NGUYỄN THANH GIANG 

-  TÊN MỘT DÒNG SÔNG ĐẸP

 

Tôi yêu người yêu họ Nguyễn, vì đó là họ mẹ tôi; một nửa giọt máu của dòng họ đó đã sinh ra con người tôi, tính cách tôi. Giang thường đi với tên gọi một dòng sông: Hương Giang, Hậu Giang, Cửu Long Giang …  Ai cũng có một dòng sông gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ; một tuổi thơ sống bên bờ sông nước, mùa mưa phải xắn quần, lội nước đi học, và ước gì mưa thật to làm nước tràn bờ để có cớ nghỉ học đi chơi.

 

Thanh Giang – tên một dòng sông trong xanh, thanh tịnh …

 

Dù cho tuổi thơ đã qua đi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in dòng sông quê nhà; những trưa hè ngồi nhìn cành phượng hồng giăng ngang cửa lớp, lòng thấy rộn ràng …và xa kia là dòng sông lẳng lặng trôi. Mùa mưa, thay những cánh phượng hồng là những đợt mưa phùn, như một màn sưong che xa dòng sông mờ ảo. Cái rét căm căm của mùa đông, làm người dân quê co rúm lại trong cái áo tơi đan bằng rơm lá. Quê tôi, một vùng quê nghèo !

 

Những người dân chủ là những người yêu nước. Vì yêu nước nên họ chọn con đường dân chủ. Chỉ có lực lượng dân chủ mới đập tan cái bọn độc tài ngoan cố. Chỉ có nền dân chủ mới đưa đất nước thoát ra khỏi tối tăm và nghèo nàn. Chỉ có cơ chế dân chủ mới tận dụng được nguồn nhân tài, vật lực để phát triển đất nước …

 

 Mỗi người có một nghề để kiếm sống, nhưng hoạt động dân chủ không phải là một nghề để sinh sống mà đôi khi phải chịu tù đầy, chết chóc. Cái mặt nạ yêu nước của những người cộng sản đã tự tháo bỏ, họ lộ nguyên hình là kẻ bán nước, hại dân.

 

Yêu nước là thương dân?  Có ai tính được 200 tấn muối là bao nhiêu ngàn lít mồ hôi của diêm dân ? Không chỉ mồ hôi mà còn nước mắt. Có người mẹ nào thấy đàn con ốm o đói khát mà mắt lệ không rơi ? Hàng ngàn giọt nước mắt của diêm dân; chỉ đối lấy vài tiếng cười cao ngạo, lẫn trong lời khen tặng dối lừa trên bàn tiệc thừa mứa của quan tham.

 

Có cái gì đó thôi thúc tôi phải viết những dòng này. Một chút dòng máu ngang tàng của người họ Nguyễn ? Một chút hoài niệm tuổi ấu thơ ? Lòng căm ghét vô bờ cái quân tham tàn vô lại ? ….

Không thể im lặng mãi được ! Những người cộng sản cho rằng chỉ có họ mới độc quyền yêu nước. Đấy là trò lừa bịp không thể nào tha thứ được. Họ giành quyền cai trị đất nước, sống trên đầu trên cổ dân đen, bắt giam những người phản kháng … Hậu quả của những năm cai trị của họ là đẻ ra một lũ “ tặc ”. Ra đường gặp lộ tặc. Lên rừng gặp lâm tặc. Trèo non gặp khoáng tặc. Đi biển gặp hải tặc… Ngành văn hóa chứa chấp một lũ đạo nhạc, đạo văn, ăn cắp tác phẩm, chôm chỉa bản quyền … Búa xua xua ! .

 

Cách đây gần một tháng, hai dân phòng đánh anh Long công nhân một cách dã man ở ngay quận I , là trung tâm của văn hóa – kinh tế của Việt Nam. Anh Long bị đánh, bởi vì anh dám đứng ra bảo vệ hai sinh viên trường Đại học Văn Lang. Anh ta bị đánh trước mặt tên cảnh sát khu vực và các vị khách du lịch nước ngoài. Dân phòng là ai mà bạo quyền đến vậy ? Xin thưa, anh ta là tay chân của công an. Những gì mà công an không dám làm vì sợ mang tiếng thì anh ta được lệnh làm. Bởi vì những sai trái về đạo đức, những chuyện làm ăn không đàng hoàng của anh ta, sẽ được công an bảo kê !.

 

Tôi không xa lạ gì với thủ đoạn của cộng sản. Họ là những kẻ ngậm máu phun người, ném đá dấu tay. Nếu có ai hỏi ai là người tiểu nhân nhất trong cái nhân loại đau thương này, tôi không ngần ngại nói ngay, đó là cộng sản. Họ có trong tay đám lâu la. Chuyện giả đò đụng xe rồi đánh đám cho người ta xưng mặt chảy máu, là “ chuyện nhỏ ”. Viết đơn thưa công an, họ cười nhạo: mày ngu vừa thôi, bọn tao tổ chức đánh mà mày còn thưa tụi tao ! Thưa lên cấp trên, họ kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Coi như huề. Những ai đòi tự do, công bằng ở cái xứ sở này thì ngay sau đó đều phải la làng …

 

Ai cũng biết, đằng sau những lời hô hào dân chủ là cái thòng lọng. Cộng sản không đồng ý bất cứ một ai đòi hỏi bất cứ điều gì mà họ chưa cho phép. Sau bài tuyên bố hùng hồn: “ Tự do hay là chết ” là lá “ Thư cấp báo ” về việc chính quyền đang đe dọa khủng bố Nguyễn Thanh Giang ( NTG ). Cộng sản để bụng căm thù những người tố cáo, vạch trần những thủ đoạn của họ. Họ cho rằng, những người dân chủ đã lật tẩy những trò chí chá và ma giáo của họ. Xưa rồi ! Những trò này Doxtoievxki đã viết ra cách đây hơn trăm năm. Cộng sản là những người không bao giờ đọc tiểu thuyết. Hơn nữa, với đầu óc cực đoan vô độ, họ lựa cho những trò ma giáo thành đặc sản sở hữu của riêng mình. Không cần nhiều thông minh mà chỉ cần một chút láu cá là có thể nghĩ ra nhũng trò bẩn thỉu này. Những người tu hành là những người không bao giờ ăn thịt chó; nhưng không ăn thịt chó, không có nghĩa là không biết mùi thịt chó.

 

Sau khi nhận được “ Thư cấp báo ”, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến thăm NTG. Điều này làm cho mọi người an tâm, bởi vì cuộc thăm viếng được hiểu ngầm là sự bảo vệ. Thói đời CS là hiếp đáp những người yếu đuối; cô thế; còn những người mạnh hơn thì họ lại quỵ lụy, cúi luồn. Huyện ăn hiếp Xã, chứ có mấy đời Xã ăn hiếp được Huyện đâu ! Hệ thống CS đã xây dựng trên những giá trị hư đốn như vậy. Đối với họ, lòng nghĩa hiệp là một cái không có trên cuộc đời này.

 

Cuộc đời con người; tuổi sáu mươi tính từng tháng, tuổi bảy mươi tính từng ngày. Nếu có chuyện gì xảy ra với bác Giang, thì thật là hối tiếc. Nhiều lúc tôi muốn điện thoại để báo với bác NTG rằng; bác già rồi cứ nghỉ ngơi đi, để những việc này chúng cháu làm cho… Nhưng chắc là tôi không thể can ngăn một trái tim đang nóng hổi.

 

Những người dân chủ là những người hay trăn trở, suy tư; ý nghĩ cứ tuôn trào như một nguồn sống. Đó là tính cách của họ. NTG thể hiện tính cách, sở trường của mình bằng ngôn ngữ. Không viết, không phản kháng là không thể chịu được. Chế độ độc tài sợ nhất là những người bất đồng chính kiến, và e ngại những ai bộc toẹt sai trái của chính quyền trước đa số nhân dân. Vì vậy, họ phạt nặng những người cầm bút hơn là cầm súng, cầm dao. Lính lát chỉ chiến đấu với kẻ thù hữu hình, còn Ban tư tưởng – Văn hóa phải đối phó với kẻ thù vô hình, kẻ thù là trí tưởng tượng.

 

Cần phải có một con ngừoi dũng cảm, dám đương đầu với CS, mới làm cho CS sực tỉnh, Cần phải có cảnh đau thương mới đánh động được lương tri. Không biết ai đã nói câu "Cầm đèn chạy trước ô-tô" và không biết câu này được phát biểu trong hoàn cảnh nào; nhưng tôi tin rằng, nó đã phát sinh trong thời kỳ đổi mới. NTG là một con người như vậy! Cầm đèn chạy trước ô tô.

 

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, bộ máy tuyên truyền của VN cũng đã vào cuộc. Họ mong cho George W. Bush thất cử. Hoặc tệ hại hơn nữa là Bin Laden sẽ tấn công nước Mỹ trong những ngày tổ chức bầu cử. Đọc mấy lá thư của Thanh Tâm viết từ Calofornia và Lan Anh viết từ Washinton, mặt cứ nóng ran. Họ không muốn thấy George W. Bush tái đắc cử, nhưng mong muốn là một chuyện còn thực tế lại là chuyện khác. Tôi có đọc bài phỏng vấn của NTG rằng: Nếu Mỹ mà sa lầy ở Iraq thì ông ta sẽ bị bắt, hoặc nghiêm trọng hơn là có thể bị thủ tiêu. Còn bây giờ, tôi có thể phát biểu tương tự là: Nếu John Kerry thắng cử Tổng thống Mỹ thì CS sẽ đàn áp phong trào dân chủ; còn Tổng thống George W. Bush tái đắc cử, bắt buộc CSVN phải nhượng bộ. Như vậy, ai là Tổng thống Mỹ đã tác động đến tình hình dân chủ ở VN.

 

Năm 1973, HIệp định Paris được ký kết, người Mỹ rút quân khỏi VN. Miền Nam rơi vào chao đảo. Nhiều người thích nói chuyện chính trị, bàn tán rằng người Mỹ sẽ quay trở lại sau 25-30 năm. Tôi há hốc miệng ngồi nghe, chẳng có sách vở nào nói như vậy cả. Tháng 4 năm 1975, CS chiếm cả VN. Người Mỹ ở đâu xa lơ xa lắc, chỉ thấy người dân lần lượt bỏ xứ ra đi. Rồi miếng cơm manh áo làm con người ta quên hết mọi chuyện bao đồng. Học chính trị biết rằng: dưới sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, nước Mỹ đang khốn đốn và cái bọn tư bản đang giãy chết... Những ai đề cập đến từ "Mỹ" đều bị theo dõi gắt gao. Chẳng qua là như thế này: Sau ngày 30 tháng tư, chính quyền quy hoạch các khu nghĩa địa, mồ mả phải di dời ra khỏi thành phố. Phong trào di dời hài cốt được tiến hành đòng loạt, dân chúng phải di chuyển mộ của người thân lên khu nghĩa trang ở trên núi cao. Việc quy tập mồ mả, được bà con nói ngắn gọn là "quy mả". Đập bàn cái rầm, quy mả là "qua Mỹ"...

 

VN vẫn còn ám ảnh trong trái tim và khối óc người Mỹ, dù cho nước Mỹ đang sống trong chiến tranh hay hòa bình. Trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống; vấn đề VN, cứ được nhắc đi nhắc lại dưới nhiều góc độ khác nhau. Khi được hỏi cuộc chiến Iraq, hiện nay, có giống với cuộc chiến tranh VN trước đây không? Tổng thống Bush trả lời là: "Người dân miền Nam VN, trước đây, không chịu chiến đấu cho tự do cho nên hôm nay họ không có tự do, đó là điều đương nhiên; còn người Iraq hiện nay lại khác". Câu nói trên thật chua chát cho người dân miền nam VN.

 

Hôm nay, NTG là một trong những người đi tiên phong để tìm tự do dân chủ. Người đi khai phát không bị sứt đầu, cũng mẻ trán; có ai đi qua khu rừng đầy cọp beo mà vẫn còn lành lặn như xưa? Nhưng những lời tự bạch, NTG ý thức được sứ mệnh của mình. Không biết có chú Công an nào đến thuyết phục NTG rằng: Đảng đã cho anh ăn học trưởng thành, sao hôm nay anh lại tìm cách chống Đảng? Đảng đã cho anh lương hưu, anh còn đòi hỏi gì nữa?...

 

Tự do không phải là thứ trên trời rơi xuống; muốn giành được tự do phải đấu tranh, đôi khi phải trả bằng máu. Chủ trương của những ngừoi dân chủ hôm nay là đấu tranh bất bạo động. Phương pháp này trái ngược với bản chất của CS. Đất nước chiến tranh, đau thương, mất mát kéo dài rồi; xin đừng làm thêm điều gì buồn tủi. NTG chọn cho mình ngòi bút; dù viết ngắn viết dài, viết hay viết dở thì đó cũng là ngôn ngữ của mình, xúc cảm mình, tư duy của mình. Chỉ có những người câm lặng mới là đáng trách mà thôi!

 

Trong chừng mực nào đó, dân chủ là đồng nghĩa với khai sáng. Khai sáng là đem ánh sáng văn minh tới những vùng tăm tối của đất nước. Trước đây ở miền Nam, là mang ánh sáng dân chủ đến cho đồng bào nông thôn. Người Mỹ tin rằng: nông thôn miền Nam khấm khá hơn một chút, người nông dân sẽ không còn theo CS: Người Mỹ mở trường dạy chữ cho con em nông dân, xây chợ, dạy người nông dân biết cách làm ruộng, bảo vệ nguồn thủy nông... Nhưng, chương trình bình định của Mỹ đã thất bại, vì sự tuyên truyền của CS. Phải không ? bộ mặt nông thôn miền Nam bây giờ nhếch nhác hơn, so với cách đây 40 năm !

 

Hôm mồng 10/11, phát biểu bế mạc tại Hội nghị Tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình Quốc gia Phòng chống tội phạm. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận rằng: "tội phạm tham những, tội phạm buôn bán ma túy, và tội phạm có băng nhóm có tổ chức đang có chiều hướng gia tăng". Ông ta lưu ý là cần phải có cơ chế "để nhân dân tham gia chống tham nhũng với chúng ta...quần chúng sẽ là người phán xử"... Chạy xa quần; cuối cùng, cái trách nhiệm chống "giặc nội xâm" được giao trả lại cho nhân dân. Nhưng, điều trớ trêu là, khi CS thấy được vai trò của nhân dân, thì nhân dân lại quay lưng với họ.  Sau bao nhiêu năm trường sống trong tăm tối, người dân VN không quá nỗi u mê. Đầu óc họ còn rạch ròi, khí khái lắm:

Yêu Đảng, yêu cả đường đi.

Ghét Đảng, ghét cả tông chi họ hàng.

 

Công khai là mục tiêu hàng đầu của các nhà dân chủ. Về mặt này, những nhà dân chủ đã đi trước những người cải cách trong guồng máy CS hơn cả chục năm. Hôm nay, những ngừoi có đầu óc cởi mở trong Đảng mới khới xướng chuyện công khai minh bạch và cải cách tư pháp, thì những người dân chủ đã bị xét xử và cũng sắp .... mãn hạn tù. Còn lâu nữa, những quan điểm của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về chống tham nhũng, chống lãng phí, và công cuộc đổi mới kinh tế xã hội VN mới theo kịp những người dân chủ. Biện pháp cải cách của chính quyền, hiện nay, là đang lòng vòng, quá nhiều bài học dẫn chứng và so sánh; nhưng lại thiếu giải pháp thực tế. Những bài tham luận dài lê thê, chẳng ăn nhập gì với hiện thực đang nóng bỏng. Lê-Nin, trước đây, gọ họ là những người cánh tả cải lương. Điều này cũng dễ hiểu! Sống trong guồng máy độc tài quá lâu, nên họ không thấy được những khiếm khuyết của guồng máy đó?  Cái bi kịch đau thương của xã hội VN được che giấu bằng những bài diễn văn giông dài. Nói dài, nói dai chẳng qua nói dại!

 

Những câu hỏi đại khái như là: Phương thuốc nào chữa bệnh tham nhũng, lãng phí ở VN? Bộ Giáo dục – Đào tạo VN  có muốn uống thuốc không? Những căn bệnh nào của nền y tế VN. Vv và vv... Những câu hỏi như trên thường không có câu trả lời, mà mình bị bệnh không chịu uống thuốc, và không chịu nằm viện. Họ phủ định tất cả bệnh tật của mình. CSVN, không lẽ, lại giống như vậy?

 

Tháng 10 vừa qua, Tổng kết năm năm Thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; ông Phan Diễn phát biểu rằng, chỉ có 38% số xã, phường là có quy chế dân chủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Người ta đổ lỗi sự yếu kém của việc triển khai này là do trình độ dân trí còn thấp, dân chúng không hiểu gì về dân chủ. Tôi phì cười! Họ đang bắt bẻ sự yếu kém của quần chúng về dân chủ? Họ đổ thừa, sự thất bại của nghị quyết là do dân chúng ít hiểu biết... Còn những người hiểu biết quá sớm về dân chủ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Binh... thì sao? Đang nằm trong tù. Cái bộ mặt bặm trợn của ông Đào Duy Quát mà xuống cơ sở nói về dân chủ thì ai dám nghe? Nếu muốn tuyên truyền về dân chủ, hãy để Phạm Hồng Sơn nói chuyện với sinh viên. Dân chủ là một tiến trình có lớp lang, thứ bậc hẳn hoi, chứ không phải ào ào là được. Rao giảng dân chủ cho những người dân vùng sâu vùng xa, coi chừng thất bại. Dân chủ là một khái niệm trừu tượng, nhưng lại được áp dụng cho những đối tượng cụ thể và trong những xã hội cụ thể. Cứ thử đưa đôi giày da bóng lộn cho một người dân tộc ở Tây Nguyên và bắt anh ta phải mang đi lội rừng, sẽ thấy được kết quả. Dân chủ cũng bóng lộn như đôi giày đắt tiền đó, thấy thì thích nhưng không thể xài được. Bàn tiệc dân chủ có cả hàng ngàn món ăn, người dân tự ý chọn lựa cho mình những món ưa thích; chính quyền chỉ là người hướng dẫn giải thích mà thôi.

 

Đọc nhiều bài báo, tôi thấy người ta hay dùng chữ "nguyên" để chỉ những vị đã về hưu; ví dụ "nguyên" Thủ tướng Võ Văn Kiệt, "nguyên" chủ tịch nước Lê Đức Anh... Tôi không hiểu chữ "nguyên" ở đây có ý nghĩa gì? Đối với những vị nước ngoài về hưu, họ dùng chữ "cựu"; cựu TT Bill Clinton, cựu Thủ tướng Magarit Thatcher... Chữ " cựu" là chỉ những người không còn giữ chức vụ đó nữa. Chữ "nguyên" ở VN làm nhiều người hiểu lầm; dù không còn làm việc nữa, nhưng cái ghế và quyền lực của họ vẫn được giữ nguyên ? Nhiều lúc đọc tôi thấy kỳ kỳ; đây cũng là một cách đánh tráo ngôn từ theo kiểu CS?

 

Trên mảnh đất hình chữ S, hạt mầm dân chủ mới được ươm. Chúng ta hy vọng cây dân chủ sẽ đâm chồi, xanh tươi và đơm hoa kết trái. Những trái quả sẽ cho nhưng hạt giống, ươm mầm cho vụ mùa sau... và cứ thế, nhân dân sẽ thu hoạch một vụ mùa bội thu dân chủ. Sứ mệnh của chúng ta là không để cho cây dân chủ đang trồng bị chặt phá. Sau ngày 30/4, trong những buổi lễ trang trọng, bao giờ cũng có mục "hái hoa dân chủ". Một cành cây khô, trên đó cài những bông hoa giấy; trong những bông hoa có ghi một câu hỏi, mỗi người lần lượt lên hái hoa đều phải trả lời những câu hỏi đó. Ví dụ: ngày sinh của Hồ chủ tịch? Ngày ra đi tìm đường cứu nước... Cái trò dân chủ trá hình này, có lẽ, được du nhập từ một nước văn minh nào đó; những người CSVN không có khái niệm về dân chủ lẫn sự thông minh, để nhào nặn ra cái trò chơi này.

 

Một chính phủ thông minh là chính phủ biết rằng; một mình họ, không thể giải quyết được tất cả những vấn đề kinh tế xã hội. Họ cần phải có sự tham gia của đa số quần chúng. Một công trình kiến thiết nào đó; ví dụ, một chiếc cầu, một khu đô thị mới, một chương trình cải cách giáo dục.... dù được bàn luận ở góc độ vĩ mô như thế nào. Cuối cùng, người lao động là người thực hiện và công trình sẽ quay lại phục vụ nhân dân. Nếu không có sự tham gia của nhân dân, các công trình đó xem như thất bại,

 

Có ai đặt tham vọng, là sẽ nghiên cứu nền văn hóa CS không? Thực tế, có một nền văn hóa CS, nền văn hóa này đã băm nát nền văn hóa truyền thống VN. Những người dân chủ không thích nền văn hóa CS, họ muốn xây dựng một nền văn hóa VN không CS. Những nhà kiến trúc chịu trách  nhiệm quy hoạch đô thị, làng mạc; còn những nhà chính trị phác họa nền văn hóa tương lai. Không có văn hóa, con người ta trở nên mất gốc. Những năm 60 của thế kỷ trước, những nhà dân chủ ở Đông Nam Á đặt ra mục tiêu la xây dựng những quốc gia không CS. Ví dụ, một Liên bang Malai không CS. Và lịch sử đã ghi nhận những đóng góp khó nhọc và thành công của họ.

 

Những nhà xã hội học, cần nghiên cữu sự thay đổi tâm lý của cộng đồng dân cư đang sống. Tôi mới nghĩ ra một hội chứng, có thể đặt tên là "Hội chứng bên trái con lươn". Hội chứng này rất nguy hiểm, nó sẽ tàn phá cái kỷ cương mà nhân loại văn minh đã xây dựng bấy lâu nay. Hội chứng đó đã xảy ra như thế này:

 

Ở những ngã tư, ngưồi ta dựng một con lươn giữa đường để phân hai luồng xe. Đi đúng luất, là đi về bên phải con lươn. Khi đèn đỏ, xe cộ phải dừng lại trước vạch sơn; nhưng do mật độ lưu thông qúa dày, nên xe cộ dồn thành đống. Đến khi đèn xanh bật lên, để giải thoát nhanh, người tham gia giao thông lại lấn sang bên trái con lươn để đi. Chẳng có ai tâm niệm, bên trái con lươn là hướng dành cho người giao thông ngược lại. Thậm chí có những đoạn đường, CSGT còn sắp xếp cho xe cộ đứng chờ ở phía bên trái con lươn; để đến lúc đi, giải tỏa cho nhanh. Điều này rất nguy hiểm, nó sẽ xây dựng cho người dân một thói quen giao thông không đúng luật, và có thể gây tai nạn. Con lươn là cái ranh giới, là chuẩn mực của pháp luật; nếu ai đi qua phía bên kia, mặc nhiên là phạm luật. Nếu không sử dụng con lươn làm ranh giới thì tốt nhất là nên tháo bỏ đi. Như vậy, người dân sẽ không cảm thấy mình vi phạm, dù đó là lỗi rất nhỏ; và luật pháp nghiêm khác là sẽ xử phạt những người vi phạm, dù họ mắc lỗi rất nhỏ. Đằng này, luật pháp lại khuyến khích những người dân phạm lỗi. Coi như thua! Khi vượt đèn đỏ anh có thể ngụy biện rằng; không thấy đèn đỏ, hoặc là xe không thắng được... còn con lươn to tổ bố, không một lý do nào để bào chữa cho hành vi vi phạm của anh ta. "Hội chứng bên trái con lươn"  là cả một lô các sơ hở về luật pháp, xây dựng luật lệ, trình dộ những người làm chính sách, quy hoạch đô thị... cũng như tâm lý tuân thủ luật pháp của người dân.

 

Lịch sử luôn gắn liền với những biến cố, và đằng sau mỗi biến cố là một nhân vật tầm cỡ. Ở đây cũng vậy NTG đã sáng lên như ngọc trong đá, thách thức cường quyền và khơi nguồn cho nền dân chủ VN. Ông đã đăng những bài viết của mình lên mạng kèm theo tên họ, địa chỉ và số điện thoại hẳn hoi. Vì những chuyện này, ông trở thành cái gai trong con mặt của Tổng Cục II, một cái gai mà chính quyền cần nhổ bỏ. Vừa rồi, nhà báo William Horsley của BBC, có viết về áp lực phải thay đổi chính trị của VN, như sau: "Chính quyền CS đang mặc cả với dân chúng rằng, anh sẽ có tất cả mọi thứ, miễn là đừng có tính chuyện chống Đảng; còn ngược lại, anh sẽ mất tất cả". Hình như, những người dân chủ VN đã bỏ ngoài tai sự mặc cả này?

 

Khi bị chỉ trích, điều đúng ra của Chính phủ là, phải dừng lại để xem xét mình; đằng này, họ tấn công tới tấp những người chỉ trích. Điều tồi tê, của CSVN là, thay vì ủng hộ những người dân chủ họ lại bảo vệ những kẻ vô lương. CS không có những giải pháp hiệu quả cho những vấn đề kinh tế xã hội hiện nay, nhưng lại thẳng tay đàn áp những người đối lập. Như vậy, không có con đường sáng nào cho tương lai đất nước; và điều này, đồng nghĩa với sinh mệnh chính trị của họ đã chấm hết.

 

Những quân cờ Đô-mi-nô to nhỏ không đều, cao lều khều, thấp loi choi...sắp xếp làm cho cả bàn cờ ngã sập, chúi nhủi, chồng lấp lên nhau trong tích tắc...

 

Ngay bây giờ cần gấp rút xây dựng một lực lượng đối lập, làm cán cân thăng bằng cho những suy sụp của chính quyền. Tháng 9 vừa qua, tàu khu trục USS Curtis Wibur đã đến thăm Đà Nẵng, một chuyến thăm sớm hơn với dự tính; người Mỹ đã cảm nhận được những bất ổn chính trị đang xảy ra với chính quyền Hà Nội. Họ đang tìm kiếm một lực lượng dân chủ để có thể bù đắp những khiếm khuyết này, nhưng lực lượng dân chủ trong nước còn mỏng và phân tán. Do vậy, những kẻ nào tìm cách ngăn chặn phong trào dân chủ trong nước sẽ bị xét xử như tội phạm quốc gia; dù cho kẻ đó chỉ viết thư nặc danh hăm dọa, hay là gây hấn bằng vụ quẹt xe ăn vạ.

                                                            Sài gòn ngày 15/11/2004

                                                                     LÊ NGUYỄN

                                            ( Lê Nguyên Sang – Đảng Dân chủ Nhân dân )