Thơ Nguyễn Thanh Giang sáng lên hai chữ TÂM TÌNH

(Nhà thơ Văn Đắc-

 Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)

Nguyễn Thanh Giang, cái tên mà mấy chục năm gần đây, người ta lan truyền về nhiều bài viết quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đầy tâm huyết. Đó là những lời góp, cảnh tỉnh của một trí thức đã có công trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta. Ông không chỉ có tiếng ở Việt Nam mà còn có tiếng trên trường Quốc tế về khoa học Địa vật lý, về tinh thần đấu tranh cho nhân quyền, đề cao tính dân chủ. Nguyễn Thanh Giang cứng cỏi và ương ngạnh. Ông đã ký thác những ước vọng, ý chí, tình yêu của mình vào thơ. Thơ Nguyễn Thanh Giang sáng lên chữ TÂM TÌNH của người dân quê Thanh, một trí thức Việt Nam yêu nước.

Tháng 01 năm 2014, về thắp hương mộ ông bà, lòng anh se sắt nhớ về cảnh cũ người xưa. Thấy như mình nợ với quê mà chưa trả được “rạo rực cùng sông vật vã/ nát lòng thương quê nghèo khổ/ mà hận mình sao đã vội già”. Cái làng quê “tuổi thơ”, “con đò”, “đôi bờ cát đỏ”, “gạo nếp”, “hoa cau”,….in đậm vào anh phơ phất mảnh hồn làng, mảnh hồn thấm đẫm vị hương quê

Mấy mươi năm bôn ba khắp nẻo đô thành

Bao tiệc tùng, tay bao người chuốc rượu

Quay cuồng cơn say, trái tim lảo đảo

Vẫn nhớ mùi khoai khô nấu với đậu đen

 

Nơi ấy có người con gái ngoảnh nhìn anh đi xa, để một đời anh thương nhớ

         Em còn đậu bến sông xưa

         Hay cây đa đã bơ vơ bến Chùa

 

Cái làng quê nghèo, ân tình ấy theo anh suốt dọc con đường địa chất

         Ta nằm đây ngửi mùi lá mục

         Nhớ mùi bùn sực nức những mùa chiêm

 

Khi anh tha hương ở California, nhìn cây hoa đất lạ nhớ hoa gạo quê nhà; nghe trẻ con Việt nói tiếng Việt ngọng nghịu mà lòng anh xót xa, muốn khóc. Tâm sự nước non thầm cháy trong anh như than lửa vùi trong bếp trấu mùa đông. Khi Trung Quốc công bố vạch bản đồ lưỡi bò ngày 22 tháng 09 năm 2009 anh đã tỏ thái độ chống đối kịch liệt vì ý thức độc lập của người dân yêu nước mình

         Đấy là cái lưỡi của con rắn độc

Ngo ngoe dọa người

         Nhân dân tôi sẽ cắt lưỡi nó

Bẻ răng nó

Vắt lấy nọc

Tọng vào mồm đứa nào chiếm Hoàng Sa

 

Vào ngày 24 tháng 07 năm 2012 người Trung Quốc tuyên bố thành lập Tam Sa, anh vụt viết những lời cháy bỏng

Hãy đốt lửa cho lòng Sát Thát

Cho Cáo Bình Ngô dựng sóng Biển Đông

 

Tập thơ đa dạng, nhiều màu sắc, màu sắc nào cũng vẽ nên chân dung Thanh Giang. Tình yêu quê hương, gia đình, người thân, bạn bè cùng chí hướng, tình yêu thiên nhiên và cuộc đời người địa chất. Đặc biệt anh gửi thác rất nhiều tâm trí vào những bài thơ chân dung và những bài thơ triết luận. Anh đã tỏ rõ lý tưởng và chính kiến của mình một cách thành thực,  rất đáng suy nghĩ và trân trọng.

 

Một lần tôi gặp nhà thơ Hữu Loan, cách đây khoảng 30 năm, tôi đứng trước sân nhà mái bổi xiêu vẹo, nói to: “anh còn hát trong màu hoa nữa không?”. Nhận ra tiếng tôi, anh cười vang, dóng tiếng trả lời: Có chứ! Đón tôi vào gian nhà lợp cói Vân Hoàn, Nga Sơn, chỉ tay lên mái lẩm nhẩm câu thơ “mưa dột thời nay ướt thánh hiền”. Tôi xúc động. Nhà của nhà thơ thì xiêu vẹo mà thơ của nhà thơ thì nghiêm cẩn thâm sâu.

Trong tập thơ này, Thanh Giang có bài thơ Nhớ Hữu Loan, ý tứ thâm trầm, câu chữ khắc chạm

Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim

Lầm lụi xám những chiều hoang biền biệt

Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt

Sắc tím đời ông bầm dập những con tim

 

Anh Giang ạ, tôi thấy trái tim của Anh, của Hữu Loan không “bầm dâp” mà rức đỏ như hoa, như lửa

 

Sắp vào tuổi 80, Anh trở lại với những vùng địa chất và Anh viết bài “Tâm tư chiều”:

Mây đã bạc đầu

Chiều đã rêu phong

Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ

Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ

Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

 

Gió quét, sương sa, mưa rỉ rả mòn

Trăng đã soãi một bình nguyên yên ả

Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá

Ngổn ngang trời

Nắng lóa

Núi xanh tuôn

 

“Mây đã bạc đầu” chưa lạ. “Chiều đã rêu phong” thì lạ quá! Một không gian trầm mặc, một thời gian đổi thay âm thầm. Nói trời đất mà xao động chuyện con người. Tiếp câu “ buồn lởm chởm…ngổn ngang trời/ nắng lóa/ núi xanh tuôn” thì câu chữ có ma lực hiện hồn, sinh khí chứa chan. Giá bài thơ này được đưa vào bảo tàng đá Đồng Văn – Hà Giang thì chắc là những miệng đá cổ xưa sẽ hát lên. Bài thơ sẽ âm vang giữa Bảo tàng địa chất Quốc tế. Thế giới sẽ nghe bài thơ của Anh đấy! Thế là hạnh phúc quá rồi, cần chi nữa. Anh cứ nghiêng mắt tuổi già mà đọc nhỏ nhẹ bài thơ tặng cháu

“Bên này bàn chân/ xám đem màu nắng/bên kia gạo trắng chen nhau bay lên/ bập bênh bập bênh/ngọn cây vút lên/mặt trời tụt xuống/cả hồ rau muống/dập dà dập dềnh”.

Thanh Hóa, ngày 15 tháng 02 năm 2015

Tức 25 tháng 01 Ất Mùi

 VÂN ĐẮC