Hãy yêu cái điền người ta khuyến cáo anh chứ không phải cái điều người ta tán tụng anh

Vừa qua hệ thống báo chí của Ðảng, đặc biệt là báo Quân đội nhân dân và báo Nhân dân mở chiến dịch rầm rộ đả kích mạnh vào cái gọi là những phần tử cơ hội chính trị, phụ hoạ với các thế lực phản động bên ngoài, chống Ðảng, chống Nhà nước. Ðọc một số đầu trong loạt bài đó, tôi đã thấy cần phát biểu ý kiến để trao đổi. Hiềm một nỗi, đúng lúc ấy tôi phải vào bệnh viện để chịu một phẫu thuật nhỏ. Tôi bị phì đại tuyến tiền liệt. Bệnh viện Việt-Xô chỉ định tôi phải mổ từ cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, cứ 10 nguời biết chuyện này thì có đến 8 người ra sức khuyên ngăn tôi tìm mọi cách tránh phẫu thuật. Ðành rằng mổ tiền liệt tuyến chỉ là dạng phẫu thuật đơn giản, nhưng cái mà mọi người lo lắng là ở chỗ sợ rằng người ta có thể lợi dụng ca phẫu thuật này để sát hại hoặc biến tôi thành người tàn phế. Nhiều người chạy hết thuốc này đến thuốc khác cho tôi. Ðến khi tôi quyết định đi mổ, anh em còn khẩn khoản nhắc nhở tôi phải có kế hoạch đánh lạc hướng để bảo đảm bí mật ngày giờ và nơi mổ.

Những lo ngại và toan tính quá thận trọng này vượt quá sức tưởng tượng của tôi và gia đình. Thậm chí nó đến mức kỳ lạ. Dẫu sao hiện tượng này chính là sự biểu hiện trạng thái bệnh hoạn quái gở của một xã hội. Người ta luôn luôn bị tự khủng bố mình bằng nỗi ám ảnh khủng khiếp về mối nghi ngờ đối với cái chết của vợ chồng nhà văn Lưu Quang Vũ, của các tướng Nguyễn Bình, Hoàng văn Thái, Lê Trọng Tấn ... Người từng tham gia chính trường trong chế độ ta càng lâu, nguời từng giữ những chức vụ càng cao, nỗi ám ảnh càng nặng nề khủng khiếp hơn !

Ðến nay, nhờ trời phật phù hộ, nhờ lòng thương yêu quý mến hết sức tha thiết của anh chị em, tôi đã có thể ngồi viết và càng thấy không thể nào không viết những dòng này.

Ðầu đề bài viết là lời khuyên của Boileau : " Aimez qu' on vous conseille et non pas qu' on vous loue ”. Tiêu Hà cũng từng nói " Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành. Lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh ” ( Lời thẳng trái tai thường được việc. Thuốc hay đắng miệng khỏi cơn đau ). Vậy nhưng, nhiều người lãnh đạo Ðảng ta thường không học những điều ấy và không thích nghe như vậy ! Loạt bài phản kích vừa qua chắc chắn được viết theo lệnh truyền, hay nói bằng ngôn ngữ chính trị, theo sự chỉ đạo của hệ thống lãnh đạo tư tưỏng- văn hoá của Ðảng. Nhiều vị tầm cỡ đã phải ra quân : các phó tổng biên tập báo lớn, mấy trung tướng, thiéu tướng, tiến sỹ, phó giáo sư .... Một số nhà văn quân đội kỳ cựu có hàm tướng tá cũng bị vận động phải góp lời. Trong đó, nhà thơ Vũ Cao khả dĩ nêu được mấy ý kiến chừng mực : " Biết bao nhiêu bước đường tưởng như không vượt qua được vậy mà dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã nỗ lực vượt qua. Lý do chính là mỗi lần gặp những thách thức mới, Ðảng đều trao đổi, lắng nghe, bàn bạc, coi trọng mọi ý kién của người trong Ðảng và người ngoài Ðảng ... Càng qua khó khăn chúng ta càng hiểu dân chủ là cơ sở của sức mạnh lãnh đạo cuả Ðảng. Nhưng hãy coi chừng, có lúc chế độ dân chủ bị sa sút, hoăc có lệch lạc thì lập tức có ảnh hưởng đến hiệu quả của sự lãnh đạo” ( Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1/11/2001 ). Những ý kiến này phản ánh đúng thực tế và đáng được trân trọng nhưng nghe ra hơi có vẻ lạc lõng so với toàn cảnh và tuồng như không đáp úng đúng yêu cầu của người đặt bài cho lắm. Cái toàn cảnh ở đây phải là những đầu đề hừng hực tính chiến đấu : " Mưu đồ gì đằng sau chiêu bài " Ði tìm đường phát triển cho đất nước" ? " , " Những mạch ngầm đen tối ", " Ðâu là thực chất " con đường dân chủ" và " hạt giống tự do " ? " v v... Thế rồi, họ thả cửa lăng mạ, mạt sát, kết tội. Nào là " một số ít phần tử cơ hội, bất mãn, một số cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất về tư tưởng chính trị"; nào là " những phán xét hằn học của nhóm người mượn danh nghĩa " đi tìm đường phát triển cho đất nước " nhằm những ý đồ đen tối " ; nào là " không cho họ vu cáo là chúng ta " tụng niệm một quyền lưc đã lung lay ", và " tung hô lừa dối " "... Họ cao giọng, vênh râu, vung gậy, choạng chân, khuyềnh tay như những ông tướng Quảng Lạc oai phong. Nhưng, nhìn kỹ không thấy ở họ cái sức mạnh của trí tuệ, của lý lẽ mà chỉ thấy họ đang được lố nhố núp sau sự bảo trợ quyền uy của những người ra lệnh cùng với tua tủa súng gươm và bạo tàn cùm kẹp của chuyên chính vô sản.

Họ định bảo ai cơ hội ? Làm sao còn có thể cơ hội và cơ hội để làm gì nữa khi cụ Lê Giản đã ngoại 90, các cụ Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Ngô Thức đã ngoại 80, tướng Trần Ðộ đã xấp xỉ 80, các ông Nguyễn văn Ðào, Trần Nhật Ðộ, Phạm Hồng Sơn, Trần Ðại Sơn, Ðỗ Việt Sơn, Sơn Tùng, Phạm Vũ Sơn, Trần Dũng Tiến, Trần Bá, Lê Hồng Hà, Phạm Ngọc Uyển, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận,Vũ Minh Ngọc, Ðoàn Nhân Ðạo, Ðông Nam Hải ... đều đã ngoại thất tuần. Sinh thời các ông Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Hữu Nhân ... , lúc bị coi là " đối tượng ", cũng trên dưới 80. Tất cả đều là đảng viên Cộng sản, đa số xấp xỉ 60, người ít nhất cũng trên 40 tuổi đảng.

Họ dám quy kết những ai là bất mãn trong khi phẩm chất của tất cả đều đã được xác định bằng quá trình tôi luyện trong lò lửa cách mạng đằng đằng ba bốn chục, thậm chí năm sáu chục năm. Hơn thế nữa, nhiều người còn là những bậc tiền bối đã từng tham gia nhen nhóm lên lò lửa cách mạng này. Ơ đây, nếu phải chăng có sự bất mãn nào đó thật thì người ta cũng không nên càn ngang đổ vấy mà phải nghiêm túc truy vấn xem người bất mãn đáng trách hay kẻ gây ra bất mãn có trọng tội?.

Viết những dòng này, có thể tôi đã tỏ ra không điềm đạm lắm. Nhưng lẽ đời, làm sao không gay gắt được khi phải đối mặt với bọn người vênh vang ỷ thế, cậy quyền mặc sức xấc xược, hỗn láo với cả những ngưỡi đáng bậc thầy và tuổi tác ở hàng cha chú họ. Ðã thế, họ còn xảo quyệt suy bụng ta ra bụng người, ngậm máu phun vào cả những bậc khả kính.

Chính là họ, người này chỉ vì muốn được len vào Trung ương, kẻ kia muốn thêm một " hột" trên quân hàm, gã nọ bờm hơn thì chỉ vì mấy đồng nhuận bút ! Còn những người mà họ quy là cơ hội, khi phát biểu ý kiến, khi trình bày tư tưởng của mình đều không những không được một đồng nhuận bút mà còn phải trích từ khoản lương hưu còm cõi để phôtô, để tán phát....để đón nhận sự trù dập không chỉ bản thân mà cả con cái, thậm chí bị tù đầy hay hãm hại lén lút, dã man, đê tiện.

Gần đây, khi nhận được bản tiểu luận " Ðảng cộng sản và dân chủ ở Việt Nam " của tướng Trần Ðộ, tôi thật sự kinh ngạc. Ông chính là thép đã tôi, là phi thường, là anh hùng thời đại. Mấy người kia hãy tưởng tưởng xem, khi họ đến tuổi 80, thản hoặc nếu trời cho họ còn sức khoẻ bình thường và nếu Ðảng bơm cho họ dăm bảy chục triệu theo cái kiểu để làm đề tài thì liệu họ còn có thể viết nổi mấy chục trang như thế không ? Ðằng này Trần Ðộ, do tù đày hết Sơn La đến Hoả Lò, do nằm gai nếm mật suốt các chiến trường Ðông Bắc rồi Tây Nguyên với bao nhiêu bệnh tật, lại vừa bị ngã què nằm liệt giường. Nhiều người khẳng định rằng ông không thể tự viết mà chỉ có thể nêu ý kiến cho người khác viết hộ. Sự thật thì chính ông, chính ông đã quằn quại viết. Có lúc cố ngồi tựa được lên , có khi phải nằm ngửa mà viết.

So với những loạt bài của những người như Trần Ðộ thì các bài viết kiểu đánh thuê chỉ là những trang giấy vô hồn. Chúng không thuyết phục nổi ai mà thường khi còn phản tác dụng. Sao lại dại dột dẫn lại những câu như thế này lên mặt báo làm gì : " Ðảng Cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối ... " ( bài " Ði tìm hay phủ định con đường phát triển ? " của thiếu tướng, phó giáo sư Bùi Phan Kỳ trên QÐND ra ngày 26/10/2001 ). Những câu như vậy nếu được đọc bằng riêng lương tâm mỗi người, không sợ bị dò xét, đánh giá, trù dập thì chắc chắn 90% đồng tình; bởi vì nó phản án rất đúng thực tế. Thế hệ già từng sống qua hai chế độ, thế hệ trẻ từng có dịp kinh qua các nước tư bản, ai mà không thấy xã hội ta ngày nay có những mặt còn tồi tệ hơn trước cách mạng Tháng Tám và nói chung, nhiều khuyết tật hơn các nước tư bản hiện đại rất nhiều. Người lao động bị bóc lột nặng nề hơn ( trong một bài viết cách đây ít năm, tôi đã phân tích người lao động ở nước ta ngày nay phải gánh chịu hai phương thức bóc lột tệ hại: bóc lột vô lương tâm - do tham nhũng; bóc lột vô trách nhiệm - do phải nuôi béo một tầng tầng lớp lớp vô số ban bệ của Ðảng, của Chính phủ, của các đoàn thể. Hậu quả biểu hiện ách bóc lột tàn tệ là giá thành sản phẩm của ta thường cao hơn trong khi luơng người lao động lại thấp hẳn so với các nước khác )

Về mặt xã hội, thử hỏi, có tệ nạn nào xã hội trước có mà xã hội này không có. Chắc chắn không. Chẳng những thế hầu như các tệ nạn càng trở nên trầm trọng hơn và, nhiều tệ nan trước không có, nay lại nẩy sinh thêm. Quan tham ô lại nhiều hơn, ( phổ biến hơn, ăn bẫm hơn ); kẻ quyền chức cậy thế ức hiếp dân trắng trợn hơn, tinh vi hơn ; cờ gian, bạc lận muôn mầu muôn vẻ hơn ; không chỉ có bàn đèn thuốc phiện, mà chích choác hút hít lan vào cả học đường ; trẻ em bị đẩy ra lề đường lang thang, vật vưỡng đông hơn ; đĩ điếm nhơ nhuốc hơn, không chỉ làm đĩ ở trong nước mà còn phải ra bán trôn cho nước ngoài để nuôi miệng; nhân tình bạc bẽo hơn ; con người sống với nhau ít chân thành hơn ( vì Ðảng nói một đàng, làm một nẻo, vì trong hội trường, cán bộ nói với nhau khác ở chốn riêng tư nên người dân cũng phải nói cái điều mình không nghĩ và nghĩ cái điều mình không nói ), án oan trầm trọng hơn, án sai nhiều không chỉ do trình độ quan toà chưa cao mà còn do ăn của đút ; buôn lậu, trốn thuế đông hơn ( vì đinh ninh rằng cán bộ to lừa dối to, cán bộ nhỏ lừa dối nhỏ nên người dân không dại gì mà không buôn gian, không khai man thuế khi có điều kiện ) ; danh tước giả hiệu được chủ trương chính sách của Ðảng bảo trợ ( trường hợp như học hàm phó giáo sư của trung tướng Nguyễn Ðình Ước hoàn toàn không hiếm ), học giả, bằng thật trở nên phổ biến ( điều này có tiền lệ ngay từ thời thực thi chính sách bổ túc công nông. Xin nêu một ví dụ cụ thể : để được nộp đơn thi vào đại học, người viết bài này đã phải cắp sách đến trường từ năm lên 6 tuổi và mài đũng quần trên ghế học sinh suốt 14 năm, từ lớp sáu lên lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì đệ nhất, rồi lớp nhì đệ nhị, hết lớp nhất phải đỗ primaire mới được leo tiếp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, rồi lại lớp tám, lớp chín, lớp mười ; vậy mà nhiều ông đồng niên nhập trường muộn hơn ba, bốn năm, học hành đúp lên đúp xuống thế mà vào bổ túc công nông thấm thoắt đâu đó đã thấy thành kỹ sư, cử nhân rồi ).

Cho nên việc thiếu tướng PGS Bùi Phan Kỷ trích tiếp câu sau đây lại càng là một sự dại dột vì nó có tác dụng gợi cho người ta có dịp suy ngẫm để chiêm nghiệm tính đúng đắn không thể chối cãi của nó : " Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải cháp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hơn tất cả những cái xấu xa mà ta từng chửi rủa, căm thù. Nghĩa là, đời sống chính trị và cuộc sống tinh thần, vật chất của nhân dân ta chỉ bằng hoặc thua thời vong quốc nô "

Sợ bài viết quá dài nên tôi chỉ xin điểm qua một bài, của tác giả Bùi Phan Kỷ, vì ông vừa có chức tước, vừa có học hàm cao.

Như trên đã thấy, tác giả không những không khôn khéo khi trích dẫn đối phương mà còn hớ hênh khi đưa ra các tư liệu.

Muốn ca ngợi chủ nghĩa xã hội và đánh chủ nghĩa tư bản mà tác giả lại dẫn ra : " Các nước công nghiệp phát triển với khoảng 1,2 tỷ người ( khoảng ngót 1/5 dân số thế giới ), chiếm 86% thu nhập quốc nội toàn thế giới, kiểm soát 80% thị trường xuất khẩu, sử dụng 74% số đường điện thoại, chiếm 93% số người sử dụng internet, tiêu thụ 80% sản phẩm làm ra, trong khi 80% dân số thế giới tiêu thụ 14% .... Những thống kê mới nhất về dân tộc học cho biết 20% dân số toàn cầu đạt trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật rất cao, 78% còn ở trình độ nghèo khổ, 2% còn rất lạc hậu ". Ðưa dẫn liệu như vậy chỉ càng làm cho người đọc thêm thán phục chủ nghĩa tư bản hùng mạnh quá, sản xuất nhiều của cải cho xã hội quá ( ngay trong bài này,có chỗ tác giả đã viết " Chủ nghĩa tư bản đã đưa lại hàng núi của cải, tiện nghi ... " ); trong khi chủ nghĩa xã hội thật là vô tích sự vì đã ra đời trên 80 năm mà không những không tự vượt qua nghèo khổ mà cũng chẳng đóng góp gì cho xoá đói giảm nghèo và giảm sự chênh lệch mức sống ở phạm vi toàn thế giới.

Tầm tư tưởng của ông cũng tỏ ra rất thấp khi viết " Chủ nghĩa xã hội đâu phải là mớ rau, ai mua lúc nào cũng được, mà phải qua đấu tranh sống chết, mất còn "; " Ðảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, có thành tích thì nói rõ để cùng dân tộc tiến lên, có sai thì sửa, còn trao lại chính quyền cho " phái đối lập" thì không bao giờ ".

Ơ hay, sao lại ví chủ nghĩa xã hội chỉ hơn mớ rau ? Mà sao lại phải đi mua nó, thậm chí phải đánh nhau tan tác mới giành được nó ? Nếu nó thuộc phạm trù tất yếu của lịch sử thì nó cứ thế mà cuốn hút toàn nhân loại vào, các dân tộc cứ thế mà tự nguyện tiếp thu nó. Không ai đặt vấn đề đi mua người yêu và cũng không ai nên xé quần xé áo, cắt mũi cắt tai con người để đạt tới tình yêu cả.

Cũng chắc chắn đất nước này, dân tộc này không phải mớ rau để rồi nếu không phải là Tàu, là Pháp, là Nhật thì là Cộng sản hay Ðối lập Cộng sản mua lấy, giành lấy để rồi khi đã mua được, giành được thì có quyền khư khư, không trao lại cho ai. Ðặt vấn đề như vậy là bộc lộ tư tưởng cay cú, ăn thua, buôn bán rất hư hỗn đối với tổ quốc mình, nhân dân mình. Lẽ ra trước đây ta cũng đã không nên đặt vấn đề cướp lấy chính quyền từ tay ai cả. Chế độ ấy nó thối nát, nó làm khổ, làm nhục dân ta thì ta là nhân dân, từ nhân dân đi tiên phong lật đổ nó đi xây dựng chế độ khác, lập nên chính quyền khác.

Tầm tư tưởng hết sức thấp kém còn được bộc lộ khi tác giả viết : " Ðược biết những người trong nhóm họ hàng tháng vẫn lĩnh lương thật, ở nhà thật, ăn cơm thật, dùng tiện nghi thật, giấy bút thật để mạt sát chế độ là lừa dối. Chỉ riêng cái việc họ vẫn được hưởng mọi phúc lợi của người công dân lương thiện cũng đủ chứng minh cho sự vu cáo trắng trợn của họ ". Sao lại hiểu đồng lương và các chế độ một người được hưởng là ơn mưa móc của một tập đoàn hay một cá nhân nào ban phát cho người đó. Hiểu như vậy thì làm sao không lộn tiết lên khi thấy một người được hưởng chế độ trung tướng như Trần Ðộ mà lại không biết nỗ lực ca ngợi chế độ, ca ngợi Ðảng gấp vài bốn lần một thiếu tướng như ông Bùi Phan Kỷ. Hiểu như vậy thì cũng dễ đi đến chỗ sẽ bất mãn không đúng khi thấy mình cứ ca ngợi Ðảng nhiều hơn, hay hơn mà chưa thấy Ðảng tăng lương, thăng chức nhanh cho mình. Thế còn, cái ông nào đó vẫn còn " được lĩnh lương thật, ở nhà thật, ăn cơm thật .... hưởng mọi phúc lợi của người công dân lương thiện ..." thì tất ông ấy phải là người lương thiện hoặc trên lương thiện chứ sao lại bảo là ông ấy mạt sát chế độ, vu cáo trắng trợn ? Ông ấy vu cáo trắng trợn, mạt sát chế độ mà vẫn cứ được ưu tiên, ưu đãi cao hơn thiếu tướng Bùi Phan Kỷ thì chẳng hoá Ðảng, Chính phủ lẫn lộn trắng đen à ? Hay Ðảng và Chính phủ vẫn còn biết sợ cái lẽ phải, cái trí tuệ của ông ấy ?

Phó giáo sư Bùi Phan Kỷ còn tỏ ra rất không sáng suốt và phi thực tế khi nhận định : " Ðến như Liên Xô có chủ nghĩa xã hội đã 70 năm mà không cảnh giác với các thế lực phản cách mạng cũng mất chế độ ".

Nếu biết tổng hợp và phân tích khách quan và khoa học tất phải thấy một chế độ xã hội như thế mà không sụp đổ thì mới trái lẽ đời. Chế độ ấy phải sụp đổ thì đất nước Liên Xô mới thoát xác để được hồi sinh trong một tương lai khác mà hôm nay người ta thấy nó đang dần dần hiện hữu.

Làm sao có thể tồn tại một chế độ xã hội luôn tuyên bố giải phóng triệt để sức sản xuất để tạo năng suất lao động vượt trội hẳn xã hội tư bản nhưng thực tế lại kìm hãm nghiêm trọng sức sản xuất mà biểu hiện là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm 1% bình quân trong mỗi kế hoạch 5 năm. Nhân dân Liên Xô là người chịu thiệt thòi nhất do hậu quả nền kinh tế trì trệ của đất nước mình. Khoảng cách chênh lệch giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Tây Âu ngày càng lớn. Tổng giá trị quốc nội bình quân đầu người của Liên Xô năm 1990 khoảng 5000 - 6000 USD, thua xa Ðức ( 22 320 USD ), Phần Lan ( 26 040 ), Thuỵ Ðiển ( 23 660 ), NaUy ( 23 120 ). Trong những năm thập kỷ 80, tổng giá trị thành phẩm công nghiệp xuất khẩu của nước này không bằng Singapore. Một năm trước khi Liên Xô tan rã, tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên Xô là 104,18 tỷ USD, chỉ chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới, còn kém kim ngạch xuất khẩu cùng năm của nước Bỉ ( 118 tỷ USD ).

Do muốn tạo ưu thé quân sự áp đảo Mỹ, Liên Xô dồn hết sực lực cho cuộc chạy đua vũ trang. Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Liên Xô khi mạnh nhất chỉ bằng 1/3 Mỹ, nhưng quy mô sản xuất vũ khí lại tương đương, thậm chí vượt Mỹ. Do đó, Liên Xô bị rơi vào cảnh khó khăn không thể tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm; không đủ nhà ở và khí đốt để sưởi ...Là một nước có khả năng sản xuất vũ khí mũi nhọn nhưng nhân dân phải xếp hàng dài để mua tất nylon, quần áo giầy dép, đồ điện gia đình nhập khẩu. Một nước có khả năng sản xuất loại rada hàng đầu trên thế giới và có thể tiến hành chiến tranh điện tử nhưng lại không sản xuất được tivi mầu và các dàn âm thanh chất lượng cao.

Tóm lại, đấy là một chế độ chính trị không chú tâm chăm lo đời sống con người mà chỉ mưu toan bảo vệ chế độ chính trị bằng súng đạn.

Viện sỹ Sakharov - cha đẻ bom khinh khí Liên Xô, người từng được tặng thưởng huân chương Lenin, chỉ vì phản đối chính sách chạy đua vũ trang điên cuồng, bất hợp lý mà dần dần bị đẩy thành " bất đồng chính kiến ", bị quy là " chống Ðảng, phản quốc " !

Trong nhiều nguyên nhân dẫn Liên Xô đến sụp đổ, chắc chắn có cả nguyên nhân cuối cùng này. Việt Nam hãy đừng đi theo vết xe khốn khổ đó.

Chúng ta đã đẻ ra hơn 600 trăm tờ báo, cùng với hàng trăm đài phát thanh truyền hình rồi uốn lưỡi, nắn giọng cho tất cả đều phải véo von, ríu rít tán dương. Thế rồi, Ðảng, cùng với đủ loại quan chức cứ thế được tê mê, hoan hỷ trong tụng ca ngất trời. Bộ máy chuyên chính vô sản hết sức tuyệt vời, cả trong tư tưởng- văn hoá lẫn trong hình sự -xã hội. Do vậy, cứ yên tâm đi, sẽ không thể có bạo loạn, lật đổ; sẽ không thế lực nào lay chuyển nổi chính quyền này. Có chăng, hãy coi chừng thể liệt kháng HIVdo tự tiêm chích quá nhiều liều kích thích mạnh của sự tung hô.

Ước gì ta có được một vị lãnh tụ nói được như Putin nhân chuyến viếng thăm Washington mới rồi : chúng tôi thành thực biết ơn những nhà đối lập như Sakharov trước đây.

Ước gì chúng ta có được một lãnh tụ có tư chất như vị thủ tướng nước tư bản Singapore Gochokton. Hãy nghe ông trả lời phỏng vấn tờ Tuần san Châu A : " ... Nhưng, chỉ mức cao cuả bình quân đầu người thôi chưa đủ. Ðể trở thành một quốc gia phát triển, chúng tôi phải đi vào chiều sâu. Cái chúng tôi thiếu là một quần chúng biết phê phán. Họ đã để chúng tôi duy trì sự phồn vinh không hoàn toàn phù hợp với đời sống kinh tế thế giới "

Ước gì tuổi trẻ nước ta đừng cam tâm " ngủ trong giường chiếu hẹp " để " giấc mơ con đè nát cuộc đời con ". Ước gì trí thức nước ta đừng đành lòng úp mặt vào miếng cơm dù là ngon, manh áo dù là đẹp ; đừng quá vô tâm với vận mệnh đất nước, với đời sống của nhân dân, với hôm nay và tương lai các thế hệ mai sau.

Triều đại nào rồi cũng qua đi, người ta có thể không còn nhớ ông vua này, bà chúa kia nhưng gương mặt những Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ ... cứ mãi còn ngời sáng trong lung linh trời sao đất nước.

Hà Nội 1 tháng 1 năm 2002
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13 P9 - Tập thể Phòng không Hoà Mục
Phường Trung Hoà - Quận Cầu giấy