Chiến dịch khủng bố nặng nề khó hiểu

Hai ngày sau khi tân tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhậm chức, các lực lượng an ninh, công an mở một chiến dịch rầm rộ khủng bố các lão thành cách mạng, các nhà trí thức... nhiệt tâm với đất nước. Chiến dịch này kéo dài đến nay, đã làm náo loạn xã hội, góp phần bôi đen bộ mặt của Đảng và Nhà nước ta trong lòng nhân dân và trên toàn thế giới . Nhiều giới, nhiều ngành, nhiều người đã tỏ thái độ không đồng tình qua trao đổi miệng hoặc bằng văn bản. Một Phật tử đã tự thiêu ngay dưới chân một tượng đài lớn ở thành phố Đà Nẵng. Tổ chức" Quan sát Nhân quyền" quốc tế gửi thư đề nghị các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm tài trợ đối với Việt Nam. Do bị chiến dịch này kích động, Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Viêt Nam với kết quả đa số tuyệt đối ...
Bài viết này đã được khẩn cấp gửi đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, e rằng chỉ được lưu lại ở các văn phòng thư ký. Rất mong quý độc giả tận tình hỗ trợ bằng mọi cách, sao cho bài viết đến tận tay các vị chức sắc để được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm triệu tập sớm cuộc họp kiểm điểm, nhận định và đánh giá vụ việc, có ngay chủ trương và chỉ đạo triển khai ngăn chặn kịp thời chiến dịch phá hoại này, hạn chế tối đa những hậu quả tai hại do nó gây ra.
*
Đã lập thu non tháng rồi nhưng ngày 5 tháng 9 năm 2001 thời tiết chính trị tại Hà Nội bỗng trở nên ngột ngạt oi bức nhất trong năm. Không, trong nhiều năm trở lại đây . Hơn hai chục người bị bắt lên đồn tra hỏi . Hàng chục công an giăng vòng trong, vòng ngoài, ập vào xốc nách đại tá Phạm Quế Dương, tống lên xe, chở đi . Cùng cảnh bắt bớ hoặc đến nhà gọi đi như thế còn có : Hoàng Minh Chính, Lê Chí Quang, Trần Đại Sơn, Trần Bá, mẹ của Lê Chí Quang ... và hai người trong nhóm 11 cụ viết huyết tâm thư chống tham nhũng là Nguyễn Thụ và Nguyễn Đoàn. Tất cả những ai dù vô tình đến nhà ông Phạm Quế Dương hay nhà cụ Hoàng Minh Chính trong ngày 5 tháng 9 đều bị dẫn lên đồn Hàng Mã hoặc Hàng Bài : Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến, Nguyễn Vũ Bình ... Mấy cháu thanh niên, bạn của con đại tá Phạm Quế Dương đến rủ bạn đi làm việc cũng không thoát cảnh bị câu lưu. Trần Khuê và Nguyễn thị Thanh Xuân bị đưa lên máy bay, trục xuất về thành phố Hồ Chí Minh.
9 giờ 30 sáng đó tôi gọi điện đến nhà, bà Hoàng Minh Chính bảo họ đã bắt ông ấy đi rồi. Tôi ngỏ ý muốn được đến thăm bà nhưng bà can ngăn và báo tin 6 công an vẫn còn ngồi đây, Nguyễn Vũ Bình vừa tới cũng đã bị bắt.
7 giờ 30 tối cùng ngày, ông Hoàng Minh Chính ra trạm điện thoại ngoài đường báo tin đã về nhà và rủ tôi đến chơi . Ông kể rằng vừa đến sở công an Hà Nội ông đã tuyên bố tuyệt thực phản đối đồng thời nhất định không chịu trả lời những câu cật vấn vô lý của công an. Ông mô tả cảnh công an cứ hỏi mà ông cứ không trả lời, ông cứ không trả lời mà công an cứ hỏi ... đến nỗi ông phát phì cười mai mỉa trước mặt họ. Buổi trưa, họ mời ông đi ăn trưa . Ông từ chối . Nằm ngủ. Hai giờ chiều, họ gọi ông. Ông tảng lờ như không nghe . Hai giờ 15, họ lại vào lay ông. Ông không thèm động tĩnh. Ba giờ kém 15, vì mót tiểu, ông buộc phải tự trở dậy .
Sáng hôm sau, ông vẫn tiếp tục bị triệu lên Sở thẩm vấn. Nhưng đến ngày thứ ba, công an lại đến gọi, ông kiên quyết phản kháng, nhất định không đi nữa . Ông phải cố thủ để tự phòng vệ vì cho rằng công an có ý định hạ sát ông. Họ đã nói thẳng với vợ con ông rằng, nếu cần, họ đành hy sinh một mạng người để cứu lấy an ninh xã hội ( Nghe rùng rợn làm sao! Dưới cái lăng kính chuyên chính vô sản tàn bạo, cái ông già 80 tuổi còm nhom 1 lần tù Tây 3 lần tù ta này vẫn được xuyên tạc thành một Tề thiên Đại thánh ! ). Theo lời ông, tối mồng 6, sau thẩm vấn, một công an chở ông về nhà bằng xe máy. Đến chỗ rẽ, anh ta giật mạnh tay lái, đồng thời đạp phanh đột ngột như định quật ông đập đầu xuống đường.
22 giờ kém 15 phút cái ngày Hà Nội địa chấn chính trị ấy, vừa ra khỏi nhà ông Hoàng Minh Chính, tôi bị 4 công an lực lưỡng, một mặc quần áo công an, 3 thường phục điệu lên đồn Hàng Bài.
Họ hỏi : ông Hoàng Minh Chính đang bị cơ quan an ninh điều tra, ông đến để làm gì?
Tôi bảo : tôi không biết các anh điều tra cái gì, chỉ biết ông ấy là một người rất đáng kính trọng. Ông Hoàng Minh Chính hoạt động cách mạng từ trước khởi nghĩa, bị Tây bỏ tù Sơn La từ khi tôi rất trẻ và các anh chưa ra đời .
Họ hỏi: ông có biết các ông ấy đang thành lập Hội Chống tham nhũng và đã ai đưa giấy mời ông ký tên tham gia chưa?
Tôi bảo : có ai đưa thì cũng chẳng bao giờ tôi phải khai với các anh. Các anh cứ đưa tôi ra toà đi . Ở đó tôi sẽ hết lời biểu dương và ngợi ca cái sứ mệnh thiêng liêng và khẩn thiết của Hội này, ai ngăn trở việc thành lập Hội là chống lại sự nghiệp chống tham nhũng. Ở đó, tôi sẽ tuyên bố rất vinh hạnh nếu được xem là một trong những người sáng lập ra Hội .
Những câu hỏi dớ dẩn làm tôi không kìm chế nổi đã đập bàn quát tháo ầm ầm ngay giữa đồn công an. Tôi giải thích, tôi không chống lại người thi hành công vụ nhưng quyết liệt đấu tranh không dung thứ những công an vừa vi hiến, vừa phạm pháp, vừa phản đạo lý, vừa chống lại đường lối của Đảng. Tôi hỏi họ ai cho phép các anh bắt bớ, tra khảo tuỳ tiện, bừa bãi những công dân vô tội, thậm chí những công thần của cách mạng ? Ai cho phép các anh hạnh hoẹ tôi khi tôi đến thăm người bạn vong niên khả kính của tôi lúc ông ấy gặp hoạn nạn? Nhà nước động viên mọi người hãy quần tụ ngay cả với người tù được tha để kéo họ về với cộng đồng, sao các anh lại cấm mọi người đến với ông Dương, ông Chính ? Đảng nào dạy các anh như vậy ?
Sau non nửa giờ vì bị quấy nhiễu mà bùng phát cơn thịnh nộ nhẽ ra không nên có, họ thả tôi về. Hà Nội đã vào thu mà sao chưa thấy thoảng thơm mùi hoa sữa, chưa được bình tâm mà thưởng ngoạn lại cái " Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo ". Sang sảng đâu đây vẫn chỉ nghe câu phú của Phan Bội Châu ngày nào:
Đại trượng phu chi bất khuất
Kinh thiên tác trụ, tiên vạn cổ chi cương thường;
Trịch địa thành thanh, hướng lưỡng gian chi văn bút
( Đại trượng phu bất khuất
Chống trời làm trụ, cương thường nên suốt ngàn xưa;
Ném đất thành âm, văn bút vang lừng trời đất )
Hai ngày sau, chàng cử nhân luật trẻ tuổi ngoan cường Lê Chí Quang đến thuật lại cho tôi nghe cuộc vây ráp như một trận tập kích dữ dội của công an ở nhà anh. Anh kể : Chiều 5 tháng 9, khi ra cổng đứng chơi, thấy có khoảng 30 công an mặc thường phục, tay cầm bộ đàm. 14 giờ 20 phút, một tốp 10 người ập vào nhà đưa giấy triệu tập do trung tá Vũ Công Long ký, với lý do "hỏi việc có họat động liên quan đến an ninh quốc gia". Họ chỉ cho Quang đủ thời giờ mặc chiếc quần dài rồi liền áp giải ra xe đặc chủng đưa lên đồn công an quận Đống Đa . Tại cơ quan công an, ba người tên là Cường, Tâm, Đoan liên tục cật vấn. Họ hỏi anh có phải là tác giả bài " Góp ý hiến pháp 1992 "?. Anh trả lời, phải . Họ chất vấn về nội dung bài viết. Anh trả lời, anh chỉ có thể đối thoại với Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp chứ không có nghĩa vụ phải trả lời công an. Họ hỏi việc anh tham gia Hội Chống tham nhũng. Anh trả lời, đây sẽ là tổ chức giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng có hiệu quả, sự ra đời của nó rất hợp với ý Đảng lòng dân nên anh sẵn sàng tham gia .
Cuộc thẩm vấn Lê Chí Quang chỉ xoay quanh lá đơn xin thành lập Hội Chống tham nhũng của các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê nhưng anh bị câu lưu suốt 3 tiếng đồng hồ nên rất bất bình. Càng bất bình hơn khi thái độ của công an Tâm tỏ ra xấc xược và vô văn hoá đến mức không tưởng tượng nổi . Đây là đoạn đối thọai lúc họ chia tay nhau :
- Tao tha cho mày vì mày ốm yếu chứ không, tao đã bắt mày rồi . Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà
- Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không ?
- Tao không cần văn bản nào cả
- Vậy là văn bản miệng à ?
- Đúng. Miệng tao là pháp luật.
- Vậy thì tôi vẫn cứ ra khỏi nhà nếu tôi muốn
- Tao sẽ bắt mày ngay nếu mày ra khỏi nhà, mày đừng thách tao !
Hiện lên trước mắt người đọc đoạn đối thoại này hẳn phải là một tên phát xít. Tên phát xít cuồng bạo, vô văn hoá, vô giáo dục. Chao ôi ! rơi bao nhiêu xương, đổ bao nhiêu máu để chống cường quyền áp bức, thì nay lại vẫn nghênh ngang trước mặt công dân Việt Nam những kẻ mang hàm tước công an Việt Nam mà hống hách hơn cả phát xít Nhật!
Cần thải hồi ngay những loại " hảo hớn " kệch cỡm như Tâm để công an Việt Nam đừng trở nên tàn bạo hơn !
Ông Trần Dũng Tiến cho biết ở đồn công an Hàng Mã cũng có một công an rất xấc láo, tên là Nghĩa . Anh ta dám đập bàn quát tháo hỗn xược đối với những công dân vô tội đáng tuổi cha chú mình, đã từng trải qua gian nan suốt 3 cuộc kháng chiến để góp phần đem lại những gì cho anh ta ngày hôm nay .
Chiều 6 tháng 9 Lê Chí Quang gặp tôi ở đám tang bà Vũ Đình Huỳnh. Chợt Quang bấm tay tôi chỉ vào một người mặc thường phục:
- Bác kìa, cái người đội mũ trắng đứng kia hôm qua ra lệnh nếu cháu ra khỏi nhà thì sẽ bắt đấy !
Tôi nhìn thì hoá ra đấy cũng chính là một trong hai người đã cật vấn tôi đêm qua . Tôi cố ý dẫn Quang đến gần, nhìn vào mặt Tâm. Không thấy anh ta xông đến bắt Quang như đã hứa, mà quay mặt đi . Khi cật vấn, anh ta khai với tôi anh là công an phường Hàng Bài . Nhưng, chiều hôm qua anh ta ngồi thi hành công vụ ở quận Đống Đa, tối hôm qua anh ta làm việc ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, bây giờ anh ta có mặt trong đám tang này (không phải để viếng) thì ít ra anh ta cũng là công an thành phố. Vậy thì tại sao anh ta lại phải nói dối tôi. Tại sao công an mà lại man trá thế. Sự dối trá bao giờ cũng là biểu thị của bất chính, của mạt vận.
Chiến sỹ quyết tử quân cách mạng tháng 8 Trần Dũng Tiến kể rằng một công an viên thẩm vấn ở đồn công an phường Hàng Mã cũng lừa ông. Anh ta vờ hỏi mượn tờ giấy công an triệu tập ông rồi giấu biệt. Ông đòi, anh ta chối phắt là đã trả .
Công an mà gian lận thế đấy! Lưu ý rằng sự gian lận ở đây không xuất phát từ lòng tham cá nhân theo kiểu ăn cắp vặt mà gian lận nghiệp vụ, trong khi tác nghiệp. Càng chứng tỏ sự bất chính của chủ trương đã được chỉ đạo .
Thế là Phạm Quế Dương và Nguyễn Vũ Bình bị câu lưu để thẩm vấn 3 ngày . Ông Hoàng Minh Chính lẽ ra cũng bị ít nhất 3 ngày nhưng ông tự ý cắt xén để chỉ còn hai ngày . Những người khác, ít nhất nửa giờ, lâu nhất 4 giờ. Trận lôi đình của công an Hà Nội đã đột ngột tạm lắng xuống sau mấy ngày
Nhìn qua trời thu Hà Nội lại thấy :
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
. . . Thì hãy cứ tưởng tượng như thế. Cho đến rồi đây đất nước này hết độc tài, hết áp chế và ai cũng được nói với nhau ngọt ngào mấy tiếng dân chủ, tự do .
Bao giờ, bao giờ có được như thế? Hình như còn xa, nhưng có thể đã rất gần rồi ! Hỡi những trái tim Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến, Trần Bá, Sơn Tùng, Trần Độ ... già lão còn sục sôi máu đỏ. Hỡi những tuổi trẻ Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình ... phừng phừng ngọn lửa Đankô . Lời thơ Petofi vẫn rung lên trong ngực chúng ta :
Tự do và ái tình
Vì các người ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái
(Tôi đang viết đến mấy dòng này thì chợt nghe tin New York và Washington bị bọn khủng bố tấn công. Hai toà nhà đầu tiên cao nhất thế giới sụp đổ hoàn toàn, có thể hàng chục ngàn nhân mạng đã tử vong. Họ là những nhà kinh doanh, nhà tài chính, nhà quản lý, nhà khoa học- kỹ thuật ... những công dân Hoa Kỳ và công dân nhiều quốc gia khác. Họ đang làm những công việc phục vụ nhân sinh, không dính dáng gì đến chiến tranh, đến thù hận. Vậy mà bầy thú man dại ấy nỡ cắn càn cuồng bạo . Chúng đánh vào đầu não khoa học công nghệ của thế giới, đánh vào trung tâm kinh tế của thế giới, đánh vào biểu tượng văn minh hiện đại của nhân loại, đánh vào ngọn cờ dân chủ, nhân quyền đỏ thắm cao vời của nhân loại . Tôi xúc động trào nước mắt. Và căm phẫn. Xin được cùng nhân dân Mỹ thắp nén nhang cầu nguyện trước thảm hoạ này . Chắc chắn sau cơn đau đường đột , Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ vẫn vững mạnh, hiên ngang đi tới làm đầu tầu đưa nhân loại tiến lên.)
Có điều rất khó hiểu là vì sao công an Hà Nội lại làm như thế. Họ đã gặt hái được những gì? Họ đã lập được công tích với Đảng, Nhà nước? Hay có tội với tổ quốc, với nhân dân? Chỉ biết rằng hình như họ quá hấp tấp, vội vàng, manh động. Tại sao lại để cho nhân dân trong nước và trên thế giới hiểu rằng Đảng và Chính phủ ta đang trong tâm trạng hoảng hốt, sai công an đi đàn áp những người xin thành lập "Hội nhân dân hỗ trợ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng"? Nếu thực sự người ta thù ghét những người đấu tranh cho dân chủ và nghi anh em sẽ lợi dụng Hội này để gây rối loạn thì cũng phải biết kích động họ, nhử cho họ làm một vài việc phạm pháp rồi bắt, đưa ra toà xử, tống tất cả vào tù có ngon lành không. Đến mấy anh lý trưởng, chánh tổng ngày xưa, khi muốn diệt ai còn biết đem rượu lậu giấu vào trong nhà, chôn thuốc phiện ngoài vườn để tạo cớ nữa là.
Đợt khủng bố, đàn áp rộng rãi, hung hãn, thiếu cơ mưu này quả thực đã đem lại những hậu quả hết sức tai hại cho Đảng và Nhà nước mà cuối cùng là nhân dân phải gánh chịu . Nó tiếp tục bôi nhọ thêm bộ mặt của Đảng và Nhà nước ta trước toàn thế giới . Nó kích thích Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu tán thành " Đạo luật Nhân quyền cho Việt nam " với số phiếu đa số tuyệt đối ( Toàn thể Hạ viện tán thành, chỉ ngoại trừ một phiếu . Nếu không có đợt đàn áp phi lý ngay sát trước ngày Hạ viện bỏ phiếu thì chưa chắc Đạo luật đã được thông qua, hay chí ít, không thể đạt được số phiếu nhất trí cao đến như vậy!). Nó gây căm phẫn để tổ chức " Quan sát Nhân quyền " quốc tế lập tức gửi thư cho các nhà tài trợ sẽ họp ở Nhật Bản tháng 11 tới hãy đừng tài trợ cho Việt Nam vì có tội đàn áp tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, chà đạp nhân quyền.
Sau trận lôi đình 5 tháng 9 họ tạm ngừng tay để hoan hỷ nhưng vẫn không quên tiếp tục gây tội ác. Hàng loạt máy điện thoại bị cắt tại nhà các ông : Phạm Quế Dương, Hoàng Minh Chính, Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình ... Cả điện thoại của nhà cho Trần Khuê ở nhờ tại Trần Quôc Toản, chủ sở hữu là Nguyễn Đắc Kính cũng bị cắt !
Nghe tin Hạ viện Hoa kỳ bỏ phiếu thông qua " Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam ", báo chí, truyền thanh, truyền hình đồng loạt lớn tiếng chỉ trích Hoa Kỳ vu khống và xuyên tạc thành tích nhân quyền của Việt Nam. Nhưng nếu quốc tế chỉ đem riêng một hành động cắt điện thoại này ra xem xét cũng đã có thể kết luận ai vu khống, ai xuyên tạc. Slobodan Milosevich bị tống giam trong nhà tù quốc tế vẫn được dùng điện thoại di động để nói chuyện với vợ con, bàn luận với luật sư, thông tin cùng báo chí. Trong khi đó, những công dân Việt Nam chưa hề bị luận tội, kết án, mà bị ngang nhiên tước bỏ quyền được sử dụng một trong những phương tiện tối thiểu của thời đại thông tin ngày nay ! Ta cứ tuyên bố nhân quyền ta cao hơn nhân quyền Mỹ, dân chủ ta gấp triệu lần ... , nhưng nếu ai đó khẳng định rằng công dân của các ông bị đối xử tồi tệ hơn người tù trong hệ thống tư bản thì ta cãi lại làm sao được ?
Cái ngày địa chấn chính trị ở Hà Nội thực ra chỉ là cực điểm của cả chiến dịch đàn áp, khủng bố kéo dài suốt từ khi ông Nông Đức Mạnh nhậm chức. Liền sau 2 ngày tân Tổng bí thư vừa đặt tay lên ngực tuyên thệ, người ta chặn đường bắt ngay cựu chiến binh Vũ Cao Quận ở Hải Phòng, khám nhà vắng mặt ông rồi tống giam ông. Cuộc bắt bớ phi lý, phi pháp đến nỗi khi nước ngoài chất vấn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phan Thuý Thanh phải chối là ông Vũ Cao Quận không hề bị bắt (!). Tiếp đó, quay sang sách nhiễu liên tục ông Hoàng Minh Chính. Họ triệu tập một lần, ông không đến. Họ triệu tập lần thứ hai . Ông lại không đến. Họ cứ triệu tập. Ông cứ không đến. Ông cứ không đến. Họ vẫn cứ triệu tập ... Họ quyết không cho ông ăn ngon, ngủ yên. Ngõ hầu đến khi họ công bố được ông là một người điên cuồng ngôn loạn ngữ chứ không chính kiến lập trường gì cả. Ở miền Trung và miền Nam, họ quản thúc thượng toạ Thích Quảng Độ và cha Nguyễn văn Lý. Ngày 12 tháng 6, họ chặn đường tước đoạt tập Nhật ký Đại hội IX của tướng Trần Độ làm cho ông uất ức phát bệnh phải đi cấp cứu rồi ốm liệt giường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào bệnh viện thăm, nghẹn ngào nắm tay Trần Độ : " Tôi thương Trần Độ lắm. Hãy gắng quyết sống để ... " v v ...
Tân tổng bí thư vừa nhậm chức, họ chặn đường bắt Vũ Cao Quận. Sát ngày Tổ chức Tôn giáo quốc tế họp, họ tuyên bố quản chế cha Nguyễn văn Lý. Mai Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, hôm nay họ đẩy chiến dịch khủng bố những người đấu tranh vì dân chủ lên mức cao chưa từng thấy ... Hàng loạt sự kiện trùng hợp như vậy chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Từ đấy, đang xôn xao trong dư luận những kiến giải về chiến dịch khủng bố này . Có ba loại ý kiến :
- Thứ nhất : Hiện có một thế lực đen tối rất nguy hiểm đang muốn dằn mặt tân tổng bí thư Nông Đức Mạnh và ban Chấp hành Trung ương mới . Thấy rằng Tổng bí thư và Ban Chấp hành Trung ương mới trẻ trung, có nhiều gương mặt sáng giá hơn, học thức hơn, dễ nhận thức cái mới hơn, họ ra roi răn đe rằng đừng có mà tấp tểnh muốn thực sự đổi mới theo chiều hướng tích cực.
- Thứ hai : Họ quyết liệt phá hoại Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa kỳ, không cho Việt Nam giao thương với kinh tế Mỹ và hội nhập với thế giới tiên tiến để không còn cách nào khác ngoài con đường phải chui vào ống tay áo của Trung Quốc. Không phải là Ban Chấp hành Trung ương, không phải là Ban Bí thư, không phải là Bộ Chính trị nhưng có những kẻ quyền thế rất lớn đang là những Lê Chiêu Thống sẵn sàng bán đứng nhân dân, bán đứng quyền lợi dân tộc để cầu cứu sự bảo trợ của Bắc triều .
- Thứ ba : Hiện đang có hàng lọat người dựa vào thanh thế của Đảng để tham nhũng. Quyền thế to, tham nhũng to ( điển hình là cựu tổng bí thư Đỗ Mười ), quyền thế nhỏ, tham nhũng nhỏ. Đảng kêu gọi tha thiết nhưng không dám thực tâm chống tham nhũng vì sợ chống tham nhũng đến tận cùng sẽ trở thành chống Đảng. Các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình ... ngây thơ muốn xung phong giúp Đảng chống tham nhũng thật nên tất nhiên phải bị tiêu diệt ngay trước khi sắn tay áo .
Dẫu sao, âm mưu phá hoại Hiêp định Thương mại của họ đã không thành vì Hạ viện Hoa Kỳ do rất quan tâm dến sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ và của Việt Nam nên đã nghiên cứu, xem xét rất nghiêm túc. Cho đến đầu tháng 8 vừa qua, một đoàn cán bộ của Quốc hội Hoa Kỳ còn sang Việt Nam. Sau khi làm việc với các quan chức Nhà nước, họ gặp tôi nêu câu hỏi . Tôi trả lời, tôi ủng hộ bản Hiệp định đó. Ngay lúc xẩy ra cơn địa chấn chính trị đen tối tại Hà Nội, trước ngày Quốc hội bỏ phiếu, một cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ vừa nhậm chức lại đến nhà, hỏi tôi: "Tôi nghe hôm nọ ông phát biểu tán thành BTA, trước tình hình này, ý kiến ông thế nào?". "Tôi vẫn mong Hiệp định sẽ được thực thi". Tôi lại vẫn trả lời như vậy.
Thế đấy, hung tàn thế nào rồi cũng bị đẩy lui . Đại nghĩa tất sẽ ngày càng ngời sáng vì chúng ta thuộc về nhân dân, thuộc về đất nước, thuộc về công lý .

Hà Nội 12 tháng 9 năm 2001
Nguyễn Thanh Giang
Nhà A13P9 - TTPK Hoà Mục
Phường Trung Hoà- Quận Cầu Giấy