Cùng Người Bạn Ngẫu Nhiên ...
Vài ba ý Ngẫu Nhiên  ...
Sau một lần Ngẫu Nhiên  ...

 

Tinh Tiến

Mot Chang duong Quan Niem

Một cốt cách "tiên thiên" giống như hàng tỷ những cốt cách khác, một phần tử mất hút trong hàng tỷ người chen chúc nhau trên Trái Đất này, tôi vốn vẫn có cách nhìn nhận mọi việc qua gọng kính mà cuộc đời "vô ngã" (impersonel) đã chụp vào mắt tôi từ thuở lọt lòng. Do đó, trước đây xa lắm, tôi cũng có thái độ rất trọng thị người trí thức, hiểu theo cái nghĩa mà hiện nay đại đa số vẫn hiểu: Trí thức là người có học vị cao, có những sáng tác tiếng tăm, có danh vọng nhờ trí tuệ, có thể cả đạo cao, đức trọng nữa. Khỏi nói đến các nhà bác học, đến các giải Nobel. Thế rồi, khoảng đầu và giữa của nửa sau TK 20, tôi đã thấy, đã nghe, và dần dần tôi chợt "ngộ" một điều: Thì ra cái gọi là "trí thức" ấy nhiều khi cũng rất ngu. Sau này, nhờ võ vẽ đôi điều về Phật giáo, tôi thành thực tâm đắc với, "thành thực" không phải vì Watson là Watson: "Trái với ý kiến thường được giới truyền thông và các bà mẹ của các nhà bác học củng cố, họ (bác học) đầu óc hẹp hòi, và tuy không đến nỗi lố bịch, hoàn toàn ngu dốt". Tuy "tâm đắc" nhưng vẫn còn một cái gì chưa ổn. Và rồi ...

Lâu lắm, ngẫu nhiên một lần tôi đọc trên tạp chí Văn Nghệ một truyện ngắn của một cây bút lúc ấy chưa hề có tiếng tăm. Tôi ngạc nhiên hết sức, sao lại nẩy nòi một "của độc" như thế được nhỉ ? Một hôm, giữa lúc nhậu nhẹt một đám cưới, tôi nói đến cái ngạc nhiên của tôi với một nhà phê bình văn học trẻ, và nhận được câu trả lời cũng khá đáng ngạc nhiên: "Nguyễn Huy Thiệp cũng như bọn em, là những đứa con hoang". "Khá" đấy, đúng không, nhưng vẫn còn một cái gì chưa ổn.

Thế rồi sau đó, cũng lâu rồi và cũng ngẫu nhiên thôi, tôi được đọc một tiểu luận chính trị của nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang, và một lần nữa tôi lại bàng hoàng: Nguyễn Thanh Giang nêu lên những đề nghị và nhận định không thể có được trong đầu một con người như anh. "Như anh" nghĩa là gì nhỉ ? "Con hoang" ư ? Đã nói rồi mà, chưa ổn đâu.

* * *

Họ đều sinh ra trong Một nhà hộ sinh, lớn lên trong Một kiểu gia đình, học hành dưới Một mái trường, giao tiếp với Một mẫu người, xem Một tờ báo, đọc Một quyến sách, v.. v.. Tóm tắt toàn là Một cả.

Tôi một thời rất tín nhiệm "ứng xử luận" (behaviourism), thậm chí cũng tin như Steinbeck, một kiện tướng của trường phái: "Hãy cho tôi đủ điều kiện, tôi sẽ tạo ra bất kỳ con người nào mà anh muốn đặt hàng". Vậy thì "con hoang" sao được ! Thế mà lại vẫn là "con hoang" trên một chừng mực ngữ nghĩa và hiện thực nào đó. Và tôi linh cảm rằng chính ở đây vấn đề "trí thức" sẽ có cơ may được giải toả phần nào.

Trí Thức, mặt từ nguyên và thực tiễn đời sống.

Chúng ta sẽ đi tới "trí thức" qua ba trạm giao liên: Tri, Thức và Trí.

Mỗi con người đều được trang bị "tiên thiên" hay "câu sinh" năm giác quan có tính năng đặc thù là chỉ tương tác với những đối tượng đặc thù cho riêng nó: Mắt chỉ tương tác với sắc, tai chỉ tương tác với thanh, ... Tương tác ấy, được biết duy nhất và được gọi là Giác. Mỗi lần tương tác, "phẩm chất" của Giác đọng lại trong "giác quan" thứ sáu là bộ não. Đứa trẻ sờ vào cái sau này nó gọi là lửa, có cảm giác đau đớn, khó chịu, sau này nó gọi là rát bỏng, từ đấy hễ thấy lửa là nó không sờ vào nữa, bởi vì nó đã trang bị cho nó một cái "biết", tức là Tri.

Càng lớn lên trong lòng gia đình, xã hội, đứa trẻ ngày càng tích tụ nhiều tri, và cũng từ đấy nó tương tác với sự vật bên ngoài chỉ thông qua Tri, còn Giác mất hút vào hố thẳm quá khứ cùng với "hài nhi", vì thế chúng tôi không lấy Giác làm một trạm giao liên trên đường "tam cố thảo lư" tìm gặp Trí Thức. Nhờ có tri, nó biết ứng xử tối ưu theo nghĩa thu lợi nhiều nhất cho bản thân nó, bởi vì Tri giúp nó Phân Biệt các sự vật bên ngoài: cái này khác với cái kia, cái kia khác với cái nọ. Khả năng phân biệt quý hoá đó gọi là Thức. Thức dựa trên Tri mà hình thành, Tri dựa vào Thức mà hiện hữu, ít nhất ta tạm hiểu rằng cả Tri, cả Thức đều là những yếu tố câu sinh, nằm phục trong con người. Nói cách khác, con người vốn dĩ bị điều kiện hoá ngay từ bào thai, và chính tình trạng Điều Kiện Hoá này sẽ qui định cái gọi là thân phận con người.

Tri thường kết hợp với Thức để cho Tri Thức, những cái biết được đúc sẵn bởi ai đó không dễ gì minh định tính danh, được chất chứa trong đầu để "khi tình huống xẩy ra" sẽ đem ứng phó với hy vọng hoặc niềm tin sẽ thành tựu hiệu năng. Hiệu năng này, trên hai mặt sinh học và xã hội, lớn đến đâu là tuỳ theo số lượng và chất lượng tri thức. Từ đó, Tri Thức sẽ đưa tới cái sai lầm, cái mê muội lớn lao của đại đa phần "chúng sinh", đó là quan niệm về Trí Thức. Bởi vì tuyệt đại đa số đã lẫn lộn Tri và Trí.

Cũng giống như đằng sau vật thể là năng lượng, đằng sau năng lượng là thông tin, đằng sau thông tin là chân không vật lý; đằng sau Giác, Tri và Thức là Trí mà ba cái trước chỉ là sự lộ thể của Trí bị điều kiện hoá, mà đã "điều kiện hoá" thì chẳng có gì để nói tới cái gọi là Chân Lý cả.

Dù Trí xuất hiện dưới dạng Thức nào thì vẫn là Trí bị điều kiện hoá, đúng hơn bị "tha hoá". Nhưng mức độ thì có khác nhau. Sự khác nhau này liên quan tới cái mà ở trên gọi là mặt sinh học và xã hội của chủ thể tích tụ tri thức. Khi sự tích tụ này không quá thiên trọng mặt sinh học, tức là mục tiêu ăn ngon, mặc đẹp; cũng không quá thiên trọng mặt xã hội, tức là mục tiêu danh vọng, quyền lực, mà lại khuynh hướng về Trí Tuệ, cách lộ thể thuần khiết của Trí, thì chính lúc ấy chúng ta có dịp trực diện với Trí Thức.

Nói chung, nhưng không hề là tất yếu, "tri thức" thường là điều kiện cần của Trí Thức: người trí thức thường có tri thức; nhưng tuyệt đối không phải là điều kiện đủ: Nếu không phải thế thì bất kỳ một người thợ chữa xe máy lành nghề, một chị bán vải sành sỏi đều phải xem là trí thức như bất kỳ một anh bác sĩ chuyên mổ người hay chó, một chị y tá chuyên băng bó người hay chó. Mặt khác, số lượng và chất lượng tri thức, trong nhiều trường hợp, rồi ra cũng phần nào đưa tới, ít nữa một cái gì đó có tính Trí Tuệ, nghĩa là rồi ra dẫn "đương sự" tới cái gì đó gần với đẳng cấp trí thức. Hiện tượng này chắc chắn nhất để xẩy ra là khi "đương sự" ngày càng có khuynh hướng xa rời, chí ít không quá gắn bó với dục lạc sinh học và xã hội, ngày càng ham thích sống trên những từng mây platonique của tư tưởng, bất kể cái giá phải trả dưới mặt đất. Như thế, Nguyễn Thanh Giang đúng là một trí thức.

Là trí thức không hàm nghĩa đạo đức như ta thường hiểu dễ dãi nhưng rất "thực dụng chủ nghĩa". Người trí thức không tất yếu phải có tố chất yêu nước, thương nòi, vì người, quên mình, ... dù điều này thường thấy nơi người trí thức, đối lại đôi khi người trí thức có ý nghĩ và hành xử mang sắc thái mà người đời gọi là "phi luân", immoral như André Gide chẳng hạn, và, trong chừng mực nhỏ hơn, nơi ...

Một lần đâu đó, tôi đọc được một định nghĩa "trí thức" trong từ điển Oxford "Người trí thức là người luôn có khát vọng Tự Do, (nhất là ở Nga)". Tôi rất thích định nghĩa này và thấy nó rất "hợp lý". Trí Thức là phải có Khuynh Hướng Trí Tuệ bao chùm mọi khuynh hướng khác nơi mình. Trí Tuệ lại buộc phải đẩy ra một cái gì ta thường gọi là Sáng Tạo. Sáng tạo đúng nghĩa nhất bao giờ cũng trái khoáy với những cái đã có đấy rồi và vẫn được mọi người "xài" một cách ngon lành. Do đó Sáng tạo thường vấp phải sự chống đối, phản bác, bỉ báng, thậm chí hành hạ, trừng phạt của cả người cai trị lẫn kẻ bị trị. Đức Jésus, sau chừng 15 năm tu học ở ấn Độ và Tây Tạng, trở về Palestine với những chứng ngộ mà ngài đã phải gia giảm liều lượng để hợp khẩu vị của văn hoá quê hương. Dù vậy, ngài vẫn bị "đồng bào thân yêu" phản đối, lăng mạ, đến nỗi, trước khi bị chính "đồng hương đồng khói" đóng đinh câu rút, chính họ chứ không phải tổng trưởng lý người La mã, Ponce Pilate, ông này vô can không phải chỉ vì "đã rửa tay" rồi, ngài phải cám cảnh thốt ra, thực ngàn đời đau xót "Không một nơi nào mà Ngôn Sứ lại bị xua đuổi và miệt thị như ở chính trong gia đình mình và quê hương mình". Như thế tất nhiên, người trí thức, với tư cách chủ thể sáng tạo, cần cái gì để hiện thực hoá cái lực đẩy nội tại trong mình là Sáng tạo nếu không phải là Tự Do ? Các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã từng và dường như vẫn còn dấy lên cả một phong trào đả kích. Đả kích, trong nhiều trường hợp là do nịnh bợ lập trường quan phương, nhưng cũng không thiếu những người đả kích vì thành thật cho Nguyễn Huy Thiệp là immoral. Như thế, Nguyễn Huy Thiệp đúng là một trí thức.

Cứ tạm chấp nhận đi, cách quan niệm trên về Trí Thức, chúng ta sẽ nhận định thế nào về :

Trí Thức Việt nam "Cũ" và "Mới"

"Cũ" được qui định đơn giản là trước 1945, "Mới rất Cũ" sau 1954 ở miền Bắc, và "Mới" sau ... , khó quá tìm ra được một cái date ít nhiều hợp lý, hay cứ lấy "đổi mới, mở cửa" làm mốc thời gian vậy.

Phần rất lớn các nhà khoa bảng trước 1945, được đào tạo dưới mái trường của nền giáo dục Pháp, đôi khi gọi là "thực dân", đều có khối lượng tri thức rất đáng kính nể. Trong cuộc đời, nói chung họ là những con người lương thiện, đứng đắn rất đáng tôn trọng. Về "việc nước, việc dân", thông thường họ có lòng yêu nước thương dân thực sự. Ba ưu điểm ấy, trong nhiều thập kỷ đầy xáo động của nửa sau TK 20, lại bộc lộ cái mặt kia của chúng, tức là những nhược điểm dễ thấy đến mức khó gọi họ là trí thức, dĩ nhiên theo những cái tạm lấy làm tiêu chuẩn như trên đã nói.

Dường như không mấy nhà khoa bảng , được đào tạo thời Pháp thuộc, lại từng triển khai khối lượng tri thức chuyên môn của họ ra ngoài lĩnh vực hành nghề để hướng tới Trí Tuệ, đặc biệt trí tuệ liên quan đến lịch sử, chính trị, xã hội, ... Kết quả nhiều người trong số họ đã nuốt một cách ngon lành một món ăn vốn chỉ có giá trị của một thứ "mì chính lý luận". Sự lương thiện của họ, vì thiếu phẩm chất "trí thức" nên trở thành ngờ nghệch, ngây thơ và luôn luôn tiếp tay cho cái Xấu mà vẫn nhơn nhơn như đang làm việc Thiện. Lòng yêu nước, thương dân, xuất phát từ vốn liếng kiến thức gần như số 0 về chính trị, lịch sử, tâm lý, xã hội, triết học, khoa học, đã trút lên họ cái thực sự là trách nhiệm một phần của những gì đã xẩy ra trên đất nước này, cho dân tộc này.

Về lớp trí thức cũ, tôi không thể, để làm tiêu biểu, không nhắc đến hai tên tuổi đáng trọng về mặt nào "tri thức" và có thể cả mặt tư cách đạo đức. ấy là một giáo sư khoa học và một triết gia. Người thì thành công trên đường hoạn lộ bằng cái giá của, ngu xuẩn chăng ? hèn hạ chăng ? vị kỷ chăng ? khi ông mạt sát "Nhân văn giai phẩm" là "những tên lưu manh đội lốt văn hoá". Còn triết gia nọ, phải nói là tri thức hàng bồ, khảng khái có thừa, nhưng đến chết, một cái chết không một ai ngó mắt nhìn xem, để thương cảm, để nuối tiếc, bởi vì ông đã chết trong ngu tín 100%.

Nói đến "trách nhiệm", thực ra chúng tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình tượng kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ, chứ nói cho công bằng, tất cả đều chịu trách nhiệm hết, và "lãnh đủ" là phải thôi. Cũng ít nhiều có liên quan là tình trạng "bị lừa". Theo thiển ý, cũng chẳng có ai lừa ai hết, mỗi người và mọi người trong nhiều thập kỷ qua, đã tự lừa mình bằng chính sự mê muội và ngu dốt của mình. Chúng tôi không lên án ai hết, không khinh thị ai hết, chỉ thấy "như thị", chỉ sống "như thị", nghĩa là không thấy, không sống qua một cái Tri định hình nào mang tính khúc xạ. Dĩ nhiên chúng tôi nghĩ về mình như vậy, còn có đúng làm được như vậy không lại là một chuyện khác.

"Mới rất Cũ": Một số luận điểm được "bao bì" gọn nhẹ theo kiểu "giáo lý đại cương" (catéchisme) của Nhà Thờ La mã. Đối với xã hội lạc hậu từ trên xuống dưới như xã hội Việt nam ta trong TK 20, những luận điểm ấy phải xem là "mới", nhưng dù chiếu cố cái tạm coi là "mới" ấy thì cách chuyển tải ở mọi nơi, vào mọi lúc đã ăn sâu vào xương tuỷ của tất cả một nếp tư duy rất cũ, vì luôn luôn chạy trên những kênh cố định, sáo mòn đến mức Boris Pasternak phải kêu Trời: "làm sao mà hết tháng này qua năm nọ, họ cứ nhắc hoài mà không thấy chán". Kết quả là, phải nói thẳng, dù dễ dãi đến đâu thì mấy chục năm qua, nếu muốn dùng từ "trí thức" thì không biết phải chất bao nhiêu tầng ngoặc kép quanh nó, và đặt bao nhiêu dấu chấm than sau nó cho không biết bao nhiêu nhà trí thức.

Thế nhưng vẫn có đó, những đứa con hoang !

Tại sao nhỉ ?

Lại phải trở về với Trí. Ai cũng có Trí hết, bất kể già, trẻ, nam nữ. Cũng như Giác, như Tri, như Thức, mỗi người mỗi cách, không ai thực sự giống nhau trăm phần trăm hết; Trí cũng vậy, nó ló hiện thế này, thế kia là thay đổi từ cá nhân này sang cá nhân kia. Thế là ngẫu nhiên tạm kể hai gương mặt, Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Thanh Giang.

"Ngẫu nhiên" nghĩa là vô định, là ... vô vọng ? Chúng tôi không quen thân với họ để ngưỡng mộ họ về mặt đạo đức, gia dĩ cái đó cũng chẳng quan trọng gì lắm. Nhưng khách quan, tự thân việc làm của họ có tính đạo đức vì nó có tác dụng tốt cho mọi người. Họ phải như vậy thôi, vì cái Nghiệp của họ là thế. Nơi họ, cái Biệt Nghiệp của họ là sự thôi thúc lộ thể của khuynh hướng trí tuệ. Nếu sự lộ thể ấy là "đạo đức", là tích cực, là tốt, thì làm gì đây để biệt nghiệp ấy loang ra thành cái ít nhiều gọi được là Cộng Nghiệp. Một câu hỏi rất chi là phức tạp và khó đáp, mong rằng có ngày hầu chuyện bạn trong một thiên "không đàm khoát luận" dài hơi, bây giờ và tại đây chỉ nêu lên một giải pháp nhỏ mà may mắn thay đã hiện hình rồi trong xã hội ta có tính "phi nhị nguyên" tù mù là "nửa khép, nửa mở": giới thiệu càng nhiều càng hay những tác phẩm "lạ" của thế giới bên ngoài, thí dụ như những bản dịch gần đây của một trí thức đích thực khác theo chuẩn mực trên, tức là của Nguyễn Kiên Giang. Điều này, trước khi nói đến điều kiện tiên quyết là tự do báo chí là cần thiết để, chẳng những cổ võ "sinh sản vô tính" của trí thức, mà còn tránh một vài điều không đáng có của một số trí thức cũng đích thực nhưng vẫn còn, như món xúc xích hun khói thế nào ấy, tôi muốn nói đến ...

Sao vẫn còn ...

Hầu chuyện người bạn ngẫu nhiên, sau một lần gập ngẫu nhiên, lạ lùng thay, tôi ngẫu nhiên nhặt được mấy trang báo cũ, và thế là tạm gọi có một vài căn cứ để ...

Dương Thu Hương là một gương mặt rất cá tính, và nếu Hương là nữ thì với tôi điều đó chỉ xác quyết một niềm tin của tôi là chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mẫu hệ. Cũng tốt thôi, phụ hệ chỉ đặt lý trí và những hậu quả đầy tính tai ương và ngu xuẩn của nó. Dù khoa chân múa tay rất hung hăng, có người ác khẩu còn gọi là đanh đá, là lăng loàn nữa, Hương vẫn là một sản phẩm của chủ nghĩa ngu dân. Tạm dẫn, "Chiến tranh đã cướp đi những con người cao quý nhất, dũng cảm nhât, thành thực nhất ... Lòng quả cảm (của những nhà văn Việt nam ghi tên tình nguyện lên đường sang Nam Tư của Milosevic để viết bài chống OTAN) đáng tuyên dương biết bao, ...Một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh và hèn mọn biết bao trong cuộc sống thời bình ... Người Việt bị buộc làm lính đánh thuê cho hai hệ thống, ..." dù đôi khi Hương cũng muốn minh hoạ lại bằng một sắc mầu của sự mỉa mai: "Nhưng thôi, chẳng nên bàn đến các nhà văn xứ này, thời nào đám ngựa cũng bị bịt mắt và chỉ chạy theo con đường của chủ ... Đối với tôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Nơi thiết chế dân chủ chưa được dựng lên, nơi con người chưa có đủ ý thức về quyền làm người, bất cứ người lính can đảm nào cũng là một công dân ngu đần và hèn nhát". Chính những điểm nói thêm ấy lại càng cho phép tôi "kiên trì" lập trường trên về Hương. Thì ra người phụ nữ nổi loạn ấy, và cũng khá thông minh nữa, vẫn chưa hề ra khỏi dứt khoát những tri thức rất dớ dẩn đã chất vào đầu từ một thuở nào.

Cùng một dòng với Dương Thu Hương là Phạm Thị Hoài mà, trong chừng mực của thói dị ứng với xã hội Việt nam đương đại, còn "dữ dội" hơn, dữ dội tới mức Phạm Thị Hoài phải vĩnh biệt xã hội đó và giới "trí thức trẻ" của nó bằng một phép xã giao chưa từng có. Ây vậy mà cũng vẫn một cái gì đó vừa hời hợt vừa ngô nghê trong một số nhận định.

Dù vậy phải nói rằng, riêng tôi, tôi vẫn sẵn sàng, không đến nỗi tung hô "muôn năm", nhưng hoan hô nhiệt liệt nếu một ngày đẹp trời nào đó tôi có được cái hạnh phúc chen chúc trong đám người diễu hành dưới lễ đài, ở đó họ đang đứng với tư cách kẻ cai trị đám người chỉ anh hùng ở cái "mày râu hàm én", tức là "militant de barbe".

Và còn nữa, cái "thiêng liêng", cái "trong sáng" của một thế hệ "nỗi buồn- Baỏ Ninh" hay "dấu chân người lính –Nguyễn Minh Châu", hay, khá chua chát và cũng khá nhiều bít thông tin (instructif) là Bùi Minh Quốc. Sau bức tường Berlin, Quốc vẫn nói đến nào là "dân tộc ta vùng lên", nào là "lịch sử éo le và khắc nghiệt đã buộc (?!) dân tộc ta không còn cách lựa chọn nào khác (!!!), nào là "Biết bao máu Việt Nam đã tự nguyện (!!!) hiến dâng ...", bất kể tư liệu chất đống về lịch sử quá đủ để đặt những câu hỏi dớ dẩn theo kiểu Hương như vậy, bất kể một Nguyễn Thanh Giang từ lâu trước đó đã nói rất rõ ràng, rất rành mạch về những cái có liên quan.

Và bất kể một Hà Sỹ Phu của chí ít lá thư gần đây anh gửi cho Nguyễn Gia Kiểng. Về Hà Sỹ Phu, qua một số trước tác của anh mà tôi đã được đọc, tôi thấy anh nhuần nhuyễn tư tưởng dân chủ và thành thực muốn đưa ra phép đối trị tối ưu cho những nhức nhối Việt nam, tuy nhiên, theo cách nghĩ chủ quan, tôi cho rằng bức thư nói trên là bài viết hay nhất của anh, nó chứng tỏ anh đã tẩy sạch mùi khói của nền văn hoá ưu việt về mặt cực quyền và toàn trị đã dầy công nhiều năm hun ướp anh và những người còn lại. Nó cũng thoát ra, không chút dấu vết tự trang điểm, nỗi đau lòng mà không thể khác được trước hiện trạng của đất nước, của dân tộc, đau lòng càng nhức nhối trên sự phản tỉnh về "nhân dân ta anh hùng, trung nghĩa, v.v…". Anh quá ngán cái nhiều nhà trí thức bất đồng chính kiến vẫn xem là "cơ sở chân lý" cho hoạt động yêu nước và tín điều chính trị của họ, tức là "Đám bùn nhão ..., trong đó kẻ có dũng (như mafia, đua xe máy, đâm thuê giết mướn, ...) thì ngu dốt, kẻ có trí tuệ (như giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, ... mà theo chủ nghĩa ước lệ phải xem là có trí tuệ) thì hèn, kẻ có trí có dũng (tôi tin là có những người như thế đấy, nhưng nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra được "như") thì láu cá, vị kỷ, bất nhân". Một người Nga đã giải thích hiện tượng này rất hay, vì nó giải toả được một khúc mắc: "Chúng ta sinh ra trong lòng một xã hội ung thối (socíeté pourrie), và khi lớn lên, chúng ta đã ung thối cùng với nó". Còn hay hơn nữa, vì "xưa" hơn nhiều, lại là một trí thức thực sự, dù không đạt tiêu chuẩn "nomenklatura", và vào cái thời đơn giản trong cấu trúc tâm lý mà một số các vị "cựu trào"vẫn còn nhắc đến như một hoài niệm, một nostalgie, tức là cụ Tản Đà: "Dân hai nhăm triệu không người lớn, Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con". "không người lớn ... vẫn trẻ con" bao gồm trước hết những nhà trí thức đương đại !

Hoặc một Nguyễn Duy, tác giả một bài thơ dài mà tôi cho là rất đặc sắc, ít nữa đặc sắc so với đường mòn tri thức của người đương thời. ít lâu sau, nghe nói anh từ bỏ phong cách tư duy đó, có lẽ vì anh nghĩ nó không "hợp", nó "lạc hậu" với thời đại xã hội tiêu thụ mà chắc anh đã bị thu hút không cưỡng nổi như rất nhiều văn nghệ sĩ trẻ hiện nay. Boris Pasternak từng hối hận vì mình đã dành quá nhiều thời gian và công sức cho cái "cao siêu và trừu tượng" là thi ca, thay vì cho cái cụ thể và dễ với là tiểu thuyết. Solienitzsin, mạnh mẽ hơn, lên án cả Maxim Gorky đã góp giọng vào bản hợp xướng cho kênh đào của những khổ tù, cả A. Bounine và nhiều trí thức Nga lưu vong ham chơi vơi trên từng mây của "nghệ thuật thuần tuý" vì siêu thực. Còn Nguyễn Duy và những văn nghệ sĩ "trẻ" đương đại của Việt nam ? Hoặc có lẽ người Nga đó đã nói rất đúng chăng ?

Tôi vẫn trân trọng họ là những trí thức mới, nhưng rõ ràng là nơi họ còn thiếu cái đúng ra lại không mấy quan trọng để đặc trưng hoá phẩm chất gọi là "trí thức", tức là Tri Thức và Tư Duy Lôgic thể hiện mạnh nhất ở tính Nhất Quán Lôgic (logical consistency) hơn nhiều lần ở tính hợp qui lôgic (logical validity). Tôi không sùng bái cả Tri Thức, cả Lôgic, trái lại tôi ngưỡng mộ nơi họ phẩm chất nghệ sĩ là cái gần với chân lý hơn hai món trên nhiều. Đáng tiếc là một số khá lớn trong họ đã bỏ sở trường của họ, tạm nói theo A. Gide "Nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là gieo rắc chất men bất phục tùng và phản kháng", để lôi sở đoản là những "yêu nước", "vì nhân dân", "cha ông ta", "bản sắc dân tộc", ... ra phang thiên hạ, từ đó phải nói ... , nói gì đây nhỉ để khỏi mất "đoàn kết" !

Tôi vẫn trân trọng họ là những trí thức mới, nhưng rõ ràng là nơi họ còn thiếu cái có lẽ là đặc trưng cao nhất cho phẩm chất gọi là "trí thức": Sự gắn bó với lực đẩy nội tại lớn hơn nhiều lần lực sinh học "tự nhiên" của thói ham sống. Tôi không vọng ngoại, nhưng phải nói thẳng rằng có ai trong số trí thức mới đó có thể sánh với, chẳng hạn, nhà thơ trẻ Trung Quốc Zha Haisheng, còn tên là Haizi khát ngưỡng thế giới của Tự do, Đức tin và cái Đẹp thay vì đôla, máu và cột treo cổ, chung cục tuyệt vọng trước đất nước của không tưởng biến thành bạo quyền, anh đã lao vào xe lửa để tự tử khi mới 25 tuổi. Nếu chúng ta vẫn "kiên trì" cho đó là dại, chí ít là tiêu cực thì đúng là còn lâu chúng ta mới có được một tầng lớp đáng gọi là intelligentsia.

Tôi rất khâm phục Pascal, "Trái Tim có những lý do mà Lý Trí không thể hiểu nổi", hoặc Carlos Castaneda "Hãy nhìn mọi con đường thật chăm chú và suy nghĩ chín chắn ... Rồi hãy đặt cho minh, cho riêng mình thôi, một câu hỏi ... Con đường này có một trái tim không ? Nếu có thì nó là một con đường tốt, nếu không thì nó vô dụng". Cái mắc mớ cỡ bự là Trái Tim, ai mà chẳng nói được, vấn đề là làm thế nào biết nó thực là Trái Tim ?

Dù khó xử đến đâu đi nữa thì vẫn cứ phải khẳng định rằng, Trí Thức, đó là tri thức, đó là tư duy lôgic, và cao hơn tất cả, đó là Trái Tim, thôi thì cứ tạm hiểu là Khuynh Hướng Trí Tuệ khá thuần khiết vì không thiên trọng dục lạc sinh học và xã hội. Cứ tạm thoả thuận với nhau thế thôi thì cũng thống nhất được với nhau rằng cả N.H.Thiệp, cả H.S.Phu, cả N.T Giang, cả P.T.Hoài, cả B.M.Quốc và nhiều nữa, những thế hệ mới, dù đã chớm cũ rồi, họ đều là những trí thức hơn thế hệ cha anh họ. Và đó là ý nghĩa lịch sử của họ.

Hanoi 24/5/2002

Tinh Tiến ( Đặng Phúc Lai )
90 Ngõ 208 Đ - Đội Cấn