Nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang

bị phong tỏa

                          Nguyễn Tường Thụy

 

 Sáng 21/7/2015, bác Nguyễn Thanh Giang mời khoảng 25 người đến nhà riêng số 5 ngõ 341, đường Trung Văn (Khu tập thể Địa Vật lý Máy bay, đối diện UBND phường Trung Văn quận Nam Từ Liêm). Khi mọi người đến thì bị rất đông công an và những người mặc thường phục đặt biển cấm chặn từ đầu ngõ. Bọn này rất hung hăng. Chúng xô đẩy, đe dọa, cấm quay phim, đòi giữ máy.

 

Khám xét vô luật

 

Khi vợ tôi đến, lập tức chúng chặn xe lại không cho đi. Một người mặc thường phục ra lệnh, rất hách dịch:

 

- Khám chiếc xe này. Lý do gì không cần biết

 

Tôi đã gặp nhiều an ninh Bộ hoặc thành phố Hà Nội. Đa phần họ tỏ ra ôn hòa. Nhưng chưa bao giờ, tôi thấy đứa nào hách dịch như vậy? Ra lệnh khám xe, nó lấy tư cách gì và dựa vào qui định nào? Tất nhiên là không có. Nhưng nó lại có rất nhiều quân đủ loại xung quanh: công an sắc phục có, dân phòng có, đeo băng đỏ có và nhiều đứa cũng chẳng cần đến sắc phục hay cái băng đỏ nào hết sẵn sàng lao vào cưỡng bức chúng tôi.

 

Hai gã xông đến định giật chìa khóa xe của vợ tôi. Cô ấy giật lại:

 

- Này, Bộ trưởng công an không cho phép chúng mày làm thế nhé.

 

Chúng chùng tay, quay sang đòi kiểm tra đồ. Đây là những thứ bác Giang nhờ cô ấy mua giúp để tiếp khách. Biết là chúng chẳng nghi ngờ gì mà kiểm, chỉ là ra oai thôi, mà thị uy thì ai sợ nhưng không cho chúng kiểm tra thì không mang vào được nên vợ tôi đành chấp nhận. Chúng kiểm tra ra vẻ rất kỹ, làm như cô ấy mang tài liệu hay vũ khí để lật đổ chính quyền đến nơi. Còn kiểm tra giấy tờ xe thì xin miễn, thích thì đem về đồn, chỉ sợ đến lúc lại phải mang đến nhà trả.

 

Vu vạ

 

Hoàng Văn Hùng đến sớm nên vào được nhà. Khi thấy mọi người bị chặn, anh ra xem sao thì chúng không cho anh vào nữa. Anh lang thang ngoài đường mãi không về được vì xe để trong nhà bác Giang. Cuối cùng chúng vào dắt xe ra cho anh chứ nhất định không cho anh vào. Anh phản ứng việc ngăn chặn thì gã chỉ huy gây sự, đe dọa, xô đẩy anh một đoạn dài. Tôi sợ nó đánh anh nên chen vào khuyên giải. Lập tức, một gã xông vào lôi tôi ra, còn vu cho chúng tôi không được đánh nhau ở đây và nói nhiều câu rất hỗn láo xấc xược.

 

Kể chuyện công an vu vạ, tôi chợt nhớ ra một trường hợp khác. Có lần tôi quay phim cảnh cảnh sát cơ động giữ xe người đi đường ở đoạn đêm tối, mấy đứa cứ dướn người lên che ống kính của tôi. Khi thấy quay đã đủ, tôi vỗ nhẹ vai một đứa:

 

- Thôi, bác quay xong rồi, cháu không cần phải đứng thế đâu.

 

 

Thì lập tức, nó quay ngoắt lại tru tréo:

 

- Á à, ông đánh tôi đấy nhé.

 

Còn lần này, ngoài chuyện chúng vu cho tôi và Hùng định đánh nhau như đã nói ở trên, xin kể thêm chuyện tay chỉ huy vu cho một bác cũng tầm tuổi bác Giang, bác Phạm Ngọc Luật, em cọc chèo của bác Giang, nguyên Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin:

 

- Anh xô vào tôi. Anh đừng nói tôi đẩy.

 

-Tôi không xô anh. Anh lấy ngực đẩy tôi hai lần đấy. 

 

- Anh xô vào tôi.

 

- Tôi không dại gì xô vào anh. Tôi ngần này tuổi, anh bằng ấy tuổi, tôi dại gì mà xô vào anh. Anh nói nó vô lý. 

 

Màn ai xô ai đẩy còn diễn ra hồi lâu.

 

Hẳn là bài vu vạ đã được dạy. Nhân đây, xin có lời khuyên, những ai tiếp xúc với công an, cần hết sức cảnh giác với bài này đừng mắc mưu chúng.

 

Lý do gì không cần biết

 

Bác Luật phản đối:

 

- Anh chẳng có quyền gì cấm tôi.

 

Tay chỉ huy nói:

 

- Tôi có quyền.

 

- Quyền anh đâu?

 

- Khu vực này đã cấm. Tất cả mọi người không cho vào. Tuyên bố luôn như thế.

 

Nhân được thông tin mọi người bị chặn ở đầu ngõ, bác Nguyễn Thanh Giang ra. Bác hỏi:

 

- Ai là chỉ huy ở đây?

 

Không có câu trả lời. Chúng chỉ nói đây là lệnh cấm. 

 

Hoàng Hùng hỏi: 

 

- Anh nào cấm? Tại sao cấm?

 

Bác Giang hỏi một đứa:

 

- Anh bảo dứt khoát không cho ai vào nhà tôi phải không?

 

Nó trâng tráo:

 

- Không cho.

 

- Lý do gì?

 

- Lý do gì không cần biết

 

Thấy chúng tôi chụp ảnh, gã chỉ huy ra lệnh:

 

- Tất cả đã có biển cấm. Trường hợp nào quay phim chụp ảnh mà chưa được phép giữ ngay máy lại. Một là xóa đi hai là giữ máy.

 

Thái độ bác Giang vô cùng phẫn nộ. Mỗi lời phản đối môi bác run lên thể hiện tất cả sự uất ức, căm hờn. 

 

 

Nhưng biết làm sao. Chúng đang nhân danh chính quyền mặc dù hành vi phạm pháp đã quá rõ. Loại này, không bao giờ kiện được chúng vì đơn đi đến đâu sẽ bị đọng lại ở đấy. 

 

Vì sao lại phong tỏa nhà Ts Nguyễn Thanh Giang?

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao, ngày hôm qua, công an lại cấm, không cho thân hữu của Ts Nguyễn Thanh Giang vào với ông? 

 

Cần phải nhắc lại câu chuyện Ngân hàng Vietcombank theo lệnh của Bộ công an phong tỏa tài khoản của ông từ năm 2011. Tháng 4 năm nay, bác đem chuyện này chia sẻ với một số anh em trong giới đấu tranh. Mọi người khuyên bác phải kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc. Cuối cùng, xem chừng khó nuốt trôi vì bị công luận lên án, Vietcombank buộc phải trả tiền cho bác. Đây là thắng lợi của giới đấu tranh và công luận. Cuộc họp mặt ngày hôm qua là do Ts Nguyễn Thanh Giang mời để cảm ơn những người đã đồng hành và lên tiếng ủng hộ bác. Phải chăng cay cú vì buộc phải trả tiền cho bác mà công an tìm cách phá cuộc gặp mặt.

 

Được biết, những người đến với Ts Nguyễn Thanh Giang nhưng bị chặn không cho vào nhà có đại tá Bùi Văn Bồng, chủ trang block Bùi Văn Bồng, Vũ Linh, giảng sư Đại học Bách Khoa, Phạm Ngọc Luật, nguyên Phó Giám đốc NXB Văn hóa - Thông Tin, Nhà văn Phạm Thành, Hoàng Văn Hùng, Hội viên Hội NBĐL, các thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, Vũ Văn Hùng, Nguyễn Trường Thanh, chị Nguyễn Thị Nhung và cháu Siêu, anh Lê Hùng, Trương Dũng, những anh em khác: Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Sơn, Sơn Quốc Bảo, Phạm Văn Trội, hai vợ chồng tôi Nguyễn Tường Thụy và Phạm Thị Lân...

 

Việc phải buộc trả lại tiền cho Ts Nguyễn Thanh Giang, là một cái tát vào mặt những gã công an ngu dốt, làm càn. Phá cuộc gặp măt thân ái, không có mục đích chính trị là phi pháp, vô đạo. Đấy là một ngón đòn trả thù cho sự bẽ bàng của họ. Cần tiếp tục sát cánh cùng bác Giang , theo dõi để ngăn chặn những đòn thù tiếp theo.

 

Nói một đằng, làm một nẻo

 

Vụ phong tỏa nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ngày 21/7/2015 của công an Việt Nam đã vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn. Chuyện xảy ra ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đi Hoa Kỳ gặp Tổng thống Obama về. Hẳn mọi người còn nhớ những lời hoa mỹ của ông Trọng rêu rao ở Mỹ: “Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay".

 

Trả lời câu hỏi của học giả Mỹ về tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận ở VN ông Trọng còn khoác lác: “Tôi biết nhân quyền là vấn đề Mỹ rất quan tâm, đây cũng là vấn đề VN rất coi trọng. Bảo đảm và cải thiện quyền của công dân là ưu tiên cơ bản và chiến lược của chúng tôi”.

 

Và khi ông Nguyễn Phú Trọng về nước, dư luận Hoa Kỳ đã được phía Việt Nam trả lời bằng hành động, mà vụ phong tỏa nhà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ngày 21/7/2015 là một ví dụ.