Sao lại khai trừ nhà cách mạng trung kiên Trần Ðộ?

NGUYỄN THANH GIANG

 Nhà cách mạng lão thành Trần Ðộ, một trong những trí tuệ cao cả, một tấm lòng trung kiên của đảng Cộng Sản Việt Nam - sẽ bị chính thức khai trừ, có phải không? Lý do khai trừ sẽ được ghi như thế nào trong quyết định và trong thông báo với toàn thể đảng viên?

Ở "Ðôi lời phát biểu nhân quyết định khai trừ," ông Trần Ðộ viết: "Chiều ngày 4 tháng 1 năm 1999, chi bộ Vụ Văn Hóa Giáo Dục đã quyết định khai trừ Trần Ðộ vì đã có lỗi phân phát các bài viết của mình, và để lọt ra các hãng thông tấn quốc tế những bài viết đó."

Tôi vừa tin, vừa không tin điều này. Tin rằng Trần Ðộ nói thật, vì ông vốn là người trung trinh, tiết tháo. Không tin vì cái lý do ấy nó trái lẽ đời quá!

Làm sao mà việc phân phát các bài viết, việc phát biểu ý kiến cá nhân, việc truyền bá tư tưởng lại bị xem là tội lỗi, trong khi Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân Quyền lại ghi "Mỗi người đều có quyền tự do có ý kiến và phát biểu: quyền này cho phép bất cứ ai đều không phải lo ngại về những ý kiến của mình. Nó bao gồm cả quyền tìm kiếm, thu nhận và truyền bá các thông tin và các ý tưởng, bất chấp biên giới, bằng bất cứ phương tiện nào" (Ðiều 19). Trong khi Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị còn khẳng định rõ hơn: "Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận: quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý tưởng, không phân biệt ranh giới, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ một phương tiện nào khác tùy sự lựa chọn của họ" (Ðiều 19). Lưu ý rằng, cả hai văn kiện này đều đã được Việt Nam chấp thuận và công khai cam kết thực hiện. Nó được phản ánh một phần trong Hiến pháp CHXHCHVN 1992: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (Ðiều 69).

Có ai muốn ngụy biện rằng đảng viên phải khác, phải chịu ràng buộc bởi những quy ước nghiêm chỉnh hơn, khắt khe hơn không? Vâng, kỷ luật có thể cao hơn, quy định có thể chặt chẽ hơn, nhưng dứt khoát không thể quái dị với nhân loại, với dân tộc. Bởi vì Ðảng không thể đứng trên dân tộc, đứng ngoài dân tộc. Công dân có thể không là đảng viên, nhưng nhân viên không thể không là công dân, phải tuân thủ mọi cam kết, thực hiện mọi nghĩa vụ và được hưởng mọi quyền lợi của một công dân. Vả chăng, chính Ðiều lệ Ðảng mà Ðại hội 8 đã thông qua ngày 1 tháng 7 năm 1996 cũng đã xác nhận đảng có quyền: "Ðược thông tin và thảo luận các vấn đề về cương lĩnh chính trị, điều lệ Ðảng, đường lối, chủ trương chính sách của Ðảng, biểu quyết công việc của Ðảng.

Không được ngăn cấm việc phát biểu ý kiến, truyền bá tư tưởng mà chỉ có thể xem xét để bắt lỗi thông qua nội dung các ý kiến, các tư tưởng đó. Nói khác, nghĩ khác, thậm chí ngược hẳn 180 độ với bất kỳ ai cũng không thể được xem là có tội. Huống chi, những ý kiến của Trần Ðộ chưa hề được thảo luận công khai, nghiêm túc. Tôi chưa được đọc, được nghe những ý kiến bàn luận, phê phán Trần Ðộ một cách có lý, có tình, đủ sức thuyết phục mà chỉ được biết một nhận xét tổng quan gần đây hết sức xác đáng của ông Hoàng Hữu Nhân về ông Trần Ðộ: "Qua nỗi lo lắng và những hoạt động của Trần Ðộ trong những năm hưu trí, càng thấy rõ anh Trần Ðộ là một đảng viên cộng sản gương mẫu, suốt đời lo làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc, dân tộc thân yêu, là tấm gương về các mặt: học tập nghiên cứu, hiểu biết rộng, nắm vững tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, liên hệ chặt lý luận với thực tiễn, tác phong giản dị, chân thật, cởi mở, dễ hòa vào mọi người và rất có nhân cách."

Lão tướng Trần Ðộ tuyệt nhiên không tự mãn, huyễn hoặc khi ông tuyên bố: "Tôi đã là đảng viên 58 năm (1940-1998). Tôi không có gì ân hận trong 58 năm đó. Ðối với tôi, như thế cũng là đủ cho tôi báo đền Tổ quốc và dân tộc, và tôi cũng đã được đền bù xứng đáng... Tôi vào Ðảng là để tự nguyện phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc." Ðối với một con người như vậy ta hoàn toàn tin được khi ông hứa: "Tôi không ở trong Ðảng nữa, nhưng tôi vẫn là một công dân có trách nhiệm. Tôi nguyện vẫn vì Tổ quốc, vì nhân dân; vẫn suy nghĩ và sống với tất cả tâm lực của mình. Tôi kiên trì những ý kiến mà tôi đã phát biểu trong các bài viết và sẵn sàng đón nhận những lời phán xét của công luận."

Tôi đồng tình và tin vào những đánh giá của ông Hoàng Hữu Nhân đối với ông Trần Ðộ không chỉ vì biết ông Hoàng Hữu Nhân đã từng tham gia hoạt động cách mạng gần chục năm trước thời kỳ dẫn đến Cách mạng tháng Tám (1936), đã từng được tặng huân chương Hồ Chí Minh mà còn vì ông đã đọc với một trí tuệ thật minh mẫn, với ý thức trách nhiệm rất cao tất cả các bài viết của Trần Ðộ. Trong khi đó, đáng tiếc là tuyệt đại đa số quần chúng và đảng viên đều chưa hoặc không có điều kiện đọc các bài viết đó. Với tình trạng ngăn cấm, bưng bít như thế này, không biết những người tham gia bỏ phiếu khai trừ cũng đã được đọc Trần Ðộ một cách đầy đủ, nghiêm túc chưa?

Tôi tán thưởng những nhận xét đánh giá của ông Hoàng Hữu Nhân còn vì chẳng những tôi đã đọc Trần Ðộ rất kỹ mà từng có nhiều dịp tiếp xúc trực tiếp với ông. Tôi thấy ông rất ung dung tự tại, biết quý trẻ, nhường già và đặc biệt tôn trọng trí thức. Lòng tự trọng xui tôi thường không chịu vị nể quá mức bất kỳ chính kiến nào, bất kỳ đối tượng giao tiếp nào, tuy nhiên đàm đạo với ông, tôi vẫn như có ấn tượng ông đáng bậc cha chú mình.

Sao lại có thể quy tội ông "để lọt ra các hãng thông tấn quốc tế những bài viết"? Chắc chắn những người biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng luật pháp và từng đã đọc những điều khoản nêu trên trong các Công ước quốc tế, trong Hiến pháp nước ta, trong điều lệ đảng Cộng Sản Việt Nam đều thấy việc quy tội đó không thỏa đáng. Vả chăng, thật là bất công, thật là vô lý khi xử lý trường hợp Trần Ðộ mà lại cố tình làm ngơ nhiều trường hợp rất tệ hại khác.

Ai cũng biết cách đây vài năm tất cả các đài phương Tây đều điểm rất kỹ bức thư của nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với nhiều luận điểm khác xa cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Ðảng. Vậy mà có ai sao đâu, ngoại trừ mấy ông Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Kiến Giang bị vạ lây. Cách đây ít lâu báo chí và các đài phương Tây lại cũng vừa đăng tải một bài viết ký tên tác giả là TA, bêu rếu thậm tệ rất nhiều cán bộ thượng cấp trong Trung ương, trong Bộ chính trị của Ðảng. Bài viết nặc danh, nhưng mặc dầu thế, tác hại của nó vẫn hết sức lớn, lớn hơn nhiều những hoạt động "Diễn biến hòa bình" của thế lực bên ngoài chứ. Vậy mà sao người ta cũng lờ đi trong khi việc truy lùng tác giả nặc danh chắc không khó khăn quá mức, việc xác định tính đúng đắn của một số chi tiết nêu trong bài cũng hoàn toàn có thể vì một số nhân chứng sống liên quan đã được chỉ ra ngay trong bài viết, hiện đang sống tại Hà Nội. Quá tệ, cựu Uỷ viên Trung ương Ðảng - Phó Thủ tướng Trần Quỳnh còn ngang nhiên tán phát rộng rãi trong và ngoài nước tập hồi ký xuyên tạc lịch sử Ðảng, bôi bác đến mức hạ nhục cả các bậc lão thành: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng và....! ngay cả Bác Hồ. Vậy mà người ta cũng lại lờ đi. Hiện thời, đâu đó lại vừa cho tán phát bừa bãi một tập tài liệu cực kỳ nguy hại, chĩa thẳng mũi nhọn vào Cố vấn Võ Văn Kiệt cùng các đương kim Uỷ viên Bộ chính trị: Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Minh Triết... buộc tội phá Ðảng, phản bội Tổ quốc cho các đồng chí này. Hậu quả có thể sẽ dẫn tới là sự phân liệt tan hoang, sự thanh trừng đau đớn. Vậy mà, người ta lại vẫn cứ làm ngơ để chỉ tập trung xử lý Trần Ðộ một cách sai trái!

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Hỡi tất cả những lương tri, những tâm huyết, những tấc lòng còn chút ưu tư với đất nước, với dân tộc! Sao không biết chia sẻ nỗi đau cùng Trần Ðộ. Cái nỗi đau "Tôi không ngờ rằng những ước mơ "xây dựng xã hội tốt đẹp" thuở ban đầu lại biến thành hiện thực chua chát ngày nay. Một xã hội với một bộ máy cai trị đồ sộ rất nhiều bệnh hoạn và tệ nạn... Tôi cũng không ngờ ý kiến khác nhau lại thành ra thù địch."

Cái nỗi đau khi phải thừa nhận rằng: "Cái Ðảng này hiện nay, với tất cả thực trạng của nó, đã khác rất xa Ðảng của những năm 40, 50, 60. Vì vậy, nó hầu như không còn là Ðảng của tôi nữa." Vậy mà ông vẫn bần thần lưu luyến, vẫn "không mong muốn rời bỏ nó. Ông có thể bình thản ra đi xuống tuyền đài cũng chưa nguôi được! Bởi vì, trong cái cuộc tình 58 năm ấy, ông đã có mối tình đầu cuồng nhiệt sấm sét, ông đã đi với nó qua khổ ải, lao lung, qua tù đầy, gươm súng ông đã chung thủy với nó ngay cả khi nó đã tha hóa, chẳng còn như xưa... Và, đến bây giờ, nó phụ bạc ông!

Tôi thấy Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng tỏ ra có thủy có chung, có nghĩa có tình, biết trên biết dưới khi mới Tết này ông còn đến thăm trường cũ: mới tháng Mười Một 1998 ông còn đàm đạo thân ái, còn chân tình lắng nghe lão tướng Trần Ðộ. Vậy mà!... sự quá lời nào, sự hiểu nhầm nào, sức ép tàn bạo của thế lực đen tối nào đã đột ngột cưỡng bức dần đến hậu quả tai hại này?

Tôi không nghĩ đây là hậu quả tai hại đối với Tướng Trần Ðộ, bởi vì, cũng như ông, tôi tin rằng "Lịch sử sẽ phán xét. Tương lai có thể xa nhưng có thể sẽ rất gần. Tôi vững tin vào sự công minh của lịch sử, vào nhân dân, đất nước tôi."

Trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như đảng Cộng Sản Trung Quốc, việc khai trừ những đảng viên ưu tú, kiệt xuất diễn ra đã nhiều. Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ... đều từng đã bị khai trừ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chính Ðặng Tiểu Bình cũng từng bị khai trừ tới bốn lần. Vậy mà, người đảng viên sáng danh nhất đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay lại là Ðặng Tiểu Bình, chứ không phải những người đã bỏ phiếu và những người đã quyết định khai trừ ông.

Như mấy vần thơ hiếm hoi trong bài bút ký mới đây của Trần Ðộ:

 

Những mơ xóa ác ở trên đời

Ta phó thân ta với đất trời

Vâng, ông đã phó thác cả tuổi trẻ sung mãn ngày xưa, cả tuổi già tật nguyền ngày nay cho ước mơ trong sáng đó vì nhân dân, vì đất nước. Một ký giả nước ngoài đã vinh danh ông là "người cầm đuốc trong đêm." Tôi thấy ông đang nâng cao trái tim Ðankô rực chói của mình, góp phần soi đường cho đất nước, cho dân tộc, vượt qua bãi lầy, tiến trên con đường sáng.(tn)

 

Hà Nội, 12/1/1999