Tinh thần Việt Nam - Sức sống thời gian, sức sống không gian

 

Từ một vòm granit Sông Chảy, một mảng nhô KonTum của đại địa khối Indosini với lởm chởm những mảnh địa khối nhỏ rời rạc, núi lửa đã phun, biển đã tiến và thoái, phù sa đã đắp bồi để thiên nhiên tạo nên một dải đất cong cong hình chữ S với diện tích trên 32 vạn kilomet vuông. Rồi động đất lại xẻ những đường đứt gãy kiến tạo cỡ hành tinh với những địa máng Sông Đà, địa lũy Sông Ba... Đến khi vua Hùng kiến lập giang sơn, khai mở bờ cõi thì các vua chúa tham tàn từ phương bắc không ngừng nhăm nhe dòm ngó và dã tâm uy hiếp. Suốt hơn nghìn năm, đất nước này đã chịu bao phen chia cắt, tách nhập. Từ Nam Việt của Triệu Đà, Giao Chỉ bộ thời Hán đến An Nam đô hộ phủ đời Đường... phần lãnh thổ ở phía bắc luôn luôn bị phong kiến ngoại bang chiếm giữ. Bọn thực dân láng giềng, không chỉ tàn bạo khi đàn áp để thôn tính lãnh thổ mà còn hết sức thâm hiểm trong âm mưu Trung Hoa hóa dân ta. Chúng lệnh cho đàn ông Việt Nam phải để tóc dài, phụ nữ Việt Nam phải bó chân, không được mặc váy, phải ăn mặc giống hệt người Trung Quốc. Vậy mà cái khối dân tộc nhỏ bé ở phương nam lúc bấy giờ mới gồm khoảng dăm bẩy triệu người đã không chỉ nhiều lần "đánh một trận sạch sanh kình ngạc", làm bạt vía Bắc Triều, mà còn kiên cường chiến thắng âm mưu đồng hóa của người Tàu. Về vấn đề này, học giả Hoàng Văn Chí có kể câu chuyện sau:

Một chính khách Nhật bản tên là Ki Tsuyoshi nhân bữa tiệc thiết đãi Tôn Dật Tiên tại Tokyo vào năm 1911, bất ngờ nêu câu hỏi: "Ông nghĩ gì về người Việt Nam?". Tôn Dật Tiên đáp: "Người Việt Nam về bản chất là người nô lệ. Họ đã từng bị chúng tôi cai trị, bây giờ bị người Pháp cai trị.... Họ không thể có một tương lai sáng sủa cho lắm". Tsuyoshi khoát tay: "Tôi không đồng ý với ông về điểm này. Tuy hiện nay chưa độc lập, nhưng họ là bộ tộc duy nhất trong số các bộ tộc "Bách Việt" chống lại quá trình Hán hóa thành công. Một dân tộc như thế sớm muộn gì cũng giành được độc lập".

Thật vậy, trong khi tất cả các bộ tộc ban đầu sống ở phía nam sông Dương Tử đều bị người Hán đồng hóa một cách dễ dàng, thì người Việt Nam là một ngoại lệ độc nhất vô nhị.

Ảnh hưởng sâu đậm nhất chi phối nền chính trị - văn hóa - xã hội Việt Nam mà người Trung hoa xác lập được là việc truyền bá tư tưởng Nho giáo. Tuy nhiên, thực tế không phải là người Trung Hoa đã đồng hóa được Việt Nam bằng Nho giáo mà chính là Việt Nam đã đồng hóa Khổng giáo. Trong khi Khổng tử tuyệt đối hóa "Trung thần bất sự nhị quân" thì người Việt Nam sẵn sàng ngả theo tôn chỉ "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Trong khi Khổng tử khẳng định "Khắc kỷ phục lễ vi nhân" thì trí thức Việt Nam quả quyết "Thiện căn ở tại lòng ta". Vua quan các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều chủ trương "Tam giáo đồng nguyên". Thật ra là, cha ông ta đã xây dựng riêng cho đất nước mình một giáo lý tổng hòa tinh chiết từ ba đạo: Phật, Nho, Lão. Vua Trần Nhân Tông sau hai lần đánh bại Nguyên - Mông vào các năm 1285 - 1288 thì về tọa sơn tại Yên Tử, lập nên dòng tu Trúc Lâm Thiền dung hợp Phật giáo với Khổng giáo.

Những công trình nghiên cứu sâu xa gần đây của các học giả hiện đại còn nêu nhiều dẫn chứng cụ thể chứng minh rằng nền văn hóa Việt Nho mới chính là tiền đề khởi thủy cho Khổng giáo. Theo hai sử gia Trung Quốc Vương Đồng Linh và Chu Cốc Thành và một số học giả phương Tây như Eberhard và Eickstedt thì các bộ lạc nông nghiệp có tên là Bách Việt - tổ tiên của các dân tộc Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện hiện nay - đã từ phương Tây dọc theo bờ sông Dương Tử tràn sang Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước khi các bộ lạc người Hoa men theo bờ sông Hoàng Hà kéo đến. Chính dân Bách Việt đã tạo dựng nên nền văn hóa Việt Nho. Một số nhà nghiên cứu như Kim Định đã xác định rằng tinh thần Việt Nho được cấu thành bởi ba nguyên lý cơ bản: nguyên lý Lưỡng Nhất, theo đó cái riêng hàm chứa cái chung và số nhiều cũng là đơn nhất, tĩnh là động mà động cũng là tĩnh; nguyên lý Nhân Chủ, theo đó con người là kết hợp của trời và đất, nên con người là chủ vũ trụ; nguyên lý An Vị, theo đó mỗi hành vi con người đều chi phối bởi nội tại chứ không phải do những tác nhân bên ngoài điều khiển.

Cái thời Bắc thuộc xa xưa ấy đã chìm vào dĩ vãng, hơn nửa thế kỷ cũng đã bỏ lại đằng sau một thời thuộc Pháp. Nhưng suốt mấy thập kỷ gần đây đất nước lại bị phân chia, nửa này xây dựng chủ nghĩa xã hội, nửa kia lệ thuộc chủ nghĩa tư bản. Từ 30 tháng 4 năm 1975, đất nước mới thu về một mối. Cũng như non sông đã từng "đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao", lịch sử đã "bĩ cực", rồi sẽ "thái lai". Hy vọng cái cộng đồng 76 triệu người này sớm muộn rồi cũng sẽ tìm được con đường đi tới giàu mạnh, văn minh, tự do, hạnh phúc nhờ cái tinh thần Việt Nam trường tồn. Tinh thần Việt Nam cho ta tự hào, và đương nhiên, cũng cho ta tin tưởng.

Nhưng, phải chăng tinh thần Việt Nam đã và chỉ cần tồn tại với thời gian? Hình như, không mấy dân tộc trên Trái Đất phải trăn trở với câu hỏi này như chúng ta. Thật vậy, đến nay, ngoài dân Do Thái, chẳng dân tộc nào phải ly tán tha phương khắp hành tinh như dân tộc ta. Cho đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, chúng ta không chỉ có 76 triệu mà là 78 triệu người Việt Nam. Trong đó 2 triệu người (2,6% dân số) không được hái chùm khế ngọt trên mảnh đất tổ tiên ông bà mình đã từng phá thạch khai sơn mà rải rác ngụ cư trên khắp năm châu, ở chừng 80 nước.

Có ai cầm được giọt nước mắt đồng cảm khi một đêm nào nằm trong vắng lặng, dù giữa choáng lộn những tiện nghi sang trọng, nhưng biết rằng tổ quốc xa lắm lắm - bằng cả cái thăm thẳm dày của hơn sáu ngàn kilomet đường kính Trái Đất, dưới lưng mình - và, đọc những vần thơ sau đây:

Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non

(Cao Tần)

Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ quên đi
Quên mà nhớ những khoảng trời lưu lạc
Một nửa đời chắp vá vẫn so le,
Chân càng đi lòng càng muốn trở về
Hết tuyệt vọng lại điên cuồng hy vọng
Hễ cời lên than lại bừng lửa sống
Nhớ mà quên khóc lại cũng như cười...

(Nguyễn Hồi Thủ)

Nỗi hoài niệm quê hương ấy không chỉ mang mang trong các vần thơ mà còn ủ ấp trong nhiều tên sách dày mỏng khác nhau : Thành Phố Trong Hồi Tưởng, Chuyện Quê Nam, Chuyện Miệt Vườn, Cây Trái Quê Mình, Trông Vời Quê Hương, Làng Xưa Phố Cũ, Gành Ráng, Hà Nội Những Ngày Tháng Cũ, Xóm Cũ, Hà Nội Trong Mắt Tôi, Sông Mỹ Sông Việt... Nỗi hoài niệm quê hương réo rắt trong bao nhiêu bài hát về Sài Gòn : Sài Gòn Áo Xanh Nón Lá, Sài Gòn Năm Xưa, Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, Sài Gòn Bây Giờ Buồn Không Em, Khi Xa Sài Gòn, Đêm Qua Mơ Thấy Sài Gòn... Cũng với đầy ắp những hoài niệm đó, nhạc sỹ lão thành lỗi lạc Phạm Duy đã phổ nhạc cho nhiều bài thơ Hoàng Cầm trong "Hoàng Cầm Ca", viết hàng loạt "Rong ca" trên cơ sở thanh âm ngũ cung, tam cung, thất cung. Nhạc sỹ là người đầu tiên đưa nhạc Việt Nam vào đĩa hát la-de. Tháng 2 năm 1988, một nhà sản xuất đĩa hát Pháp đã tung ra thị trường đĩa hát quốc tế la-de "Rêves et Réalitées " về nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tôi đã từng man mác buồn thương nhớ cùng "La Tristesse" của Chopin nhưng những hoài niệm ngổn ngang trong thơ, văn, nhạc, họa... Việt Nam ở nước ngoài thì nhiều khi dồn đập tâm tư tôi qua nhiều trạng thái lẫn lộn của nỗi chua xót ngậm ngùi với niềm vui tin óng ánh tự hào. Cái gì đã níu kéo những tâm hồn tha phương mạnh mẽ đến thế? Cái gì thiêng liêng dai dẳng đến độ "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" trong mối tương tư hơn cả trai gái tương tư như vậy? Cái gì nung nấu trái tim vọng quốc đến độ bừng bừng khắc khoải dường như không tìm thấy ở đâu hơn nữa?... Rồi đây, nhất định cần những công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc của các học giả uyên thâm về nỗi nhớ quê hương, tổ quốc của con người Việt Nam. Chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều nét khác biệt so với những con người thuộc các quốc gia khác, nhưng, điều lý thú hơn là, có lẽ sẽ chứng minh được một cách thuyết phục về độ nồng nàn, sâu lắng khác thường của nó nữa. Phải chăng vì người Việt Nam đa sầu đa cảm? Phải chăng vì cái mênh mang xa vắng của bến sông vẳng tiếng sáo Trương Chi, cái trầm buồn của tiếng mưa rơi trên những mái tranh thường vọng lời ru "cái cò, cái vạc..." đã thấm đậm vào gien tâm tư của rất nhiều thế hệ triyền nối? Phải chăng vì chữ nhân, chữ nghĩa, chữ tình?... Có tất cả, tất cả, nhưng dứt khoát yếu tố chi phối quyết định phải là cái khí thiêng sông núi, cái hồn dân tộc, cái tinh thần Việt Nam với sức sống thời gian - không gian rất đặc biệt của nó.

Tôi may mắn có dịp ghé qua nhiều hiệu sách ở Hoa Kỳ. Thật mừng khi thấy có những hiệu sách đầy ắp sách tiếng Việt. Sách nghiên cứu lịch sử có, sách nghiên cứu về đạo có, sách dạy nội trợ có, tiểu thuyết có, thơ có... Xin nêu một vài tên sách làm ví dụ: Cây Cỏ Việt Nam (5 tập) của Phạm Hoàng Hộ; Địa Lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa của Vũ Hữu San; Tiền Tệ Việt Nam của Phạm Thăng; Ấm Nhạc Việt Nam của Trần Quang Hải; Sứ Điệp Trống Đồng của Kim Y Phạm Lê Oanh; Quốc Triều Hình Luật của Nguyễn Ngọc Huy; Hương Sắc Quê Mình của Lãng Nhân; Thờ Cúng và Lễ Bái của Thắng Hoan; Dấu Vết Văn Hóa Việt Trên Đường Bắc Mỹ của Phạm Quốc Bảo v.v... Tất cả đều in bằng giấy rất tốt, nhiều cuốn bề thế, trang trọng. Bìa sách nói chung không đến nỗi lõa lồ như sách ở nhà thời kỳ mấy năm trước đây. Còn một điều ghi nhận nữa làm tôi thấy yên lòng là, sách tiếng Việt cho các em thiếu niên và nhi đồng cũng không đến nỗi quá ít.

Bài thơ sau đây không chỉ làm tôi quý mến:

In my heart

I looked into my heart and saw
The daylight
How it was shining like a shooting star
I broke the day and saw the night
How the moon had stars all around it
And how the stars were surrounded by
Angels from heaven
I looked under the night
And I saw something very valuable
My family.

Tôi thật sự khâm phục em bé Việt Nam mà làm được một bài thơ tiếng Anh hay đến thế. Cháu tên là Như Kha, con một gia đình trí thức Việt Nam ở Washington D.C. Bài thơ này cháu làm lúc 8 tuổi. Tôi sẽ càng vui sướng bội phần nếu bản chuyển ngữ sau đây cũng chính là của cháu:

Trong trái tim em

Nhìn tim thấy nắng rỡ ràng
Như sao băng vút dặm vàng xa xa
Em ngồi đập vỡ ngày ra
Thấy đêm sao nở hằng hà quanh trăng
Quanh sao bay những thiên thần
Em đưa mắt ngó bần thần dưới đêm
Thấy gì vừa quý vừa êm
Vừa tha thiết quá trong em :
Gia đình

Ra nước ngoài nhiều khi chỉ nghe thấy một người nói tiếng Việt đã mừng lắm huống chi đọc được những dòng chữ Việt Nam giữa trời đất nước người. Không phải chỉ có những dòng sách báo thôi đâu, cả những biển chữ rất lớn, rất đẹp treo ngang mặt người, treo tận trên cao. Không phải chỉ ở các thủ phủ của những quần cư người Việt đông đúc như Quận Cam ở California, Houston ở Texas, mà ngay giữa các phố lớn của Washington, Chicago tôi cũng từng gặp những biển hiệu như thế. Sao nhỉ? Sao giữa đất nước người mà bà con mình cứ ngang nhiên, cứ kiêu hãnh kẻ thật to những biển chữ: Lạc Hồng, Cửu Long, Diễm Xưa... Những lúc ấy tôi chợt nghĩ về những tấm biển treo ngay giữa đường phố Hà nội, Đà Lạt, Vũng Tàu... mà sao lại cứ phải là Le Coq d'Or, là shop, là show room! ...? Báo chí trong nước cũng có một vài thái độ chưa ổn đối với tiếng Việt. Nhiều danh từ chung đã quá quen thuộc đối với tuyệt đại đa số đồng bào rồi mà sao lại cứ phải viết trong bài báo tiếng Việt là "cầu thủ hai đội đã fair play", là "các fan cuồng nhiệt"... Nói viên thuốc, hộp sữa quá hạn thì ai cũng hiểu. Cùng lắm nói quá đát cũng được. Can chi phải viết thành "quá date". Nhiều từ nước ngoài đã được Việt hóa lâu đời nên cứ mặc nhiên xem nó là tiếng Việt đi, có sao đâu. Chắc chẳng ai thấy cần chính xác hóa lại bằng cách viết xà phòng thành savon, bít tết thành beefsteak. Thật thích thú khi nghe người nước ngoài sử dụng trực tiếp các từ ngữ phơ, cai non, ao dai... trong câu nói của mình. Hẳn là họ sẽ cũng phải phiên âm trực tiếp những từ ngữ trên bằng tiếng nước mình khi viết.

Ta có diễm phúc rất lớn là có được Chữ Quốc Ngữ. Diễm phúc này không phải quốc gia nào, dân tộc nào cũng có. Ngay cả Mỹ. Hơn thế nữa, nhiều nhà ngôn ngữ học quốc tế còn lấy làm lạ rằng, vì sao trong cái bát quái trận đồ chữ tượng hình tượng ý khối vuông ở Châu Á và hệ chữ khoa đẩu (Sanscrit) ở Đông Nam Á lại chỉ có Việt Nam khôn ngoan biết dùng tự mẫu La tinh. Nhà văn Hoàng Tiến trong công trình nghiên cứu "Chữ Quốc Ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 " đánh giá rằng: "Cho nên người Việt Nam chuyển được sang hệ thống ghi âm bằng mẫu tự La tinh, thật là một đại hạnh cho dân tộc... Điều mà nhiều nước muốn làm nhưng không được". Ông cho rằng "Du nhập một thứ chữ từ bên ngoài, biến nó thành thứ chữ của chính mình, để tự khẳng định và cho! ! ^'ng lệ thuộc, đó là trư ờng hợp chữ Nôm xưa kia và chữ Quốc ngữ hiện nay".

Đáng vui mừng lắm chứ ! Đáng tự hào lắm chứ ! Phát minh ra Chữ Quốc Ngữ, đấu tranh cho sự sinh tồn và phát triển không ngừng của Chữ Quốc Ngữ qua suốt chiều dài lịch sử, vượt hết năm châu bốn biển cùng tất cả các cộng đồng người Việt là biểu hiện trí thông minh trác việt, lòng tự tôn xứng đáng, sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, của tinh thần Việt Nam.

Một hôm, tôi được mời ăn tối tại gia đình một trí thức Việt Kiều. Cảm giác ấm cúng đầu tiên khi tôi bước vào ngôi biệt thự có cây tường vi, cây đại trước cửa, có mùi hương trầm lan tỏa từ đâu tầng trên, là các cháu nhỏ không bắt tay tôi mà khoanh tay cúi chào thật lễ phép. Bữa ăn kéo đến quá khuya khi tôi chợt phát hiện các cháu thuộc khá nhiều ca dao Việt Nam. Đến nỗi khi tôi đánh đố, xướng lên "Gánh vàng đi đổ sông Ngô" thì có cháu đọc nối đưọc "Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương". Thì ra các cháu vẫn trau dồi Việt văn ở nhà và ở trường. Nơi cháu học có tới 1000 học sinh tuổi từ 5 đến 20. Ở San Jose ngoài Trung tâm Việt ngữ Văn Lang còn có trường Rạng Đông dạy tiếng Việt từ vỡ lòng đến hết bậc tiểu học. Trường này khai giảng từ cuối 1995.

Tại Nam California, nơi quần tụ của khoảng 300.000 người Việt Nam thì có tới 52 trường dạy Việt ngữ. Ở Los Angeles có 17 trường; quận Cam có 22 trường; quận San Diego có 7; quận Riverside có 3; quận San Bernadino 2; quận Ventura 1. Số thầy tham gia giảng dạy là 733. Tổng số học sinh là 6929 em (Số thống kê năm 1996).

Ở tiểu bang Hawaii chương trình giảng dạy Việt ngữ được chính quyền tiểu bang hỗ trợ thông qua chính sách Bảo tồn khả năng ngoại ngữ Á Châu và Thái Bình Dương. Từ năm 1996 các em học Việt ngữ đạt điểm thi cũng được cấp tín chỉ như đối với các môn học chính quy khác.

Ở Pháp, nơi đã có một cộng đồng người Việt định cư tương đối lâu đời, Việt ngữ được Bộ Giáo dục Pháp công nhận là sinh ngữ phụ trong các kỳ thi tú tài hoặc trong các kỳ thi tuyển vào các trường đại học lớn.

Số người Việt Nam sinh sống ở Nhật có khoảng 7000, một phần tập trung ở hai thành phố lớn Tokyo và Osaka, phần còn lại phân tán ở các địa phương dọc bờ biển Đông của Nhật từ Bắc xuống Nam. Hoàn cảnh xã hội tại đây rất không thuận lợi đối với việc duy trì tiếng Việt. Mặc dầu vậy, từ năm 1989 Trung Tâm Việt Ngữ mang tên nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng ở Nhật, Phan Bội Châu, cũng đã được thành lập do một số trí thức trẻ chủ trương.

Ở Canada, các khóa học hè đặt tên là "Khóa Học Văn Học Việt Nam ", là "Quê Hương Mến Yêu "... đã được tổ chức vào những năm 1985 - 1988. Nội dung học ở các khóa này là Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, các tác phẩm văn học chữ Nôm thế kỷ 19, văn thơ yêu nước của Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Các bài giảng còn đề cập đến những tư tưởng có ảnh hưởng đến xã hội và văn chương Việt Nam như Nho, Phật, Lão giáo.

Từ chỗ xúc tiến các lớp lẻ tẻ của các chùa, các hội Tiếng Việt, đến nay Cộng đồng Người Việt ở Canada đã vận động để ngôn ngữ Việt Nam được chính phủ sở tại công nhận chính thức và được xếp ngang hàng với tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Nhờ đó, nhiều lớp dạy tiếng Việt đã được Bộ Giáo Dục Canada trực tiếp tổ chức cho các em học sinh trung học từ lớp 10 đến 12. Mãn khóa học, học sinh được cấp một tín chỉ tương đương với tín chỉ toán, vật lý, địa lý... trong chương trình học của các em.

Trong các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, cộng đồng ở Úc có tổ chức khá chính quy và chặt chẽ. Tại đây đã sớm hình thành những ban đại diện cộng đồng thuần nhất cấp tiểu bang, cấp lãnh thổ, cho tới tận cấp liên bang thống nhất theo một hệ thống dọc. Ban chấp hành Cộng Đồng Úc Châu toàn liên bang cứ hai năm lại mở đại hội và được bầu lại. Tại hai thành phố lớn Sydney và Melbourne có đến 6 nghị viên Hội Đồng Địa Phương là người Việt Nam. Trong đó, có một người là thị trưởng và một phó thị trưởng là nữ; có người làm giám đốc hệ thống phát thanh đặc biệt (SBS Radio); có người là chủ tịch Hội Đồng Sắc Tộc Sự Vụ Bang. Có lẽ vì có tổ chức chặt chẽ, lại có nhiều nhân vật tham gia lãnh đạo chính quyền sở tại nên tiếng Việt ở Úc cũng trở nên có thế.

Từ năm 1986, hầu hết các trường đại học Úc châu đã tích cực giới thiệu Việt ngữ như một môn học chính trong chương trình Cử nhân và Thạc sỹ. Đi tiên phong là South Australian College of Advanced Education, tiếp sau đó là Victoria College (nay là Dean University) v.v... Năm 1991, Viện Đại Học Kỹ Thuật Hoàng Gia Melbourne (RMIT) bắt đầu mở thêm các môn về văn hóa và lịch sử nền văn minh Việt Nam ở cấp cử nhân. Ngoài ra, viện đại học này còn mở thêm ngành Đông Dương Học. Trong đó, bộ môn Việt Nam Học hàm chứa các nội dung giảng dạy và nghiên cứu nhiều lĩnh vực như : lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, triết học, văn học... Việt Nam. Các môn này được giảng dạy hoặc bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt ở cấp cử nhân và cao học. Từ năm 1996, trường đại học Melbourne còn liên kết với trường đại học RMIT tổ chức các khóa học về ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Sinh viên Melbourne được gửi đến RMIT hoặc các giáo sư RMIT thường kỳ được mời sang đại học Melbourne để giảng dạy về Việt Nam Học. Ngay từ 1981, trường đại học RMIT đã liên tục xuất bản "Tập San Nghiên Cứu Việt Nam" bằng tiếng Anh.

Cộng đồng Việt Nam ở Úc có khoảng 130.000 người, là cộng đồng sắc tộc có dân số đông thứ tư tại Úc, sau cộng đồng Italia (có 255.000 người), Nam Tư (có 160.000 người), Hy Lạp (có 135.000 người). Mặc dù dân số không đông, lại là một cộng đồng sắc tộc hình thành muộn nhưng sau quá trình vận động kiên trì và rất vất vả, đồng bào ta ở đây đã đạt được một thành tích rất đáng ca ngợi là : Việt ngữ đã được chính quyền sở tại công nhận như một sinh ngữ chính thức, được giảng dạy ở cấp tiểu học và trung học tại các bang Nam Úc, Victoria và New South Wales.

Ngoài những hoạt động tích cực cổ vũ cho việc học tập và củng cố tiếng Việt, cộng đồng Việt Nam Liên Bang Úc Châu cứ định kỳ hai năm lại tổ chức Đại Hội Văn Hóa Giáo Dục Toàn Liên Bang. Địa điểm đại hội được bố trí luân phiên qua các bang. Đại hội lần thứ nhất diễn ra tại Nam Úc vào năm 1988. Đại hội lần thứ hai tại Queensland. Đại hội ba tại New South Wales. Đại hội lần thứ tư mang chủ đề "Tuổi Trẻ Việt Nam và Văn Hóa Dân Tộc" được tổ chức tại bang Victoria....

Nhiều người khi nghĩ đến các cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài chỉ kỳ vọng vào khả năng đóng góp kinh tế và khoa học, công nghệ. Thật ra, đấy chỉ là phần nổi. Còn một phần đóng góp khác lớn lao hơn, đáng trân trọng hơn, mang tầm chiến lược hơn. Chính phần đóng góp này mới quyết định khả năng huy động có thể trước mắt và sức duy trì ở tương lai những tiềm năng lớn hơn cả những đóng góp kinh tế và khoa học kỹ thuật mà ta đang kỳ vọng. Thật vậy, cứ nghĩ mà xem, thời gian trôi đi rất nhanh. Cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã cách đây non một phần tư thế kỷ. Nhiều thành viên trong các cộng đồng Việt Nam không chôn nhau cắt rốn trên đất tổ đã trưởng thành. Vài chục năm nữa thì chính con cái họ cũng ở tuổi vị thành niên. Nếu họ không còn biết tiếng Việt, không còn trân trọng nền văn hiến 4.000 năm, không duy trì được bản sắc dân tộc tổ tiên; nếu họ bị Mỹ hóa, Tây hóa, Úc hóa hoàn toàn thì còn có gì để kỳ vọng ở họ hơn những người ngoại quốc? Cho nên ta phải cảm ơn cái tinh thần Việt Nam bền vững, cảm ơn tất cả những ai ý thức được một cách sâu sắc và chủ động đóng góp cho việc duy trì và phát triển cái phần hồn bất diệt này. Ta đã từng gắn những huân chương cao quý, từng dành những lời ngợi ca tuyệt đích cho những công tích đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tất cả những điều ấy, xét cho cùng, mới chỉ biểu hiện thái độ nâng niu, trân trọng phần những đóng góp vào sự tăng cường sức sống thời gian của tinh thần Việt Nam. Sao chưa đặt vấn đề suy tôn xứng đáng những cộng đồng, những cá nhân bằng ý chí kiên cường, bằng trái tim nồng nhiệt đã và đang phấn đấu bền bỉ, thầm lặng cho sự trường tồn của sức sống không gian của tinh thần Việt Nam ?

Người Nhật sau thảm bại ở chiến tranh thế giới lần thứ hai đã quyết tâm phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật với tâm niệm rằng mỗi chiếc ôtô xuất khẩu sẽ như mang được một lá cờ Nhật Bản cắm ở nước ngoài. Sao không kiêu hãnh chính đáng rằng mỗi người Việt Nam đang nói tiếng Việt, đang duy dưỡng văn hóa Việt trong bản thân, trong gia đình, trong cộng đồng mình ngoài bờ cõi đều là những lá cờ Việt Nam nhỏ phất bay đâu đó khắp hành tinh Trái Đất.

Sau bao nhiêu cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, sau bao nhiêu mất mát hy sinh, có lẽ trời đất đã đền bù cho ta thêm cái mô-đun không gian giao hòa vào mô-đun thời gian để tăng cường sức sống bội phần cho tinh thần Việt Nam.

Và, ta có thể tự hào tung hô "Tinh thần Việt Nam muôn năm".

Nguyễn Thanh Giang
Chuyên viên Địa Vật Lý - Cục Địa chất Việt Nam
Nhà A13P9- TTPK Hòa Mục - Trung Hòa - Từ Liêm - Hà Nội
Điện Thoại : 84 4 8558 6012