Nhà Văn Hoàng Tiến

Về việc ông Nguyễn Thanh Giang bị bắt

Kính gửi:     Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhà khoa học Địa–vật lý Nguyễn Thanh Giang đã bị bắt chiều ngày 04-03-1999. ông là tác giả của nhiều bài viết gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam nói về đường lối phát triển đất nước, về kinh tế, về khoa học, về giáo dục, và nhất là về tổ chức một xã hội dân chủ, tôn trọng quyền làm dân, quyền làm người, những quyền đã được pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước ghi nhận.

Vậy mà vừa rồi ông đã bị bắt. Tuy báo đài không đưa tin, chỉ là tin truyền miệng, nhưng gia đình ông Giang đã thừa nhận. Vậy là việc đó có thật. Và điều đó chỉ chứng tỏ thêm một lần nữa, chúng ta vẫn tiếp tục chính sách bạo lực đàn áp trí thức.

Truyền thống của cha ông ta vốn tôn trọng kẻ sĩ. Kẻ sĩ là nguồn hiền tài của đất nước, là chính khí của quốc gia. 82 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu còn ghi khá rõ.

Truyền  thống của cha ông ta lấy hoà làm quý. Nhiều đình làng còn treo bức hoành: “ Dĩ hoà vi quý ”, ghi nhận và tôn thờ cung cách ứng xử của tổ tiên. Nhờ thế mà cả nước một lòng, tạo thành một sức mạnh dời non lấp biển.

Truyền thống của cha ông ta là “ nhiễu điều phủ lấy giá gương ”, “ gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ”. Vì thế mà vua Trần Nhân Tông sau hai lần thắng giặc ngoại xâm, đã cho đốt những giấy tờ bắt được của các quan lại nhà Trần tư thông với giặc. Nhờ thế mà mọi người dốc sức toàn lực vào công cuộc kiến thiết nước nhà.

Ngược lại, chúng ta đã cư xử với trí thức như thế nào? Không kể cái khẩu hiệu của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nêu: “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, mà ta đã thấy nó tả khuynh, ấu trĩ, giáo điều, từ lâu đã phế bỏ rồi. Nhưng người trí thức ở chế độ ta vẫn không được tin dùng, không được quý trọng, không được giao công việc theo đúng khả năng. Họ luôn luôn bị nghi ngờ, bị theo dõi và bị vô hiệu hoá. Xin đơn cử những dẫn chứng:

1 -  Luật sư hai bằng tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, chỉ vì phát biểu ở Mặt trận Tổ quốc, nhân sai lầm của cải cách ruộng đất, yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ ( cuộc họp ngày 30-10-1956 ); mà ông bị vô hiệu hoá, mất dần các chức vụ. ông bị bao vây, cô lập, đến mức muốn dậy tiếng Pháp kiếm tiền nuôi gia đình, cũng không có ai dám đến học. Trước khi chết, ông viết cuốn hồi ký “Người bị đuổi khỏi cộng đồng” (Un Excommunier, xuất bản ở bên Pháp), có những lời tự bạch in ở trang bìa 4 rất đỗi thương tâm: “Nếu người ta đẩy sự việc tàn bạo bắt tôi phải chịu, cũng như cách đã đối xử với những trí thức khác bị kết tội bôi xấu chế độ, tôi chờ đợi không lùi bước trước những thử thách mà tôi biết là rất nặng nề. Tôi đã quyết định, nếu tình huống đó xảy ra, tôi sẽ tuyệt thực cho đến khi tôi chết. ở tuổi 84 này, tôi đã hiểu rõ những điều tốt đẹp cùng những việc xấu xa của cuộc đời, và tôi không một chút nuối tiếc khi từ giã cuộc đời này, cuộc đời suốt thời gian cùng nó tôi đã làm đầy đủ trách nhiệm của một trí thức trước nhân dân và trước lịch sử ”

2 -  Giáo sư Trần Đức Thảo, nhà triết học Việt kiều ở Pháp, tự nguyện rời bỏ cuộc sống Paris hoa lệ, tìm lên Việt Bắc, để được hoà mình vào cuộc chiến đấu gay go gian khổ cùng dân tộc. Hoà bình lập lại ( 1954 ) ông bị phê phán trong vụ Nhân văn Giai phẩm, bị vô hiệu hoá kéo dài. Cuối đời, đau ốm, được cho sang Paris chữa bệnh và chết ở bên đó. Pháp làm ma to. Trớ trêu là bên ta cũng làm truy điệu rầm rĩ, tỏ lòng thương tiếc. Nhưng khi tro hài cốt của ông đưa về Việt Nam, thì bị bỏ nằm hàng tháng ở gầm cầu thang nhà tang lễ Phùng Hưng, vì không có người nhận.

3 - Giáo sư Nguyễn Khắc Viện, người trí thức yêu nước, Đảng viên Đảng Cộng sản, cũng từ bên Pháp về, rồi vì viết bài         “ Cuộc kháng chiến mới ” mà bị vô hiệu hoá, mất chức giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn. Cuối đời, ông đi vào thiền, tìm sự yên tĩnh trong tâm khảm, với lời tuyên bố xanh rờn: “ Dù ngày mai họ có đến bắt tôi, tôi vẫn giữ được lòng yên ổn không xao động ”.

4 - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã một thời làm phó chủ tịch Quốc Hội, rồi chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , trước khi chết cũng đã ngán ngẩm nhận ra thân phận mình chỉ là cây cảnh ( trong Nam gọi là Kiểng ) .

5 - Nhà văn nữ Dương Thu Hương bị bắt giam 7 tháng trời, vì những cuốn sách và những lời phát biểu thẳng thắn, không e dè, đối với những việc làm sai trái của lãnh đạo. Hiện nay chị vẫn bị bao vây, cô lập. Những bài viết và tiểu thuyết của chị không một nơi nào trong nước dám in.

6-  Nhà khoa học Nguyễn Xuân Tụ, bút danh Hà Sĩ Phu, ông là người Việt Nam đầu tiên có những bài viết mang tính học thuật phê phán chủ nghĩa Marx, cùng đề xuất với lãnh đạo nhà nước về đổi mới tư duy. Những bài : “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “ ý kiến của một công dân ”, “ Chia tay ý thức hệ ”... Đáng ra , được tạo điều kiện làm việc tốt, ông có thể tiến tới những công trình triết học có giá trị cho thời đại, làm rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam. Tiếc rằng nhà nước đã bỏ phí nhân tài. Ông bị đàn áp, bị bắt giam 12 tháng tù với cái tội danh vu vơ “ làm lộ bí mật quốc gia ”.

7-  Nhà toán học Phan đình Diệu, uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng chỉ vì mấy bài phát biểu về tình hình đất nước, mà cũng bị vô hiệu hoá, các chức vụ đang giảm dần.

8 - Gần đây việc quản chế các nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu dao Bảo Cự theo nghị định 31/CP đã gây nhiều điều tiếng rất không hay. Thế giới đã tố cáo phản đối. Trong nước nhiều người đã gửi thư cho Quốc hội đề nghị huỷ bỏ nghị định trên vì nó vi phạm hiến pháp, vi phạm luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Đối với nhân loại thì nó vi phạm quyền con người của công pháp quóc tế. Việc quản chế khá là bất nhân. Cắt điện thoại, bao vây thư tín, không cho ai đến thăm, hàng ngày phải lên công an phường ngồi viết kiềm điểm. Nhà thơ Bùi Minh Quốc viết giấy xin phép chính quyền cho đi ăn giỗ bố vợ ở ngay Đà Lạt mà không được. Vợ anh dắt đứa con 10 tuổi về ăn giỗ, mọi người hỏi bố cháu đâu? sao không về? Chị chỉ còn biết khóc. Sự việc thật nhỏ, nhưng nó động chạm đến cõi tâm linh sâu thẳm của người Việt Nam. Nó đã khiến cháu bé 10 tuổi phẫn uất thốt lên:” Họ thật dã man! Cứ bảo bố cháu về! Sợ gì họ!”

Nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn Bảo Cự đều là những chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, có những đóng góp, và có tên tuổi rên văn đàn.  

9- Nhà khoa học tâm linh, giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, giảng dạy vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có những công trình nghiên cứu về tâm linh học nổi tiếng thế giới và trong nước. Ông làm đơn xin ra khỏi Đảng, để phản đối việc Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cấm phổ biến sách của ông và cấm các nơi không được mời ông đến thuyết giảng. Ông còn tố cáo việc họ định tổ chức lấy cắp bản thảo công trình của ông và 6 lần định mưu sát ông.

10- Xin lấy dẫn chứng ngay trường hợp bản thân. Trong một buổi học tập nghị quyết và góp ý kiến với Đảng của Hội Nhà Văn ( ngày 30/11/1996) tôi đã phát biểu bằng văn bản hẳn hoi đề nghị cho báo chí tự do, thực hiện đúng điều 69 ghi trong Hiến pháp về quyền công dân. Thế là tôi bị rầy rà. Càng viết thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước càng bị gây phiền hà. Cắt điện thoại, bao vây thư tín. Bạn bè đến chơi bị đe doạ. Tác            phẩm không được in. Có lần còn gửi những tài liệu phản động đến nhà tôi, rất may là tôi đã gửi trả lên Bộ Công an.

Nhìn một cách tổng quát thì những vụ án Hát-Xăng-vanh-đơ  ( H122, thời Việt Bắc chống Pháp ), vụ án Nhân văn Giai phẩm, vụ án Xét lại chống đảng... những nạn nhân đều rơi vào những phần tử trí thức. Thành ra cái khẩu hiệu của một thời Xô Viết Nghệ Tĩnh hình như vẫn còn lởn vởn đâu đây.. Người trí thức có những suy nghĩ độc lập, dễ trở thành đối tượng bị đẩy sang phía thù địch. Bác Hồ thường nói thêm bạn bớt thùbiến thù thành bạn, mà chúng ta do ý thức cảnh giác quá cao cứ đẩy bạn thành thù và thêm thù bớt bạn.

Nói cho đúng thì chính quyền chỉ muốn những người trí thức phục tùng, ngoan ngoãn , dễ bảo. Những trí thức sẵn sàng chứng minh ngô, khoai bổ hơn lúa gạo, chỉ vì hồi đó chúng ta thiếu gạo đang phải ăn độn ngô khoai. Những trí thức ca ngợi sáng kiến đổ thêm nước lã vào xăng, chỉ vì ta lúc ấy thiếu xăng. Những văn nghệ sĩ ca ngợi hợp tác hoá nông thôn, ca ngợi cấy dầy lên án cấy thưa, ca ngợi việc xếp hàng mua thực phẩm... vân vân và vân vân.

Thời gian trôi qua đã thành câu hỏi: Những hạng trí thức ấy phỏng có ích gì cho sự tiến bộ của cộng đồng?

Nhìn bề ngoài thì hạng sĩ quân tử và hạng sĩ tiểu nhân khó phân biệt. Nhưng họ khác nhau một trời một vực. Một đàng lấy sự làm đẹp lòng chính quyền để leo bậc thang danh vọng, cốt vinh thân, phì gia là mục đích cuối cùng. Một đằng lấy cốt cách cá nhân ( phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất ) làm thước đo phẩm giá, coi sự phát triển của cộng đồng làm chuẩn đích ở đời.

Các triều đại hiển hách trong sử sách thời Lý, thời Trần, thời Lê đều xuống chiếu cầu lời nói thật. Trong triều chính đều lập chức quan giám nghị đại phu, được quyền can gián bắt bẻ những lỗi của nhà vua. Nhờ thế mà nhiều triều đại tồn tại hàng mấy trăm năm. Mở rộng ra các nước văn minh hiện đại, họ tổ chức các đảng đối lập, hoặc cho báo chí tự do, có quyền chỉ trích phanh phui những sai lầm của chính phủ. Nhờ thế mà họ mạnh lên, chứ họ đâu có yếu đi.

Kẻ sĩ là bộ phận nhạy cảm nhất của cộng đồng. Họ phải làm cái công việc của giám nghị đại phu ngày xưa, lại phải làm cái công việc dự báo khoa học ngày nay, nghĩa là chỉ ra những hiểm hoạ cùng những thuận lợi trên con đường đi tới của cộng đồng. Nghèo khó không làm họ sờn lòng, giàu sang không khiến họ đổi thay, uy vũ không khuất phục được họ. Thiên chức của người trí thức là như vậy. Nếu để rơi thiên chức này, họ không còn là trí thức nữa.

Sách xưa viết “trung ngôn nghịch nhĩ” ( lời nói thật làm người ta khó chịu). Nhiều vụ án oan uổng cũng chỉ vì cái tội này. Chúng tôi nghĩ chính quyền bắt ông Nguyễn Thanh Giang thì sẽ có một ông Nguyễn Thanh Giang khác. Nếu bắt hết các ông Nguyễn Thanh Giang, thì lại có những trí thức khác làm cái công việc của ông Nguyễn Thanh Giang, vì cuộc đời vẫn cần giai tầng trí thức.

Bạo lực không giải quyết được vấn đề. Vậy phải làm thế nào? Trên thế giới các nước nổ súng bắn nhau, rồi còn ngồi vào bàn thương lượng. Vậy thì trong một nước, sự khác biệt ý kiến, sao lại không thể ngồi bàn bạc cùng nhau. Tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, chỉ có lợi, vì tất cả chỉ mong đất nước phát triển, thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu, tiến lên ngang hàng với các nước văn minh , tiến bộ của hành tinh.

Các thể chế rồi sẽ qua đi, cái còn lại là dân tộc, là đất nước.

Chúng ta đang nắm quyền hành ( Đảng ta là Đảng cầm quyền). Chúng ta cũng nên biết sợ với đời sau, với hậu thế. Hậu thế sẽ phán xét. Hậu thế sẽ định công, luận tội. Mà cũng chẳng cần phải chờ đợi lâu la gì. Nhiều sự việc đã xẩy ra trước nhỡn tiền rồi. Lịch sử đang sang trang. Lịch sử rất công bằng.

Tôi rất mong các nhà lãnh đạo Việt nam ngừng chính sách bạo lực đối với những người khác biệt ý kiến với mình. Gần đây chúng ta thường nói: Phát huy truyền thống dân tộc, giữ gìn đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy cụ thể trong lĩnh vực trị nước là những điều gì ?

-         Truyền thống và bản sắc dân tộc là tôn trọng kẻ sĩ.

-         Truyền thống và bản sắc dân tộc là dĩ hoà vi quý.

-         Truyền thống và bản sắc dân tộc là nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng.

Rất mong các nhà lãnh đạo Việt nam hãy làm được những điều mình nói. Đừng để xảy ra cái cảnh : gà cùng một mẹ cứ hoài đá nhau.

Xin kính chúc các vị lãnh đạo sức khoẻ cùng lời chào trân trọng.

                                          Hà nội ngày 16 tháng 3 năm1999.

                                        Hoàng Tiến

                                                         Nhà A11, phòng 420

                                                                  Thanh xuân Bắc, Hà nội.

                                                                     Điện thoại: 5 530377