Tướng quân Trần Độ - "Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo"

 

 
 

Trước khi được biết tương đối tường tận về con người quân sự qua những sứ mệnh: Chính trị viên Bộ chỉ huy Vệ quốc đoàn khu Hà Nội, Phó Chính uỷ quân giải phóng Miền Nam, con người chính trị qua những đảm trách: Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ..., tôi đã từng trân quý con người học thuật Trần Độ qua tầm vóc khái quất của một định nghĩa của ông về văn hoá: “... Văn hoá là những quá trình hoạt động sáng tạo của con người theo hướng chân, thiện, mỹ và các sản phẩm của hoạt động đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Những cái đó có tác dụng phát triển các lực lượng bản chất của con người, bao gồm cả lực lượng thể chất và lực lượng tinh thần (ý thức, khả năng sáng tạo); do đó, làm cho xã hội tiến bộ” (1). Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, tiến sỹ sinh vật học Hà Sỹ Phu viết:

“Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm.
Băc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm”.

Ở Trần Độ, cái vóc dáng bề thế “thế sự song kiên, song trọng đảm” không chỉ biểu hiện ở “văn võ tung hoành”, mà còn ở cái lẫm liệt “hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm”.

Rồi đây không biết người đời sẽ nhớ Trần Độ võ tướng quân hay Trần Độ văn nhân nhiều hơn. Riêng tôi, tôi ghi tạc thật đậm sâu cái tư chất văn hoá dân chủ trong con người Trần Độ. Tại buổi tiễn đưa ông về chốn vĩnh hằng, tôi đã từng chiêm nghiệm:

Tôi thắp nén nhang trước linh cữu của Người
Thấy vòi vọi vong linh Trần Độ
Thấy bay lên ngọn cờ Dân chủ
Trong tim tôi, rừng rực duốc thiêng

Nhân bản, cội nguồn tinh thần dân chủ Trần Độ

Trần Độ tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1923 tại vùng quê Tiền Hải, Thái Bình. Khác với những kẻ là cai phu đồn điền, là chàng hoạn lợn lang thang - nhưng cứ khai vấy là thành phần công nhân, Trần Độ thành thật (và có vẻ như tự hào) nói về nguồn gốc quan lại, trí thức của mình: “Tôi sinh ra trong một gia đình công chức. Hồi năm sáu tuổi, tôi nghe người làng gọi bố tôi là quan phán. Thời ấy các công chức đều là quan, quan thông phán tức thư ký các toà, quan tham tá thuộc bậc cao hơn. Bố tôi là quan phán vì ông là thư ký ở toà thông sứ tại Hà Nội. Bố tôi xuất thân từ một gia đình nho giáo ở quê Thái Bình. Khác với bác tôi đã nối nghiệp nhà trở thành một nhà nho, bố tôi lớn lên giữa buổi chữ Hán không còn được trọng dụng, ông đã chuyển sang học quốc ngữ để mưu cầu việc kiếm sống. Nghe bạn bè bảo phải biết cả tiếng Pháp mới hòng có cơ may, ông đã tìm học tiếng Pháp đến mức viết và nói được. Rồi ông nhờ cậy chạy được một chân thư ký ở toà thống sứ Bắc kỳ. Từ đó mỗi lần về quê, dân làng cứ trọng vọng gọi ông là quan phán” (2).

Tuy nhiên, tình cảm thắm thiết hơn, ông dành cho người mẹ lam lũ, vất vả. Ông nhớ lại hình ảnh mẹ khóc:

“Đến đoạn đường cái quan mà người làng tôi vẫn đi chợ, tôi lần xuống men thềm bờ ruộng để tránh gặp phải người quen. Được một đoạn thì tôi nhìn thấy mẹ tôi đang đi trên dường cái, đầu đội thúng, hai tay vung vẩy, bước thong dong, có lẽ bà từ chợ về. Tôi bối rối quá. Bụng dạ thúc tôi chạy lên với mẹ. Nhưng gặp giữa đường, lại đột ngột thế này thì cụ xúc động quá, làm sao dấu được bình tĩnh. Lỡ cụ khóc thì rầy rà to. Đang suy tính thì cụ nhận ra tôi. Cụ giơ tay vẫy. Tôi vẫy lại....

Để hoá trang, tôi phải bôi đen răng và đội nón cời sùm sụp giả dân quê đi làm ruộng, nhưng không thể mất cảnh giác.. Nét mặt mẹ tôi rất bịn rịn cứ nhìn tôi như muốn giữ chặt lấy đứa con trai, song miệng lại thốt lên: “Thôi con đi đi !”.

Đi được một quãng, tôi quay lại nhìn, mẹ tôi vẫn đứng nguyên đó, im lìm. Tôi nhớ lại, thấy mẹ tôi tay lần bao thắt lưng, tôi hiểu bà muốn cho tiền nên đã xua tay, lắc đầu. Liền đó, mẹ đưa giải yếm lên chấm mắt ...”. (2)

Cho đến năm tuổi đã ngoại 70, Trần Độ vần còn như thơ bé trước mẹ ngày nào khi viết hồi ký:

“Tôi chẳng bao giờ quên được cảnh nằm ổ rơm cùng mẹ, nó thần tiên như chuyện cổ tích. Về mùa đông, ổ rơm là thứ sang trọng cuả người nghèo. Mẹ tôi cũng quây một ổ ở bếp. Sau một ngày lam lũ, bà lại ổ rơm nằm nghỉ, kéo chiếc chăn chiên phủ lên người tôi. Tôi chui vào nằm gọn trong lòng mẹ sực mùi rơm, lắng nghe bà rỉ rả kể Truyện Kiều, truyện Lục vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa. Cảnh gà mẹ ấp con nẩy trong hương lúa lan toả đưa tôi tới những giác mơ thần tiên ngày ấy, và cả đến bây giờ. Tình mẫu tử ấp ủ tôi suốt đời”. (2)

Cái chất đằm thắm trong con người Trần Độ không chỉ thể hiện nơi tình cảm mẹ con mà ngay cả với người dì ghẻ:

“Mỗi lần ghé quê, tôi đều tới thăm dì. Thấy tôi, bà lại dấm dứt khóc. Bà bảo tôi:

- Nếu nó còn thì chắc chắn em nó sẽ theo anh, theo anh thì bây giờ cũng khá ...

- Tôi xót xa an ủi bà

- Dì ơi, dì đừng khóc thêm đau khổ. Đằng nào em nó cũng đã yên phận. Bây giờ con là con dì, con về thăm dì cũng là em nó vẫn nhớ dì đó ...” (2)

Lòng hiếu đễ của ông không chỉ dành cho mẹ, cho dì ghẻ mà cả cho Đảng, ngay cả khi cái Đảng này nó phụ bạc ông, khai trừ ông. Ông ngậm ngùi: “Tôi đã là đảng viên 58 năm (1940 - 1998). Tôi không có gì ân hận trong 58 năm đó. Đối với tôi như thế cũng là đủ cho tôi báo đền Tổ quốc và dân tộc, và tôi cũng đã được đền bù xứng đáng ... Tôi vào Đảng là để tự nguyện phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc ... Tôi không ở trong Đảng nữa, nhưng tôi vẫn là một công dân có trách nhiệm. Tôi nguyện vẫn vì Tổ quốc, vì nhân dân, vẫn suy nghĩ và sống với tất cả tâm lực của mình. Tôi kiên trì những ý kiến mà tôi đã phát biểu trong các bài viết và sẵn sàng đón nhận những lời phán xét của công luận”

Có lúc ông đã dằn vặt mình:

“Với gia đình, tôi là một người chồng, người cha tồi, một người con bất hiếu vì suốt đời đi xa, gần như không lúc nào sống với gia đình để chăm sóc vợ con, cha mẹ. Chiến tranh kết thúc thì đã quá ngũ tuần. Khi sống với gia đình thì lại ốm đau ... Trước đây, trong chiến đấu ác liệt phải di chuyển nay đây mai đó, tôi không giữ được tập thư của các quyết tử quân. Tôi ân hận mãi về điều này ...” (2).

Ông tự dằn vặt với cả sự thăng tiến của mình. Ông kể:

“Năm 1945, trước cách mạng Tháng tám, tôi hoạt động bí mật ở một vùng ngoại thành Hà Nội (huyện Đông Anh) . Tôi ở một nhà cơ sở cách mạng. Gia đình có một bà mẹ và 2 người con gái. Chị lớn đã có chồng và con. Chị nhỏ hơn sau này lấy một anh trong đội của tôi. Bà mẹ nuôi nấng và che chở cho tôi như một đứa con, nhiều lúc cũng âu yếm mắng mỏ, dành cho tôi từ bát cơm nguội, bắp ngô, củ khoai.. Chị lớn cũng thế. Chị coi tôi là em trai. Các con chị gọi tôi bằng cậu rất thân mật tự nhiên và hay bắt rận, giặt quần áo cho cậu. Khi tôi vô ý ngồi trong buồng làm nổ súng, chị rất nhanh ý vào bếp đập vỡ cái nồi rang bằng đất để có cớ nói chuyện với hàng xóm, nếu có người nghe tiếng nổ mà sang hỏi thăm. Sau đó chị mới chạy lên xem tôi, chị nghĩ rằng có thể xẩy ra tai nạn: tôi bị thương hoặc chết. ...

Thế mà sau ngày 19 táng Tám ít lâu, tôi đã nhận công tác ở Hà Nội, trở lại thăm bà cụ và chị, thì tôi gặp một tình huống ngỡ ngàng. Cố nhiên, lúc này tôi ăn mặc sang trọng hơn, và đi xe hơi. Bà cụ mắt kém mãi mới nhận ra tôi. Bà cụ mừng rỡ, chào mời tôi: “Mời ông ngồi xơi nước”. Bà cụ rất lễ phép rót nước mời tôi. Chị lớn cũng thế, không gọi tôi là cậu nữa, mà cũng lễ phép gọi tôi bằng ông. Tôi không thể tự nhiên được như xưa, không vui được và cũng không thích ứng được với danh vị “ông khách”. Lúc ấy, tôi chỉ thấy lúng túng, tiếc nuối một thời trước đây” (3).

Nghe đoạn kể ấy ta mới có cơ sở để tin được vào một đoạn hồi ký khác của ông:

“ Chúng tôi tôn anh Tô hữu Hạnh, người lớn tuổi nhất làm huynh trưởng của chúng tôi và dự kiến sau này chúng tôi sẽ tổ chức thành một nhóm tướng lĩnh đánh Tây để phục quốc. Thành công rồi thì anh Hạnh sẽ làm vua, các anh khác là tể tướng, nguyên soái, riêng tôi, tôi xin đến lúc đó sẽ đi tu. Không phải tu Phật, mà tu Tiên ở trên núi để được ẩn dật, sống cuộc đời của các Tiên ông ở nơi hoang vắng” (2).

Chúng ta cũng hoàn toàn có cơ sở để tin đoạn tự sự trong bài viếng đại tướng Lê Trọng Tấn:

“Mục đích cuộc sống của anh và của tôi chỉ là một. Chúng ta đánh giặc mà không hề nghĩ rằng chúng mình sẽ làm tướng, cho dù bây giờ anh là đại tướng. Chúng ta làm tướng để đánh giặc, chứ không phải đánh giặc để làm tướng. Và đó là điều gắn bó anh với tôi, không có sức mạnh nào phá vỡ nổi sự gắn bó đó.

Chúng ta sống với nhau tự nhiên, hồn hậu không cần phải bàn luận và nói nhiều điều to lớn về đoàn kết.

Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy mình ngớ ngẩn mà tự hỏi mình rằng: Tại sao có những người không chấp nhận được nhau, không chấp nhận được những ý tưởng, thậm chí quan điểm khác nhau và cả những điều khác nhau trong cách sống. Người ta phải gào to lên: Đoàn kết ! mà thật sự lại sống với nhau “không đoàn kết”. Phải chăng người ta có thể tự tin vào ý tưởng và phương pháp của mình, cho nó là đúng nhất, là duy nhất cần thiết cho mục đích của cách mạng mà không nhận bất cứ ý kiến nào khác. Nếu họ thành thật nghĩ như vậy thì có thể cho rằng đó là cách nghĩ ngu ngốc nhất. Còn nếu không thì hẳn là phải có những động cơ cá nhân rất xấu xa, tồi tệ mà họ không dám nói ra, không dám thừa nhận.

Và khi người ta đã có những động cơ xấu xa, người ta không từ bỏ một thủ đoạn hiểm độc nào, kể cả thủ đoạn lừa lọc, cạm bẫy nhau và vu cáo, xuyên tạc ...Đó là một nỗi đau cho mỗi chúng ta. Chúng ta không như vậy. Và chúng ta có quyền tự hào về những điều đó” (2).

Cho nên, bằng trái tim nhân hậu, Trần Độ đã hơn một lần gào lên thống thiết: “Dân chủ, dân chủ, và dân chủ. Tiếng thét của lương tri cộng sản và lương tri dân tộc là như vậy đó ... Càng nghĩ đến thế kỷ 21 sắp tới và đến thực trạng Đảng ta, tôi càng lo lắng bồn chồn, đến nỗi nhiều lúc phải chống bút mà ứa nước mắt, không cầm được” (3).

Giáo sư Nguyễn văn Hạnh, nguyên phó ban Văn hoá-Văn nghệ Trung ương Đảng đã viết về Trần Độ như sau:

“Anh Độ tự tin và quyết đoán. Nhưng anh biết bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả ý kiến khác mình. Tôi chưa bao giờ thấy anh tỏ vẻ khó chịu khi những ý kiến trái với mình trong hội nghị, hoặc dùng quyền chủ toạ để cắt đứt ý kiến những người đang phát biểu. Khi nhận thấy ý kiến của người khác đúng hơn, hay hơn, anh chấp nhận vui vẻ, tự nguyện, không chút mặc cảm, sỹ diện, bất kỳ ý kiến đó là của ai.

Anh Độ thích tổ chức và tiến hành các cuộc thảo luận, tranh luận công khai trên báo chí về những vấn đề văn hoá, văn nghệ, khoa học. Anh tin rằng qua những cuộc thảo luận, tranh luận công khai, dân chủ, trung thực, nghiêm túc, nhiều điều sẽ được sáng tỏ; cái giả, cái ác sẽ bị phơi trần; cái thật, cái thiện sẽ được khẳng định” (2).

Nỗi băn khoăn day dứt đến đắng cay của Trần Độ

Trần Độ có 4 câu thơ giãi bầy tâm sự thật ngao ngán:

“Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ac xoá đi, thay bằng cực thiện
Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi ”
Ông có cùng một nỗi băn khoăn day dứt đến trở thành ân hận, cũng như nhà thơ - chiến sỹ Bùi Minh Quốc:

“Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này”

Trần Độ quả đã phó thác cả tuổi xuân, cả tính mệnh của mình cho “Những mơ xoá ác ở trên đời”.

Năm 1939, ông tham gia làm báo “Người Mới” cùng với Nguyễn Thường Khanh, tức Trần Mai Ninh ở Hà Nội. Trong cuộc ruồng bố năm đó, ông bị Pháp bắt giữ nhưng không có chứng cứ để buộc tội nên ông lại được thả. Cuối năm 1941, ông lại bị bắt. Toá án Thái Bình xử án 15 năm tù giam. Ông kể:

“Mỗi nhát roi quất xiết lên da thịt rát bỏng như có lửa táp, dao cắt; nhưng chẳng mấy chốc chỗ đó tê đi. Thằng Talông đổi chỗ quất, khai thác cho hết sự đau đớn của cơ thể con người. Người tôi đầm đìa mồ hôi và máu, quằn quại dưới làn mưa roi ... đến mức vãi phân, vãi đái lênh láng. Bẩn thỉu hôi thối quá, thằng Talông phải ra lệnh đưa tôi đi ... Đến một hôm, chúng điệu tôi đi tra khảo. Vẫn những câu hỏi ấy và roi cặc bò vung vãi lên cơ thể tàn tạ của tôi. Rồi chúng mang ra một bát cơm trắng cùng một bát cứt và đôi đũa

- Mày muốn ăn gì hả? Cơm đó, nói thì ăn. không thì ăn cứt đi.

Tôi giận sôi lên buồn nôn nhưng quyết không để chúng kéo dài trò tra khảo này. tôi bảo:

- Tôi không biết, làm sao mà nói !

Rồi tôi thản nhiên bưng lấy bát cứt, cầm đôi đũa ghém lại như sắp và vào miệng. Thằng Talông thấy thế ngoảnh mặt đi. Tôi tiếp tục vun vén bát cứt. Lòng căm tức cũng giúp tôi bớt kinh tởm, càng nung nấu ý chí làm thất bại sự đểu cáng của chúng. Bữa đó mồm mép, mặt mũi tôi đầy cứt và tôi cố tình làm vung vãi bát cứt, buộc chúng phải bỏ ra khỏi phòng” (2).

Từ Hoả Lò, cuối năm 1941, Trần Độ bị đầy lên Sơn La. Tại đây, cùng thời gian này có các ông Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ ... Năm 1943, trên đường giải từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ đã trốn thoát để ra ngoài tiếp tục hoạt đông cách mạng.

Từ những hoạt động vận động cứu đói, tổ chức ám sát tên Việt gian lý Khanh trong đoàn thanh niên ở các địa phương, lãnh đạo giành chính quyền ở Đông Anh ..., ông chính thức bước vào cuộc đời binh nghiệp sau khi từ chối lời gợi ý làm Bi thư tỉnh uỷ Vĩnh Yên (Đào Duy Tùng làm phó) của trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ.

Thế là: 18 tuổi vào Đảng, 19 tuổi là tỉnh uỷ viên dự khuyết ở Thái Bình, 23 tuổi là chính uỷ Mặt trận Hà Nội, 27 tuổi là chính uỷ Đai đoàn, 32 tuổi là chính uỷ Quân khu, 35 tuổi được phong quân hàm thiếu tướng ..., ông tả xung hữu đột, hết đánh đông dẹp bắc lại xung vào Miền Nam đảm nhận trọng trách Phó Chính uỷ Quân Giải phóng Miền Nam. Ông cứ vậy mải mê với lý tưởng vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân ....

Nhưng ... cho đến một ngày ông ngỡ ngàng nhận ra, ta: “đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo nhục nhã. Nhưng xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế của một chế độ độc đảng và toàn trị. Nhiều thói xấu giống như và cao hơn là chế độ cũ. Thế là ta đập tan một cái xấu xa và lại phải chấp nhận một cái xấu xa mới giống như hoặc tệ hơn tất cả những xấu xa mà ta từng chửi rủa, từng căm thù” (4). “Cái không giống với mơ ước thì nhiều, những cái giống với cái đã được đánh đổ cũng càng ngày càng nhiều. Và những gì trước đây ta khinh bỉ, chửi rủa và chống phá thì ngày nay những cái đó lại xuất hiện nhiều và ngày càng nâng cao” (4)

Tâm trí ông như bị cày xới tung lên khi thấy ta đã “tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ lừa dối, làm ăn giả dối, giáo dục dối lừa, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối; lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối. Ôi, cay đắng thay !” (4).

Lừa dối đến mức “ Về mặt quyền lực, tuy trên các văn bản chính thức đều nói quyền lực chính trị nước ta là “do dân, vì dân, và của dân” , rồi “dân biết, dân bàn, dân làm, dan kiểm tra” nhưng trên thực tế không phải như vậy. Tất cả mọi cái đều do Đảng- nói cho đúng, do những đảng viên có quyền chức quyết định. Việc bầu các cơ quan đại diện của dân, kể cả cơ quan quyền lực tối cao, đều vẫn thực hiện theo lối “Đảng cử, dân bầu” cố hữu”. Thế rồi “Hiến pháp thì quy định sự lãnh đạo độc tôn của Đảng, nhưng không hề quy định những trách nhiệm về mặt pháp lý của Đảng đối với nhân dân. Đảng làm đúng, dân nhờ, Đảng làm sai, dân chịu” (3).

Sở dĩ ngợp ngụa những dối lừa như vậy vì ngày nay “người Việt Nam phải sống trong một môi trường đầy ắp khẩu hiệu cổ động chính trị. Xã hội Việt Nam có quá nhiều hội họp, quá nhiều đại hội, quá nhiều diễu hành, cờ quạt, quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều chào mừng, quá nhiều diễn văn quan trọng, và cả những diễn văn đọc nhầm” (3).

Ông đau khổ nhận ra “Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam ... tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ ... không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất người của người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng. Nó đang làm hại cả một nòi giống” (4).

Càng đau khổ nữa là cái Đảng lý tưởng của ông ngày nay cũng không còn như xưa. Ngày nay “Không những Đảng với dân đã là hai, mà ngay trong Đảng cũng thành hai: một đảng gồm những người không có chức vụ, hoặc chức vụ thấp. Một đảng gồm những người có chức vụ cao và quyền lực quyền lợi cao. Hàng triệu chiến sỹ và nhân dân hy sinh đều không hề nghĩ rằng một kết quả quan trọng của sự hy sinh của họ lại là tình trạng thế này” (3).

Ông nghẹn ngào: “Đất nước thì tụt hậu với thế giới, còn Đảng thì tụt hậu với xã hội và dân tộc” (3).

Ngậm ngùi sao khi mở đầu tập Nhật ký Rồng Rắn, tác phẩm cuối đời, Trần Độ viết: “Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những ngày cuối năm Rồng, đầu năm Rắn và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người” (4)

Cho đến bây giờ, trên cõi niết bàn ta vẫn thấy Trần Độ như cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ: “Tôi đã tham gia đập phá và phá tan một thứ chính quyền và cuộc sống như thế nào? Và tôi đã tham gia vào việc lập nên và củng cố một chính quyền thay thế như thế nào?” (3)

Nghĩ đến hoàn cảnh ấy, tôi càng xót thương Trần Độ, xót thương mình, xót thương cả một dân tộc quằn quại gian nan suốt nhiều thập kỷ qua, rồi để hàng triệu sinh linh vẫn cứ còn thao thiết mãi về nhũng hoài vọng đắng cay.

Đi tìm nguyên nhân

Theo Trần Độ “nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng” (3).

Nguyên nhân này bắt nguồn từ: “một sự biến động, sự biến chuyển và biến dạng, là một Đảng từ là một tổ chức và những con người hy sinh gian khổ, phấn đấu để đập tan một bộ máy thống trị gian ác, giải phóng nhân dân sau khi đập tan được rồi thì lại trở thành một bộ máy cai trị, thống trị nhân dân. Nói thật gọn là từ người giải phóng, biến thành người thống trị ” (4).

Ơ đây nhiều học thuyết như học thuyết về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản được khai thác triệt để và “cái người vận dụng nó lại đưa tới những chủ nghĩa kinh khủng như: “chủ nghĩa thành phần”, “chủ nghĩa công nông”, “chủ nghĩa lý lịch” ...các thứ chủ nghĩa ấy làm cho học thuyết giai cấp bị méo mó thành bất nhân bất nghĩa” (4).

Ơ đây “Đảng đã thực hiện một nền thống trị khe khắt, kiểm tra từng người trong toàn xã hội, kiểm soát và can thiệp mọi chi tiết trong cuộc sống của xã hội. Và điều dã man tàn bạo nhất là độc tài về ý thức hệ. Bất cứ một sự khác biệt nào đều được quy vào là chống đối, là phản động, là tội phạm. Cái chế độ này có những hệ quả là trong xã hội không ai dám nói khác, không dám có ý nghĩ khác, không dám suy nghĩ khác, hoặc ít nhất thì dù có nghĩ một đằng cũng phải nói một nẻo. Như vậy xã hội bao trùm một sự giả dối, lừa bịp, bao trùm một sự sợ hãi, bao trùm một sự tê liệt về tư duy và tình cảm” (4). “Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, nói năng gì,. Thực ra nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt đời sống tinh thần của cả một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều” (4) “ Sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiéng nói” (4) “Cũng do đặc điểm độc tài độc đoán cho nên mỗi người dân không được độc lập bộc lộ tài năng của mình (tuy rằng tài năng đó không hiếm) mà việc chọn lựa những người có trách nhiệm cứ theo lối phe phái, theo lối làm ăn cánh, theo lối nịnh bợ, cơ hội, theo lối “bầu cử có lãnh đạo” (Đảng cử dân bầu) thì tài năng cứ bị vùi dập, bị thui chột” (4).

Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: “Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa” (3).

Ông kêu gọi “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ “hiệp thương” mà thực chất là gò ép” (3).

Ông yêu cầu “Đảng cần phải khắc phục những nhận thức máy móc và sai lầm như: “Dân chủ phải có lãnh đạo”. Câu đó có nghĩa là dân chủ phải có “không dân chủ”. Lãnh đạo giỏi nhất là đảm bảo được dân chủ cho mọi người. Không phải Đảng là người có cái dân chủ rồi ban phát cho mọi người. Không phải là người dân phải xin xỏ từng tý dân chủ một ở Đảng. Đảng chỉ là một bộ phận nhỏ của nhân dân, của dân tộc. Đảng tự nguyện lãnh đạo để đảm bảo và mang lợi ích đến cho nhân dân và dân tộc như Hồ Chí Minh đã nói là công bộc của nhân dân. Vì vậy không thể lúc nào và ở đâu Đảng cũng tự nhận là người thay mặt nhân dân. Bất cứ lúc nào và ở đâu Đảng cũng không được nhân danh nhân dân mà cai trị nhân dân” (3).

Ông phản ứng gay gắt khi đọc dòng này trong Dự thảo báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 8 BCHTW Đảng năm 1995: “Một nhà nước với bản chất và sứ mệnh lịch sử như vậy, về thực chất là nhà nước chuyên chính vô sản. Trong nội bộ Đảng, nhận thức đó cần được khẳng định rõ ràng”: “Tôi hết sức ngạc nhiên về điều này. Vì ai cũng biết rằng trong cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ 7, khái niệm “chuyên chính vô sản” đã bị từ bỏ ... vì trong khái niệm chuyên chính vô sản đã mang sẵn những yếu tố cơ bản của nhà nước toàn trị rồi. Khi toàn bộ quyền lực của nhà nước tập trung vào một nhóm nhỏ hoặc có khi vào một cá nhân khiến cho “dân chủ vô sản” chỉ còn là thuần tuý hình thức” (3). Ông nói: “Theo tôi, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là nhằm thực hiện một cách đầy đủ và triệt để Hiến pháp và luật pháp, chứ không phải ngược lại. Nếu muốn đặt Bộ Chính trị thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất như đã nói trong dự thảo thì phải sửa đổi Hiến pháp và ban hành những luật có giá trị pháp lý. Chẳng hạn cần có những điều khoản trong Hiến pháp để cố định những nội dung do dự thảo đề ra mà về thực chất cũng như về pháp lý đó là khẳng định chế độ đảng trị. Còn nếu không làm như vậy, thì phải coi những nội dung trong dự thảo về quyền hành của Bộ Chính trị là không hợp hiến” (3).

Tự cho mình cái quyền đứng trên Nhà nước, lại lợi dụng chuyên chính vô sản, Đảng còn chà đạp lên cả pháp luật. Trần Độ nghiêm khắc tố cáo: “Trong khi có sự tuyên truyền cho khẩu hiệu “Sống theo pháp luật” thì Đảng là người sống ngoài pháp luật, trên pháp luật trắng trợn nhất. Và Đảng cũng chỉ đạo các cơ quan Nhà nước làm như vậy. Xã hội ta ở trong tình trạng vô pháp luật thì người đầu têu là Đảng” (4)

Ông kêu gọi Đảng phải đổi mới, đổi mới thực sự, đổi mới triệt để, đổi mới toàn diện về:

-   Tính chất chính trị của Đảng
-   Nền tảng tư tưởng của Đảng
-   Nguyên tắc tổ chức của Đảng
-   Phương thức lãnh đạo của Đảng
-   Phong cách công tác của Đảng (3).

Ông cho rằng “Phải trở lại bàn quan niệm “Đảng lãnh đạo” Nhà nước hay chính quyền là lãnh đạo những gì và lãnh đạo thế nào? Làm thế nào để Nhà nước là của dân, do dân, vì dân một cách thực sự và trong thực tế. Muốn thế, Đảng phải trở thành nơi tập hợp và thu hút toàn bộ trí tuệ trong xã hội, bàn và quyết định những vấn đề phương hướng, đường lối, chính sách cơ bản và được toàn dân biết rõ và ủng hộ. Rồi các cơ quan nhà nước (cả ba mặt) đều dùng quyền hạn và quyền lực của mình thực hiện một cách độc lập và có giám sát” (3) . “Đảng lãnh đạo thì phải có bộ máy nhà nước tương đối độc lập. Phải bảo đảm cho bộ máy nhà nước có hiệu lực, dân chủ và thực hiện được dân làm chủ. Như vậy phải có một nhà nước dân chủ pháp quyền. Dó mới thật là nhà nước do dân, vì dân và của dân chứ không phải nhà nước của Đảng, do Đảng, vì Đảng” (3).

Một cách tổng quát, Trần Độ phán định:

“Đảng này, ngày nay muốn bước ra khỏi con đường phản bội cách mạng thì phải:

1 - Xác định cho đúng vị trí khiêm tốn của mình là một bộ phận của dân tộc, thực hiện lãnh đạo đất nước bằng cách tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người trí thức, những người tài năng có chính kiến độc lập.

2 - Phải thực hiện đúng Hiến pháp, thực thi đầy đủ các quyền dân chủ, đặc biệt là dân chủ về tự do ngôn luận và tự do bầu cử, nhân dân được tự do làm ăn

3 - Phải để cho mọi tổ chức, từ Chính phủ, Quốc hội Toà án đến các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức của mình có quyền độc lập quyết định những vấn đề và hoạt động của mình. Phải để cho công dân, nhất là thanh niên được suy nghĩ độc lập và có tư cách độc lập. Muốn thế phải xoá bỏ quyền lực của cơ quan tư tưởng và văn hoá của Đảng, thu hẹp quy mô, ảnh hưởng và định chức năng rõ rệt của các lực lượng công an. Nhà nước phải được chỉnh huấn về tư tưởng và tác phong “đầy tớ của nhân dân”. Đảng phải tách khỏi nhà nước, không làm những việc thay cho nhà nước, thay chính phủ, quốc hội. Quốc hội phải được thành lập bởi những người thực sự có đức , có tài và do dân thực sự lựa chọn vô tư, không có bất cứ sự sắp xếp và “hiệp thương” nào

4 - Cụ thể là phải sửa ngay luật báo chí, xuất bản; công nhận quyền có báo và xuất bản tư nhân. Các báo chí có quỳên độc lập của mình, không chịu sự “chỉ đạo” và kiểm soát của bất cứ cơ quan nào” (4)

“Phải đặt ra nghiên cứu cải cách lại toàn bộ hệ thống chính trị hiện có, xoá bỏ chế độ Đảng độc tôn lãnh đạo. Phải thực hiện đa nguyên, đa đảng” (4)

Ngoài nguyên nhân đảng trị độc tài còn một nguyên nhân cơ bản nữa dẫn đến nỗi thất vọng chua xót đối với cuộc cách mạng nước ta là do sự luẩn quẩn, hết “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, lại “Định hướng xã hội chủ nghĩa” !

Về vấn đề này Trần Độ nêu lên một thực tế hiển nhiên bằng một giọng rất hài hước: “Rõ ràng là, từ năm 1975 đến 1985 ta đã tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thống nhất. Và kết quả là những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước ngắc ngoải. Bây giờ nhân dân ta tươi tỉnh được một chút, lại cứ nhất định phải “Định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vậy định hướng vào cái “suýt chết” đó mà làm gì?” (3).

Và ông chất vấn: “Ta cần đất nước phát triển có đầy đủ cơm áo, tự do, hạnh phúc (tức là dân chủ) dù không có cái “Định hướng xã hội chủ nghĩa”; hay là ta cần một đất nước có “mác” xã hội chủ nghĩa, còn nghèo đói như cuối những năm 70 và đầu những năm 80 cũng được?” (3).

Ông khuyến nghị “Nếu đừng nói định hướng XHCN mà chỉ nói xây dung CNXH thêm cái ngoặc vào là (dân giàu nước mạnh, xã hội cong bằng, dân chủ và văn minh) với ngụ ý rằng cái CNXH ta xây dụng là cái xã hội đó. Hết sức quan trong là ở chữ xã hội công bằng và dân chủ vì đã dân chủ thì phải đả phá chuyên chính, đả phá toàn trị, đả phá độc quyền. Nếu đúng như vậy thì tôi vẫn hô: “Muôn năm chủ nghĩa xã hội”, và tôi vẫn phê phán cái CNXH công hữu, bao cấp và quan liêu, hoặc là chống lại thứ CNXH đó thì cũng dược” (4) “Có một cách hiểu CNXH thô thiển và nóng vội: chỉ cần xoá tư hữu và thực hiện công hữu thì có CNXH. Cách hiểu đó ngược lại tinh thần chủ nghĩa Mác. Mác thấy rằng sức sản xuất xã hội phải phát triển ở mức cao, cao đến độ không xã hội hoá không được, cao đến mức của cải thừa mứa, cần tổ chức sự phân phối cho công bằng hợp lý. Lúc ấy cần thực hiện những nguyên tắc của CNXH và mới có CNXH, còn nếu cứ gượng ép có CNXH trước khi đủ điều kiện thì chỉ có CNXH nghèo khổ và bất công ... Trung Quốc nói thời kỳ quá độ dài đến hàng trăm năm. Cách nói đó cũng không đúng; quá độ là từ cái gì “quá độ” sang cái gì. Mác nói đó là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, còn ta hiện nay phải quá độ từ tiền tư bản chủ nghĩa lên thẳng hậu tư bản chủ nghĩa, từ tiền công nghiệp lên thẳng hậu công nghiệp, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa (đúng hơn là không qua chính quyền tư bản chủ nghĩa)” (4)

Để cưỡng bức dân tộc này phải chấp nhận chủ nghĩa xã hội một cách hình thức và giả dối, người ta tung ra luận điệu “Độc lập dân tộc phải thống nhất với CNXH”, “yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội” ! Thế là Trần Độ lại mỉa mai:

“Thế thì:

a) Các cụ Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu ... sinh vào thời chưa có xã hội chủ nghĩa thì các cụ có XHCN đâu mà yêu. Vậy các cụ đó có phải là người yêu nước không? Hay là các cụ đó cũng phạm tội chống CNXH?

b) Các nước Nga và Đông Âu từ bỏ XHCN, vậy các nước đó có còn độc lập không và nhân dân các nước đó có còn là yêu nước không? Hay là hết mấy trăm triệu người đó cũng thành tay sai đế quốc cả?

c) Thế giới ngày nay có mấy nước là độc lập phải XHCN và bao nhiêu nước không có CNXH vẫn cứ độc lập như thường” (3)

“Chúng ta phải làm một sự lựa chọn (khá khắc nghiệt đối với những người chủ trương “Định hướng xã hội chủ nghĩa”) để có những điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế và sự lựa chọn này không thể thực hiện theo lối nhập nhằng: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Giữa 2 cái phải chọn lấy một. Không thể bắt cá hai tay. Lấy sự phát triển đất nước hay lấy định hương xã hội chủ nghĩa? Câu trả lời sẽ không khó nếu lấy lợi ích đất nước mà không phải là lấy lợi ích của Đảng làm đầu. Nói cách khác, sự phát triển kinh tế buộc phải từ bỏ sự lựa chọn theo “hệ tư tưởng” do Đảng đè xướng, và thực chất do Đảng áp đặt lên toàn xã hội” (3).

Trần Độ cởi trói cho văn nghệ

Trần Độ từ lâu dã thấu hiểu tầm quan trọng của trí thức đối với cách mạng. Ông trăn trở mãi:

“Đáng lo thay cho bộ phận lãnh đạo mà tài và tầm nhìn thì dưới trung bình mà đức thì cũng không hơn mức thông thường trong nhân dân, mà ngày càng kém đi” (4).

Đối với ông, “Nhất thiết cần nghiêm khắc phê phán và xử trí nghiêm minh những cán bộ hư hỏng, thoái hoá biến chất. Dồng thời cũng cần có thái độ như vậy đối với loại cán bộ cơ hội, bất tài, bảo thủ và vô vị, có khi không có khuyết điểm nào nhưng chỉ có một khuyết điểm là chỉ biết nhắc lại chỉ thị nghị quyết như con vẹt và không hề làm được việc gì có ích cho xã hội, đã như thế lại còn chiếm chỗ quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, và có lúc là đầu mối cho sự bất hoà, xích mích” (5).

Ông chỉ rõ rằng: “Cái ý thức giai cấp trong xã hội ta có những đặc điểm sau:

- Không có khả năng và phương pháp để phát hiện tài năng

- Không có khả năng và không biết sử dụng tài năng, vì nó cho rằng tài năng thường có hại, tài năng không chịu ngoan ngoãn phục tùng

- Nó lại càng không có khả năng phân biệt tài năng thật và tài năng giả, trí thức thật và trí thức giả. Nó chỉ thích nghe những điều xuôi chiều và xu nịnh, Nó không thể chịu được những cái độc đáo và không dung tha sự độc lập” (4)

“Ai cũng hiểu rằng, sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc chỉ có thể phát huy trên nền tảng những thể chế dân chủ, không có những thể chế này thì không thể có sự tồn tại của sức mạnh trí tuệ nữa, chứ không phải chỉ là không thể phát huy. Tôi nhấn mạnh mấy chữ “thể chế dân chủ”, nghĩa là các quyền dân chủ được thể chế hoá về mặt pháp luật một cách đầy đủ và buộc mọi người phải tuân theo những thể chế ấy. Mọi lời hô hào về “ý thức dân chủ”, về “vai trò làm chủ của nhân dân” đều trở thành vô nghĩa nếu không có những thể chế dân chủ vững chắc” (3)

Ông thực sự tôn trọng trí tuệ, tôn trọng tài năng và người tài. Ông nhấn mạnh: “Tài năng là của hiếm. Tài năng là của tất cả nhân dân. Vì vậy phải ứng xử với tài năng như là của hiếm, và của hiếm đó là tài sản quý của tất cả mọi người. Ngày xưa, vua chúa còn có khi giảm tội hoặc xoá tội cho người tài ” (3).

Ông khẳng định:

“Chúng ta có thể có rất nhiều bộ trưởng, thứ trưởng thậm chí có thể có nhiều thủ tướng và phó thủ tướng, nhưng chúng ta chỉ có mỗi một Xuân Diệu, một Nguyễn Tuân, một Chế Lan Viên ... Không ai có thể thay thế được. Đó là nói trong lĩnh vực văn học, còn trong các lĩnh vực khác cũng như thế, chúng ta có những nhân vật nổi tiếng như: Văn Cao, Trần văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái ...” (5)

Tại Hội nghị 4 Trung ương V, Trần Độ đã phát biểu rất sôi nổi:

“Cần khẳng định mạnh mẽ một phương hướng tuyển chọn và bố trí cán bộ: Khuyến khích những người có kiến thức, trung thực, năng động, sáng tao, dám chịu trách nhiêm, đạt tới những hiệu quả cụ thể trong phạm vi công tác phụ trách. Thực tế, trong xã hội cũng đang xuất hiện các loại cán bộ có những phẩm chất như vây.

Có thể chắc chắn rằng trong xã hội ta, về tất cả mọi mặt không thiếu nhân tài, nhân tài kinh tế, nhân tài quản lý, nhân tài sáng tạo khoa học và văn học.

Cần có những chính sách khuyến khích nhân tài, chiêu hiền đãi sỹ, dám nghe những điều nói ngược tai, mới lạ để cho sỹ tử gần xa náo nức đem tài năng ra thi thố, giúp ích cho dân, cho nước

Cần có những chính sách thi cử, ứng cử để thực hiện được việc phát hiện nhân tài và sử dụng nhân tài. Đối với loại cán bộ mới, có tài nên có thái độ độ lượng với điểm gọi là khiêm tốn. Thật ra ai có tài mà khiêm tốn thì thật là tốt và hoàn hảo. Nhưng thông thường những người có tài thường kèm theo một cá tính là tự tin một cách mạnh mẽ. Do tự tin nên có những biểu hiện thiếu khiêm tốn, nhưng lòng tự tin lại là một đức tính nên khuyến khích, vì đó cũng là một mặt của tinh thần dám chịu trách nhiệm ...” (5).

Nhận thức như vậy và tâm niệm rằng: “Văn hoá mà không có tự do là văn hoá chết. Văn hoá mà chỉ còn có văn hoá tuyên truyền cũng là văn hoá chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hoá bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hoá và những nhà văn hoá cao đẹp” (3), trong cương vị quyền lực của mình, Trần Độ đã hết lòng vượt qua cả mọi gian nan, nguy hiểm để cởi trói cho văn hoá-văn nghệ.

Tháng 2 năm 1990, có chân trong ban dự thảo cương lĩnh Đại hôi VII, Trần Độ đã tranh thủ đề xuất một số vấn đề mới cho văn hoá Việt Nam thông qua bản “Phác thảo cương lĩnh văn hoá Việt Nam những năm 1990”. Ơ đây ông đã đưa ra nhiều điểm đột phá như:

Điểm 8: Phát triển nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam XHCN dựa trên cơ sở quan niệm đúng đắn về bản chất và chức năng thực sự của nghệ thuật như một tiếng nói bồi đắp lương tri và đạo đức cho xã hội. Thực hiện đầy đủ chính sách tự do sáng tạo, tự do phê bình.

Điểm 9: Ra sức bảo tồn mọi di sản văn hoá của dân tộc bao gồm cả nền văn hoá của từng dân tộc ít người. Kết hợp kế thừa văn hoá cổ truyền với giao lưu văn hoá thế giới, làm cho văn hoá ngày càng dày thêm giàu thêm.

Đánh hơi thấy mùi “chệch đường lối” này những kẻ cơ hội trong Ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương Đảng bấy giờ vội vàng xuyên tạc, ton hót với trưởng ban tổ chức Lê Đức Thọ. Thế là một cuộc họp với đầy đủ thành phần trong ban cán sụ Bộ Văn hoá được triệu tập tại Văn phòng Trung ương, 4 Nguyễn Cảnh Chân do Lê Đức Thọ chủ trì. Ông Lê Đức Thọ tuyên bố: “Tôi biết các đồng chí trong ban cán sự cũng đã họp, đã kiểm điểm đồng chí Độ rồi, nhưng gần đây có nhiều dư luận về đồng chí Độ, trong đó có những vấn đề về quan điểm, phong cách nên tôi mời các đồng chí lên đây, tôi sẽ trực tiếp chủ trì đẻ cuộc kiểm điểm đạt kết quả tốt”.

Ông Lê Đức Thọ vừa dứt lời thì Hà Xuân Trường xin phát biểu ngay tức khắc. Với một cuốn sổ đã chuẩn bị sẵn trong tay, ông này liến láu suốt gần tiếng đồng hồ. Ông lên án Trần Độ muốn tách văn nghệ khỏi chính trị; thậm chí có đôi lúc còn chế riễu sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hoá-văn nghệ, cho rằng Ban Tuyên huấn của Đảng chỉ thích làm nhiệm vụ một người lính gác cần mẫn, chỉ nhăm nhăm gọt đầu cắt đuôi các tác phẩm văn nghệ để cuói cùng chỉ con hai chữ lập trường và coi thế là hoàn thành nhiệm vụ. Ông quy kết những lời phát biểu của Trần Độ rất gần quan điểm của Garodi - người đang bị đảng Cộng sán Pháp và các nước XHCN lên án. Hà Xuân Trường còn phê phán Trần Độ là bênh vực quần loe, tóc dài khi ông nói: Bác sỹ Tôn Thất Tùng có bộ tóc rất dài nhưng ai dám bảo Tôn Thất Tùng là kém đạo đức. Ngược lại, ông là một nhân tài cống hiến rất lớn cho cách mạng.

Tất nhiên, thế là Hà Xuân Trường được thưởng cho cái ghế của Trần Độ, mặc dù ngay trong hội nghi đó có những ý kiến chân thành như ý kiến của ông Cù Huy Cận: “Không biết có phải do tên anh là Độ hay không mà trong cuộc sống đời thường anh tỏ ra rất độ lượng, đầy lòng nhân ái, giải quyết vấn đề gì cũng có lý, có tình, mà chủ yếu là thuyết phục bằng tình cảm. Có lẽ vì thế mà một số người cho anh Độ là lỏng lẻo. Theo tôi thì đây là đức tính cần có của một người lãnh đạo văn hoá văn nghệ. Thuyết phục con người bằng tình cảm chứ không phải bằng mệnh lệnh” (5).

Sau khi dùng quyền trưởng Ban Tổ chức Trung ương tước đoạt chức Trưởng ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương Đảng cho người khác, ông Lê Đức Thọ còn đi rêu rao: “... gần đây có người lại phát hiện một sai lầm còn lớn hơn. Cụ thể là ở một hội nghị, có một văn nghệ sỹ phát biểu công khai rằng thần tượng Đảng đã đổ rồi, thần tượng Bác Hồ đã đổ rồi, thế mà anh Độ có mặt ở đấy vẫn cho qua, không nói gì” (5), nhằm đuỏi Trần Độ ra khỏi Ban Chấp hành Trung ươngV. Trớ trêu thay, Lê Đức Thọ không làm nổi việc này.

Sau Đại hội VI, Trần Độ lại được tái nhiệm chức Trưởng Ban Văn hoá-Văn nghệ TW Đảng và giáo sư Nguyễn văn Hạnh làm Phó Trưởng ban cho ông.

Nhờ sự cộng tác rất gắn bó và đắc lực của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, tranh thủ tình cảm thân thiết giữa ông với tổng bí thư Nguyễn văn Linh, một cuộc gặp mặt thân thiết, đối thoại đầy trí tuệ, chưa từng có trong lịch sử giữa non 100 văn nghệ sỹ với Tổng Bí thư đảng Cộng sản đã được tổ chức suốt trong 2 ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987. Tham gia cuộc đối thoại này, ngoài các văn nghệ sỹ nổi tiếng như: Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Tào Mạt, Phan Kế An, Trần văn Thuỷ ... còn có các nhà văn hoá, nhà khoa học như: Nguyễn Khắc Viện, Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại ... Tại hội nghị này TBT Nguyễn văn Linh đã nhắc nhở người cầm bút phải có trách nhiệm và sự suy nghĩ chín chắn và với trách nhiẹm đó đừng bao giờ uốn cong ngòi bút của mình. Ông mở cửa cho các văn nghệ sỹ “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.

Nhận thấy “khu Trung Nam Hải số 10 Nguyễn Cảnh Chân “kín cổng cao tường quá, hai đầu đường hai rào chắn thường xuyên có lính gác, ai muốn vào lại phải qua thường trực kiểm soát giấy tờ nghiêm ngặt, Trần Độ đã tìm cách đưa trụ sơ Ban Văn hoa-Văn nghệ ra ngoài. Ngôi nhà xinh xắn 49 Phan Đình Phùng từ đấy trở thành địa chỉ lui tới dễ dàng của các văn nghệ sỹ. Cũng từ đây Nghị quyết 05 lịch sử của Bộ Chính trị khoá VI đã ra đời ngày 28 tháng 11 năm 1987.

Nghị quyết có một số quan điểm nhận thức mới quan trọng như:

-   Văn hoá có vai trò quan trọng trong đời sống con người, là nhu cầu thiết ýeu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại chứ không phải là cái gì thứ yếu, phụ thuộc, phù phiếm.

-   Văn hoá nghệ thuật là bộ phận đặc biệt nhậy cảm của văn hoá thể hiện khát vọng của con người vè chân thiện mỹ ... chứ không phải chỉ làm nhiệm vụ tuyen truỳen cổ động cho nhiẹm vụ hàng ngày. Văn nghệ có tiếng nói rieng, tiếng nói độc lập không gì thay thế được, để thực hiện sứ mệnh của mình, là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, chứ không phải là tiếng vọng, lập lại từ tiếng nói khác.

-   Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hoá-văn nghệ... Tự do sáng tác phải đi đôi với tự do phê bình. Mọi tác phẩm phải đặt dưới sự giám sát, đánh giá của công chúng và của các nhà phê bình, lý luận và các tác phẩm phê bình của các nhà lý luận cũng phải đặt dưới sự kiểm định của độc giả.

Kèm theo đấy là những quy định đảm bảo cho tự do sáng tác: “Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động, không đồi truỵ, truyền bà tội ác, không sa đoạ, phá hoại nhân phẩm đều có quyền lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình”.

Nhờ tinh thần dân chủ sáng ngời của Trần Độ, nhờ những hoạt động tranh đấu thông minh, dũng cảm không mệt mỏi của Trần Độ, nhờ Nghị quyết 05, nền văn học nước nhà có một thời gian khỏi sắc, sôi động hẳn lên. Báo Văn Nghệ hấp dẫn bạn đọc với số ấn bản tăng vọt. Hàng loạt tác phẩm hay của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Trần Văn Tuấn, Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các, Nguyễn Khắc Trường, Trần Huy Quang ... xuất hiện.

Vô cùng thương tiếc người anh hùng Trần Độ

Đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước, tự do hoá cho sáng tạo nghệ thuật bằng tư tưởng đột phá, bằng hành động kiên trì, dũng cảm, Trần Độ đã gặp không biết bao nhiêu gian nan, thách thức, thậm chí hiểm nguy. Người ta tổ chức hết chiến dịch này đến chiến dịch khác đả phá, bôi nhọ ông trên hàng loạt báo Đảng: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản ...Người ta thúc đẩy mấy anh “lính dõng” xỉa xói láo xược: “Tôi đã nhân đạo lắm với ông X. (một người đòi dân chủ) rồi. Tôi không bắt ông ấy, lại để nguyên cho ông ấy được hưởng các tiêu chuẩn đã có ...”. Người ta vây ráp ông tàn nhẫn đến nỗi ông phải thốt lời phàn nàn nghe rất thương tâm: “Kẻ viết những dòng này trong năm 1998 từ 25 tháng 7 vào ở ngôi nhà của con trai út só nhà 126/33 Hoàng Hoa Thám, phường 12, thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó dự định cho đến hêt tháng 10. trong hơn 100 ngày đó, ngôi nhà luôn luôn từ sáng đến tối, mỗi ngày đều có từ 1 đến 3 nhân viên an ninh mặc thường phục, hoá trang là người chữa xe đạp, lái xe ôm, lái xe tắc-xi... canh chừng, giám sát, ghi chép và có lúc chụp ảnh. Khi kẻ này đi Huế cũng có nhân viên an ninh từ Hà Nội bay vào Huế ở cùng khách sạn và theo giõi những người quen đến thăm kẻ này để theo giõi họ” (3). Người ta còn bố trí phụ nữ đến xoa bóp cho ông để quay phim chụp ảnh, ghép ảnh nhằm bôi bẩn ông rồi đem đi phổ biến, tuyên truyền ở các hội nghị quan trọng, các câu lạc bộ lão thành cách mạng hòng xuyên tạc về ông ...

Khi ông đi photocopy tập “Nhật ký Rồng Rắn” trở về, hai công an ép hai bên, áp giải và tịch thu tác phẩm cuối đời của ông. Hành động thô bỉ, tàn bạo này khiến ông uất ức, cơn bạo bệnh bột phát mạnh, dẫn đến cái chết của ông.

Vào thăm Trần Độ ở bệnh viện, đại tướng Võ Nguyên Giáp không nén được xúc đông đã nắm tay Trần Độ nói trong nước mắt: “Trần Độ ơi ! mình thương cậu lắm”. Trần Độ lại càng nức nở: “Anh Văn ơi ! Tôi và mọi người cũng thương anh lắm”.

Ngày 15 tháng 7 năm 2002 ông đã phải mở khí quản để thở bằng máy nhưng vẫn còn tỉnh táo. Giữa gần hai chục người, vừa con cháu, họ hàng, bè bạn đến thăm, vây quanh ông, ông ra hiệu gọi riêng tôi. Ông nắm tay tôi nói thật lâu. Tôi cúi mãi mỏi quá phải vươn thẳng người. Ông lại kéo tôi xuống áp sát vào tai nói tiếp. Rồi, xúc động quá, bỗng ông nấc lên. Bác sỹ vội ào tới và tôi bị yêu cầu phải ra ngoài. Khi ông nói, tôi phải giả vờ gật đầu để ông khỏi thất vọng. Thật ra tôi không nghe được gì vì lúc đó ông không còn được nói qua thanh quản nữa. Tôi cứ áy náy mãi về chuyện này. Không biết ông đã trăng trối với tôi những gì. Có thể là hệ trọng lắm chăng?

Biết cõi trần không thể còn níu kéo ông lâu thêm nữa, dự đoán rằng người ta sẽ tổ chức tang lễ cho ông không xứng đáng, tôi đã phải mạo hiểm đưa lên internet lời kêu gọi như sau:

“Hà Nội ngày 21 tháng 7 năm 2002

Kính thưa Quý vị

Tướng Trần Độ có lẽ sắp ra đi! Đây là hậu quả của sự đàn áp dã man. Nỗi uất ức tột độ do cuộc chặn bắt cưỡng đoạt tập “Nhật ký Rồng Rắn” ở thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy ông vào bệnh viện cấp cứu và từ đấy thể trạng suy sụp không thể nào vực dậy được nữa

Nhà cách mạng lão thành Trần Độ mất đi là một tổn thất lớn cho công cuộc đấu tranh dân chủ hoá đất nước. Nhà cầm quyền chắc sẽ tổ chức tang lễ qua quýt. Để bù lại, tôi tha thiết kính mong quý vị vận động tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam hãy tham gia tổ chức tưởng niệm tướng Trần Độ một cách thật trọng thể. Đưa tin tang lễ ông rộng rãi trên tất cả các phưong tiện thông tin đại chúng. Đăng tải những bài viết về ông và những bài viết, bài nói của ông trong dịp lễ tang này, dịp giỗ 49 ngày và giỗ hàng năm.

Tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm và vinh danh xứng đáng tướng Trần Độ sẽ có tác dụng cổ võ các lão thành cách mạng noi gương ông xả thân cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ hoá đất nước. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng nhằm cứu Việt Nam khỏi cơn suy thoái trầm trọng với một xã hội ngày càng chất chứa đầy rẫy những tệ nạn xấu xa.

Vì trân quý một nhân cách và cũng vì quan tâm đến sự phát triển bền vững, lành mạnh của Việt Nam, một trong những cộng đồng rất đáng trân trọng của nhân loại, tôi kính mong quý vị quan tâm đén lời thỉnh cầu này .

Nguyễn Thanh Giang”

Quả nhiên. Không những người ta không tổ chức một tang lễ tương xứng mà còn quá tồi tệ. Có thể nói việc tổ chức tang lễ Trần Độ là một vết nhơ khó rửa của lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta không chỉ lấy vải đen bịt dòng chữ “Vô cùng thương tiếc” đã khảm vào bức tường nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông mà còn bắt lột bỏ tất cả các dải băng trên các vòng hoa viếng có ghi “Vô cùng thương tiếc”. Kể cả vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hành động táng tận lương tâm đến mức quái vật này là kết quả của sự trả thù hèn hạ củabọn quyền thé có tư thù với Trần Độ.

Ông Trần Dũng Tiến mô tả cảnh bàn luận của Bộ Chính trị chuẩn bị lễ tang Trần Độ để tố cáo: “Đỗ Mười đứng dậy, khuôn mặt bự thịt sát khí đằng đằng, dang tay chém lia lịa vào không khí, hình như để trả thù Trần Độ. Khi Trần Độ là thiếu tướng- Chính uỷ Quân khu Ba, Đỗ Mười chỉ là một anh thủ trưởng quèn, một lần, trong một buổi làm việc đã bị Trần Độ mắng cho là ngu dốt mà phải ngồi im như thóc, vì trí tuệ và tài năng của Trần Độ hơn hẳn Đỗ Mười một cái đầu. Đỗ Mười vừa chém tay vào không khí, vừa nói:

“Chúng ta phải tim mọi cách, kể cả thủ đoạn nếu cần để nhân dịp này hạ uy tín Trần Độ đến mức thấp nhất. Vì vậy, tôi không đồng ý giao cho Bộ Quốc phòng hoặc Tổng cục Chính trị đứng ra tổ chức. Bởi vì nếu giao cho BQP hoặc TCCT đứng ra tổ chức thì hàng vạn cựu chiến binh, hàng trăm tướng lĩnh sẽ có cớ kéo về Hà Nội dự tang lễ Trần Độ, như vậy thì nguy hiểm lắm.. Tôi nhắc lại, phải nhân dịp này hạ uy tín Trần Độ xuống mức thấp nhất. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ mất Đảng .” (6).

Sự hèn hạ đểu cáng ở mức tột cùng của những người chủ trương và bọn thực thi tang lễ này đã làm bùng phát nỗi căm uất bị dồn nén cao độ của những người có mặt trong lễ tang. Một cuộc biểu tình tại chỗ đã nổ ra. Tiếng vỗ tay rầm rầm. Lời chửi rủa lãnh đạo và tiếng hô “Tinh thần Trần Độ bất diệt” vang lên ngút trời.

Lòng bác ái Trần Độ, dũng khí Trần Độ, tinh thần dân chủ sáng ngời của Trần Độ đã được thể hiện và mãi mãi còn lưu truyền qua các bức trướng, qua thơ văn của nhân dân, của đồng chí, đồng đội. Ơ đây chỉ có thể ghi lại một phần nhỏ:

Nhân văn danh tướng
Trung dũng vẹn toàn

Bức trướng của đoàn chiến sỹ đấu tranh cho tự do dân chủ

Tuệ mục tuệ tâm
Văn nhân võ tướng

Bức trướng của câu lạc bộ Lịch sử Quân đội

Vị Dân tâm
Bức trướng của Viện nghiên cứu Hán Nôm

Trọn nghĩa nước non
Vẹn tình đồng đội

Bức trướng của Ban Liên lạc truyền thống Báo Quân đội Nhân dân

Công thành không làm phách
Danh toại không cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Đáng mặt đại nghĩa nhân

Bức trướng của học giả Trần Khuê

Trung dũng vì dân
Bức trướng của nhóm Nguyễn Vũ Bình

Cấm chợ ngăn sông, cấm báo chương
Còn như khi chết cấm tình thương
Xưa nay thế giới chưa hề có
Phát xít Hitle cũng phải nhường
Cụ Xít thủ tiêu trăm tướng lĩnh
Cụ Mao tàn sát triệu dân thường
Đều thua ‘ Thương tiếc vô cùng ’, cấm
Khi tiễn tướng quân tới hoá đường

Hoành chỉ Trần Doãn Hoài - 7/30 Thái Hà- Đống Đa - Hà Nội

Vì đại nghĩa chân nhân
Thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên Giáp
Hồn vẫn vẹn tình dân

Nhà thơ Bùi Minh Quốc

Anh đi trời đất mịt mù
Những ngày trong sáng bây giờ hiếm thay
Đấu tranh dân chủ lúc này
Thiếu anh, thiếu một cánh tay vững vàng
Anh đi tình nghĩa phố phường
Càng yêu càng quý, càng thương anh nhiều

Đỗ Việt Sơn - 26/114-125- Tô Hiệu- Hải Phòng

Khí Phách hiên ngang giữa cõi Trần
Văn tài tướng dũng đáng danh nhân

Nguyễn Trang Châu - Đống Đa- Hà nội

Tiễn lão tướng về sâu ba thước đất
Mắt vẫn trừng ...
Lo vận nước mất còn
Để giữa trời xanh một tấm lòng son
Để giữa lòng đời tấm gương trung liệt
Để cháu con, để bạn bè thân thiết
Ngàn năm ghi tạc
Một Trần Độ vô song
Một Trần Độ anh hùng

Vũ Cao Quận - Hải Phòng

Hương ba nén...lệ rơi thương mến
Người lính xưa gửi đến viếng Anh
Bưng biền rừng lá vẫn xanh
Anh vẫn xanh lá, xanh cành trong dân
Tiếc thương Trần Độ ngàn lần
Tên Anh không chết trong dân bao giờ

Nguyễn Danh - Hồng Bàng- Hải Phòng

Kỷ niệm 2 năm ngày mất của tướng quân Trần Độ
9 tháng 8 năm 2002 - 9 tháng 8 năm 2004

Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 - Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại: 5 534370


Chú thích:
1 - Tuyển tập Khái niệm và quan niệm về văn hoá - Viện Văn hoá- Hà Nội 1986
2 - Chuỵện ngày xưa - Hồi ký của Trần Độ- Tập Một
3 - Cái nhìn trở lại - Cảm nhận và Bút ký của Trần Độ- 2002
4 - Nhật ký Rồng Rắn - Trần Độ 2001
5 - Đổi mới - Niềm vui chưa trọn - Hồi ký Trần Độ - Tập Hai.
6 - “Hộp đen” trăm ngày đám tang Trần Độ - Trần Dũng Tiến