ĐỂ LỰA CHỌN ĐƯỢC NGƯỜI XỨNG ĐÁNG

VÀO CƠ QUAN ĐẠI BIỂU CAO NHẤT CỦA NHÂN DÂN

 

Sự kiện quan trọng nhất trong năm 2007 sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 tới. Người ta chờ đợi Đảng và Nhà nước đặt vấn đề chuẩn bị cho công việc này từ lâu nhưng mãi đến Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư vừa rồi mới thấy dề cập đến. Chẳng những về thời gian như vậy là qúa muộn mà cách đặt vấn đề cũng chưa thỏa đáng lắm!

I. Tầm quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007

Nghịch lý trớ trêu đến mức trở thành nỗi cay đắng khôn nguôi là, cho đến nay, Việt Nam không chỉ tụt hậu xa so với thế giới mà còn bị xếp hạng thấp kém so với ngay cả các nước Đông Nam Á, trong khi cựu thủ tướng một quốc gia giầu mạnh nhất Đông Nam Á, ông Lý Quang Diệu đến bây giờ, trong lần đến Việt Nam mới đây, vẫn phải thừa nhận rằng “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi vì so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau bất cứ nước nào trong khu vực."

Đặt vấn đề so sánh Việt Nam với các nước Đông Nam Á như vậy là vẫn chưa đúng tầm. Ngay ngoại trưởng siêu cường Hoa Kỳ Condoleezza Rice cũng phải thốt lên lời khẳng định sự so sánh có quy mô toàn cầu: “ Việt Nam, nơi có sức sống mãnh liệt nhất mà tôi từng đến".      

Nghịch lý cay đắng nêu trên là hệ quả của một nghịch lý lớn khác: trong nhiều thập kỷ gần đây, Việt Nam luôn luôn phải đi trong cái thế chổng ngược đầu xuống đất. Đó là cái thế mà trong cơ cấu xã hội, quan trí luôn luôn thấp hơn dân trí. Quan trí ở dưới dân trí. Năm ngoái, nghe ông ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh trả lời chất vấn ở Quốc hội người ta đã thấy ngao ngán; năm nay, nghe ông Nguyễn văn Hiện người ta càng hết sức ngạc nhiên. Một ông chánh án tòa án nhân dân tối cao của một quốc gia mà cả khả năng tư duy lẫn trình độ văn hóa ứng xử đều kém hơn một học sinh trung học. Ông Thủ tướng mới lên với khả năng ứng đối mạch lạc hơn, thái độ tự tin hơn, may chăng có làm cho người dân quên dần nỗi xấu hổ về một ông Thủ tướng của mình mà phải càm mảnh giấy để đọc, khi ứng đối với một vị lãnh đạo nước ngoài!

Đối với quốc gia, quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan lập hiến và lập pháp duy nhất, là cơ quan giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước, là cơ quan cao nhất quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia. Cho nên xác định mục tiêu lựa chọn đại biếu Quốc hội mà viết như Thông báo hội nghị lần thứ tư ban chấp hành trung ương Đảng khóa X: “ lựa chọn và bầu được những đại biểu Quốc hội trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư … ” , hay nói như tổng bí thư Nông Đúc Mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 : “ …để bầu được những đại biểu Quốc hội thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân … những người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”, đều chưa đủ và chưa đúng yêu cầu cơ bản. Đại biểu Quốc hội không chỉ cần “ trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ”, hay “ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ” mà cơ bản phải có khả năng thực hiện những trọng trách của Quốc hội. Đó là, có trình độ bàn thảo để “ quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia ”,        “ giám sát tối cao mọi hoạt động của nhà nước ” và tham gia “ lập hiến và lập pháp ”. Chỉ với những đại biểu như vậy mới đảm bảo để “ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân ” như nói ở trên.

Sau nhiều thập kỷ trầm luân, vấn đề chọn được người tài ra giúp nước bây giờ càng vô cùng hệ trọng. Ngay trong hoàn cảnh bình thường, vấn đề tài năng của người lãnh đạo, của các vị đại biểu nhân dân đã là một trong những yếu tố quyết định vận mệnh thăng trầm của đất nước. Mới đây, khi trò chuyện với một nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam, khi được khen là người tài, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu đã khiêm tốn dáp : “ Tôi chẳng có tài gì. Có chăng ở chỗ biết sử dụng người tài. Do biết sử dụng người tài nên đất nước Singapore tuy nhỏ bé nhưng vị thế lại không nhỏ trên thế giới."

Làm thế nào để chọn được người tài đưa vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân?

II. Vấn đề ứng cử Quốc hội

Muốn nhân dân chọn được người thực sự xứng đáng cho cơ quan đại biểu cao nhất của mình thì phải đề cử được, và tạo điều kiện để, những người tài cao đức trọng ra ứng cử Quốc hội. Tình trạng “ Đảng cử dân bầu ” đã ngăn trở rất nhiều khả năng những người tài trong nhân dân được đề cử và ứng cử đại biểu Quốc hội. Nó là một tệ nạn biểu hiện sự độc quyền độc đoán tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam, đến mức đó đây đang rộ lên ý định tẩy chay cuộc bầu cử năm 2007 này. Phương thức thông qua hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì qua bao nhiêu năm đã lộ rõ là một thủ đoạn xảo quỵệt mà trơ trẽn của Đảng, chỉ cho những người của mình được đề cử vào Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi, một công cụ của Đảng dù hiệp thương rộng hay hiệp thương hẹp cũng chỉ dám theo chỉ thị của Đảng để chọn những người “ trung thành với tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ” mà thực chất là trung thành với Đảng trong khi Đảng đã trung thành bán mình cho mấy vị ngoại bang : Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông. ( Tệ hại hơn nữa là Đảng bắt quân đội cũng chỉ được trung với Đảng ( chứ không trung với nước ) để quân đội phải sẵn sàng xả đạn vào đầu và lái xe tăng chà nát thây những nhân dân nào dám chống chủ nghĩa xã hội như ở Thiên An Môn chăng ? ).

Để thoát khỏi tệ trạng “ Đảng cử dân bầu ” tồn tại đã lâu, cần gấp rút soạn thảo và ban hành một bộ luật mới về bầu cử quốc hội. Ở đây chỉ xin đề cập đến một vấn đề lớn trong nội dung bộ luật mới đó : vấn đề ứng cử Quốc hội.

Những quy định trước đây đối với người ứng cử xem ra rất đơn giản. Hồ sơ ứng cử chỉ gồm :

  1.  Đơn xin ứng cử.

  2.  Sơ yếu lý lịch có xác nhận của tổ chức, đơn vị hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

  3.  Tiểu sử tóm tắt và 3 ảnh mầu cỡ 4x6. Hồ sơ này phải nộp chậm nhất 60 ngày trước ngày bầu cử Quốc hội.

Quy định này quá đơn giản và lỏng lẻo. Ở một số nước, ngoài quy định tuổi tác và thời gian cư trú      ( Hiến pháp Hoa Kỳ quy định : “ Không một người nào sẽ được bầu làm dân biểu nếu chưa tới 25 tuổi, nếu chưa làm công dân Hiệp chủng quốc được 7 năm, và nếu khi được bầu không cư trú tại tiểu bang đã tuyển lựa mình ”, “ Không một người nào sẽ được bầu làm thượng nghị sỹ nếu chưa đến 30 tuổi, nếu chưa làm công dân Hiệp chủng quốc 9 năm, và nếu khi được bầu không cư trú tại tiểu bang đã tuyển lựa mình ”. Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức : “ Người có quyền bầu cử là người đủ 18 tuổi. Người có thể được bầu là người đạt độ tuổi thành niên ” …), người ta còn quy định một số điều kiện như ứng cử viên phải lấy được một số lượng chữ ký ủng hộ của cử tri theo quy dịnh của từng nước ( cao như ở Bỉ là 200 đến 500 chữ ký; thấp như ở Canada chi 2 chữ ký ). Có nước quy định ứng cử viên phải nộp một khoản tiền cược trước.Ở Anh 150 Bảng, ở Pháp 1.000 Franc, ở Nhật 100 Yên… nếu ứng cử vào hạ viện. Ứng viên thượng viên hay tổng thống phải nộp một khoản tiền lớn hơn. Số tiền này chỉ được hoàn lại nếu họ nhận được một lượng phần trăm số phiếu thuận nhất định. Ở Pháp là 5%, ở Italia là 1,5% tổng số phiếu bầu. Tiền cược của những ứng cử viên không thu được lượng phiếu bầu quy định sẽ bị sung vào công quỹ.

Một số nước nghiêm cấm những công dân có nghề nghiệp, chức sắc liên quan đến hoạt động của Nghị viện không được ra ứng cử. Muốn trở thành nghị sỹ thì phải từ bỏ chức sắc, nghề nghiệp đang đảm nhiệm. Cộng hòa Pháp còn quy định: tỉnh trưởng, thẩm phán, các thành viên tòa án hành chính, tổng thanh tra kinh tế quốc gia, tổng kỹ sư vận tải, đại biểu hội đồng vùng, những quan chức do nhân dân bầu, không thể được bầu làm đại biểu ở hạ viện ở bất cứ đơn vị bầu cử nào mà họ đang thi hành nhiệm vụ hoặc đã thi hành nhiệm vụ ấy trong vòng 6 tháng trước ngày bầu cử.

Ở các nước dân chủ đa nguyên đa đảng, cũng như ta, các đảng chính trị cũng đóng vai trò chính yếu trong việc giới thiệu ứng cử viên. Các đảng phái tổ chức các hội nghị đảng để lựa chọn ứng cử viên. Ở Hoa Kỳ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có quyền đương nhiên giới thiệu ứng cử viên tổng thống và các ứng cử viên quốc hội. Các đảng phái khác chỉ được quyền giới thiệu khi trong cuộc bầu cử lần trước giành được từ 3% đến 5% phiếu bầu trong mỗi bang. Ở Anh, trước năm 1969, ứng cử viên quốc hội không cần thuộc đảng phái nào, nhưng ngày nay ứng cử viên của họ cũng do các đảng chính trị giới thiệu. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, chỉ những đảng có từ 5 ghế trở lên trong nghị viện mới được giới thiệu ứng cử viên vào nghị viện khóa tiếp theo. Những đảng mới thành lập muốn được giới thiệu phải trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như : điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành.

Việt Nam vẫn còn chế độ độc đảng nên nếu chỉ giành quyền giới thiệu ứng cử viên cho đảng phái chính trị thì không thể thoát khỏi tệ trạng Đảng cử dân bầu như bấy nay. Vì Đảng chỉ gồm trên dưới 3 triệu đảng viên được kết nạp theo khuôn thước chủ nghĩa Marx- Lenin nên muốn Quốc hội thực sự đại biểu cho trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân thì phải mở rộng cửa đón nhận các ứng cử viên tự do. Tuy nhiên để tránh tình trạng ứng cử tùy tiện, dẫn đến số ứng cử viên quá đông, cần đưa ra một số điều kiện để khống chế số lượng thông qua một quy trình bầu cử sơ bộ tự nhiên. Theo thiển ý chúng tôi, quy trình đó được quy định bởi các điều kiện sau:

-         Ứng cử viên phải lấy được ít nhất 120 chữ ký tin nhiệm của các công dân. Con số 120 này chỉ là ước định về một khả năng sẽ có không nhiều quá, cũng không ít quá số lượng ứng cử viên sẽ có. Khi số ứng cử viên tự ứng cử qúa đông thì chỉ chọn đến người có số thứ tự bằng số đại biểu Quốc hội dự kiến sẽ bầu. ( Danh sách ứng cử viên được xếp từ trên xuống theo số lượng chữ ký tín nhiệm ).

-         Số chữ ký trong một khu vực lấy phiếu tín nhiệm ( tạm gọi là đơn vị ứng cử ) không được quá 40. Điều kiện này nhằm đảm bảo ứng cử viên phải có uy tín trong một cộng đồng tương đối lớn chứ không chỉ khu biệt trong một địa phương, một dòng tộc, một cơ quan, một doanh nghiệp …

-         Đơn vị ứng cử là một huyện, quận, một bộ, ngành, một tổ hợp các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất hay nghiên cứu có it nhất 500 người. Đối với Việt Kiều, đơn vị ứng cử là một quốc gia có Việt Kiều sinh sống. Các tổ chức chính trị mới thành lập ở trong nước nếu trình bầy  được chính cương điều lệ rõ ràng trước ngày Hội đồng bầu cử đuợc thành lập, có số thành viên trên 40 cũng được xem là một đơn vị ứng cử.

-         Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cũng được ứng cử tự do ( Cần hủy bỏ ngay “ Mười chin điều cấm kỵ dảng viên CSVN ” ) .

-         Người được một cá nhân, một tổ chức đề cử nếu thỏa mãn những điều kiện trên cũng được chấp nhận.

-         Việt Kiều chỉ được ứng cử chứ không bầu cử.

Ứng cử viên và người được đề cử đáp ứng được các điều kiện trên, có giấy chúng nhận của xã, phường không can án, có giấy xác nhận bệnh viện không mắc chứng tâm thầm, không nghiện ma túy đều phải được hội đồng bầu cử ghi tên vào danh sách để nhân dân bầu cử vào Quốc hội.         

Mấy thiển ý trên đây có thể khó được đa số chấp nhận ngay. Việc bàn thảo đòi hỏi phải có thời gian. Để bảo đảm kỳ bầu cử Quốc hội này tương đối có thực chất, nên hoãn ngày bầu Quốc hội khoảng một quý so với dự kiến 20 tháng 5 năm 2007.

Hà Nội ngày 30 tháng 1 năm 2007.

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

 Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

 Điện thoại : ( 804 ) 5 534370