BÁO CÁO GỬI TỔ CHỨC THEO GIÕI NHÂN QUYỀN - HRW

 

 

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010 02:28

Từ: "Mary Smith"

Gửi: thanhgiang36@yahoo.com

Thưa ông Nguyễn Thanh Giang,

Xin phép được tự giới thiệu, tôi là Mary Mai Smith (bút danh), hiện đang làm việc cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), trụ sở ở New York (Mỹ). Chắc ông cũng biết, HRW là một tổ chức phi chính phủ hoạt động độc lập, theo dõi các vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chúng tôi rất quan tâm đến tình hình hiện nay của ông và các biên tập viên khác trong Tập san Tổ Quốc. Chúng tôi muốn xin phép hỏi ông một số thông tin, cũng như muốn xin phép được dịch và sử dụng một số bài viết, ảnh trên trang Thư viện Nguyễn Thanh Giang của ông cho báo cáo của chúng tôi. Tất cả những câu hỏi này đều chỉ nhằm mục đích làm rõ thêm thông tin, không mang tính chất “nhạy cảm” có thể gây thêm khó khăn cho ông. Và ông cũng có thể từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào ông nghĩ là không thích hợp.

Vì tôi đường đột gửi thư này tới ông nên có thể ông còn e ngại. Nếu cần có sự bảo chứng của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về tôi, ông có thể liên lạc qua kênh chính thức: http://www.hrw.org/, địa chỉ văn phòng ở New York, email: hrwnyc@hrw.org. Thư đề gửi cho: Mr. Phil Robertson – Deputy Director, Asia Division (thông tin về ông Phil: http://www.hrw.org/en/bios/philip-robertson); Ông Phil Robertson phụ trách về khu vực Châu Á (trong đó có Việt Nam). Các thông cáo mới đây của chúng tôi đều có trích lời phát biểu của ông Phil, chắc ông đã đọc.

Tôi cũng có thể đề nghị ông Phil Robertson gửi thư giới thiệu tôi với ông, nhưng tôi nghĩ nếu ông cảm thấy cần xác nhận lại về tôi thì có thể việc ông chủ động liên lạc trực tiếp với ông ấy sẽ khách quan hơn.

Cảm ơn ông nhiều và rất mong nhận được hồi âm của ông.

Chúc ông mạnh khoẻ và bình an.

Mary Smith
HRW
**************************************************************************

Thưa Bà/Ông

Tôi rất vui mừng nhận được bức thư này.

Tôi vốn chỉ là một công dân muốn được tham gia bàn việc xã hội, việc đất nước. Tôi tin vào lòng thành và trí tuệ của tôi nên sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để bộc bạch công khai. Nếu được quý vị giúp sức quảng bá hoặc sử dung các bài viết, bài nói của tôi góp phần đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam thì đấy là niềm hạnh phúc đối với tôi và tôi xin chân thành cảm ơn.

Nguyễn Thanh Giang

**************************************************************************

Kính thưa ông Nguyễn Thanh Giang,

Tôi rất vui khi nhận được hồi âm của ông. Mặc dù đã đọc tiểu sử của ông trên Thư viện Nguyễn Thanh Giang, tôi vẫn xin phép được hỏi ông những thông tin cơ bản sau (những thông tin nào mà ông còn nhớ rõ). Nếu có câu hỏi nào ông thấy không tiện trả lời thì xin ông vui lòng bỏ qua.

1. Ông có thể giới thiệu đôi nét về Tổ Quốc và chủ trương của tập san này?

2. Lần đầu tiên ông bị công an/chính quyền sách nhiễu chỉ vì những bài viết của mình là vào khi nào (ngày/tháng/năm/địa điểm)?

3. Từ đó đến nay (theo ông còn nhớ được), ông đã bị sách nhiễu bao nhiêu đợt? Là những đợt nào (ngày/tháng/năm/địa điểm)?

4. Các hình thức sách nhiễu ông đã phải chịu đựng? (ví dụ bị tạm giữ/hỏi cung/theo dõi, cắt điện thoại/đấu tố tại phường hoặc tổ dân phố/bị báo chí lề phải “đánh”, bị “tông xe”, “cướp”, tạm giam, quản chế tại gia, bỏ tù…)

5. Những sự sách nhiễu này ảnh hưởng thế nào đến sinh kế của ông?

6. Bạn bè của ông có ai bị sách nhiễu chỉ vì đến thăm/có quan hệ với ông? Ông có thể kể một vài trường hợp cụ thể?

7. Gia đình, người thân của ông có bị sách nhiễu vì ông? Những trường hợp cụ thể?

Rất mong được ông giúp đỡ bằng việc trả lời những câu hỏi trên đây.

Nếu được, mong ông vui lòng chuyển giúp những câu hỏi này tới các ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Thượng Long và các thành viên khác trong ban biên tập tờ Tổ Quốc hoặc cho tôi biết địa chỉ email của họ để tôi liên lạc trực tiếp. Chúng tôi quan tâm đến trường hợp của các cây bút bị sách nhiễu vì bày tỏ quan điểm của mình.

Cảm ơn ông nhiều.

Chúc các ông cùng quý gia đình bình an dù biết con đường các ông lựa chọn sẽ luôn đầy chông gai.

Mary Smith
HRW

**************************************************************************

VỀ NGUYỄN THANH GIANG VÀ TẬP SAN TỔ QUỐC

Trả lời câu 1 ) – Tướng Trần Độ và tôi đã muốn ra một tờ báo tư nhân từ lâu mà chưa thực hiện được. Sau khi ông Trần Độ mất, tôi liên hệ với bà con ở nước ngoài để tìm nguồn hợp tác và hỗ trợ. Qua một thời gian bàn bạc, tôi chọn nhóm của ông Nguyễn Gia Kiểng – Tập hợp Dân chủ Đa nguyên.

Tờ báo lấy tên TỔ QUỐC như một lời kêu gọi tất cả hãy vượt lên trên đảng phái của mình, địa dư sinh sống của mình hướng về sự hòa đồng, hội tụ là tổ quốc Việt Nam.

Tôn chỉ của tờ báo “ Tiếng nói từ Suy tư và Ước vọng của nhân dân Việt Nam ” xuất phát từ tên môt cuốn sách của tôi ( Suy tư và Ước vọng ) nhằm phản ánh được những suy tư của quảng đại Việt Nam về các vấn đề xã hội, về đất nước và những ước vọng về tự do dân chủ, từ đấy cổ súy đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, chống lại thể chế độc quyền độc đoán mở đường xây dựng một đất nước giầu mạnh, một xã hội lành mạnh, tốt đẹp.

Những ngày đầu bán nguyệt san có 12 trang, sau nâng lên 24 trang, rồi 36 trang. Phát hành qua 3 hình thức: 1) trang mạng www.to-quoc.net; 2 ) gửi trực tiếp đến các hộp thư email; 3 ) tổ chức cho photocopy rồi tán phát không lấy tiền.

Tờ báo ngày càng được bạn đọc hâm mộ, ngoài một số địa điểm do chúng tôi tổ chức và cấp kinh phí, nhiều nơi độc giả tự lấy từ mạng xuống, photocopy để tán phát cả vào các cơ quan nhà nước, số liệu không thống kê được là bao nhiêu.

Số 1 của Tập san ra ngày 15 tháng 9 năm 2006. Thời gian đầu, để tránh bị khủng bố, báo chỉ ghi tên chung cả Ban Biên tập theo thứ tự A,B, C …Tuy vậy, tất cả những người trong nước có tên trong danh sách Ban Biên tập đều bị tra hỏi. Đến nỗi, ngay sau đó, ông Đặng văn Việt- một chỉ huy quân sự từng làm quân đội Pháp khiếp vía, gọi ông là Con-hùm-xám-Đường-số-Bốn phải gọi điện yêu cầu tôi xóa tên. Mặc dầu đã gắng đương đầu nhưng ít lâu sau kỹ sư Nguyễn Phương Anh và nhà báo Phan Thế Hải cũng đành xin rút. Mấy hôm nay Vi Đức Hồi đang bị uy hiếp rất mạnh, bị gọi đi thẩm vấn đã 1 tuần liên tục.

Những căng thẳng ban đầu lắng dịu dần, khoảng một năm sau tờ báo mới dám đăng tên chủ nhiệm Nguyễn Thanh Giang, Tổng biên tập Trương Nhân Tuấn. Sau hai năm rưỡi bán nguyệt san ra số 60, do bận một số việc khác, tôi đề nghị đại tá Phạm Quế Dương thay tôi đứng tên chủ nhiêm và bổ sung nhà giáo Nguyễn Thương Long làm phó tổng biên tập.

Đến tháng 4 năm 2010, sau nhiều lần vợ con đại tấ Phạm Quế Dương gọi điện, đến lượt chính đại tá viết thư yêu cầu tôi cho rút tên, đồng thời nhà giáo Nguyễn Thượng Long cũng bị hạnh hỏi, hăm dọa gắt gao thì chúng tôi đành xóa tên tất cả mà thay bằng dòng chữ “ Nhóm trí thức trong và ngoài nước phối hợp thực hiện ”.

Trả lời câu 2 ) – Ngày 4-3-1997 tôi bị gọi lên Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương ĐCSVN để hạnh hỏi về bài “ Nhân quyền – Khát vọng ngàn đời ” của tôi. Ở Việt Nam, đây là bài viết đầu tiên về nhân quyền theo quan điểm quốc tế.

Trả lời câu 3, 4, 5 ) - Ngày 25-3-1997 bị đưa ra đấu tố tại Phường Trung Hòa – quận Cầu Giấy

- Hai ngày sau đó ( 27-3 ), một trận ném gạch đá vào nhà kéo dài khoảng 15 phút

- 12 – 3 -1998 bị bắt giam ở Bình Phước. May là tối hôm trước đó tôi đã kịp gửi tập thơ “ Thơ viết trong phòng thẩm vấn ” của Bùi Minh Quốc ra nước ngoài nên phi tang ( hồi ấy chưa có internet nên phải gửi qua bưu điện ), đồng thời tôi đã tuyệt thực phản đối nên chỉ bị giam ngắn ngày rồi được thả .

- Ngày 4-3-1999 bị bắt giam ở trại giam B14. Nhờ nhiều nhà cách mạng kỳ cựu ở trong nước can thiệp, nhờ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài và đặc biệt chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ ( lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức can thiệp vào việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam người bất đồng chính kiến và đã “ ra lệnh ” thả NTG ngay tức khắc và vô điều kiện; hai thượng nghị sỹ John McCaine và John Kerry viết thư; 27 Dân biểu Hoa Kỳ ký tên kháng nghị …); nhờ các tổ chức quốc tế: HRW, Ký giả Không biên giới, Hàn lâm Khoa học Nữu Ước, Hội Địa Vật lý Mỹ ….tích cực can thiệp, qua 12 ngày tuyệt thực tôi đã được thả sau 66 ngày giam cầm. Lệnh quản chế 3 năm nhưng tôi không thực hiện.

Từ bấy đến nay tôi đã bị:

- Khoảng bẩy lần khám nhà, tịch thu tài liệu, computer, máy photocopy

- Khoảng chín lần chặn bắt dọc đường hoặc gọi đi câu lưu, tra vấn

- Cho đám đông côn đồ giả danh thương binh xông vào nhà thoá mạ, gây sự hành hung.

- Lập trạm canh gác trước ngõ mỗi khi có khách quốc tế đến Hanoi

- Tổ chức cho bọn bồi bút viết bài hạ nhục trên các báo của ĐCSVN. Báo chí và các thông tư của Đảng, Nhà nước lăng mạ tôi bằng đủ các từ ngữ xấu xa: bất mãn, cơ hội, chống Đảng, phản bội Tổ quốc, tay sai cho nước ngoài, gián điệp, phản động …

- Đau đớn hơn nữa là chính một số nhà dân chủ cũng bôi bần, chửi rủa tôi thậm tệ. Bảo tôi là công an; là người ăn chặn tiền của nước ngoài gửi cho anh em để uống rượu, xây nhà; là người man khai ( không phải là tiến sỹ nhưng nói là tiến sỹ ) … Có người còn căm ghét tôi hơn cả công an, đã viết bài tố cáo nhà tôi có máy photocopy chuyên photo tài liệu để tán phát … Đây là kết quả rất gian manh, xảo trá của các lục lượng chuyên chính vô sản. Họ đóng giả là người yêu dân chủ đến tỷ tê tâng bốc người này, người kia mới xúng đáng là ngọn cờ đầu của phong trào dân chủ Việt Nam, đồng thời loang tin rằng tôi nói xấu người nọ người kia để tranh giành ngôi thứ với họ. Từ đấy, họ tổ chức được cả một chiến dịch, một mặt trận của các nhà dân chủ truy diệt tôi. Tôi trở thành người bị nhiều nhà dân chủ trong nước đả kích tàn tệ nhất !

- Tổ chức gửi thư nặc danh đến nhà chửi bới, đe dọa

- Khủng bố tinh thần và quấy nhiễu ban đêm qua điện thoại

- Nhiều lần cắt điện thoại với thời gian dài là trên một năm, ngắn là vài tuần

Sau đây là một số lần tôi ghi nhớ được:

- Ngày 11-9-1999 khám nhà lục tìm bài điếu văn ông Hoàng Hữu Nhân.

- Ngày 27 – 10 – 2004 bị tông xe trên đường Láng Hạ rồi chửi bới để gây sự vì tôi viết bài tố cáo Tổng cục 2 và bài “ Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình – Cảnh báo nguy cơ mất nước ”.

- Ngày 11 – 4 – 2005 đi lấy loạt sách “ Gửi lại trước khi về cõi ” in hộ Vũ Cao Quận thì bị bắt, dí súng lục vào người đưa về khám nhà

- Ngày 29 – 5 – 2006 vào Sài gòn đưa tang chị vợ, giữa đêm công an vào khám nhà tôi ở nhờ.

- Ngày 4 – 6 – 2006 ra Huế chơi có vào thăm linh mục Nguyễn văn Lý và Phan văn Lợi, bị gác ở khách sạn và bị bắt khi vào quán internet.

- Ngày 30 – 6 – 2006 khám nhà để tịch thu cuốn “ Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam ”.

- Đầu tháng 12 – 2008 hơn chục tờ báo Đảng: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Saigon giải phóng, Hanoi mới, Lao động … tập trung bôi nhọ và kết tội bán nguyệt san Tổ Quốc và Nguyễn Thanh Giang là tay sai Việt Tân.

- Tháng 12 – 2009 khám nhà tịch thu kỷ niệm chương Tập san Tổ Quốc

- Đợt thẩm vấn dài ngày gần đây nhất vào đầu tháng 4 – 2010

Tệ hại hơn là bị ngăn trở cả những hoạt động khoa học thuần túy. Nhiều sách báo khoa học Địa Vật lý từ nước ngoài gửi về bị tịch thu. Tháng 11 – 1999 Đại học Leed, vương quốc Anh mời viết nhận xét cho một nghiên cứu sinh, 22-12-1999 Hàn lâm Khoa học Nữu Ước mời trình bầy Seminar cùng một nhà khoa học Bỉ … nhưng thư mời đều bị dìm cho quá ngày mới đưa đến. Hội nghị Địa Vật lý Quốc tế lần thứ 29 của Hội các nhà Địa học và Kỹ sư Châu Âu đã xếp báo cáo của tôi đọc từ 14h50 đến 15h15 ngày 16-5-1997 tại Hội trường 1- khu Hội nghị Palexpo- Geneve- Thụy sỹ cũng bị ngăn trở.

Trả lời câu 6 ) – Như đã nói ở trên, tất cả những người được tôi ghi danh vào Ban biên tập tập san Tổ Quốc đều bị tra vấn, hăm dọa. Rất nhiều người từ nhà tôi đi ra bị khám xét, tra hỏi, tịch thu tài liệu, thậm chí bị giam giữ: Chủ tịch Hôi Khoa học Kinh tế Quảng Nam Vũ Quang Thành, bác sỹ- hội viên Hội nhà văn Quảng Ngãi Nguyễn San, luật sư Trần Lâm, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Lê Phú Khải, cựu chiến binh Phạm Hồng Đức ….

Trả lời câu 7 ) – Con trai Nguyễn Giang Vũ là một trong 4 nghiên cứu sinh đầu tiên của CHXHCNVN từ Hoa Kỳ về công tác ở Viện Dầu khí đã phải rời cơ quan kiếm sống bằng nghề không đúng chuyên môn. Con gái Nguyễn Mai Thủy là một trong 2 thạc sỹ đầu tiên về Dân số học từ Ấn Độ về đang làm thư ký cho thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội cũng bị chuyển đi …

( * ) Đại tá Phạm Quế Dương không sử dụng computer, email của nhà giáo Nguyễn Thượng Long: nguyenthuonglong571@gmail.com

Hà Nội 15 tháng 10 năm 2010

Nguyễn Thanh Giang