ĐÔI ĐIỀU VỀ “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”

Nguyễn Ngoc Sơn

nguyên giảng viên Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1959-1970)

 

Tác phẩm được viết rất công phu, tư liệu dồi dào, phong phú...thể hiện một phương pháp làm việc khoa học: cần mẫn sưu tầm, tích góp lâu dài và cập nhật kịp thời các nguồn tài liệu của quá khứ và đương thời. Xử lý khách quan khoa học những tư liệu gắn với mỗi đối tượng được tiếp cận.

 

“Đêm Dày Lấp Lánh” không chỉ là tác phẩm viết về các danh nhân quá khứ và đương thời mà, cao hơn thế, nó còn là một công trình nghiên cứu công phu, ánh xạ tầm mức trí tuệ của tác giả trên các lĩnh vực triết học, chính trị, văn chương, nghệ thuật...

 

Ở mỗi nhân vật được đề cập, tác giả đã khéo trích dẫn những tư liệu chính yếu (phát ngôn, bài viết, tác phẩm...của đối tượng tiếp cận), từ đó khắc họa, làm nổi bật đặc trưng phẩm cách mỗi người, không ai giống ai, nhưng đều hướng đến và kiên định đấu tranh, hy sinh cho mục tiêu lý tưởng: DÂN CHỦ & NHÂN QUYỀN cho người Việt Nam, ở đây và lúc này. Mỗi người mỗi vẻ, nhưng cũng chưa dám chắc đã mười phân vẹn mười..

 

Việc chọn các nhân vật để vinh danh, từ Nguyễn Trãi đến những người đương thời,đủ các lứa tuổi, các thành phần xã hội, hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau...trên các địa phương trong cả nước...là một chủ ý đáng được khích lệ. Thông điệp mà người đoc nhận được chính là: Anh hùng hào kiệt, người tài giỏi của đất Việt thời nào cũng có, như một dòng chảy liên tục của lịch sử, từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, đó là những vì sao luôn luôn lấp lánh trong cảm thức các hậu duệ con Rồng cháu Lạc.

 

Tôi thích các bài viết về: Trần Xuân Bách, Văn Cao, Hoàng Minh Chính, Trần Dần, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện...

 

Đọc Nguyễn Thanh Giang không dễ, nhất là chưa được đọc toàn bộ tác phẩm của ông (cho đến hiện nay). Phải trang bị kiến thức vừa rộng lại phải vừa sâu trên nhiều lĩnh vực, không chỉ Khoa học Xã hội và Nhân Văn mà cả Khoa học Tự nhiên...Tranh biện với Thanh Giang càng không đơn giản, phải thật khách quan, công tâm, trong sáng, chân tình, thực sự cầu thị truy tầm chân lý, không áp đặt tư duy mới mong tìm được sự đồng thuận, cùng góp ích cho cộng đồng.

 

Đọc Nguyễn Thanh Giang hơi mệt vi, không thẻ đọc nhanh (như đọc ĐÈN CÙ chẳng hạn) mà phải vừa đoc vừa suy ngẫm, đối chiếu với ý kiến riêng của mình, không phải lúc nào, điểm nào cũng đồng tình hoặc đồng thuận với tác giả.

 

Cảm ơn tác giả đã cho tôi đọc “Đêm Dày Lấp Lánh”, trong khi có nhiều người lại được khuyên bảo rằng không nên đọc!?

 

Hà Nội 6 tháng 4 năm 2015

 Nguyễn Ngọc Sơn