HÀI KỊCH “ ĂN CHẶN ĐÔ LA ”
VÀ KHÚC BI TRÁNG “ CHUYỆN BA NHÀ ”

1. Một vụ việc được mở màn.

Báo Đất Việt ngày 6-12-2008 đưa tin ngày 5-12-2008 Tổng cục An ninh cho biết sắp khởi tố vụ án “ Tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa ”.

Cùng ngày 6-12, nhiều tờ báo của Đảng đồng loạt đưa tin liên quan đến vụ việc này. Một chiến dịch truyền thông tuồng như đã mở màn. Không biết có còn tiếp tục hay hô to một tiếng rồi im bặt ?

Đọc qua một lượt các tờ báo này thì lại thấy đề cập đến vụ án đã nêu chỉ rất sơ lược trong khi xóay vào ông Thanh Giang, một nhân vật nổi trội trong cái gọi là “phong trào dân chủ ”. Nội dung những cáo buộc có thể tóm lược:

Ông Thanh Giang làm tờ Tổ Quốc để làm tiền nước ngoài; ông Thanh Giang khi trung chuyển đô-la từ nước ngoài có ăn bớt của anh em; ông Thanh Giang cấp tiền cho các nhóm của ông ở các tỉnh… Các báo không nói gì về mối liên quan trực tiếp của ông Giang với vụ việc các nhóm treo băng, biển ở các nơi.

Theo các bài viết của nhiều người, cả của ông Thanh Giang, thì ông bị khám nhà, tịch thu tài liệu, bị Công an thẩm vấn nhiều ngày…

Mọi chủ trương biện pháp của cơ quan chức năng đều rất kín, sự việc lại mới mở màn, mọi người chỉ có thể tìm hiểu dần dần. Lúc này, nếu có thể làm được thì cũng chỉ là tìm hiểu và suy đoán.

Với tấm lòng ngay thẳng và vì lợi ích chung, hãy cùng nhau lên tiếng về vụ việc này.

2. Trò chuyện với ông Thanh Giang. .

Ông hỏi tôi: Sự việc sẽ đi đến đâu?

Tôi trả lời: Người ta gọi ông là “ đội lốt dân chủ ” nghĩa là “ phản động giả ”. Nhiều người được gọi là dân chủ thực, phản động thực, người ta còn chưa động đến kia mà. Người ta bảo ông ăn chặn đô-la nhưng người gửi, người nhận không ai tố cáo ông thì Nhà nước can thiệp theo lối nào. Còn chưa ai nghĩ đến việc ông bỏ tiền nhà hay quyên góp để nuôi phong trào phản động đâu …Cho nên ông chuẩn bị ra tòa, e là một việc thừa. Nếu ông chưa tin thì cũng hãy cứ nên yên tâm mà quan sát đã.

Ông hỏi tôi: Họ có cấm tờ Tổ Quốc không?

Tôi trả lời: Khả năng cấm không nhiều, tập san Tổ Quốc tồn tại đến 54 số, hơn hai năm, như vợ chồng cưới chui, đã sinh con đẻ cháu, lôi chuyện cũ ra làm gì? Cấm tờ này thì phải cấm 3, 4 tờ báo khác, việc nhỏ thành việc to. Là tờ báo mạng, có khi luật pháp đối xử khác với báo in. Xử sai phạm đường lối ư ? Về nội dung thì báo không kích động, không chia rẽ, không có tin thất thiệt…không vi phạm luật hình sự, có chăng vi phạm hành chính ở chỗ nó không có phép…Hơn nữa, xử một ấn phẩm phải đi sâu từng câu, từng chữ để tìm sai phạm…rồi còn phải bình luận, tranh cãi. Có thể trước đã lờ đi thì nay nên “đánh chữ đại xá”. Và đã biết đâu: Tổ Quốc còn có thể được lợi dụng để làm cái “ hạt đẹp ” trang trí cho cái bộ mặt toàn trị bớt “ mặt sắt đen sì ” và như vậy may chăng dễ coi hơn chút xíu …

Ông lại hỏi tôi: Thế sao lại có việc lôi thôi vừa rồi?

Tôi trả lời: Ông không xưng hùng xưng bá nhưng lúc nào cũng hành động như một người đấu tranh dân chủ hàng đầu ở Việt Nam. Người ta làm việc gì ông cũng thọc, cũng khía, chê bai, trách cứ, răn dạy,…Ông phê phán, chỉ trích đích danh cả những người “ vĩ đại”. Người ta không thể không điên tiết lên mà ra tay “ cho ông một bài học ”. Họ muốn đánh ông theo cái bài bản của người Tàu: “ đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định ”.

Tôi rào đón: Đây là đoán định, có thể đúng, có thể sai. Ông vui vẻ tỏ ra độ lượng với tôi.

3. Ông Thanh Giang với tờ Tổ Quốc và đồng đô-la.

Các báo nói ông Giang nhận 125 triệu đồng để làm tờ Tổ Quốc, có bớt xén. Có hai người tôi gặp, họ cười ngất và chê các báo “nói sai”. Họ nói: Ra đến 54 số rồi thì tiền tỷ chưa chắc đã đủ. Ông Giang có biển thủ được tất cả thì cũng chỉ mua được 5m2 đất chứ mấy ( ý họ muốn so sánh với các quan tham của Đảng )…Kinh nghiệm bản thân: Tôi viết quyển sách nhỏ, in mấy lần, vài ba trăm quyển đã mất 6-7 triệu. Sách ông Giang viết, in gấp 5-6 lần tôi.

RFA đưa tin: Ông Phạm Hồng Đức đi từ nhà ông Giang ra, mang theo 100 tờ Tổ Quốc đưa về Nghệ An bị Công an bắt. Việc này nhờ Công an xác minh. Cũng có thể giả định, nếu đúng thì 100 tờ Tổ Quốc tính ra đã gần 800 ngàn đồng còn gì. Báo Công an Nhân dân liệt kê một danh sách gồm nhiều nhà báo, có người đã cầm bút đến 50, 60 năm, nhiều người có tên tuổi, hiện nay có người nghèo nhưng chưa ai sắp chết đói…Thế mà báo viết rằng mỗi người được chia vài trăm ngàn đồng (!). Tôi được nêu tên trên cùng. Tôi vừa buồn cười vừa giận người viết quá non kém và bừa bãi. Chỉ riêng bài báo tôi đang viết đây, đi lại chi tiêu 3-4 trăm ngàn vẫn chưa xong.

Chuyện tiền nong như vậy nghe kỳ quái lắm, không hiểu nổi, không tin được. Đành phải giải đoán thế này: Cuộc đánh gồm khám nhà, thẩm vấn, gây chuyện, chẳng qua mục đích là để hăm dọa, khủng bố, “ hãm phanh “ ông Giang. Khi khám nhà bỗng chộp được một số giấy tờ về tiền nong, cách đánh được điều chỉnh: “ Đội lốt Dân Chủ . Ăn chặn đô la ”. Tiền bạc vốn là cái chỗ chết của các chính khách. Bao nhiêu Tổng thống, Thủ tướng đều bị lột áo, vô khám vì đồng tiền. Chuyển hướng kịp thời, mũi nhọn tấn công cần thay đổi, và hý hửng rằng phen này Giang tan xác là cái chắc. Tiếc thay khi đếm từng tờ, cộng từng món, thì số tiền ít quá. Đáng lẽ phải trở lại cách cũ thì thoát, nhưng bảo thủ thành ra như một đạo quân xuất kích mà hết lương khô, hết đạn … Thế rồi lấy lời văn thay cho con số, gây thêm “ép phê ” bằng cách nửa mở, nửa úp ….. Thật là dở khóc, dở mếu! Tiến lên không được, rút lui không xong, khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào. Bây giờ, lờ đi im tịt, có khi là lối thoát duy nhất cho mà xem, như chưa đánh đã thua. Giá cứ theo đúng nghề nghiệp: đưa các sự việc, khêu gợi sự chú ý của mọi người và chờ sau phiên tòa sẽ kết luận,…thì hay biết mấy!

4. Ông Thanh Giang với việc trung chuyển đô-la

Ông Giang nhận tiền nước ngoài về rồi giao cho anh em. Các báo ghi bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu số tiền, …. Các liệt kê này tuy vô nghĩa nhưng rất nguy hiểm. Nó gây ra nhận xét lệch lạc: Ông Giang nhận nhiều tiền lắm …. nhiều thì xoay sở được là cái chắc!

Đáng lý phải chia ra các khoản: Tiền do bên ngoài cung cấp chi tiêu cho việc chống phá; Tiền cứu trợ cho những người đấu tranh; Tiền các cá nhân được giải thưởng … Việc này làm rõ rất khó, nhưng nguyên tắc phải thế … chưa làm được khoản nào thì phải để lại. Hơn thế nữa,còn phải phân định ra: khoản nào Nhà nước can thiệp, khoản nào của dân thì dân phải đứng ra kiện cáo … Và, trên hết tìm tội phạm hình sự: Chiếm đoạt tài sản người khác, chống phá Nhà nước …

Liệt kê cái khoản tiền trung chuyển, chỉ là một việc làm vô nghĩa về mặt pháp lý, có thể chỉ để gây dư luận, gây nghi ngờ, thương tổn danh dự công dân bằng cái cách vu cáo mập mờ .

Có một vài người xem xét, suy nghĩ về việc này, không ai thấy dấu hiệu bớt xén, chiếm đoạt … Chỉ có thể nghĩ rằng là ông Giang làm việc trung chuyển đồng đô la vì ông có điều kiện, ông muốn giúp mọi người, ông muốn làm tốt cho cái điều mà ông ưa thích. Cái mặt trái mà chúng tôi nghĩ tới, cần phải xem xét thêm, chưa thể kết luận: Phải chăng ông Giang cũng muốn khẳng định vai trò của mình trong cái mà ta gọi là “Phong trào Dân Chủ ” bằng cách chi phối đồng tiền, tức là nắm cái dạ dày của phong trào.

5.Tờ Tổ Quốc với cộng đồng

Trong cái sôi sục hiện nay người ta nói nhiều đến tờ Tổ Quốc. Nghĩ nên có đôi dòng về tờ báo.

Thế là tờ báo Tổ Quốc đã tồn tại hai năm bốn tháng, với 54 số, không một số lỡ hẹn, 32 trang khổ A4 .

Đánh giá một tờ báo ai cũng nghĩ đến người chủ xướng, đội ngũ các cây viết. Người có kinh nghiệm thì chỉ đọc, suy ngẫm và đánh giá từng bài, từng mục để có cái đánh giá chung .

Số người đọc tăng, biểu hiện bằng số người săn đón, nhiều người tự in thêm,… Có người nói: Nếu ta tách các phần của Tổ Quốc theo từng chủ đề lớn: đối ngoại, chống tham nhũng, cải tạo nhận thức xã hội, vấn đề biên giới, hải đảo … sẽ thấy chúng khá sôi động vào các vấn đề lớn của đất nước; đã có cái gì bổ ích cho người đọc … Các cá nhân nổi tiếng đã có nhiều người góp ý cho chúng tôi, phê phán chúng tôi, chúng tôi coi đó là phần thưởng cao nhất ….

Thôi ! Ai muốn gọi tờ báo Tổ Quốc là tờ báo chui, tờ báo lậu, tờ báo phản động chúng tôi cũng đành chịu . Chỉ xui nên tìm đọc để thấy nó tỉnh thức như thế nào. Hơn 50 năm trước đây Cộng hoà Dân chủ Đức xem xét việc kết nạp ông Trần Huy Liệu vào Viện Hàn lâm … đã cử sang hai nhóm chuyên gia đọc hết các bài báo từ hồi Pháp thuộc của ông Liệu . Họ đã kết luận: Ông Liệu không viết bài báo nào vì “cảo phí” (từ cũ chỉ nhuận bút), vì bản thân, mà tất cả cho cộng đồng. Chúng tôi đang cố noi theo con đường của ông. Đấy, báo chí cộng sản thời cha ông chúng ta như thế.

Tập san Tổ Quốc có tính chống đối không ? Có phản động không? Chưa thấy có ai, có tổ chức nào làm việc xem xét này và viện dẫn một cách nghiêm túc. Không đọc nó nghiêm túc mà phê phán nó, quy chụp nó thì khác nào “ đấm bốc ” trong đêm. Thật là vung mạng !

Còn tiền nong, nếu không bị phanh phui, có lẽ cái nghi ngờ còn dai dẳng. Ai cũng cho rằng tờ tập san Tổ Quốc gặp nạn, ai ngờ trong cái rủi lại có cái may to lớn. Mặc dù tự biết còn nhiều thiếu sót, nhưng qua đây, chúng tôi có thể hoàn toàn bác bỏ hai cáo buộc vô lối: Làm tập san Tổ Quốc để làm tiền, làm tập san Tổ Quốc để chống phá.

6. Đọc lại một bài báo

Ngày 6-12-2008, nhiều báo đều đưa tin về vụ việc này. Na ná như nhau cả thôi. Một tiếng động ban đầu gây tiếng vang, tiếng vang cứ thế rền rĩ kéo dài … Muốn tìm hiểu thì phải xem xét tíêng động ban đầu. Chúng ta chỉ cần xét bài của báo Công an Nhân dân. Cái tít của bài báo:” Nguyễn Thanh Giang, một tay sai của tổ chức Việt Tân, đội lốt dân chủ, ăn chặn đô-la ”.

Cái tít mắc sai phạm: Bảo ông Giang là Việt Tân. Nhưng Việt Tân là ai ? Ông Giang là Việt Tân ư, lấy gì làm căn cứ ? Bảo rằng thế là đánh đố người đọc, kết luận bừa, vu khống... có đúng không ?

Thế rồi bài báo nói về các hành vi của ông Giang: Làm tờ báo, làm các buổi tiếp tân, gửi tiền cho người này người nọ, bớt xén đến mức bị chất vấn ông Giang phải cười trừ, xí xoá...

Bài báo lại nói tiếp việc ông Giang nhận trung chuyển tiền từ nước ngoài cho một số người, rồi cái số tiền lớn đối với đời sống hiện nay, lại mô tả cả những người nhận tiền phải viết biên nhận tỷ mỷ ra sao … Ngôn ngữ tư pháp chỉ có thế nói: Số tiền là bao nhiêu? thủ đoạn chiếm đoạt ra sao? thực đã chiếm đoạt là bao nhiêu? trong vụ việc, tổng hợp là bao nhiêu ? Công an nhân dân dùng các sự việc, mang các việc này gắn việc kia … mô tả cái hình thức của vụ việc chỉ là một cách tung tin thất thiệt, và rõ ràng là vu khống - một hành vi phạm pháp. Lắt léo hơn, bài báo lại dẫn lời khai của bị can trong một vụ án khác, lời khai nói rằng có nhiều người “Dân chủ cuội” chuyên lừa tiền … Thế là đưa việc nhận xét chung làm nhận xét riêng vụ việc của ông Giang, mang cái khái quát giành cho cái đặc định, mang « râu ông nọ cắm cằm bà kia » …. Cũng lại là một hành vi vu khống lập lờ.

Tóm lại, bài báo trên mô tả một vụ việc chiếm đoạt mà chỉ bằng lời văn, không có con số.

Buồn thay, báo chí mà chỉ biết áp bức người đọc, bắt phải nghe, không nghe không được. Người viết vì thế muốn viết gì thì viết, bất chấp sự thật, bất chấp lẽ phải, luật pháp. Báo chí của ta giống người sáng bia, chiều rượu, kèm thuốc lá và không quên ma túy và karaoke, đang chết từng ngày.

Việc thông báo trước khi xét xử có mục đích tạo dư luận, để nhân dân tham gia, để việc xét xử được công minh, thành một bài học cho toàn dân. Ta lại đưa ra vụ việc như đã xét xử xong, vậy là điều tra ra sao, xét xử như vậy. Tiếc thay việc điều tra lại cũng nhiều sai phạm…Oan sai là thế…!

Thực tế kiểu này báo chí thì như tay mình tát má mình. Xét xử thì như gậy của mình đập lưng mình.

7. “Chuyện ba nhà “

“Chuyện ba nhà” là tên một tiểu thuyết của Trung Quốc. Còn “chuyện ba nhà“ đây hoàn toàn là chuyện của Việt Nam, là chuyện có thật, các nhân vật còn sống sờ sờ.

Câu chuyện có chỗ hơi tục. Người viết rụt dè vì sợ đụng chạm đến sự tôn nghiêm của lòng tin nhưng thấy ở ta cái “mô típ văn học” hoặc “đố tục giảng thanh” nên viết đại, mong mọi người thấy cái thanh trong cái tục.

Cha Lý được Vatican phong chức, có giáo phận, có giáo dân, cha đã đứng tuổi, cha được mọi người mến mộ. Đúng cha là một “nhà”. Người ta đưa cha ra toà, cha đạp đổ vành móng ngựa, người ta xích tay cha lại, cha chửi rủa, người ta lấy hai tay bịt mồm cha … Có người chụp được hình ảnh, in to như cái chiếu, trưng lên khắp nơi trên thế giới. Nền tư pháp của ta, chế độ của ta bị bêu riếu đến tận cùng.

Bà Dương Thu Hương, cây bút có tên tuổi, ra nhiều đầu sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, loại sừng sỏ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bà là một “nhà”, không ai chối cãi, nhà to gần bằng một biệt thự. Bà đùng đùng tức tối, bà tuyên bố, được lan truyền khắp thế giới: “Bà về nước, bà sẽ vén váy, ngồi lên mặt kẻ đã hành hạ bà.” Vén váy và ngồi lên thì có thể “ị” ra lúc nào không biết. Thế là cái thơm lừng của hoa trái tháng tám lung linh bị cái thum thủm đuổi cho chạy một mạch, một phen “mất dép”.

Ông Thanh Giang có nhiều công tích khoa học lớn. Ông đã dự nhiều hội nghị quốc tế về khoa học, ông đã thuyết trình công trình nghiên cứu của ông tại Mỹ, cái này là đích thực. Ông rõ ràng là một “nhà ” thứ thiệt. Thế rồi vừa qua ông bị khám nhà, bị thẩm vấn. Ông trả lời RFA “nếu ông bị ra toà, ông sẽ tụt quần ra đấu với toà …” Lo quá! Ông đã tụt quần ra thì ông sẽ “tè”! Cái Dòng Sông Xanh phẫn uất sẽ trở nên đen ngòm và sặc mùi “amoniắc”. Môi trường tạo ra ấy mới thật là tương xứng với môi trường pháp lý của phiên tòa chăng.

Ông Giang và bà Hương là hai thực thể không tương đồng thế mà hai người đều dựng lên cái kịch bản chính trị rất là “ sex”. Hẳn không phải là họ “đạo văn” của nhau mà có thể vì đây là 2 bộ óc lớn gặp nhau (?)

Cả ba “nhà” đều trong ba giới mà người đời xưa cũng như nay đều tôn kính, coi như tinh hoa của dân tộc. Sao lại có câu chuyện này ? Họ tội tình gì hay chỉ vì có bộ óc nhạy cảm, có suy tư sâu sắc, có ý thức làm người sôi sục thôi thúc họ? Có phải họ bị đàn áp đến mức không còn gì để mất…, họ phải dùng đến cái “ Khổ nhục kế ” nói trên.

Các vị trong giới cầm quyền nên nghĩ lại “Con giun xéo mãi nó cũng phải quằn” và “gieo gió sẽ gặt bão”, như ông cha ta đã dạy, để điều chỉnh việc ứng xử sao cho “trong ấm, ngoài êm”. Cái lò xo càng ép bao nhiêu thì bật lên càng mạnh bấy nhiêu.

8.Lời kết

Các năm trước người ta gọi Việt Nam là con hổ đang gầm thét.Từ ít tháng nay, người ta thấy Việt Nam như quả bong xì hơi. Bao nhiêu sai phạm, yếu kém như bị bóc trần và con đường đi lên thì mờ mịt.

Đàn áp một số người chẳng giải quyết được việc gì, chỉ yên được một bề mà mất nhiều bề.

Có nên chấp nhận: “ Phải thay đổi ” như Ôbama đã nêu cao. Có lẽ không còn đường nào khác.

Việt Nam, một dân tộc từ khởi đầu đã ngày làm chủ ít hơn ngày làm nô lệ, cơm áo thiếu hụt từ bao giờ … Rồi bao nhiêu năm chiến tranh, núi xương, sông máu, khăn trắng dăng dăng từ Bắc chí Nam …

Phải đổi mới, đổi mới thực sự theo con đường cha ông đã vạch: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem trí nhân thay cường bạo. Mong lắm thay.

Hải Phòng 24-12-2008

Luật sư TRẦN LÂM