VỀ ĐIỀU PHÁT BIỂU CỦA ÔNG NGUYỄN THANH GIANG

 

Trong bài phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Giang cuối tháng 11 vừa rồi của điện báo BBC, phóng viên BBC hỏi ông Nguyễn Thanh Giang:

“ Thưa ông xét thời điểm hiện nay thì giới trí thức tại Việt Nam là lực lượng có ảnh hưởng (đến phong trào dân chủ hóa) ở mức độ nào”?

Ông Nguyễn Thanh Giang trả lời:

“ Tôi nghĩ rằng họ có ảnh hưởng rõ ràng, nhưng mức xuất đầu lộ diện của họ đến mức độ nào còn tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi người. Người ta có thể hình dung phong trào dân chủ hóa Việt Nam như là một tảng băng lớn có phần nổi và phần chìm. Trong phần nổi như chúng ta đã thấy những gương mặt như Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phú, Lê Hồng Hà và giáo sư Hoàng Minh Chính, đều là những nhà trí thức. Còn bên trong phần chìm thì càng có nhiều trí thức mà bây giờ họ chưa chịu xuất đầu lộ diện, chưa tiện tỏ ra chống đối công khai, chớ còn lảnh đạo cuộc dân chủ hóa này càng phải là trí thức và đang là trí thức”!

Trong quá trình đấu tranh dân chủ hóa đất nước, những nhà trí thức ở trong nước có ảnh hưởng mạnh, họ là chủ lực. Chính những nhà trí thức ấy đã khởi xướng phong trào dân chủ hóa Việt Nam. Họ là nạn nhân sớm nhất của Chuyên Chính Vô Sản (CCVS). Thật sự phong trào dân chủ hóa đất nước được nhắc đến từ thời giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, những năm đầu năm 50 tại đại học Thanh Hóa, ông tố cáo Chuyên Chính Vô Sản (CCVS) đã nhốt những nhà trí thức, những nhà văn hóa, những nhà văn học nghệ thuật trong những “chuồng” chật chội! Sau đó, cụ Phan Khôi, khi còn ở chiến khu Việt Bắc cũng như sau ngày hòa bình (1954) trở về Hà Nội, cụ là một trong những người lãnh đạo phong trào dân chủ hóa Việt Nam. Sự cố Nhân Văn - Giai Phẩm năm 1956-57 có sự đóng góp tích cực của cụ Phan, là sự nổ bùng của trí thức Việt Nam chống lại Chuyên Chính Vô Sản (CCVS), đòi hỏi dân chủ hóa đất nước. Theo Lữ Phương thì quá trình đòi hỏa dân chủ đã xuất phát “từ thời Nhân Văn Giai Phẩm rồi! Ngoài ra, cũng có phong trào cũng mang tính chất như vậy rầm rộ hơn, đó là phong trào “Vận Động Đổi Mới” diễn ra từ năm 1986 mà nội dung chính yếu của nó là phê phán thẳng vào cách thức quản lý chuyên chính duy ý chí của đảng về mọi mặt. Sau đó không lâu bị Đảng trấn áp, nhưng nó vẫn tiềm tàng phát triển”. Đúng như nhận định của ông Nguyễn Thanh Giang “phong trào dân chủ hóa Việt Nam như một tảng băng lớn có phần nổi và phần chìm”. Về ‘phần chìm’ này, trường hợp Nguyễn Trần Bạt là một trong muôn vạn trường hợp điển hình. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Trần Bạt để tâm xét đến những biến động tình hình quốc tế, vào thời đó ông đã nhận định: “…hệ thống các nước XHCN sẽ sụp đổ và Việt Nam chắc chắn là phải có đổi mới”! Nhưng thử hỏi làm sao ông dám công khai bày tỏ nhận định của mình như vậy trong thời buổi ấy! Xuyên suốt lịch sử đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam cho đến ngày hôm nay, không ai có thể quên được những tên tuổi: Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dức Thảo, Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Đoàn Giỏi, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Nguyễn văn Trấn, Hoàng Tụy, Tương lai, Nguyễn Thanh Giang, Le Hồng Hà, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Trần Bạt, Lữ Phương, Bùi Minh Quốc, Đoàn Giao Thủy, Hà Sĩ Phú, Phan Đình Diệu…và nhiều người khác. Có người đã nằm xuống, có người còn sống vẫn hăng say đấu tranh cho dân tộc và đất nước. Mãi về sau này trong những năm 90, của thế kỷ trước, ông Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên lão thành Nam bộ, đã phẫn nộ phản đối CCVS công khai. Ông Trấn ‘đội’ đơn xin ra khỏi đảng ở tưổi ngoài 70, sau khi ông tố cáo thân phận người trí thức yêu nước sống trong CCVS như ‘đồng tiền vàng nằm trong cục phân heo’!(1) Sau hành động tích cực của ông Trấn phong trào dân chủ hóa Việt Nam có cơ bùng nổ thật sự, khiến một số lượng “phần chìm của tảng băng dân chủ hóa” đã trở nên phần nổi. Những nhà đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước xuất đầu lộ diện đông đảo, có cả Câu Lạc Bộ Kháng Chiến Sàigòn những năm 90! Có thể nói phong trào đã lan khắp mọi tầng lớp nhân dân, không còn chỉ giới hạn trong giới trí thức nữa. Dân oan khiếu kiện tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu long, đồng bằng sông Hồng họ kéo về Hà Nội và TPHCM biểu tình, là những trường hợp điển hình.

Câu hỏi sau cùng của điện báo BBC hỏi ông Nguyễn Thanh Giang:

- “Trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC hồi giữa năm nay thì ông Hoàng Minh Chính nói rằng những người đấu tranh dân chủ bên ngoài đảng sẳn sàng hợp tác với thành phần đổi mới bên trong đảng CS, nhưng giống như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam thì ông Hoàng Minh Chính thường hướng tới Hoa Kỳ với kỳ vọng là Washington gây áp lực cho Hà Nội Câu hỏi của tôi, theo ông thì hai biện pháp này cùng tiến hành song song có tạo được đích cần đến hay không hay là trong chừng mực nào đó có tác dụng ngược”

Đây là câu hỏi khá hốc búa vì nhắc đến sự cầu cạnh của ông Hoàng Minh Chính với chánh phủ Mỹ, xin họ can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam! Điều ấy vượt quá quyền hạn của chánh phủ Mỹ, cũng như vượt quá qui ước của giữa hai chính phủ Việt Mỹ là không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau. Có lẽ sở dĩ cụ Hoàng Minh Chính làm việc đó người ta nghĩ, chỉ vì cụ ở trong tình trạng “nhân cùng tất biến” mà thôi. Vì thế, ông Nguyễn Thanh Giang hướng câu trả lời của ông hoàn toàn về việc nội bộ của Việt Nam, ông nói:

- “ Khi nghĩ đến tiền đồ sẽ dẫn đến thắng lợi cho cuôc cách mạng dân chủ hóa ở Việt Nam thì tôi chưa thấy có dấu hiệu đảng CSVN sụp đổ, tôi cũng chưa thấy dấu hiệu nổ ra cuộc cách mạng mầu, tôi cũng chưa thấy dấu hiệu nói lên một Gorbachev tại Việt Nam, nhưng tôi thấy cuộc cách mạng ấy đang tiến đến một mốc thắng lợi lớn ở cái chỗ là sẽ có một Gorbachev mà ông Gorbachev này một nửa nằm trong Bộ Chính Trị của đảng CSVN liên kết với một nửa ông Gorbachev là nhà bất đồng chính kiến của lực lượng đấu tranh dân chủ trong phong trào của chúng tôi thì sẽ tạo ra một yếu tố có thể làm xoay chuyển nhận thức của xã hội, cải hóa được tình hình xã hội để buộc những nhà lãnh đạo CSVN từ bỏ con đường sai lầm cũ là lấy ý thức hệ cộng sản Macxít để mà cai trị xã hội này, đi theo con đường xây dựng một xã hội dân chủ ”.

Câu trả lời của ông Giang làm lây động những nhà đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước và môt số và trí thức ở hải ngoại (gồm có thành phần trí thức miền Nam vượt biên sau 75 và thành phần du học, trao đổi văn hóa giữa chính phủ Việt Mỹ và các quốc gia Âu châu sau thời kỳ Đổi mới) cần phải minh định tầm nhìn của họ với chính phủ hiện hành ở trong nước cũng như những nhà lãnh đạo đảng CSVN. Những nhà đầu tranh dân chủ hóa Việt Nam nhìn chính phủ Việt Nam hiện hành và các nhà lãnh đạo đảng CSVN như thế nào? Có nhìn họ như những đối tác không? Nghĩa là những người mà ta có thể kết hợp và sửa chữa cho nhau, bổ sung cho nhau hầu để cùng nhau lãnh đạo dân tộc, xây dựng đất nước tốt hơn, phát triển kinh tế nhanh hơn! Như có người đã nói tôi chỉ chống lại điều 4 Hiến pháp của Chính phủ Việt Nam hiện hành; tôi chỉ chống lại CCVS vì nó là nguyên do của tất cả vấn đề tệ hại của xã hội Việt Nam hiện tại từ độc tài bao cáp đến tham nhũng hủy hoại nền kinh tế đất nước; tôi cực lực lên án và chống lại nguyên tắc lãnh đạo đất nước của đảng CSVN vì tính chất lạc hậu, độc tài, thiếu dân chủ…Hay những nhà đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam hiện tại nhìn Chính phủ và đảng CSVN hiện tại như là đối kháng cần phải đập đổ, cần phải được tận diệt tận hủy để cho rộng đường đất nước tiến lên?! Để trả lời câu hỏi này thiết nghĩ chúng ta nên ôn lại lịch sử của phong trào dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước. Công cuộc đấu tranh đòi dân chủ tự do ở trong nước là công cuộc vận động lịch sử của toàn dân, có mặt đủ mọi thành phần xã hội. Hầu hết họ là đảng viên đảng CSVN, thành viên Bộ Chính Trị, Tổ chức Trung Ương đảng, những Tướng lãnh, những Giáo sư Tiến sĩ, những nhà tư tưởng, những Thứ trưởng, Bộ trưởng, những nhà khoa học, những nhà văn, nhà báo, những nhà kinh doanh…Họ là Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Tương Lai, Hoàng Tụy, Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu, Bùi Minh Quốc, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phú, Nguyễn Trần Bạt, Hoàng Minh Chính, Bùi Kiến Thành...Như vậy các nhà đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam hiện nay vì những ràng buộc của bản thân và lịch sử, họ không thể nhìn Chính phủ Việt Nam và đảng CSVN hiện nay như những sức đối kháng, như kẻ thù cần phải truy diệt! Để xác nhận điều này chính cụ Hoàng Minh Chính cũng đã nói: “…những người đấu tranh dân chủ bên ngoài đảng sẳn sàng hợp tác với thành phần đổi mới trong đảng CSVN…”, ông Nguyễn Thanh Giang cũng nghĩ: “…tôi cũng chưa thấy có dấu hiệu nổi lên một Gorbachev tại Việt Nam, nhưng tôi thấy cuộc cách mạng ấy (Dân Chủ hóa Việt Nam) đang tiến dần đến một mốc thắng lợi lớn, ở cái chỗ là sẽ có một Gorbachev mà ông Gorbachev này một nửa nằm trong Bộ Chính Trị của đảng CSVN liên kết với một nửa ông Gorbachev là nhà bất đồng chính kiến của lực lượng đấu tranh cho dân chủ trong phong trào của chúng tôi thì sẽ tạo ra một yếu tố có thể làm xoay chuyển được nhận thức của xã hội, cải hóa được tình hình xã hội để buộc những nhà lãnh đạo CSVN, từ bỏ con đường sai lầm cũ là lấy ý thức hệ Macxít để mà cai trị xã hội này, đi theo con đường xay dựng một xã hội dân chủ…”. Ông Nguyễn Thanh Giang đã thoáng thấy tia hy vọng nào đó? Chúng ta thử tìm hiểu xem với những dấu hiệu và những chỉ dẫn nào mà ông Nguyễn Thanh Giang tin có một Gorbachev đặc biệt như vậy? Vào thời điểm nào mà ông có thể phát hiện được hy vọng ấy?

. Nhìn lại quá trình tổ chức tiến hành Đại hội X của đảng CSVN, chúng ta thầy lúc ấy đảng CSVN có những quyết định tiến bộ. Theo điện báo VOA (Tiếng nói HoaKỳ):

1)- Đảng CSVN chấp nhận nhiều ứng cử viên trong cuộc bầu cử chức Tổng Bí Thư của đảng CSVN, nghĩa là có hơn một người được ra tranh chức tổng bí thư của đảng CSVN trong mỗi Đại hội. Trong cuộc họp (giời hạn) Trung ương -15, hồi tháng 4/06, ông Nguyễn Minh Triết, Bí Thư Thành ủy TPHCM, ra tranh chức Tổng Bí Thư với đương nhiệm Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh. Mặc dầu ông Mạnh đẩy lùi được ông Triết trong cuộc bầu cử này, nhưng việc có hơn một ứng cử viên trong việc tranh cử chức Tổng Bí thư của đảng Cộng sản là chuyện chưa từng xảy ra trong xuyên suốt lịch sử tổ chức Cộng sản quốc tế! Có phải chăng đó là manh nha tư tưởng đa nguyên trong nội bộ đảng CSVN? Điều này được minh định hơn nữa, đến phiên họp khoáng đại của Quốc hội lần thứ 11 hồi tháng Sáu /06, ông Nguyễn Minh Triết chẳng những không bị trù dập, mà còn được coi như người có ‘tư tưởng cấp tiến’ đã được bầu làm Chủ tịch nước với đa số phiếu!

2)- Đảng CSVN lần đầu tiên cho áp dụng chế độ bầu cử sai ngạch trong cuộc bầu cử Ban chấp hành Trung ương đảng của đảng CSVN.

3)- Đảng CSVN cho phép Quốc hội thực hiện chất vấn công khai các Bộ trưởng, các Thành viên Chính phủ và ngay cả với Thủ tướng Chính phủ!

Những quyết định có tính chất bức phá này của đảng CSVN đã thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Cộng, và cũng mang lại hứng khởi cho nhiều người Hoa thậm chí còn tạo ra áp lực với tiến độ cải cách của đảng Cộng sản TC. Họ cho rằng Việt Nam có những bước tiến bộ có tính chất ‘phá vỡ gộng kềm ý thức hệ’. Có tin nói là ông Hồ Cẩm Đào, tỏ ý tán thành đường lối cải cách của Việt Nam, nhưng mặt khác có người nói rằng Hồ Cẩm Đào cho những hành động của Việt Nam là phản bội những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội!..

Phải nhìn nhận 3 việc làm trên của đảng CSVN vào thời đó được xem như có tính chất phá vỡ gồng kềm ý thức hệ như nhiều người Hoa cũng như nhiều người Việt ở trong nước đã thừa nhận. Đó là những nét chấm phá đầu tiên của bức tranh dân chủ đa nguyên của xã hội Việt Nam trong một ngày gần đây? Và ai là người đã đề xuất tư tưởng trên? Câu hỏi đó tôi thấy không quan trọng, điều quan trọng hơn và làm cho mọi người ngạc nhiên là đề nghị ấy được các vị lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN đều đồng thuận và cho tiến hành! Ta thấy hiệu ứng rõ ràng của tiến trình đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam do những nhà trí thức trong nước lãnh đạo.

Trong buổi Quốc Hội Công khai Chất Vấn các Bộ Trưởng, Thành viên Chính phủ và Thủ Tướng Chính Phủ tại Hà Nội (23-27-tháng 11- 2006), nhân trả lời câu hỏi của một đại biểu Quốc hội về vấn đề ‘tham nhũng và nhà công’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “…có yếu tố lịch sử trong từng thời kỳ mà theo nghị quyết của Quốc hội thì không thể hồi tố. Không thể lấy qui định hiện hành để soi lại những vấn đề mang tính chất chủ trương của Đảng, của Nhà nước trong những giai đoạn nhất định…”! Đó là câu trả lời vô cùng can đảm của Thủ tuớng Dũng vì nó có tính chất khai quật lịch sử. Qua câu trả lời này ta thấy những sự bê bối lạm dụng quyền lực, tham nhũng và nhất là những việc cho vây trái phép (bad loans) ở những ngân hàng quốc doanh đều mang tính chất chủ trương của Đảng, của Chuyên Chính Vô Sản mà không ai có quyền sửa! Thật là sai lầm, thật là vô lý lãnh đạo đất nước bằng những nghị quyết của Bộ Chính Trị. Những nghị quyết phi lý ấy áp đặt cai trị dân chúng từ thời những năm 50, 60, 70…từ thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thời một nửa Việt Nam, thời mà dân tộc ta chưa thoát khỏi được những ràng buộc, những qui luật của chiến tranh! Thật là chủ quan và chuyên chính khi đảng CSVN vẫn áp đặt tinh thần những nghị quyết đó trên cả nước cho mãi đến những năm 80, 90…và mãi đến bây giờ! Điều 4 Hiến Pháp hiện tại là một trong muôn vàn trường hợp điển hình. Phát biểu trong ngày tái nhâm chức Thủ tướng, ngày 2 tháng 8-2007, trước Quốc hội, thay mặt Chính phủ mới, Thủ tướng Dũng kêu gọi các thành viên nội các của ông: “Khẩn trương chuẩn bị và bước vào thực hiện chiến lược phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững tiến cùng thời đại và sớm trở thành một nước công nghiệp theo chiều hướng hiện đại..” Ông Dũng không hề nhắc đền lãnh đạo của Đảng trong ngày nhậm chức của ông, và ông cũng quên nhắc đến ‘đinh hướng xã hội chủ nghĩa’, ông xác định lập trường lãnh đạo đất nước và phát triển kinh tế theo dường lối của Nội-các của ông và của riêng ông là theo xu thế, chiều hướng hiện đại của thế giới! Cũng trong ngày tái nhâm chức đó, Thủ tướng Dũng phát biểu: “Thách thức lớn nhất đối với Chính phủ và hệ thống hành chánh nhà nước là phải vượt lên chính mình, xây dựng cho được một chính phủ và hệ thống các cơ quan thật sự là của dân, do dân vì dân trong sạch và vững mạnh, có kỷ luật kỷ cương, hiệu quả cao, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…”. Vượt lên chính mình là gì nếu không phải từ bỏ Chuyên Chính Vô Sản? Qua lời phát biểu ấy ai cũng phải công nhận Thủ tướng Dũng đang theo đuổi một chế độ Pháp trị xây dựng trên tư tưởng Xã hội Dân sự!

Như vậy, chúng ta có thể nói có nhiều ông Gorbachev chứ không phải chỉ có một ông! Có Gorbachev đang lù lù trước mặt chúng ta, có Gorbachev chúng ta chưa nhìn thấy kịp. Thật sự, theo tình hình xã hội ở trong nước hiện nay, chỗ nào cũng có “tiếng chưa nói lên” (2), chỗ nào cũng có Gorbachev chưa xuất hiện./.

Đào Như
Oak park,Illinois, USA
Dec/5/07
Bác sĩ Đào Trọng Thể
thetrongdao2000@yahoo.com
(1) Nguyễn Văn Trấn - Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội- (Đồng Tiền Vạn Lịch)
(2) Văn Cao - Anh có nghe không (thơ)- 1956