Một vụ khiêu khích không thành

 

Kính gửi: Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan thông tấn - báo chí

Sau bài "Về vụ án chính trị siêu nghiêm trọng liên quan đến Tổng cục 2" viết ngày 19 tháng 8 năm 2004 và bài "Bộ quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình- Cảnh báo nguy cơ mất nước" viết vào những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam được tán phát rộng rãi và xuất hiện trên internet thì một loạt sự việc đen tối đã xẩy ra đối với tôi:

1- Năm bức thư, ba bức xưng là của cá nhân, hai bức ký tên tập thể được gửi đến tôi với những lời đe doạ. Bức thư không đề ngày, không ký tên, xưng là của một cựu chiến binh 1/4 viết: ."..Tôi xin đại diện cho một số thương binh, cựu chiến binh ở nơi tôi cư trú cảnh báo cho biết là ông đã đi quá xa và khuyên ông hãy sớm tỉnh ngộ khi còn chưa quá muộn. Đừng để chúng tôi phải ra tay trừng trị...." Bức thư đề ngày 20 tháng 10 năm 2004 xưng: "Chúng tôi là anh em cựu chiến binh, thương binh đang sinh sống, làm ăn ở tỉnh Hoà Bình..." viết ."..Chúng tôi tuy tuổi đã cao, một số người không còn lành lặn, sức khoẻ có hạn nhưng sau khi đọc bài viết của ông, chúng tôi sục sôi căm phẫn, hẹn nhau dứt khoát vào ngày gần đây chúng tôi sẽ tập trung nhièu người kéo đến nhà ông...." Bức thư xưng là cựu chiến binh ở Hà Nam có 7 chữ ký không lý lẽ gì mà chỉ hăm doạ tương tự.

Có mấy điểm đáng ngờ đối với những bức thư trên là:
a.  Câu ."..cảnh báo cho biết là ông đã đi quá xa..." trong bức thư trên vô tình để lộ tung tích người viết rằng anh ta đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu các bài viết của tôi rất kỹ để thấy lần này tôi đã "đi quá xa" (chủ trương, đường lối của Đảng) so với trước đây mới chỉ "đi xa" thôi. Đối với một người không có nhiệm vụ giám sát tôi mà lại kiên trì đọc tôi thì tất phải là người có thiện cảm với tôi chứ không thể như thế.
b. Bức thư 7 chữ ký nói là của những người đang làm ăn rải rác ở Hà Nam nhưng tất cả chữ ký đều chững chạc, ra dáng cán bộ có cương vị nhất định.
c. Chữ đề ngoài phong bì của hai bức thư gửi từ Hoà Bình và Hà Nam đều cùng nét viết của một người.
d. Cả năm bức thư, không thư nào dám ghi địa chỉ cụ thể của người gửi. Nghĩ rằng, nếu họ là người thật thì họ thừa biết họ làm việc này sẽ không chỉ được bảo vệ mà còn được tưởng thưởng, vây thì sao họ phải dấu mặt?

2- Ngày 27 tháng 10 năm 2004, trên dường đi đón cháu nội đi học về, tại ngã tư trên đường Láng Hạ - Thanh Xuân, gần cầu Cống Mọc mới, một người như chực sẵn lao xe vào tôi và gây sự chửi bới. Tôi phải nín nhịn bỏ đi ngay.

3- Xuất hiện trên các tờ báo Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Pháp luật... một loạt bài thoá mạ, lên án và đe doạ tôi. Điều kỳ lạ là, cuối những bài viết này nói chung người viết không dám ký tên thật. Có người cho tôi biết Nguyễn Thế Hồng là một phóng viên của báo Công an Nhân dân, nhưng đó không phải tên thật, cũng không phải bút danh thường dùng của anh ta.

Trước nguy cơ khủng bố điên cuồng đó, ngày 28 tháng 10 năm 2004 tôi phải gửi "Thư cấp báo" đến một số nơi. "Thư cấp báo" được khẩn cấp gửi tới các cơ quan hữu trách của Nhà nước và được loan tải rộng rãi trong và ngoài nước đã làm cho chiến dịch kia lắng dịu đi gần nửa năm trời.

Nhưng,
Sau khi ông Nguyễn Chí Vịnh đã được phong trung tướng, Sau thời hạn 15 tháng 3, nguy cơ trừng phạt của Mỹ đối với Việt Nam dường như đã bị đẩy lùi
Sau khi mốc phấn đấu vào WTO 30-12-2005 không còn câu thúc nữa vì đã thất vọng
Sau bài trả lời phỏng vấn của tôi về bài nói của tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Một sự việc đầy kịch tính vừa xẩy ra ở nhà tôi:
Mười giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 2005, ba người đàn ông ập vào nhà tôi. Mấy ngày gần đây và trước lúc những người này ập vào đã xẩy ra hiện tượng lạ. Chuông điện thoại nhà tôi thỉnh thoảng reo, tôi hoặc người nhà nhắc máy trả lời alô. Đầu dây bên kia không nói gì mà cúp máy ngay. Tôi hiểu rằng họ muốn kiểm tra xem gia đình tôi những ai đang ở nhà.

Tôi từ trên gác bước xuống, hai người đã ngồi ở ghế đối diện và một người đã chực sẵn trên chiếc ghế cùng ngồi với tôi. Trong tay họ lăm lăm những bản photo các bài báo Công an Nhân dân, Pháp luật... lên án tôi. Họ nhập đề ngay:
Chúng tôi là những thương cựu chiến binh hôm nay đến đây để hỏi ông vì sao ông lại viết rằng cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua là vô nghĩa đối với cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ? Tôi hỏi họ từ đâu đến. Hai người ở Hà Nội, một người từ Hưng Yên (Không phải những người từng gửi thư cho tôi). Tôi hỏi họ đã tham gia cuộc chiến tranh nào? Họ trả lời chiến tranh chống Mỹ. Tôi tiếp lời họ: còn tôi, tôi đã tham gia Kháng chiến Chống Pháp.

Khi nói chuyện, tôi có thói quen vung tay một cách thoải mái, thân tình. Như đã được dặn dò trước về đặc điểm này, một người có vẻ trưởng nhóm chớp thời cơ, sừng sộ ngay: Tại sao anh lại chỉ vào mặt tôi?. Cùng lúc, một người ngồi đối diện chuyển ngay chỗ, sang ghế tôi, cùng người kia áp sát hai bên tôi, sắn tay áo lên. Tôi bình thản hỏi: Tôi muốn biết các anh đã đọc chính bài viết của tôi chưa? Tên bài báo là gì? Không ai biết cả. Tôi nói: để tôi xin biếu các anh mấy bài viết đó, cả mấy cuốn sách của tôi nữa. Các anh về đọc xong, một hai tuần sau, tôi mời các anh đến đây ăn cơm, uống bia với nhau rồi cùng trao đổi. Chắc rồi các anh sẽ thấy tôi nói gì, viết gì đều vì các anh. Về phần tôi, các anh đến đây thì thấy rồi, nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn thế này tôi còn thắc mắc gì nữa, tranh đấu gì nữa.

Thế rồi... bỗng nhiên con trai tôi xuất hiện. Cậu ta không nói không rằng, cứ ngồi ở bậc thang cách đấy vài mét tròng tròng nhìn ba ông khách thiếu nhã nhặn kia. Con trai tôi cao gần một mét tám, nặng gần tám mươi cân. Ít phút sau, trời xui đất khiến sao, ba người bạn trẻ của tôi cũng tình cờ kéo đến. Tôi thân mật khoát tay mời họ lên tầng hai ngồi chờ. Có lẽ bọn này tưởng là người giúp việc của tôi gọi điện thoại mời họ đến. Mấy phút sau nữa, vợ tôi đi thăm bà con cũng vừa về. Không biết vì chột dạ hay vì câu chuyện của tôi làm cho họ chợt nhận ra những gì người ta đã kích động họ, giao nhiệm vụ cho là không đúng mà đột nhiên, cậu trưởng nhóm đứng dậy, rồi hai người kia cũng đứng dậy theo, rút lui. Tôi chưa kịp cầm thẻ thương binh của họ lên để ghi nhận tên và địa chỉ của họ và cũng không còn nhớ rằng câu chuyện đã kết thúc như thế nào.

Tiễn ba chàng "lính đánh thuê" ra cổng. Không thấy có chiếc xe đạp hay xe máy nào, họ lếch thếch đi bộ ra ngõ. Vợ tôi bảo ở ngoài đường hình như có chiếc taxi chờ họ.

Còn nhớ sinh thời Trần Độ, sau mấy lần tổ chức các chiến dịch báo chí phê phán, lên án ông không hiệu quả, người ta cho một nữ điệp viên lừa dụ Trần Độ đến một khách sạn để nhận tài liệu của anh em Đà Lạt gửi ra. Khi vào phòng, người đàn bà nọ cởi quần áo ôm lấy Trần Độ cho mấy chiếc máy bí mật đặt sẵn quay phim chụp ảnh. Người ta đem những tấm ảnh ấy ra bêu riếu trong các cuộc nói chuyện ở một số câu lạc bộ có nhiều lão thành cách mạng và tướng lĩnh. Một vài anh em dân chủ khác cũng từng bị giăng bẫy kiểu này. Đối với tôi, chắc họ cũng vò đầu bứt tai nghiên cứu mãi và thấy rằng không thể chơi kiểu đó. Bế tắc quá, họ đành dở ngón du côn này.

Tôi đã viết hàng nghìn trang, qua hàng trăm bài chính luận đụng chạm đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề chính trị-xã hội. Chắc chắn đấy không phải là những trang viết tầm phào, vô bổ. Hẳn là phải có đúng, có sai rất rõ ràng nên mới làm cho họ sợ hãi và căm thù đến vậy. Tôi chỉ mong sao được họ trưng ra để công luận phân tích, mổ sẻ, phê phán, luận tội. Sao họ không dám làm mặc dù họ có thừa tiền thuê mướn bồi bút, có đội ngũ các nhà "lý luận" đông gấp vạn lần chúng tôi. Sao họ quẫn đến mức phải dở đến trò du côn hạ đẳng thế này.

Tôi khẩn cấp gửi bản tường trình này đến các vị lãnh dạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam và công luận không chỉ mong chiến dịch khủng bố này phải chấm dứt vì sự an toàn cuả cá nhân mà còn để uy tín, danh dự của Đảng, của Nhà nước ta không bị bôi bẩn, lòng tin của con người không bị suy sụp do sự chỉ đạo cuồng dại của bộ phận hữu trách nào đó

Hà Nội 8 tháng 4 năm 2005
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 - Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn- Từ Liêm- Hà Nội