Nằm bệnh viện vẫn sục sôi đất nước

Người lính già Vũ Cao Quận đã nêu một công thức: “Quốc khánh Hoa Kỳ cộng hai, Quốc khánh Pháp trừ tám” để ghi nhớ ngày sinh một bạn vong niên chí cốt của mình. Nguyễn Phương Anh còn bổ sung: “Người có kỷ niệm sinh nhật trùng với tổng thống Bush ”.

Mồng 6 tháng 7 năm 1936 là ngày sinh của một con người không chỉ của riêng tôi, không chỉ mình tôi mến yêu, quý trọng - tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang.

Năm nay tuy không phải là năm chẵn nhưng trong một trạng huống nhiều trăn trở, và tế nhị…, một số nhóm lão thành, trí thức trẻ… vẫn “ âm mưu” tổ chức ngày sinh nhật “ hoành tráng ” tại nhà ông.

Mặc dù tất cả đã nhắc nhau phải thật âm thầm lặng lẽ nhung rồi người ta vẫn “ viễn thám” được.

Chiều 1 tháng 7 công an đã gọi điện “ thăm hỏi ”:
- Sắp đến mồng 6 tháng 7 rồi, bác định tổ chức sinh nhật thế nào ?

Năm nay là năm lẻ. Vả chăng, tôi cũng muốn ngăn ngừa những hiềm khích, đố kỵ tai ác của người đời. Mấy lần trước, các cụ gợi ý và tự các cụ đứng ra tổ chức, vui thì có vui nhưng rồi người ta cũng đã nhăm nhe soi mói, lăng mạ, rất khổ tâm !
Nhưng bọn em vẫn sẽ đến chúc mừng bác đấy nhé !
….. !

Đột nhiên, hai giờ rưỡi chiều ngày 2 tháng 7 năm 2008 ông bị đưa vào Phòng Cấp cứu bệnh viện Việt Xô. Sau khi rút ra 2,7 lít nước tiểu, giải cứu nguy cơ vỡ bàng quang, ông được đưa về nằm điều trị tại Phòng 402 Khoa Tiết niệu.

Yên trí ông đã bị giam trong bệnh viện, mồng 6 tháng 7 công an không cần đến nhà “ chúc mừng ” ông nữa.

Trưa mồng 8 mấy quan chức công an mới xuất hiện bên giường bệnh của ông. Họ đem quà khá hậu hĩnh.

Ông rất không thích nhận. Cả cuộc đời ông không hề tham nhũng, cũng không biết hối lộ ai bao giờ. Tuy nhiên, vì không nỡ sỗ sàng, ông đã không từ chối. Chính vì thế, người ta lại cũng đã từng săm soi la lối rằng ông thân công an, tay sai công an, dân chủ cuội.

Sau mấy câu thăm hỏi giao tiếp giữa đôi bên, ông đột nhiên nêu câu hỏi :
- Các cậu đọc bài “ Nguy cơ Lê Chiêu Thống hiện đại ” của tớ chưa ?
- Rồi anh ạ !
- Các cậu có định bắt tớ không đấy ?
- Có bắt thì cũng phải để anh ra viện đã chứ !
- Này ! các cậu bảo mấy ông lãnh đạo đưa tớ ra tòa đi để ở đấy quan tòa phải ghi vào “ sử sách ” ba yêu cầu sau đây của tớ: “ Một là, giải tán hoặc cải tổ triệt để ngay Tổng cục Hai vì đấy là cánh tay nối dài của Trung Quốc đang chọc ngoáy vào Việt Nam. Hai là, đuổi cổ ngay trung tướng Nguyễn Chí Vịnh về vườn và tổ chức canh gác anh ta thật cẩn mật. Ba là, thay thế ngay tổng bí thư Nông Đức Mạnh ”.
Mắt mấy ông công an vằn đỏ lên…, nhưng…!
Nếu họ chặt đầu tớ thì ngay sau đó chẳng lâu, ĐCSVN sẽ sụp đổ và nhân dân sẽ ngàn đời nguyền rủa họ. Trong khi đó, con cháu các cậu sẽ thờ cúng tớ…

Vào viện, ông không hề cho ai biết nhưng chỉ vì ông Lê Hồng Hà gọi điện đến định hỏi một chuyện liên quan đến tập san Tổ Quốc, thì nghe người giúp việc thông báo rằng bà vừa đưa ông đi cấp cứu. Thế là dồn dập người đến thăm hỏi. Đến nỗi phòng bệnh của ông như một hội trường. Già như cựu hiệu trưởng Đại học Thủy lợi Nguyễn Cầm, lão thành cách mạng Đỗ Việt Sơn, cựu chánh văn phòng Bộ Công an Lê Hồng Hà, luật sư Trần Lâm. Trẻ như Nguyễn Phương Anh. Rồi đại tá Phạm Quế Dương, đại tá Nguyễn văn Miến, đại tá Thế Kỷ, giảng viên âm nhạc Đào Quang Tiến, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, lương y Nguyễn Đắc Kính, cựu giám đốc trường đảng Hữu Lũng Vi Đức Hồi (từ Lạng Sơn về) Nguyễn Bá Đăng (từ Hải Dương), thầy giáo Vũ Hùng (Hà Tây), trưởng đoàn dân oan Bắc Giang Nguyễn Kim Nhàn, Dương Hùng, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình v.v… Bà Hồng Ngọc, phu nhân cố Viện trưởng Triết học Hoàng Minh Chính thì phàn nàn được tin quá muộn nên vào đến nơi thì ông ấy vừa ra viện. Anh chị em Hải Phòng bị ngăn chặn nên mấy hôm sau mới cử được phu nhân nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phạm Thanh Nghiên lên thăm. Tiến sỹ sinh vật học Hà Sỹ Phu và cựu chủ tịch HĐND Đà Lạt thay mặt nhóm thân hữu Đà Lạt cũng liên tiếp điện thăm hỏi. Ba ngày sau sinh nhật ông, trở lại thăm ông tôi vẫn thấy bên giường ông đầy hoa. Hoa của nhóm lão thành cách mạng, hoa của các nhà dân chủ trẻ v.v…

Trên chiếc tủ nhỏ bên giường và dưới gậm giường là một cửa hàng bách hóa nhỏ với những đường, sữa, bánh kẹo, hoa trái… quà của các “ bạn tranh đấu ”, của bạn học cũ, của cơ quan cũ, của thông gia, của hàng xóm. Không phải chỉ hàng xóm của ông mà cả hàng xóm của con gái ông…

Rồi những người yêu quý ông từ Hoa Kỳ, từ Pháp… gọi điện về thăm hỏi với thái độ bồn chồn lo lắng. Cá nhân tôi cũng phải tiếp nhiều cuộc gọi từ trong và ngoài nước, cả ngày lẫn đêm, của nhiều giới để căn vặn cho rõ tình hình và chỉ tỏ ra thực sự yên tâm khi tôi “ cam đoan ” rằng bệnh tình của ông không có gì nghiêm trọng.

Rất tình cờ, Đài VOA gọi điện về phỏng vấn về việc Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch. Mặc dù khi đó ống xông đang chọc vào bàng quang đau đớn, ông vẫn không nỡ từ chối vì muốn bầy tỏ lòng quý trọng, nỗi tiếc thương một vị chân tu cao cả, một biểu tượng chân thiện mỹ của dân tộc.

Đọc lại bài viết, tôi gọi điện hỏi thêm mấy tình tiết thì bỗng nghe ông nói như reo:
Họ xác định không có tế bào ung thư, họ đề nghị mổ nhưng tôi từ chối. Họ yêu cầu ở lại tiếp tục điều trị nhưng tôi nằn nì xin về.

Hôm ông sắp xuất viện, một bệnh nhân được bổ sung vào phòng ông. Bệnh nhân mới này tên là Bùi Thanh Chi trước kia công tác ở Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ông về hưu từ Vụ 10 Phủ Thủ tướng. Sau mấy câu thăm hỏi làm quen, ông Chi hỏi:
- Anh tên chi ?
- Tôi tên Giang.
- Trước đây anh công tác ở đâu ?
- Ở Tổng cục Địa chất anh ạ !
Bỗng ông Bùi Thanh Chi reo vang như bắt được của:
- Nguyễn Thanh Giang phải không ? Trời đất ơi ! sao duyên may lại cho tôi được gặp anh ở đây. Tôi đã nghe anh, đã biết anh, đã đọc anh từ hơn chục năm nay rồi. Thật là vui sướng quá, vui sướng quá ! Sao tôi lại không ốm sớm cách nay môt tuần nhỉ !

Ngay sau hôm rút ống xông ông đã gọi người nhà đưa máy tính xách tay vào để chuẩn bị cho Tập san Tổ Quốc số 45.

Tất cả những người dân chủ trong nước như cùng tôi đều trông đợi đón đọc từng kỳ, từng kỳ tập san Tổ Quốc. Tổ Quốc số 45 liệu có ra được không ? Liệu sẽ phải phát hành chậm bao nhiêu ngày ?

Tôi cầu mong ông bình phục nhanh chóng và rất tin ở sức sống mãnh liệt cùng khả năng làm việc tuyệt vời của ông.

Hà Nội 15 tháng 7 năm 2008

Nhà giáo Nguyễn Thượng Long

Thôn Văn La – Phường Phú La – Thành phố Hà Đông