Nguyễn Thanh Giang với

Nhân Quyền Và Dân Chủ ở Việt Nam

Minh Võ

             Chúng tôi vừa nhận được cuốn Nhân Quyền Và Dân Chủ ở Việt Nam của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang do Tủ Sách Tiếng Quê Hương xuất bản và gửi tặng. Đây là tác phẩm thứ 30 của tủ sách này, sau 7 năm âm thầm hoạt động. Trong số 30 tác phẩm nói trên có 12 cuốn do những tác giả ở trong nước, như Nguyễn Thụy Long (2 cuốn), Ma Xuân Đạo, Văn Quang (4 cuốn), Nguyễn Thị Hoài Thanh (1), Tạ Duy Anh, Vũ Cao Quận, Bùi Ngợc Tấn và Nguyễn Thanh Giang.

            Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang năm nay 71 tuổi, nguyên quán Thanh Hóa. Một tuổi ông đã bắt đầu cuộc sống cơ cực vì cha mẹ ly dị, phải sống với bà nội. Vừa học vừa làm vất vả từ ấu thơ để nuôi thân,.ông tốt nghiệp đại học năm 26 tuổi, rồi nhận công tác tại vụ Kỹ Thuật, Tổng Cục Địa Chất. Sau đó làm giám đốc ngành Địa Vật Lý cục Bản Đồ Địa Chất. 

            Ông là khoa học  gia Việt Nam đầu tiên trong chế độ Cộng Sản đọc báo cáo khoa học trước hội nghị quốc tế thứ 28 về địa chất tại thủ đô Mỹ năm 1989 . Sau đó ông đã tham gia tổ chức những cuộc hội thảo Địa Chất- Địa Vật Lý tại những trường đại học danh tiếng của Mỹ ở Chicago, Texas, Los Angeles vào những năm 1991, 1996.

            Nghỉ hưu ở tuổi 60, ông bắt đầu lưu tâm đến các vấn đề chính trị. Nhiều bài tham luận và những đề xuất mạnh bạo sắc sảo của ông về nhân quyền và dân chủ đã kéo chú ý của dư luận ngoài nước. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã áp dụng những biện pháp đàn áp thô bạo đối với ông.

            Tập sách mà chúng tôi nói đến ở đây là một tuyển tập gồm nhũng tham luận, đề xuất đó. Sách có hai phần.

   Phần I (170 trang) có 8 bài:    3 bài về nhân quyền,

                                               2 bài về dân chủ,

                                               2 bài vè hiến pháp, bầu cử và quốc hội.

                                               1 bài về tự do

            Phần I I  (Phụ Trương, 152 trang) gồm có 24 tài liệu mà hầu hết là những đề xuất dưới dạng thư ngỏ gửi các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước liên quan đến những vi phạm nhân quyền đối với trí thức nói riêng và dân chúng nói chung.

            * Bài đầu trong tập sách nhan đề Nhân Quyền – khát vọng ngàn đời, được viết tháng 3 năm 1997, đã là nguyên nhân khiến ông bị đàn áp, khủng bố, nhà ông bị ném đá, những hòn đá to bằng nắm tay. Đoạn văn ngắn sau đây đã được vin làm cái cớ quy chụp ông chỉ trích lãnh tụ:

            “Thật ghê sợ khi vị thủ lĩnh một hòn đảo nhỏ bé gào lên: Kẻ thù mà đặt chân lên đất nước này thì chúng chỉ có thể bước đi trên hoang tàn của máu và tro bụi!

            “Hàng chục, hàng trăm triệu người sao lại chỉ có thể được sống, tổ quốc sao lại chỉ có thể được phép tồn tại khi nó chịu “nhuộm màu” bởi một hệ tư tưởng ABC, chịu tuân theo sự lãnh đạo của một đảng OPQ, chịu thừa nhận một lãnh tụ XYZ? Sao người ta lại bắt trẻ già trai gái muốn được thừa nhận là yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội (để rồi nếu không yêu chủ nghĩa xã hội tức là phản quốc, là không được bảo đảm quyền được sống). Sao lại phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn đi nếu đất nước này không thuộc về chúng ta?! (trang 30)

            Ai đã biết XYZ là bút hiệu của ông Hồ trên tập sách nhỏ xíu “Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc” khi mới lên làm chủ tịch nước, và biết câu nói Dù phải đốt cả dẫy Trường sơn để chiến thắng thì cũng không từ cũng chính phát ra từ của miệng ông Hồ thì sẽ hiểu tại sao số phận Nguyễn Thanh Giang lại thê thảm đến thế kể từ khi phát hành bài tham luận về Nhân Quyền Nói trên. (2)

            Mở đầu bài viết ông đã trưng dẫn một danh ngôn của Emmanuel Kant: “Hãy thực hiện công lý đi, cho dù thế giới có tiêu vong”. (3) Rồi nhắc đến bản tuyên ngôn quốc tế Nhân Quyền (10-12-1948), và 53 công ước quốc tế về Nhân Quyền.

            Nội dung bài có 3 đoạn chính: Những ý niệm về nhân quyền; Thế giới cần thống nhất hành động về nhân quyền; và Quyền con người ở Việt Nam.

            Trong đoạn I tác giả nêu lên những quyền cụ thể thuộc hai lãnh vực: lãnh vực các quyền dân sự và chính trị; lãnh vực kinh tế, xã  hội, văn hóa.

            Đến đoạn I I, sau khi trưng dẫn Hội nghị nhân quyền Á châu, tuyên ngôn nhân quyền Vienna, tổng thống Pháp Francois Mitterand, tổng thống Mỹ Jimmy Carter, ngoại trưởng Anh....tác giả kêu gọi tổ chức, phổ biến các chương trình rộng khắp trên truyền thanh, truyền hình về nhân quyền, tăng cường quyền hạn và nghĩa vụ của Liên Hiệp Quốc đối với việc thực thi để hiện thực hóa quyền con người. Và “Đã đến lúc cần thành lập các tổ chức như kiểu một Ủy Ban Liên Quốc Gia về quyền con người và môt tòa Án Quốc Tế về quyền con người.”

            Đoạn I I I, quyền con người ở Việt Nam, tác giả chủ yếu phân biệt quyền con người có tính toàn cầu với quyền công dân thu hẹp vào trong một nước. Ông đã trưng dẫn lời Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) thuở nào:

            “Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị (thực dân, MV thêm) bắt và có khi bị giết mà không cần xét xử.”

            Rồi áp dụng vào ngày nay:

            “Mỉa mai thay, chỉ sau đó không bao lâu, người ta lại thực hiện đúng cái điều này: “Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng không (MV tô đậm) xã hội chủ nghĩa cũng đều bị (Cộng Sản, MV thêm) bắt và có khi bị giết mà không cần xét xử!” (trang37)

            Sau khi nhắc lại lời cảnh báo của tuyên ngôn nhân quyền của cách mạng tư sản Pháp 1789, đại ý: coi thường quyền con người là nguyên nhân mọi bất hạnh công cộng và sự hủ bại của chính quyền, tác giả đã nói đến cuộc chiến đẫm máu vì khẩu hiệu “không có gì qúy hơn độc lập tự do”. Nhưng độc lập rồi mà dân không có tự do! Như vậy độc lập chẳng có nghĩa gì, như chính ông Hồ đã nói trước.

            Lý Đông A, lãnh tụ trẻ tuổi kiệt xuất của Duy Dân (4) cũng được ông trưng dẫn để nhắc đến một quan niệm về quyền con người phát xuất tử thuyết Duy Nhân của nhân vật kỳ bí này.

            Trên một nửa đoạn 3 này, tác giả đã nêu lên để tố cáo những sai lầm, vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền CS. Nhưng ông cũng công bình ghi nhận là trong hiến pháp 1992 (điều 15) đã sửa chữa được phần nào những sai lầm của thời bao cấp, trước đổi mới.

            Riêng về bầu cử “quốc hội” tác giả kêu gọi: “Cần gấp rút sửa đổi một cách nghiêm túc luật bầu cử đại biểu quốc hội và luật tổ chức Quốc Hội theo hướng hiện đại và dân chủ thật. Xóa bỏ tình trạng “đảng cử dân bầu” và những thủ đoạn sắp xếp nhân sự để gài bẫy hoặc dồn ép lá phiếu của nhân dân.”

            * Bài thứ 3, tác giả phê bình cuốn sách trắng về nhân quyền VN do nhà cầm quyền CS công bố ngày 18-8-2005. chỉ một vài trích đoạn sau đây đủ thấy sách trắng này đã bị Nguyễn Thanh Giang đả kích nặng nề ra sao:

            “Rõ ràng nhận thức và quan điểm về nhân quyền của VN thể hiện qua cuốn sách trắng vừa xuất bản sai biệt và lạc hậu hơn hẳn nhận thức của nhân loại tiến bộ cách đây hàng mấy thế kỷ....

            “Thực tế lịch sử đã và đang cho thấy quyền tự quyết dân tộc mà rơi vào tay kẻ cầm đầu như Polpot, Sađdam Hussein, Kim Jong Il ... thì nhân dân các nước đó còn khổ nghèo điêu đứng hơn cả sống dưới ách thồng trị của ngoại bang.” Và:

            “Đảng Cộng Sản Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn  về sự tụt hậu mọi mặt của Việt Nam so với thế giới. Tụt hậu về chính trị, về kinh tế, về xã hội, về văn hóa.(trang 33- 37)

            * Trong bài thứ 6, về bầu cử và Quốc Hội, tác giả đã nêu lên những thực trạng phi dân chủ như:

            “Kỳ tổng tuyển cử khóa XI, trong số 32 người tự ứng cử chỉ có 2 người được ghi vào danh sách ứng cử viên. Tuy nhiên, do thủ thuật lập danh sách, cả hai người được miễn cưỡng ghi tên đó cũng thất cử nốt.” (tr 101)

            Nơi trang 102-103 tác giả đã thuật lại việc ông được cơ quan ủng hộ và khuyến khích ông ra ứng cử, nhưng vì những lắt léo, dọa dẫm, chỉ thị ngầm của cấp ủy đảng mà kết cục ông chỉ được 1/3 phiếu thuận. Rồi than: “Điều tôi không thể hiểu nổi là tại sao đất nước đã của mình và ta thường nói đảng dựa vào dân, dân tin ở đảng nhưng rồi lại cứ  phải thớ lợ, lọc lừa quay quắt, gian xảo như vậy.”          

             Chuyển sang đề tài dân chủ, bài thứ 7 có thể nói là bài quan trọng nhất trong cuốn sách, chiếm gần sáu chục trang, có nhan đề: Bàn Về Dân Chủ.

            Sau khi tóm lược nội dung trong hơn một trang sách, tác giả mở đầu bằng cách tấn công vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản tự hào “dân chủ xã hội chủ nghĩa triệu lần dân chủ hơn dân chủ tư sản”. Ông nêu một loạt vụ bắt bớ những Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyẽn Khắc Toàn, Lê Chí Quang.

            Bài có 6 phần: Những ý niệm về dân chủ; dân chủ với tự do; dân chủ với bình đẳng; dân chủ phát triển ổn định; các thời đại dân chủ; và Dân chủ cho Việt Nam.

            Trong phần đầu ông trưng dẫn một loạt ý kiến về dân chủ của những J.J. Rudent, Plato, B. Kurasvili, S. Alesiev, Hồ Chí Minh. Đặc biệt ông nêu lên tài liệu thế nào là dân chủ do bác sĩ Phạm Hồng Sơn lấy từ trang Web của đại sứ quán Hoa Kỳ và dịch ra tiếng Việt (5)

            Mở đầu phần 2, Dân chủ với Tự do, để cho phải phép và có lẽ cũng để tự vệ, ông  trưng dẫn Marx và Engels: “Xã  hội không thể nào giải phóng cho mình được nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt” rồi mới dẫn chứng Jean Jacques Rousseau (Kế Ước Xã Hội); rồi Sách Sáng Thế.(6) Ông viết: “Theo thuyết Sáng Thế, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên tự do cũng là món quà mà Thiên Chúa ban cho con người.”

            Nói chung về hai chữ Tự do, tác giả đã nghiên cứu nhiều xu hướng khác nhau của nhiều tác giả như L. Morgan, một nhà nhân chủng học Mỹ thế kỷ 19, Arthur. Schopenhauer (1788- 1860), một triết gia Đức, Jean Paul Sartre, triết gia trường phái hiện sinh Pháp, rồi Kant, Hégel.và Montesquieu để cuối cùng nhấn mạnh đến lời lẽ đanh thép trong bản tuyên ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ: “Một khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân), thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới....”.

            (Đọc những lời buộc tội ở các đoạn khác trong cuốn sách rồi đọc lại đoạn văn trích từ bản tuyên ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, người đọc sẽ thấy dường như Nguyễn Thanh Giang đã dám ngầm kêu gọi “phế bỏ” cái chính quyền hiện tại.)

            Sang phần 3, Dân chủ với bình đẳng, tác giả đã “cả dám” trưng dẫn Emmanuel Kant, một cự tướng duy Tâm, “coi quyền tự do và bình đẳng như là quyền độc nhất có từ xưa, không bị bất cứ hạn chế nào do điều kiện sống cụ thể...”

            Để rồi liền sau đó trưng dẫn để phê bình (Duy vật biện chứng của) Marx và Lenin. “Cả Marx và Lenin đều cho rằng tự do của một giai cấp là sự mất tự do của giai cấp đối lập. Giữa các giai cấp đối lập không có sự bình đẳng. Bình đẳng chỉ có thể tồn tại trong nội bộ một giai cấp. Marx và Lenin không thừa nhận quyền bình đẳng giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giữa Nhà Nước và nhân dân. (...) Chính vì thế mà Đảng ngang nhiên nẫng phần trên của trời đất. Mặc dù trong tất cả các ngày kỷ niệm lớn, ngày sinh nhật Đảng, loa đài đã xói xả inh tai nhức óc hàng trăm, hàng ngàn bản tụng ca công tích của Đảng, thế mà mỗi độ xuân về, cờ phướn vẫn cứ giăng giăng “Mừng Đảng, Mừng xuân”, ... rồi mới đến mừng Đất Nước!         

            Phần 4 nói về tương quan giữa dân chủ và phát triển, ổn định. Sau khi đưa ra  quan điểm của Đảng, tác giả trình bày khá chi tiết quan điểm của kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng  (7) ở Pháp, và của Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, một người đã vào tù vì muốn phổ biến quan niệm dân chủ theo kiểu Mỹ. Tác giả có vẻ tán thành quan điểm của Nguyễn Gia Kiểng về phát triển nhờ dân chủ, khi ông nêu lên sự kiện Hà Lan là nước “phát triển sớm nhất (thế kỷ 17), rồi sau đó mới đến Anh (thế kỷ 18), Hoa Kỳ (thế kỷ 19), Nhật Bản.Tác giả trưng dẫn lời ông Kiểng: Trong hoàn cảnh không bị trị bởi một ông vua hay lãnh chúa..., “Những người Hà Lan không thể có vinh quang được làm vua, làm tướng, họ chỉ có một lý tưởng là làm giầu.”                       

            Đặc biệt tác giả tán thành ý kiến của ông Kiểng về nhu cầu và điều kiện phải có một tâm lý và một nền văn hóa lành mạnh để phát triển. Trong cuốn Tồ Quốc Ăn Năn, ông Kiểng “đặt nhẹ các yếu tố tư bản, nguyên liệu, mà chỉ liệt kê những yếu tố vô hình như một chế độ tự do dân chủ đa nguyên, một xã hội linh động, bình đẳng, không bị trói buộc bởi những thành kiến, không bị ngăn cách bởi những giai cấp hay những đại gia đình v.v...”  

            Tác giả cũng trưng dẫn Montesquieu, người đưa ra một giải thích khác về sự phát triển sớm của Hà Lan: điều kiện thiên nhiên khó khăn, đòi phải phấn đấu để  tiến; và để tiến lên, thì cần có tự do.

            Sau khi đã đưa thêm nhiều ý kiến khác, và so sánh các nước dân chủ với các nước độc tài. Ông kéơ chú ý đến Đài Loan và Hồng Kông so với Trung quốc, Tây Đức với Đông Đức, Nam Hàn với Bắc Hàn, và phân tích chính tình một số nước Á Đông như Syngapore, Mã Lai Á, Thái Lan, Indonesia, chịu ảnh hưởng nhiều của Tây Phương. Cuối cùng nêu trường hợp điển hình nhất là Hoa Kỳ. Rồi  tác giả khẳng định:

            “Thiếu dân chủ thì không thể phát triển bền vững...

            “Thiếu dân chủ thì không thể phát triển lành mạnh.

            Tác giả nhìn nhận sau “Đổi Mới” Việt Nam phát triển mạnh, nhưng không lành mạnh. Vì: -VN có chỉ số kinh tế tự do vào hàng kém nhất thế giới (xếp hạng 137/ 161 nước), một trong những nước có khả năng cạnh tranh kém nhất thế giới (xếp hạng 77/ 104 nước), một trong những nước tham nhũng nhất thế giới, một trong những nước có chỉ số tự do báo chí kém nhất thế giới (135/143)... Và ông nêu lý do:

            “Sở dĩ như vậy vì VN hiện là một trong những nước mất dân chủ nhất thê giới (138/ 143).

            Tóm lại, quan điểm của tác giả về tương quan giữa dân chủ và phát triển là: “Chỉ có dân chủ mới mở đường và bảo đảm cho phát triển lành mạnh và bền vững. Đến lượt mình, phát triển càng cao lại bảo đảm cho dân chủ càng có chất lượng tốt hơn, trình độ cao hơn.”

            Phần V gồm 5 điểm, nói về các thời đại dân chủ: 1. Dân chủ thời cổ đại, 2. dân chủ trong xã hội chiếm hữu nô lệ, 3. dân chủ trong xã hội Trung cổ, 4. dân chủ tư sản, và 5. cuối cùng là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

            Ba điểm đầu chỉ được nói lướt qua, để tập trung vào 2 điểm chót.

            Về dân chủ tư sản, ông vào đề: “Dân chủ tư sản nẩy nở từ chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng và phát triển thành chủ nghĩa duy lý dẫn tới cách mạng tư sản.” Và : “Thay cho Ki Tô giáo đề cao Đức Chúa Trời, chủ nghĩa nhân văn đặt con người vào vị trí ưu tiên.”

            Tiếp theo, tác giả trưng dẫn nhà nhân văn Ý J.P. Mirandole, rồi Machiavelli, và thậm chí cả hai triết gia và cũng là các nhà toán học, khoa học lừng danh của Pháp là Blaise Pascal, René Descartes, những tín đồ Ki Tô Giáo, riêng Pascal rất mộ đạo.

            Dĩ nhiên đã nói đến dân chủ tư sản và cách mạng Pháp (1789), thì không thể không trưng dẫn 4 cự tướng trong nhóm Bách Khoa của Pháp là Denis Diderot, Montesquieu, Voltaire và Jean Jacques Rousseau. Đặc biệt là những tác phẩm Tinh Thần Pháp Luật (L’esprit de loi) của Montesquieu và Khế Ước Xã Hội (Le contrat social) của J.J. Rousseau. (8)

            Điểm 5, tức điểm cuối cùng của Phần V bài thứ 7 này nói về dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ông nhắc lại lời tuyên bố của Cộng sản: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ cao nhất trong lịch sử  loài người; dân chủ xhcn là triệu lần hơn dân chủ tư sản.” để phủ nhận: “Lịch sử đã chứng minh, thực tế không phải vậy.”

 

 NGUYỄN THANH GIANG VỚI

NHÂN QUYỀN VÀ DÂN CHỦ

Ở VIỆT NAM

Minh Võ

( Tiếp theo kỳ trước )

 Sang Phần VI, cũng là phần chót của bài thứ 7 về dân chủ, tác giả nêu tiêu đề: Dân Chủ cho Việt Nam.

            Một cách tóm tắt, tác giả cho rằng: Việt Nam  vốn là một nước có truyền thống dân chủ. Cho nên chỉ cần đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa đất nước.

            Chúng tôi xin trích chỉ một đoạn đầu của điểm 2 này để cho thấy tác giả đã mạnh bạo chỉ trích và lên án chế độ hiện nay, và cả ông Hồ như thế nào:

            “Các hình thái dân chủ, các sinh hoạt dân chủ đã xuất hiện trong lịch sử nước ta còn sớm hơn cả ở rất nhiều nước phương Tây. Tư tưởng dân chủ, tinh thần thượng tôn pháp luật đã nảy nở khá sớm và phát triển ngày một cao từ cổ đại, qua thời Bắc thuộc đến thời Pháp thuộc. Tiếc rằng tất cả đã chựng lại sau Cách Mạng Tháng Tám và ngày càng suy thoái trong chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

            Rồi ông nêu những sự kiện cụ thể để chứng minh:

            “Từ chỗ quyền sở hữu cá nhận được tôn trọng đến bị tước đoạt. Từ chỗ buôn bán làm ăn được tự do, đến ngăn sông cấm chợ. Từ chỗ báo chí tư nhân cũng được phát hành đến bị cấm tiệt. Từ chỗ đình chùa, đền miếu, nhà thờ....được xây dựng khắp làng bản, thôn trang, thị thành đến chỗ đây đó bị triệt phá tang hoang. Văn học hiện thực phê phán đang nở rộ hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan...bị bóp chết. Các tổ chức xã hội tự do: Hội Hướng Đạo, Hội Ái Hữu ...bị giải tán.

            “Luật pháp không những không tiếp tục được hoàn thiện mà bị phế bỏ! Trường Đại Học Luật đã được thành lập hồi Pháp thuộc bị đóng cửa. Nhiều luật gia giỏi bị đối xử tồi tệ.”

            Liền sau đó tác giả đã trưng dẫn Cicero của cổ La Mã và cả Marx để dựa vào đó đả kích không nương tay ngay chính “bác Hồ” thẳng thắn vạch ra rằng “bác” đã núp dưới bí danh CB để lên án Mỹ Quốc là nước xấu, tố cáo Mỹ không có dân chủ. vì ban hành quá nhiều đạo luật.

            “Chính từ đấy, ở Việt Nam đã hình thành một quan niệm phổ biến rất kỳ lạ: không luật pháp, không kỷ cương là dân chủ. Cho nên thấy người đi nghênh ngang giữa đường, bất chấp luật lệ giao thông người ta bảo dân mình được tự do quá trớn. Phóng uế bừa bãi nơi công cộng cũng là được tự do quá trớn. ...Học trò bất chấp nội quy học đường, con cháu nói năng trống không với ông bà cha mẹ cũng bảo là dân mình được dân chủ quá trớn....Cứ như là ân huệ của đảng của Cách mạng ban cho bị lạm dụng.”

            Với đoạn trích dẫn trên chúng tôi xin chấm dứt phần tóm lược những bài tương đối quan trọng hơn trong số 8 bài tham luận của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về Nhân Quyền và Dân Chủ. Những bài khác trong phần I và toàn bộ phần I I, xin để độc giả tìm đọc trong sách, một cách tiếp xúc thẳng với tác giả. Sau đây là vài lời nhận xét với tư cách một độc giả.

            Qua những tài liệu mà chúng tôi được đọc cho đến nay của những nhà khoa học  trong nước dám mạnh bạo lên tiếng phê bình chế độ như Hà Sĩ Phu, Lê Đăng doanh, Phan Đình Diệu, thì theo thiển ý Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang là người được tiếp cận nhiều nhất với Tây Phương, cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông cũng là người hơn ai hết cực lực chỉ trích lý thuyết Mác-xít, lên án chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa, dù nó ẩn náu dưới những từ lập lờ hư ảo như “nền chuyên chính vô sản triệu lần dân chủ hơn các nền dân chủ Tây Phương”.

            Có lẽ những lần tiếp xúc với giới khoa học Tây Phương, nhất là Mỹ như đã trình bày trong đoạn nói về những công tác khoa học tại Mỹ trong những năm 1991, 1996, đã cho ông nhiều cơ hội nghiên cứu thêm về nền dân chủ của Mỹ, mà ông đã ca ngợi trong bài về Dân Chủ. Những cuộc tiếp xúc qua sách vở cũng giúp ông làm quen với những nhà tư tưởng lớn của Tây Phương như Kant, Hegel, Pascal, Descartes, Diderot, Voltaire, Montesquieu, Rousseau v.v...Chẳng những thế ông còn nhắc cả  đến thuyết Sáng Thế trong Thánh Kinh thiên Chúa giáo, đến Khổng Tử, Mạnh Tử, và cả Lý Đông A, Nguyễn Gia  Kiểng. Một trong những đồng nạn nhân của sự đàn áp của ông là bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã được trân trọng và đặc biệt nhắc đến, có lẽ vì ông này đã chia sẻ quan điểm với ông về một quan niệm dân chủ của Hoa Kỳ.

            Nhờ có tiếp xúc và chứng kiến những thực tiễn tại chỗ, ông đã thâm phục nền dân chủ của Hoa Kỳ và hiểu rõ rằng đó chính là lý do tại sao Hoa Kỳ lại ổn định và phát triển cao, bền vững và lành mạnh như thế, suốt trên hai thế kỷ qua.

             Ông cũng đã hiểu rõ, tuy theo nguyên tự (etymologie) thì từ dân chủ chỉ có nghĩa là chủ quyền hay chính quyền, quyền lực thuộc về dân. Gốc Hy Lạp là Demos=dân, Cratos=quyền lực. Vì thế Rudent định nghĩa: Dân chủ là Quyền lực của dân.

            Nhưng vấn đề làm thế nào để dân có thể thực thi cái quyền của mình một cách tốt đẹp, để tất cả mọi người dân đều được hưởng phúc lợi. Nghĩa là phải tổ chức cơ quan nhà nước như thế nào? Nói đến  hình thức tổ chức thì ngay nay không thiếu những ví dụ cụ thể. Như các chế độ Quân chủ lập hiến, Cộng Hòa Nhân Dân, Dân Chủ Cộng Hòa, chế độ tổng thống, bán tổng thống, chế độ đại nghị v.v....Tất cả đều có tính dân chủ với mức độ  hiệu lực khác nhau.

            Nhưng  xét chung tất cả các hình thức dân chủ đó đều lấy nguyên tắc tam quyền phân lập của Montesquieu làm nguyên tắc căn bản. Các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp tách biệt và kiểm soát lẫn nhau theo những kỹ thuật pháp lý hữu hiệu để giữ thăng bằng quyền lực. Tóm lại là phải dựa trên các bộ luật được hưởng dẫn và chỉ đạo bởi một bộ luật tối cao là Hiến Pháp. Như vậy những chế độ dân chủ như thế thường được mệnh danh là dân chủ pháp trị.

            Tuy nhiên xét về thực tế, pháp trị không thể nào được thực hiện một cách hoàn  hảo nếu không được soi sáng bởi quan niệm nhân trị cổ xưa. Một hình thức chính thể dù được tổ chức cân bằng và khoa học đến mấy, nếu không được những nhân vật lãnh đạo có tư cách, đạo dức điều khiển thì dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng sai và gương xấu.

            Nhất là ngày nay càng ngày các chế độ dân chủ càng bị chi phối bởi truyền thông, báo chí, được nhiều người coi như đệ tứ quyền, sau hành pháp, lập pháp và tư pháp. Một đảng chiếm đa số cầm quyền, nếu họ có tiền, có phương tiện vượt trội, có thể mua chuộc báo chí để nắm ưu thế. Nếu ký giả không được giáo dục về đạo đức và tinh thần trách nhiệm thì sẽ dễ trở thành công cụ dưới quyền xử dụng bởi những chính khách thiếu tư cách, vô đạo...Đến lúc đó thì nền dân chủ sẽ bị tổn hại vì quyền lợi đích thực của đa số nhân dân không được bảo đảm. Xã hội sẽ trở nên bất ổn. Điều này sẽ làm cớ cho một chính quyền độc tài tái xuất hiện. Kinh nghiệm lịch sử Đông Tây đã chứng minh điều đó.

            Trái lại một chính thể phi dân chủ như chế độ Quân Chủ phong kiến của Trung Hoa cổ dưới ảnh hưởng của Nho Giáo lấy tam cương ngũ thường làm giềng mối cho xã hội, nếu gặp được những ông Vua Nghiêu, Thuấn, hay Đường Thế Tôn Lý Thế Dân thời Nhà Đường, hay như ở Việt Nam dưới thời các Vua Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tôn v.v... thì tuy là quân chủ theo Không Mạnh, nhưng vẫn được soi sáng, hỗ trợ bởi tinh thần dân chủ của Mạnh Tử (dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), thì dân vẫn được coi trọng và vì thế không bị đàn áp, bóc lột, xã hội an bình, thịnh trị.

            Xem ra tác giả Nguyễn Thanh Giang cũng đã thấu triệt những nguyên lý đó, khi ông trình bày nhiều quan điểm khác nhau về dân chủ và những cái lợi cái hại của những hình thức dân chủ khác nhau.

            Đối với những tác giả chống cộng đã từng nghiên cứu nhiều về Cộng sản thế giới và Việt Nam, thì những điều tác giả nêu lên về dân chủ tư sản so với cái gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa, không có gì lạ, mà nhiều chỗ còn bất cập. Nhưng đối với các nhà trí thức trong nước, thì quả đây là những phát kiến và đề xuất can đảm, đáng khâm phục. Ông cũng phải có một cái công, cái thế nào đối với một số nhân vật cầm quyền, và một ảnh hưởng quốc tế đáng kể nào đó mới dám lên tiếng một cách mạnh mẽ như vậy.

            Nguyên những hàng chữ đã được trích dẫn trong bài này có liên quan đến ông Hồ Chí Minh đủ nói lên điều đó.

            Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là, để tự vệ, và cũng để khỏi vào tù, hầu còn có thể phê bình, chỉ trích trong vòng hợp pháp, nhiều chỗ ông vẫn phải minh thị tỏ lòng cung kính đối với lãnh tụ hiện được chế độ thần thánh hóa. Nhiều chỗ ông cũng còn trưng dẫn ông Hồ để đả kích hành động phi dân chủ, hay đàn áp của nhà cầm quyền hiện thời.

            Dầu sao thì cuốn sách của ông cũng cho thấy là một trí thức nam nhi như ông không đến nỗi quá thua kém những chiến sĩ dân chủ phái nữ, chân yếu tay mềm, như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... trước đây, và bây giờ là những Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Hoàng Thị Anh Đào, Lê Thị Lệ Hằng, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thị Kim Thu, Vũ Thanh Phương, Đỗ thị Luyện, Thân Thị Giang, Trần Thị Tuyết (9) v.v.... và hàng trăm, hàng ngàn phụ nữ miền quê dám tụ tập tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng mỗi ngày để nói lên nỗi oan của mình và bằng hành động, ngồi lỳ, nằm lỳ như một thái độ chống đối bạo quyền “chuyên chính vô sản”. Họ là những dân quê hiền lành, không có trình độ để nói, để viết hay tham gia các tổ chức dân chủ, nhưng hành động của họ, thái độ quyết tâm, gan lỳ của họ cũng là nguyên nhân của những vụ đàn áp, bạc đãi, có trường hợp bị đưa đi đâu mất tích

            Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Trong trường hợp đàn ông kém chí khí thì đàn bà nổi lên trên! Là phái bén nhậy về tình cảm, phụ nữ trong nước bắt đầu thấy rõ những bất công, sự bóc lột giới nghèo, giới lao động, những kẻ thấp cổ bé miệng  của nhà cầm quyền nên họ không thể ngồi yên mà nhìn, hay chỉ dám đề xuất, kiến nghị, góp ý một cách khôi hài mà không làm gì để có chút thay đổi khả quan nào.

            Những cảnh trẻ con nhà nghèo ở nông thôn, và rất nhiều khu lao động tại thành thị, không có tiền cắp sách đến trường, hàng ngày lê la nơi những đống tác để kiếm thức ăn ôi, lượm nhưng bao nylon dơ bẩn đem về rửa sạch, bán lấy tiền mua thức ăn cho khỏi chết đói. Người ta bảo cảnh đó đã bớt so với 10 năm truớc. Nhưng hãy còn nhiều lắm.

            Rồi những cảnh thiếu nữ nhà quê lên tỉnh để bán dâm, hay tìm cách được bán ra nước ngoài làm điếm có vẻ càng ngày càng nhiều.

            Những cảnh đó dường như đánh động đến tim gan người phụ nữ mẫn cảm hơn tấm lòng khô cứng của nam giới?

            Phải chăng vì vậy ,mà càng ngày càng có nhiều phụ nữ bị bắt, bị đưa ra tòa với tội danh “tuyên truyền chống phá Nhà Nước”và nhiều phụ nữ khác chống đối ngồi lỳ ở vuờn hoa Mai Xuân Thưởng và những địa điểm công cộng khác?

            Một cuốn sách như tác phẩm của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đáng làm gương cho nam giới, nhất là trí thức, để tránh bị mang tiếng là nam nhi thua nhi nữ chân yếu tay mềm. Nhưng hành động của những Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài (10) còn đáng ca ngợi hơn. Trước thái độ ngoan cố gian xảo của Cộng Sản hiện nay, xem ra lời nói, chữ viết chẳng có hiệu quả bao nhiêu. Những cuộc đàn áp, bắt bớ, xử án theo luật rừng vẫn đang tiếp diễn, bất chấp lời cảnh cáo của các tổ chức phi chính phủ, và các chính phủ  Âu, Mỹ chứng tỏ điều đó.

            Đã đến lúc người dân trong nước phải hành động thay vì chỉ nói, chỉ viết suông chưa? 36 cuộc biểu tình lôi kéo hàng chục ngàn công nhân trong hơn một tháng qua có phải là dấu chỉ về những biến động tương lai khó tránh?

 Minh võ

Nam Cali ngày 11-5-07

             Muốn mua sách của Nguyễn Thanh Giang xin liên lạc với Tủ Sách Tiếng Quê Hương, địa chỉ: P.O.Box 4653, Falls Church, VA 22044. Giá 20 MK

            Tác giả Nguyễn Thanh Giang, trưóc khi bước vào tranh đấu cho Nhân Quyền và Dân Chủ từ 1997 đã có 3 tác phẩm: Những Mầu Quặng Dọc Đường (1976),Mặt Trăng (1978) và Từ Trường Trái Đất (1989)

                       Chú Thích:

            (1)  Nhà thơ, em ruột khoa hợc gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Sau 1954 bà đã ở lại miền Bắc Cộng Sản cùng với mẹ. Bà đã không sợ sự theo rõi canh chừng của Công an, lui tới tận tình giúp đỡ gia đình nhà văn phản kháng Bùi Ngọc Tấn, tác giả Chuyện Kể Năm 2000, khi ông bị đi tù về và đã được ông dành một chương sách trong cuốn Viết Về Bè Bạn để nói lên lòng biết ơn.

            (2)  Trong một bài mới viết đầu tháng 5 này (không có trong tập sách), ông còn thẳng thắn phê bình việc xây lăng ông Hồ qua sự so sánh chí lý như sau:

            “Ở nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ, mộ chiến sĩ vô danh được xây to hơn, lễ nghi viếng gác trang trọng hơn nhiều mộ các nhà lãnh đạo quốc gia. Trong khi ở Việt Nam, từ lúc đất nước còn rất nghèo, nhân dân còn đói khổ, người ta đã đổ ra không biết bao nhiêu tiền của để xây và duy trì, bảo dưỡng lăng Hồ chủ tịch mà mãi sau đó lâu lắm mới dựng được cái đài liệt sĩ quốc gia bé tý.”  (Xin xem bai Hãy Cảnh Giác của tác giả, được phổ biến ngày 1-5-07)

            (3) Emmanuel Kant (1724- 1804), triết gia lớn người Đức, có thể coi như một thứ cha đẻ của thuyết Duy Tâm, với hai tác phẩm để đời: “Critique de la raison pure” (Phê Bình về thuần lý) và  Critique de la raison pratiqe (Phê bình về thực lý). Ông từng được cho là người cùng với Aristote của Hy Lạp và Khổng Tử của Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn đến nền văn minh thế giới. Cũng như Wilhem Friedrich Hegel (1770-1830), một triết gia Duy Tâm khác của Đức với danh ngôn “Tư Duy điều khiển thế giới” (La Pensée dirige le monde) và với biện chứng pháp duy tâm được thu gọn trong công thức Đề, Phản Đề, Tổng Đề, Kant đã làm cho Karl Marx xoay xở khó khăn với biện chứng pháp duy vật của mình. Tuy không phải là nhà toán học hay thiên văn nổi tiếng, nhưng  thuyết Copernic của Kant đã ảnh hưởng đến tư tưởng và góp phần vào thành tích của nhà toán học, kiêm vật lý, kiêm thiên văn nổi tiếng của Pháp Pierre-Simon marquis de Laplace (1749-1827).

            (4) Lý Đông A (sinh 1920- mất tích 1946, nhiều người nói bi Cộng Sản thủ tiêu), tên thật là Nguyễn Hữu Thanh, thường được biết dưới bí danh X.Y. Thái Dịch Lý Đông A. Ông là đảng trưởng đảng Duy Dân phát xuất từ thuyết Duy Nhân của ông, lấy Con Người làm trung tâm. Trong tác phẩm Huyết Hoa ông viết về Cộng Sản: “Bây giờ đây... là lúc chúng ta chiến tranh với hết thảy những thế lực đen tối trong xã hội. Đấy là lá cờ Búa Liềm.” (Xin xem thêm trong Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư của Minh Võ, tái bản năm 2004, trang 586-587)

            (5) Vì điều này mà bác sĩ Phạm Hồng sơn bị bắt nbỏ tù. Xin xem nội dung được tác giả ghi đầy đủ nơi trang 115-116.

            (6)  Sáng Thế (Genesis) là cuốn đầu của bộ Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo.

            (7) Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng từng được coi như linh hồn của Nhóm Thông Luận, sau trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (năm 2000), một tổ chức chính trị tương đối nhỏ, không có ảnh hưởng nhiều ở hải ngoại, nhưng đã chứng tỏ là có một đường lối rõ rệt được văn bản hóa như một cương lĩnh chính trị, nên lại được giới trí thức trong nước biết đến nhiều. Ông là tác giả cuốn Tổ Quốc Ăn Năn từng gây tranh luận sôi nổi trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại. Cuốn sách trên 600 trang này đã được giáo sư Nguyễn Ngọc Phách dịch ra tiếng Anh: Whence...Whither... Vietnam? (Paris 2005).

            (8) Denis Diderot (1713- 1784), Francois- Marie Arouet de Voltaire (1694-1778), Charles de Secondat, baron de Montesquieu (1689- 1755) và Jean Jacques Rousseau (1712- 1778), 4 cự tướng trong nhóm Bách Khoa trong đó nổi tiếng nhất là Diderot (người đã cùng với nhà tóan học Jean le Rond d’Alembert, là tác giả của hầu hết 71, 818 mục của cuốn Bách Khoa Từ Điển) thường được coi như những người có tư tưởng dân chủ tiến bộ nhất, ảnh hưởng quyết định đến cuộc Cách Mạng tư sản 1789 ở Pháp. Hai người đầu (Diderot và Voltaire) đều  theo học các linh mục Dòng Tên (Jesuites), nhưng đã trở thành những người phê bình kịch liệt tư tưởng độc đoán của Giáo hội Công Giáo và cổ võ cho những thay đổi xã hội cấp tiến.

            (9) Ba người phụ nữ cuối cùng trong danh sách vừa nêu đã được nhà văn Trần Khải Thanh Thủy gọi là “Ba Bà Đi Mắng... Lợn To”, là 3 trong số khoảng hai chục phụ nữ nằm lỳ trong vườn hoa Mai Xuân Thưởng để khiếu nại về những nỗi oan ức bị công an săn đuổi và hót vào tù trong dịp Tết vừa qua. Các bà đã lớn tiếng kêu oan và la làng trước tư dinh 3 ông Đỗ Mười, Nguyễn Tấn Dũng và ,Nguyễn Minh Triết. Họ kêu gọi lương tâm và trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với những nỗi oan của người dân thấp cổ bé miệng thường bị bịt miệng và đàn áp.

            (10) Ngày 11.5.2007, Luật sư Nguyễn Văn Đài bị kết án 5 năm tù giam và 4 năm quản chế, và luật sư Lê Thị Công Nhân 4 năm tù giam, 3 năm quản chế. Và hôm trước, ngày 10.5.2007, các ông Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Nguyên Đạo bị kết các án 5, 4, và 3 năm tù và 2 năm quản chế cũng vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước", chiếu điều 88 trong Bộ luật Hình sự.

            Riêng cô Lê Thị Công Nhân là một luật sư trẻ, mới 28 tuổi đã từng nói: “Là trí thức không sống hèn, sống nhục. Cơm áo giầu sang đâu đổi được tương lai”. Cô đã được những bậc đàn anh như Nguyễn Khắc Toàn, hay cha chú như Vũ Cao Quận không tiếc lời ca ngợi. Một công nhân “Ông Nguyễn Hà Tịnh, Việt kiều ở Portland, Or, Hoa Kỳ, không bằng cấp, không đảng phái, sau một chuyến vè thăm quê hương đã được gặp cô tại nhà ông Nguyễn Khắc Toàn . Sau khi về Mỹ ông đã gửi về qua Intertnet bài thơ có những vần sau đây:

            Tôi gặp chị ngày đầu xuân Hà Nội

            Dáng  liễu mềm, giọng nói khẽ êm nhung

            Mắt đen buồn vời vợi cõi mông lung

            Khi nhắc đến người dân cùng khốn khổ

            Người trí thức không cam làm chó nhỏ

            Ngục tù nào ngăn nổi bước chân đi

            Lấy quyền người soi rọi cõi âm ty

            Dù thân chị rơi vào tay ngạ qủy

            Trên chuyến bay tôi trở về nước Mỹ

            Lời chị còn vang động mãi bên tai:

            “LÀ TRÍ THỨC KHÔNG SỐNG HÈN SỐNG NHỤC

            “Cơm áo giầu sang đâu đổi được tương lai!”

                        Trích bài báo của Nguyễn Khắc Toàn., phổ biến đầu tháng 5-07