / FPT-FOX gửi Tổng cục An ninh-Bộ Công an báo cáo có một đối tượng thường đến các địa điểm có kết nối mạng Internet ở 464 Nguyễn Chí Thanh và 463 Thuỵ Khuê – Hà Nội, sử dụng hộp thư điện tử để liên lạc với một số cá nhân, tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài. Đối tượng tự xưng là Lê Chí Quang … ” .

Ngày nay các địa điểm truy cập Internet còn được lệnh phải đòi người truy cập Internet trình chứng minh thư và phải có sổ theo dõi người đến truy cập Internet.

Sách trắng viết : “ Luật xuất bản cũng quy định công dân được quyền tự do công bố các tác phẩm cho công chúng mà không bị kiểm duyệt ” (1)

Thực tế :

- Ngày 07 tháng 01 năm 2002, thứ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin Phan Khắc Hải bỗng dưng ký Quyết định số 12, ra lệnh thu hồi và cấm đọc dối với 4 cuốn sách: “ Nhật Ký Rồng Rắn” của Trần Độ, “ Suy tư và Ước vọng ” của Nguyễn Thanh Giang, “ Gửi lại trước khi về cõi ” của Vũ Cao Quận, “ Đối thoại năm 2000 ” của Trần Khuê. Trước Quyết định số 12, báo chí, công luận chưa hề có ý kiến chê bai, lên án; cũng chưa có việc tổ chức xem xét, phân tích, luận tội 4 cuốn sách này.

- Đầu năm 2005, tôi giúp triển khai nhân bản cuốn sách “ Gửi lại trước khi về cõi ” của Vũ Cao Quận bằng photocopy làm “ Tủ sách gia đình ” để ông tặng bạn bè, họ hàng và lưu lại cho con cháu. Chiều tối 14 tháng 4 năm 2005, giữa lúc trời mưa lâm thâm, tôi đi lấy sách về. Vừa ra khỏi cửa hàng, một tốp công an ập tới bắt, giải tôi về đồn và tịch thu toàn bộ số sách.

Coi như thành tựu rực rỡ về quyền tự do báo chí, Sách trắng biểu dương: “Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 258 báo và tạp chí, nay tăng lên tới 553 cơ quan báo chí in với gần 700 ấn phảm, 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng Internet ” (1).

Sự thực là cả 553 báo chí in và 200 báo điện tử gộp lại chỉ là một tờ báo tung ra ngổn ngang khắp nơi mà mới đây do ông Hữu Thọ, bây giờ do ông Nguyễn Khoa Điềm làm tổng biên tập. Tất cả đều bị kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ đạo chặt chẽ để ca ngợi Đảng, “ bốc thơm ” chủ nghĩa xã hội và “ dấu tranh chống các luận điệu của bọn cấp tiến phản động ”. Không hề có báo chí tự do. Năm 1999, ông Trần Độ- nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Đảng nộp đơn xin ra báo tư nhân. Không những ông không được phép mà còn bị trù dập cho đến chết.

3 - Bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội

Sách trắng nêu : “ Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam quy định cụ thể các quyền của người dân được tự do hội họp và lập hội ” (1)

Thực tế :

  • Ngày 2 tháng 9 năm 2000, ông Nguyễn Vũ Bình- phóng viên Tạp chí Cộng sản nộp đơn xin thành lập đảng Tự do-Dân chủ. Ngay trong năm đó ông bị buộc thôi việc và ngày 31 tháng 12 năm 2003, ông bị xử phạt 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.

  • Cuối năm 2002, đại tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê nộp đơn xin thành lập “ Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ nhà nước chống tham nhũng ”. Mấy tháng sau cả hai ông đều bị bỏ tù vì bị gán ghép tội làm gián điệp.

  • Liên tiếp có tin chỗ này phật tử bị hăm doạ, ngăn chặn trên đường đến vấn an các hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ …, chỗ kia công an và dân phòng ập tới giải tán các buổi cầu nguyện của tín đồ Tin Lành….

Sách trắng phô trương : “ Ở Việt Nam, ngoài đảng Cộng sản Việt Nam, còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, 300 tổ chức nhân dân …” (1).

Thực tế - Tất cả các cơ quan, tổ chức ấy đều là vệ tinh của đảng Cộng sản Viêt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ chủ yếu của tất cả chỉ là để bảo vệ Đảng, củng cố vững chắc vị trí độc tôn của Đảng chứ không vì đạo lý, vì tình đồng bào mà bảo vệ ai. Ông Vũ Cao Quận nộp đơn xin ra khỏi Đảng, bị Đảng ra quyết định khai trừ thì Hội Cựu chiến binh cũng đuổi ông ra khỏi Hội, mặc dù ông đã từng chinh chiến suốt trong nam ngoài bắc qua cả kháng chiến chống Pháp lẫn chống Mỹ trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Viêt Nam . Tôi nguyên là uỷ viên thường vụ Hội Địa Vật lý Việt Nam, sau khi bị bắt oan, không xét xử, không bị tước quyền công dân, vãn mặc nhiên bị miễn nhiệm.

Việc bầy đặt ra lắm tổ chức, lắm cơ quan đoàn thể vệ tinh của Đảng không những không giúp ích gì cho cải thiện nhân quyền mà còn chất thêm gánh nặng sưu thuế lên đầu lên cổ nhân dân Việt Nam.

4 - Bảo đảm quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể

Sách trắng viết : “ …mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín; điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật … Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật ” (1)

Thực tế : Những người như Nguyễn Vũ Bình, Đỗ thị Cư, Phạm Quế Dương, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Dương Thu Hương, Trần Khuê, Hà Sỹ Phu, Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Hoàng Tién, Trần Dũng Tiến … nói chung đều đã bị đột nhiên lục soát nhà, khám xét thân thể, cắt điện thoại, đem ra tổ dân phố hoặc phường xã để dấu tố. Ngay cả khi chưa có cáo trạng và toà án chưa luận tội, các tờ báo của công an, của tư pháp và Thông báo của Ban Tư tưỏng- Văn hoá Trung ương Đảng vẫn ngang nhiên xưng xưng dưng chuyện bôi xấu người này, bêu riếu người kia là phản dân hại nước, cấp tiến phản động, gián điệp …

Ngày 12 tháng 6 năm 2005, đại tá Phạm Qué Dương và ông Trần Khuê đã đệ đơn khởi kiện Tạp chí Thông tin công tác Tư tưởng-Lý luận về tội vu cáco tội gián điệp đối với 2 ông, nhưng cho đến nay Nhà nước vẫn không đả động.

Riêng tôi, cho đến bây giờ mặc dù chưa bao giờ bị kết tội gì những đã hai lần bị khám nhà, ba lần bị khám xét thân thể, một lần bị đem ra phường đấu tố, bị cắt điện thoại một thời gian dài, bị biệt giam 66 ngày, nhiều lần bị mấy tờ báo của công an đặt điều bậy bạ, nói xấu, bôi bẩn, thoá mạ. Sau khi sử dụng hết mọi sách ma cuội vẫn không hạ được danh dự, uy tín của tôi, bí quá họ đem bản khai cung mà tôi bị cưỡng bức viết đi viết lại nhiều lần trong tù tung lên mạng Internet. Những hành động phạm pháp, chà đạp nhân quyền trắng trơn như vậy không hề được Nhà nước xem xét, trừng trị và người bị oan không hề được bồi thường danh dự.

5 - Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân

Mặc dù Sách trắng nhấn mạnh : “ Phát triển kinh tế là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền con người” (1) nhưng thực tế, hậu quả sau 60 năm cầm quyền, đảng Cộng sản Việt Nam đã dìm đất nước vào cảnh tụt hậu rất xa so với thế giới về đời sống kinh tế. Đây chính là tội tước bỏ nhân quyền kinh tế rõ rệt nhất của Đảng đối với nhân dân Việt Nam.

Sách trắng có vẻ hãnh diện công bố : “ GDP tính bằng đôla Mỹ ( USD ) bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, năm 1995 đạt 289 USD, đứng thứ 10 khu vực, thứ 44 Châu A, thứ 177 thế giới ( Việt Nam là một trong 23 nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới ), đến năm 2002 đạt khoảng 439 USD, vượt lên thứ 8 khu vực, thứ 39 Châu A và thứ 112 thế giới ” (1).

Thử hỏi, vì sao một đất nước đã từng có Kinh Kỳ, Phố Hiến sầm uất không chỉ hàng đầu Đông Nam A mà ngay cả Hoa Kỳ cũng không sánh bằng ; một đất nước đã từng có Sài Gòn – Hòn ngọc của Viễn Đông ; một đất nước có quy mô dân số thứ 16 trên thế giới …mà nay chỉ “ vượt lên đứng thứ 8 khu vực ” , chỉ trên Lào, Cămpuchia ! Thế mà là thành tích nhân quyền đáng kiêu hãnh ư ? Thế là mối nhục, là tội lón đối với nhân dân Việt Nam.

Sách trắng còn tỏ niềm kiêu hãnh : “ Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt dược những tiến bộ vượt bậc về xoá đói giảm nghèo …” (1). Thành tích cụ thể trong lĩnh vực này là gì ? Sách trắng kể : “ Từ 70% số hộ nghèo ( theo tiêu chuẩn Việt Nam ), cuối thập niên 1980 xuống 58% năm 1992-1993, 37% năm 1997-1998, năm 2004 còn khoảng 8% ”, Nhưng, tiêu chuẩn nghèo của Việt Nam là thu nhập 100 000 đồng/tháng, trong khi tiêu chuẩn quốc tế là 1 USD/ ngày, gấp 5 lần Việt Nam.

Quyền bình đẳng ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng, bất công xã hội ngày càng tàn tệ. Trong khi nhân dân còn khổ nghèo cơ cực thì những kẻ quyền thế, chủ yếu là đảng viên có chức quyền vượt lên rất nhanh thành những triệu phú, tỷ phú đôla, sống phè phỡn, ăn chơi trác táng gây không biết bao nhiêu là tệ nạn xã hội.

*

Món nợ nhân quyền cho nhân dân của đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam vô cùng lớn so với bất kỳ đảng nào, chính phủ nào khác. Khi tung trời tung hô chiến công đánh Pháp, đuổi Nhật, diệt Tầu, chống Mỹ, đừng quên ghi nhớ để thấy ớn lạnh khôn cùng rằng Đảng đã tiêu tốn vào đấy từ 5 đến 10 triêu sinh linh con dân Việt Nam. Vậy mà trong cụm tiêu chí độc lâp-tự do-hạnh phúc ta mới thực hiện được một phần ba. Do đường lối chưa đúng đắn, do tệ nạn tham nhũng hoành hành quá dữ dội, do tinh thần trách nhiệm chưa cao, tài năng chưa tương xứng với nhiệm vụ, Đảng dã để tồn tại quá lâu một Nhà nước “ hành dân là chính ”. Vì vậy, những quyền cơ bản của con ngưòi Việt Nam vẫn chưa được bảo đảm, nhân quyền Việt Nam vẫn thuộc hạng tồi tệ so với thế giới.

Hãy bớt chủ quan, kiêu căng hợm hĩnh, hãy từ bỏ những biện bạch dối trá quanh co để thành khẩn nhìn rõ sụ thật, nói đúng sự thật mới mong giành được cảm tình và những hỗ trợ thực lòng của quốc tế đặng phấn đấu nhanh chóng vươn lên đạt những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực nhân quyền.

Hà Nội mồng 2 tháng 9 năm 2005

Nguyễn Thanh Giang
Nhà số 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại : 5 534370


(1) Sách trắng về nhân quyền
(2) Nguyên văn điều 67 – Hiến pháp 1980 là : “ Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụngcác quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước và của nhân dân ”.
(3) Nguyên văn Điều 68 và Điều 69 – hiến pháp 1992 là “ Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật ”; “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật ”