Nguyễn Như Phong đừng đẩy báo An ninh Thế giới vào vòng tội lỗi

 

Do hấp tấp, cơ hội loạt bài Nguyễn Như Phong tung ra trên An ninh thế giới các số 210, 211, 212 mắc rất nhiều sai phạm. Sai phạm trong nghiệp vụ báo chí, sai phạm về đạo lý ... và mắc ít nhất là hai tội theo quy định của bộ luật hình sự : tội vu khống ( Điều 117 ), tội làm nhục người khác ( Điều 116- Bộ luật Hình sự ). Những sai phạm rất nghiêm trọng của Nguyễn Như Phong làm dấy lên sự công phẫn và khinh bỉ trong dư luận xã hội. Hàng chục lão thành cách mạng, trí thức, cựu chiến binh ... đã chính thức lên tiếng bằng văn bản. Lẽ ra Phong nên phục thiện, công khai tạ tội và rút kinh nghiệm rồi sửa chữa để tiến bộ. Tiếc rằng Phong lại ngoan cố, tổ chức kích động và vận động một số người phát biểu ý kiến rồi cho đăng lên số 214 của báo mình !

Tôi đọc các nhà văn, nhà thơ Mai Văn Tạo, Dương Duy Ngữ, Trần Nhật Thu mà thấy thật ngạc nhiên. Vợ chồng tôi và nhiều người khác biết Mai Văn Tạo từ những ngày anh còn công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh vốn chân chất, đứng đắn, có nghĩa khí. E rằng nay tuổi đã cao, không có điều kiện nắm bắt thông tin đầy đủ, lại bị kích động với động cơ xấu nên anh đã giận dữ thoá mạ Hà Sỹ Phu ghê gớm đến như vậy. Chắc chắn đây không phải ý kiến xác thực của Mai Văn Tạo. Tội lớn là do Nguyễn Như Phong đã cắt xén, biến tấu để xuyên tạc sự thật của bản chất. Tôi hiểu. Bởi vì ngay cả tôi, nếu chỉ đọc Nguyễn Như Phong, thì do lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nặng, có thể tôi cũng đã viết gần gần như anh Mai Văn Tạo.        

Có điều nực cười là, ngay giữa trang báo mang tiêu đề “ ý kiến của một số nhà văn và bạn đọc  ... ” mà lại nổi lên bốn mảnh bút lục không phải của nhà văn hay bạn đọc nào mà là của Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Thanh Giang một cách rất lạc lõng. Lạc lõng và trơ trẽn như chính bộ mặt của Nguyễn Như Phong tự phơi trần !

Vậy là N.N. Phong đã cùng đường rứt giậu. Không thể phê phán được bất cứ chỗ nào trong trên dưới 500 trang chính luận của tôi, không thể xăm soi được bất cứ vết đen nào trong tư cách đạo đức, trong công tác và đời tư của tôi, Phong ra sức khai thác tập hồ sơ thẩm vấn của công an Hà Nội đối với tôi trong suốt 66 ngày tôi bị giam trong trại giam B14. Với tất cả sự hằn học điên cuồng, với tâm địa hết sức nham hiểm và đen tối, nhằm bôi nhọ tôi cho kỳ được mà cuối cùng Phong cũng chỉ trưng ra được mấy dòng lưu bút như vậy. Phong điên cuồng, giẫy giụa đến mức lại ngang nhiên phạm tội. Pháp luật nào cho phép công bố những tư liệu cá nhân như thế trong hồ sơ vụ án chưa được đem xét xử công khai ? Phong hoảng loạn, lú lẫn đến mức tưởng có thể đánh lừa độc giả một cách quá ngây ngô khi trưng 2 lần bản chụp mấy dòng viết của tôi ở ngay cùng một vị trí trên trang báo. Phong chắp vá cũng quá vội vàng, thô thiển.   

Ai cũng biết đã viết tự kiểm điểm thì không thể nào chỉ nói ưu điểm ( vì như vậy tự mình cũng thấy ngượng ). Đi chỉnh huấn cũng thế, ở cơ quan cũng thế, huống chi đang ở trong tù. Cho nên, sau hàng chục trang bảo vệ cái đúng và những ưu điểm, tôi đành nặn ra cho được mấy khuyết điểm nặng nhất như Phong đã cố tình lợi dụng : “ Mặc dầu vậy, trong đó cũng có nhiều ý, nhiều đoạn không ổn. Nhiều chỗ tỏ ra nôn nóng đòi hỏi dân chủ công khai quá nhanh, nhiều chỗ nhìn hơi sâu vào những “ khoảng tối ” của xã hội đã trở nên bi quan, một đôi khi xúc phạm cả đến Hồ chủ tịch ... ” .

Hẳn là Phong muốn mập mờ trong cái ý “ Một đôi khi xúc phạm cả đến Hồ chủ tịch ” để khơi gợi và kích động độc giả căm thù mà lăng mạ tôi ? !

Hãy nghe đoạn viết sau đây của cựu chiến binh Phạm Vũ Sơn tường thuật lại buổi “ đấu tố ” Nguyễn Thanh Giang do Mặt trận Tổ quốc xã Trung Hoà tổ chức ngày 25 tháng 3 năm 1997 : “ Anh bảo vệ uy tín, danh dự Hồ Chí Minh còn tốt hơn hệ thống tuyên giáo của Đảng và Nhà nước. Cách tuyên truyền Hồ Chí Minh như là thần thánh là kiểu tuyên truyền quan liêu vô trách nhiệm. Cách làm đó dễ nhưng không thuyết phục, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Anh chủ trương nói rõ cụ Hồ là một con người mang yếu tố thánh nhân. Yếu tố này thấy rõ ở nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc. Đã là con người thì có sai, có đúng, có xấu, có tốt ”. Đối với Hồ Chủ tịch, tôi cố giữ sự tỉnh táo và công bằng nên đã từng viết trong một bài đề ngày 20 tháng 11 năm 1993 : “ Người ta có thể phê phán Bác Hồ về khuyết điểm này, sai lầm kia, nhưng ý chí đấu tranh cho tự do, dân chủ và công bằng của nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc thì mãi mãi được nhân loại biểu dương và được tôn vinh trong lòng tôi ”.

Chắc chắn Nguyễn Như Phong không dám dẫn ra những đoạn gọi là “ xúc phạm ” Hồ Chủ tịch của tôi. Bởi vì nó rất đúng đắn. Chỉ có điều là bây giờ có phải lúc đã nên nói ra hay chưa mà thôi . 

Việc công bố bút lục của tôi trong lữu trữ nhà nước một cách trái phép chỉ càng làm cho tội của Nguyễn Như Phong thêm nặng. Vả chăng độc giả càng đễ dàng thấy rõ hơn sự lếu láo của Phong. Khuyết điểm lớn nhất chỉ là như vậy mà sao dám quy kết người ta là “ người cơ hội chính trị có hoạt động cực đoan chống phá trong nước ” !.

Hay là Phong muốn mập mờ hướng độc giả vào cái dòng này: “... tôi đã sa đà vào những việc làm lẽ ra rất không nên làm ”.

Vậy thì tôi xin công bố rõ ràng những việc gì tôi đã làm, trong đó, những việc gì “ lẽ ra rất không nên làm” ?

Hơn một lần, tôi đã trả lời các nhà báo nước ngoài rằng : “ Đối với tôi bây giờ, không nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ chỉ dám sống không hơn một sinh vật bình thường là bao nhiêu ; không nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ chỉ biết úp mặt vào hạnh phúc riêng của gia đình mình mà quên mất nghĩa vụ đối với đất nước với đồng bào, với các thế hệ con cháu mình ... Những gì tôi đã suy nghĩ chín chắn, đã khẳng định trong đầu và thấy cần phải nói ra thì chỉ có thể bị khuynh đảo hoặc bằng những lý lẽ đủ sức thuyết phục, hoặc bởi những phát súng bắn vào đó. Tuy nhiên, bất kỳ thế nào tôi cũng không thể chết mà chỉ càng sống rực rỡ hơn trong lòng nhân dân tôi, kể cả trong lòng hàng triệu đảng viên Cộng sản Việt Nam”. Câu nói này, một đôi lần tôi cũng đã chân tình giãi bầy với một số tướng tá ngành an ninh .

Thế còn việc gì đã “ lẽ ra rất không nên làm” ?

Đó là việc tán phát bài viết “ Góp ý xây dựng Đảng ” mà ở đấy ngoài những điều tâm đắc, có hai điều tự tôi cũng không đồng tình : đả kích cá nhân và đưa ra những dữ liệu không sở cứ.

Sau này, nhiều người tâm huyết cũng chân tình khuyên tôi nên để những việc đó người khác làm còn bản thân phải giành thời giờ đọc và tư duy những điều cần thiết đóng góp cho quốc kế dân sinh. Vả chăng, chính ví dính dáng vào việc đó mà người ta đã kiếm cớ để bắt bớ tôi một cách sai pháp luật do ngộ nhận.

Tôi ưa sự đàng hoàng, công khai nên đã viết là ký tên thật và ghi địa chỉ rõ ràng. Tôi ao ước được đăng công khai toàn bộ những chính luận tôi đã viết thậm chí với điều kiện, sau đó chỉ để cho bè lũ Nguyễn Như Phong săm soi, phê phán và kích động căm thù. Tôi hoàn toàn tin ở nhân dân tôi. Chẳng những thế, tôi còn ao ước được công bố công khai toàn bộ hồ sơ thẩm vấn của công an HàNội đối với tôi cùng tất cả những bút lục của tôi những ngày ở trong tù gồm : các bản tự thuật, tường trình, những bức thư tôi gửi các ông Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Lê Minh Hương ..., những lời phê của tôi vào các biên bản y tế trong những ngày tuyệt thực, những bức thư viết từ trong tù gửi về gia đình ... Tôi nhớ, được sự gợi ý của công an, tôi đã viết tới bốn bức thư về gia đình mà công an chỉ dám đưa một bức, ẻm nhẹm đi ba bức, chỉ vì trong đó có những đoạn như :“ Ba tin rằng cái hạt cứng bị vùi xuống đất đen sẽ nẩy mầm và nở hoa tươi thắm ” ...     

Phong thâm thù và điên cuồng phản kích tôi nên đã cố lôi kéo hoặc dựng lên một vài “bạn đọc” có thể là không có thật để phát biểu lăng nhăng như ông Nam Lộc nào đó ở hộp thư 177, bưu điện tỉnh Trà Vinh. Nếu Nam Lộc là người cộng sản hay dân thường ở trong nước thì dù tả hay hữu khuynh cũng không bao giờ sắp xếp thứ tự căm thù theo kiểu này : “ Nhân đọc bài của anh Nguyễn Như Phong tôi đề nghị tác giả viết thêm sự thật về các con người : Nguyễn Thanh Giang, Bùi Tín, Đoàn Viết Hoạt, nhóm Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Kim, Nguyễn Ngọc Đức ”. Không ai ngu hơn Nguyễn Như Phong mà từ đây không dễ dàng nhận ngay ra rằng Nam Lộc chính là Phong hay ít ra là cái chân gỗ hoặc con cò mồi của Phong.

Hiện tượng này làm độc giả liên tưởng chuyện cách đây không lâu. Khi không thể đấu tranh bằng lý luận với tướng Trần Độ, người ta đành hạ nhục ông bằng cách dựng nên một Hoài Việt nào đó đã bỏ tổ quốc ra đi mà còn ngang nhiên viết thư lăng mạ và giảng dạy đạo đức cộng sản cho một Trung Ương uỷ viên đã từng giữ cương vị Trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam. Ngưòi ta còn đểu cáng một cách ngu xuẩn đến mức đang tâm dựng chuyện để bôi bẩn Trần Độ bằng cách gán chuyện xác thịt đê tiện cho một ông già gần tuổi 80 mà mới hôm qua còn được bầu là Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN và trên ngực hiện vẫn còn lấp lánh Huân chương Hồ Chí Minh ! 

Nguyễn Như Phong chẳng những đã tự bôi lên mặt mình một vết nhơ nhục nhã không biết đến bao giờ mà còn làm cho làng báo Việt Nam phải xấu hổ lây. Nguy hiểm hơn, Phong còn mang tội với nước, với Đảng. Hãy nghe ý kiến của ông Trần Đại Sơn, một lão thành cách mạng 54 tuổi Đảng : “ Đăng loạt bài ấy ( của N. N. Phong ) trong tình hình hiện nay tức là báo An ninh thế giới góp phần làm mất an ninh xã hội. Giữa lúc đang chuẩn bị Đại hội IX, đang tiến tới chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ ... báo An ninh thế giới bỗng xới to chuyện trấn áp trí thức, nói xấu hết người này người khác ... một cách không thận trọng, dẫn chứng không đầy đủ, lý lẽ không vững vàng ”. Tệ hại hơn là có thể do ảnh hưởng của cuộc luận chiến gay gắt này mà Lâm Đồng đã hấp tấp ra quyết định quản chế Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh ngay sát trước kỳ họp của Quốc Hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo và tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trong khi đáng lẽ phải ban hành chậm hơn dăm ngày. Thật là vô chính trị và vô trách nhiệm biết chừng nào ! Thật là một hành động phá hoại lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc !

Càng giẫy giụa điên cuồng, càng dấn sâu vào tội lỗi, Phong cần bình tâm sám hối để nhận cho ra cái bản chất xấu xa của mình mà cải sửa. Bởi vì, không chỉ những người bị Phong xúc phạm trong loạt bài báo này nổi giận mà những đồng nghiệp cũng ghê sợ Phong. Hãy đọc bức thư ai đó vừa gửi cho tôi :

 

Xuân Tân Tỵ

Kính gửi ông Giang,

Tình cờ, tôi được đọc lá thư ngỏ ông gửi cho Nguyễn Như Phong. Tôi thông cảm và sẻ chia với ông vì con người Phong thì nhiều người biết, Phong hãm hại không chỉ một người mà nhiều người, kể cả đồng nghiệp của mình. Phong là người cơ hội, song ông ta lại được sủng ái, đó mới là điều đáng buồn. Nhưng tôi tin rằng ông trời sẽ có mắt, còn mắt ông Trời ở đâu thì tôi cũng chịu, song tôi tin ông Trời có mắt để nhìn thấu nhân gian. Thư ngỏ cũng cho chúng tôi nhận thức rằng làm nghề gì cũng phải có Tâm, cái tâm có sáng, mọi hành động mới sáng và ngược lại.

Hiện nay, đáng buồn là bọn cơ hội nhiều như nấm sau mưa, còn người chính trực thì khan hiếm quá. Thư ngỏ của ông liệu người ta đọc rồi người ta có bênh vực ông không và ai sẽ dám bênh vực ông, hay là người ta cứ tin, cứ nghe Nguyễn Như Phong?

Xin chúc ông vui mạnh

Một người không quen biết nhưng đồng cảm với ông

Nghe đâu, đây là Tổng Biên tập một tờ báo khác.

Tuy nhiên, hãy nghe George Eliot :“ The beginning of compunction is the beginning of a new life ”. Tôi vốn không thích thù hận nên chỉ mong sao Nguyễn Như Phong biết hối cải để có cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp một khi Phong thành khẩn xin lỗi công khai trên mặt báo.

          

Hanoi 16 tháng 2 năm 2001