Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam

Độc lập Tự do Hạnh phúc

 

 

 

Kính gửi :  Quốc hội nước CHXHCN Việt nam

                Các cơ quan Đảng và Chính phủ

                Các cơ quan Thông tấn và Báo chí

 

Ngày 20 tháng 4 năm 1997, tôi đã viết bức thư sau đây:

 

“Tôi là Nguyễn Thanh Giang, 61 tuổi, uỷ viên ban Thường vụ Hội Địa Vật lý Việt Nam, xin khẩn thiết tấu trình với các đồng chí một việc như sau :

 

Hội các nhà Địa học và Kỹ sư Châu Âu tổ chức Hội nghị Quốc tế về Địa Vật lý tại Giơnevơ - Thuỵ sỹ vào tháng 5 năm 1997. Tôi được mời tham dự hội nghị này. Hội Địa Vật lý Việt Nam đã đề nghị và Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã đồng ý cử tôi đi dự hội nghị .

 

Vì đã nghỉ hưu từ tháng 12- 1996, tôi phải tự chạy thủ tục xin hộ chiếu phổ thông. Gần một tháng qua, kể từ lúc đệ trình giấy mời, tôi đã phải đi lại rất nhiều, đứng ngồi chầu chực vạ vật hết Công an phường Thanh Xuân bắc đến Công an xã Trung Hoà, huyện Từ Liêm ,vv.. . một cách rất tủi nhục. Cuối cùng tôi đã phải báo cáo với trung tá Hà, trưởng phòng 2 và thiếu tá Hồ Viết Lê ở cục A17- Bộ Nội vụ nhưng công việc vẫn không tiến triển được.

 

Năm 1982, khi được mời dự một hội nghị khoa học quốc tế ở Kuala Lumpur, tôi cũng đã từng gặp nhiều khó khăn tưởng không thể nào vượt qua nổi. May sao ngày ấy có giáo sư Tạ Quang Bửu tận tình trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Phạm văn Đồng và nhờ sự can thiệp trực tiếp không chỉ của Thủ tướng mà cả đồng chí Tố Hữu - thường trực Ban Bí thư - tôi mới được lên đường. Từ bấy, tôi đã được mời dự hội nghị hoặc trao đổi khoa học ở nhiều nước. Thật tình thì lần nào cuối cùng tôi cũng được đi nhưng lần nào làm thủ tục tôi cũng       ( phải nói đúng chữ là ) bị hành hạ ghê gớm. Nhiều lần đi muộn. Thậm chí năm ngoái, trường đại học tổng hợp UCLA ở Los Angeles đã gửi giấy mời tôi sang đọc mấy bài giảng về Cổ từ học vào học kỳ Mùa Xuân, nhưng vì thủ tục chậm trễ, bạn bị lỡ hẹn đành chuyển chương trình và lại phải mời tôi sang vào học kỳ Mùa Thu.

 

Điều hết sức kỳ lạ là lần đi nước ngoài nào tôi cũng cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình rất tốt đẹp. Không hề có bất cứ sai sót gì trong bất cứ lĩnh vực nào. Vậy mà tôi vẫn gặp muôn ngàn trắc trở khi làm thủ tục cho những chuyến đi sau đó !

 

Tôi tham gia cách mạng từ kháng chiến chống Pháp, từng làm giảm tô, sửa sai cải cách ruộng đất, giáo viên phổ thông, ngủ rừng lội suối khảo sát địa chất - địa vật lý.. ..Hơn 40 năm qua lúc nào tôi cũng công tác rất nhiệt tình , hoàn thành nhiệm vụ có thể xem là khá xuất sắc. Tôi là người đầu tiên khẳng định khả năng chứa Uran trong vùng mỏ Nông sơn, là người tự thiết kế lắp ráp các thiết bị để xây dựng phòng nghiên cứu Cổ từ đầu tiên ở Đông nam á, là người Địa Vật lý Việt Nam đầu tiên được mời đọc báo cáo khoa học tại một hội nghị quốc tế lớn ở thủ đô Washington....Có thời tôi được bầu chiến sỹ thi đua nhiều năm liền và đã từng được cơ sở ( cấp cục ) đề nghị trên xét tặng danh hiệu anh hùng lao động. Tôi vốn sống trung thực, nhân ái. Cho đến ngày này không những tôi chưa bao giờ vi phạm pháp luật mà thời trước cũng chưa hề bị bất cứ hình thức kỷ luật nhỏ nào , kể cả việc đưa ra kiểm thảo.

 

Vậy mà sao cả đời theo cách mạng tôi cứ mãi mãi bị phân biệt đối xử, bị bạc đãi. Trước đây do phải cảnh giác lý lịch gốc gác cha ông đã đành. Ngày nay đã đổi mới và yêu cầu hiện đại hoá công nghiệp hoá một cách sống còn đòi hỏi chúng ta phải thực sự mở rộng đại đoàn kết, hoà giải hoà hợp để không chỉ giảm thiểu chống đối mà còn tranh thủ được mọi tài năng trí tuệ trong và ngoài nước, nhưng, sao lại vẫn cứ như thế này!!!

 

Tôi không chỉ “cay cú” về một chuyến đi họp ở nước ngoài.   ( Sự thật thì cũng đáng “cay cú”, bởi vì, ai cũng đã biết còn được mời mọc như thế này chính là nhờ dư hưởng của suốt bao nhiêu năm “dùi mài kinh sử”, của nhiều đêm xưa hầu như thức trắng. Nay, tuy sức khoẻ còn tốt, trí lự vẫn dồi dào, nhưng vì đã nghỉ hưu nên chắc gì còn sẽ được “mua chuộc đón mời “ nữa.).Sau mấy năm tiến hành cải cách hành chánh, nghị quyết 2 lại vừa ghi rõ ràng : “ Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học và công nghệ.. .. được đi bồi dưỡng và trao đổi khoa học ở nước ngoài ”, ai cũng nghĩ việc làm thủ tục như tôi phải dễ dàng, nhanh chóng lắm chứ.

 

Mỗi khi tự hỏi vì sao mình lại bị đối xử tệ bạc một cách hết sức phi lý như vây, tệ bạc đến mức như là rất dã man, tôi càng không thể kìm lòng.Tệ bạc đầy đoạ suốt thời trẻ của tôi chưa đủ sao ? Nay, tôi đã già ! Phải chăng người ta muốn hành hạ tôi cho đến chết?! Sự phẫn uất hoàn toàn có lý nhiều lúc tưởng như đẩy tôi đến tình trạng không còn chế ngự nổi mình !

 

Dẫu sao tôi vẫn cứ cố nuôi dưỡng lòng tin cho mình và quyết định gửi bức thư này đến các đồng chí. Tha thiết mong được các đồng chí lưu tâm xem xét và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết .”

 

Bức thư đã được gửi tới các cơ quan hữu trách và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp. Vậy mà, cho đến nay tôi vẫn không hề nhận được một văn bản phúc đáp, một lời chỉ dẫn . . . ! Phải chăng ở xã hội ta con người nói chung, người trí thức nói riêng, ngày càng bị coi rẻ, những khiếu tố của nhân dân ngày càng không thể lọt tai các vị lãnh đạo trong khi ta cứ tuyên bố chế độ chính trị ưu việt, chính quyền thực sự do dân , vì dân.

 

Mười lăm năm trước một tiếng kêu nhỏ nhoi của một trí thức trẻ, bề dầy cống hiến còn mỏng như tôi lúc bấy giờ còn lọt được vào tâm trí của một vị Thủ tướng và được Thủ tướng chỉ thị giải quyết rất cụ thể, rất đúng đắn. Vậy mà, bây giờ !

 

Có người trả lời dưới hình thức “khẩu thiệt vô bằng “ với tôi rằng tôi không được đi Hội nghị  Quốc tế này vì vừa qua đã viết bài “ Nhân quyền- Khát vọng ngàn đời “. Tôi hoàn toàn không tin rằng đấy là điều đúng đắn. Một là, hội nghị này là hội nghị khoa học tự nhiên chuyên ngành của tôi, không có gì dính dáng đến chính trị. Hai là, bài viết “ Nhân quyền- Khát vọng ngàn đời ” của tôi về cơ bản không có gì sai trái. Bài viết đã được tôi đem đến tận 1a Hùng vương gửi cho tổng bí thư Đỗ Mười và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gửi ban Văn hoá Tư tưởng trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Thông tin Lý luận, Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt nam, các khoa Luật ở một số trường Đại học...

 

Trong khi người ta lao ra thị trường xoay sở làm giầu hoặc     “ quân mạc vấn ” đối với thế sự để được hưởng lạc trong nhàn tản thì tôi cặm cụi đọc, tra cứu, viết, rất công phu với bao nhiêu lao lung khi phải vận dụng không chỉ trí lực mà cả tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm. Bởi vì, tôi hoàn toàn tin rằng việc làm của tôi thật sự cần thiết và nhất định sẽ có ích cho nhân dân tôi, cho đất nước tôi. Ngày hôm nay nếu ai đó vì lý do này khác cố tình chối bỏ hoặc trù dập thì ngày mai lịch sử sẽ phán quyết công minh. Đó là điều chắc chắn.

 

Không đồng ý với một số luận điểm trong bài, các đồng chí trong ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương Đảng đã mời tôi đến trao đổi. Không khí buổi gặp có lúc gay gắt nhưng nói chung trên cơ sở đấu tranh lý luận. Tôi sẵn sàng chấp nhận và thậm chí quý trọng sự căng thẳng, quyết liệt xuất phát từ tinh thần khoa học.

 

Đáng tiếc rằng, ngày 25 tháng 3 năm 1997, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã Trung Hoà lại triệu tôi ra hội trường với lời tuyên bố khai mạc của chủ toạ nặng mùi đấu tố. Buổi họp gồm hầu hết là Cựu chiến binh, trong đó có hai vị tướng, khoảng một nửa là đại tá, đại diện ban Văn hoá Tư tưởng Thành uỷ Hanoi, công an . . Năm người được phân công đọc trước và được chỉ định phát biểu ý kiến. Các ý kiến có đôi phần gay gắt không đáng có, tuy nhiên nói chung là chân tình, đặc biệt là ý kiến của hai vị tướng. Hầu hết các ý kiến được viết sẵn. Mặc dầu vậy, ở đây ít thấy đề cập đến nội dung chủ yếu của bài viết là về vấn đề nhân quyền.

 

Sẽ không có gì thật quá đáng nếu chủ toạ cuộc họp không tự ý dựng lên kết luận rằng tôi bị hội nghị quy kết có tư tưởng phản động và bị mọi người căm phẫn

 

Tệ hại hơn là sau đó người ta úp úp mở mở truyền tin cho xóm giềng rằng tôi là phần tử nguy hiểm đang bị cơ quan an ninh theo giõi chặt chẽ. Một số bạn đồng niên, chủ yếu là đại tá về hưu, bàn định tổ chức chung bữa cơm mừng tuổi 60 với tôi cũng bị cật vấn. Lạ lùng hơn là, hai ngày sau buổi họp, bỗng nhiên trẻ con ầm ầm ném gạch đá vào nhà tôi, nhiều hòn to hơn nắm tay. Hiện tượng này chưa bao giờ xẩy ra với gia đình tôi ở bất cứ khu tập thể nào.

 

Không cho đọc bài viết của tôi nhưng bà con được nghe phổ biến lờ mờ rằng tôi bôi nhọ quá khứ và phỉ báng lãnh tụ một cách độc địa.

 

Sự thật thì trong bài “ Nhân quyền- Khát vọng ngàn đời “ dài 14 trang đánh máy của tôi có đoạn viết :

 

“ Thật ghê sợ khi vị thủ lĩnh từ một hòn đảo nhỏ bé gào thét lên: Kẻ thù mà đặt chân lên đất nước này thì chúng chỉ có thể bước đi trên hoang tàn của máu và tro bụi !

 

Hàng chục, hàng trăm triệu người sao lại chỉ có thể được sống, tổ quốc sao lại chỉ có thể được phép tồn tại khi nó chịu “nhuộm mầu ” bởi một hệ tư tưởng ABC, chịu tuân theo sự lãnh đạo của một đảng OPQ, chịu thừa nhận một lãnh tụ XYZ? Sao người ta lại bắt trẻ già trai gái muốn được thừa nhận là yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội ( để rồi nếu không yêu chủ nghĩa xã hội tức là phản quôc, là không được bảo đảm quyền được sống ). Sao lại phải đốt cháy cả giải Trường Sơn đi nếu đất nước này không thuộc về chúng ta ?! “

 

Phải chăng ở đây tôi muốn cố tình bôi xấu lãnh tụ ?

 

Trong buổi toạ đàm ở ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, tôi đã nêu nhận xét phê phán cách tuyên truyền giáo dục suy tôn lãnh tụ của ta là rất khiên cưỡng, chiếu lệ. Không nên nói ào ào cho xong rằng chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là thần thánh. Nói như vậy ít sức thuyết phục và không kích thích được sự noi gương. Đặc biệt là vơí các thế hệ trẻ từ nay về sau. Cần nói đúng sự thật rằng Cụ là một con người mang những yếu tố thánh nhân. Đã là con người thì tất nhiên có đúng, có sai, có xấu, có tốt. Nếu ta nói được một cách chân thành cái sai, cái chưa hoàn hảo của Người thì thế hệ trẻ mới tin khi ta biểu dương các yếu tố thánh nhân trong con người đó. Nói cái sai của Cụ càng hết sức cần thiết, bởi vì yếu tố thánh nhân trong con người Cụ càng có sức cảm hoá mãnh liệt bao nhiêu thì cái sai của Cụ càng có sức lung lạc ghê gớm bấy nhiêu.

 

Đấng thông thái, siêu việt nào cũng có lúc nhầm lẫn, có lời nói sai. Đó là điều bình thường. Điều đáng bất bình là ở chỗ ai đó cứ vô tình hay cố ý nhại lại và tô mạc lên để lũng đoạn xã hội.

 

Ai cũng biết rằng tư tưởng Nho giáo với “tam cương, ngũ thường “ đã thấm sâu vào xã hội ta đến mức nào. Vậy nhưng tinh thần Mạnh Tử còn được tôn thờ cao hơn. Thầy Mạnh Tử nói : “ Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh “ ( Dân phải được quý nhất, đất nước là thứ yếu, vua có thể xem nhẹ ). Còn dân thì còn tất cả. Còn đất nước thì còn hoa trái để từ đấy lại sinh ra lãnh tụ, sinh ra đảng và các chế độ chính tri ưu việt hơn nhất định lại được thiết lập nên .

 

Không thấm nhuần đạo lý đó thì khi nắm được quyền bính trong tay, ngồi trên ngai vàng chễm chệ người ta rất dễ trở nên tàn bạo. Không phải chỉ đám dân đen mà ngay cả những bậc chí sỹ, những đồng chí đã từng nằm gai nếm mật, rơi xương đổ máu thiết lập nên ngai vàng đó, chỉ cần trái ý liền bị quy ngay là nghịch phản để trừ khử không gớm tay. Làm sao tưởng tượng nổi ở nước ta cũng có người ca ngợi và chủ trương, khi cần, sẵn sàng đem xe tăng cà lên tất cả biển người đồng bào mình rồi sau đó cứ đem gầu xúc hiện đại phi tang tất cả đống thịt xương tan nát cho thật nhanh là xong ! Không, không chính quyền nào, không chủ thuyết nào được xem là thiêng liêng hơn xương máu đồng bào.

 

Tin rằng người Việt Nam trọng ngũ thường, biết lấy chữ “nhân” làm đầu sẽ không người chiến sỹ trẻ nào chịu phục tùng những lệnh đàn áp vô luân của bất cứ ai. Vụ Uy Nỗ vừa qua đã chứng tỏ điều đó. Cảm ơn ý kiến “ quân sư “  từ bi bác ái đã kịp thời dẹp bỏ được một chủ trương hành động tàn bạo. Hoan nghênh đồng chí Tổng bí thư đã biết sáng suốt chọn ý “quân sư” đúng trong trường hợp này.

 

Thấm nhuần đạo lý trên còn giúp chúng ta tiết chế được bệnh công thần và thói kiêu ngạo cộng sản. Chính bệnh công thần và thói kiêu ngạo cũng là một trong những nguyên nhân phát triển tràn lan quốc nạn tham-ô-và-lãng-phí rất tệ hại ở nước ta. Có ngôi vị lãnh đạo là người ta tự cho mình cái quyền ăn trên ngồi chốc, bòn rút tiền của nhân dân xây công sở thật sang trọng, đi loại xe ôtô đắt tiền hơn cả quan chức tư bản !

 

Tôi đặt bút viết mấy dòng phê phán một cách trăn trở với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Tôi thận trọng và tế nhị đến mức không gắn tên Cụ Hồ với câu nói đó. Vậy mà sao người ta vẫn cố tình tìm mọi cách xuyên tạc tâm huyết của tôi để dễ bề hãm hại.

 

Khi muốn vận động bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, một số người thường kêu gọi hãy quên quá khứ. Đấy là lời kêu gọi hết sức phi lý. Con người làm sao có thể quên được quá khứ. Vả chăng, hơn thế nữa, con người không bao giờ được quên quá khứ. Bởi vì, có ôn cố thì mới tri tân được. Không quên quá khứ nhưng cần nhận thức rõ lại quá khứ bằng nhãn quan nhân bản ngày hôm nay với tinh thần hướng về tương lai. Từ đấy, thực tâm xoá bỏ hận thù, cùng nhau hàn gắn tất cả những gì đã đổ vỡ, mất mát trong quá khứ.

 

Dẫu sao, xoá bỏ hận thù, hàn gắn sai lầm quá khứ vẫn không phải là điều kiện cần, càng không phải là điều kiện đủ bảo đảm phát triển lành mạnh và bền vững mối bang giao giữa Viêt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam không những chỉ cần xây đắp mối bang giao hữu hảo với Hoa Kỳ, mà còn hội nhập một cách hoà hợp với cộng đồng quốc tế. Muốn vậy, một trong những điều kiện tiên quyết là chúng ta phải chia sẻ được với cộng đồng quốc tế những nhận thức về những giá trị chung thiêng liêng của nhân loại như tự do, dân chủ, nhân quyền.

 

Do những hoàn cảnh lịch sử éo le, chúng ta đã tách biệt khá lâu với thế giới nói chung nên đồng thời cũng trở nên xa lạ và, thậm chí, đối nghịch với những nhận thức về các giá trị chung thiêng liêng đó. Tình trạng đã trở thành thâm căn cố đế và là ý chí lãnh đạo xã hội nên không dễ gì lay chuyển được. Đặc biệt là trong hoàn cảnh không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.

 

Không ít người nhận thấy được sự bức súc phải cải tạo nhãn quan của chúng ta về các vấn đề nêu trên và bài viết “ Nhân quyền- Khát vọng ngàn đời “ của tôi là sự biểu hiện trách nhiệm hết sức tích cực của một công dân đối với đất nước.

 

Tôi gửi bức thư này tới các đồng chí với niềm hy vọng rằng những điều trình bày của tôi sẽ được xem xét tường tận, những chủ trương đối xử tồi tệ một cách rất sai trái đối với tôi phải được uốn nắn và ngăn chặn.

 

Bản báo cáo khoa học của tôi đã được ban tổ chức Hội nghị Địa Vật lý Quốc tế lần thứ 59 của Hội các nhà Địa học và Kỹ sư Châu Âu đưa vào chương trình và sắp xếp trình bày từ 14h50’ đến 15h15’ tại Hội trường 1, Khu hội nghị Palespo, Geneva, Thuỵ sỹ. Tôi hy vọng sẽ được thực hiện trách nhiệm của mình nếu được sự quan tâm can thiệp của các đồng chí .

 

Trân trọng

Nguyễn Thanh Giang

Nhà A13-P9 – Tập thể Phòng không Hoà Mục

Trung Hoà – Cầu Giấy – Hà Nội